Cơn mưa rào bất chợt trút xuống Trường Đô, mang theo mùi hanh hao của nắng hạ sắp về.
Trong đình, Chu Thái Nghi khoác một tấm áo choàng mỏng, cặm cụi đưa bút. Tống Nhã Uyên đặt lư hương bên cạnh trản đèn cạn dầu, rồi ngồi xuống bên cạnh ông.
Y nhìn những vết đồi mồi trên tay ông, nhẹ giọng bảo: "Dạo này, nắng mưa thất thường, Tiên sinh chú ý sức khỏe, đừng để nhiễm lạnh. Con đã dặn Dĩ An hầm canh gà, lát nữa người dùng một chút cho ấm dạ."
Chu Thái Nghi gật đầu, gác bút lên nghiên, rồi nắm lấy đôi bàn tay lạnh lẽo của y. Ông dịu dàng hỏi: "Vết thương trên bụng con thế nào rồi? Con định giấu ta đến bao giờ?"
"Là con trèo tường tự ngã." Y lúng túng quay mặt đi nơi khác.
Chu Thái Nghi thở dài: "Đêm hôm đó có phải con trà trộm vào Thông Chính Ty?"
Tống Nhã Uyên im lặng một lúc, nhìn mép giấy bị gió thổi, rồi mới chịu lên tiếng: "Thông Chính Ty giấu ém công văn cứu tế, không trình lên Nội Các. Con chỉ muốn biết sự thật."
"Tống An Hòa, con lấy tấu sớ?" Giọng Chu Thái Nghi trầm lại.
Tống Nhã Uyên cúi đầu, bĩnh tĩnh nói: "Con biết con sai, nhưng nếu không làm, dân sẽ khổ. Bị tra tới, con sẽ chịu trách nhiệm."
Chu Thái Nghi chua xót nhìn y, khẽ nói: "Ta không trách con. Nhưng ta không muốn con đi mãi trên con đường này, đến lúc ngoảnh lại, không còn thấy chính mình."
Hai người im lặng hồi lâu. Ngoài trời chỉ có tiếng mưa dầm dề như tiếng đàn vỡ tan trên hiên nhà.
Chu Thái Nghi xoa đều lên bàn tay của y, dịu giọng nói: "Cơ thể của con vốn đã dễ bệnh rồi. Thái y nói, vết thương suýt lấy mạng con. Ngã kiểu gì mà thâm tím cả hai tháng không tan?"
"Con bị ngựa đá." Tống Nhã Uyên cất giọng lí nhí.
"Sao?" Chu Thái Nghi mở to mắt.
"Con nói con bị ngựa đá."
"..." Ánh mắt Chu Thái Nghi như thể không tin vào những gì mình vừa nghe thấy.
Tống Nhã Uyên liền đánh mắt sang hướng khác, giọng thủ thỉ: "Con nói thật đó. Con bị ngựa đá thật mà. Đá cả hai chân. Con văng đi mấy thước."
"..."
Y vô thức xoa cổ tay mình, lại thở dài. Vòng bạc cho hắn rồi còn đâu.
Tống Nhã Uyên uể oải nói: "Chủ ngựa còn muốn cắn con một cái. Lấy luôn vòng bạc của con."
"..."
"Con đòi rồi, nhưng hắn không trả.
Chu Thái Nghi bật cười khẽ, đưa tay xoa đầu y như thể vỗ về một đứa trẻ vừa bị bắt nạt, mặc dù y đã đớp người ta hai miếng rồi.
Đào Dĩ An từ ngoài chạy vào, áo còn đẫm mưa. Hắn cúi người hành lễ với y và tiên sinh, rồi ngồi xuống rót một chén trà nóng, cuối cùng mới chịu mở miệng: "Ban nãy ở ngoài thành, con thấy đám quan viên Đăng Châu, Thái Thục, Khánh Gia kéo nhau vào kinh xin cứu đê. Năm ngoái đê vỡ, nước ngập ba thành. Công bộ chắp vá qua loa. Mấy tháng trước con đi Đăng Châu, thấy đê điều đã nứt toác hết rồi."
Tống Nhã Uyên nhíu mày, nhớ đến mấy bản công văn lấy trộm ở Thông Chính Ty.
Đào Dĩ An bất mãn, tiếp tục nói: "Năm nay mưa thì đến sớm. Đấy, hỏi thì Công bộ lại đổ cho Hộ bộ không xuất bạc, Hộ bộ lại viện lý do quốc khố đã chi cho chiến tuyến Bắc Mạc và Hoằng Tây mà đùn đẩy. Quan viên địa phương dâng tấu khẩn cầu, lại bị Thông Chính Ty gạt khỏi sổ. Con nhìn mà không hiểu nổi... triều đình muốn bỏ mặc cả ba thành sao?"
Chu Thái Nghi não nề nói: "Lúc Hoàng thượng đoạt vị, thế lực rất mạnh. Người có binh trong tay, lại có nhiều trung thần phò tá. Việc thu quyền diễn ra nhanh là nhờ đã có chuẩn bị từ trước."
Đào Dĩ An liền hỏi: "Vậy sao giờ Hoàng thượng lại yếu đến mức không kiểm soát nổi triều đình?"
Chu Thái Nghi gật đầu đáp: "Vì sau khi lên ngôi, để giữ ổn định, Hoàng thượng phải giữ lại phần lớn quan lại cũ. Công bộ, Hộ bộ, Lại bộ... đều do phe cũ đề cử hoặc tiến cử lẫn nhau. Nhưng đây cũng chính là ngọn nguồn của rối loạn. Công bộ thì chỉ làm cho có, Hộ bộ thì viện cớ quốc khố rỗng, Lại bộ thì kéo dài bổ nhiệm. Trên ra chỉ lệnh, dưới cứ trì hoãn, ai cũng né tránh trách nhiệm."
Đào Dĩ An lại hỏi: "Thế còn Thông Chính Ty? Sao tấu sớ dân tình khổ nạn không tới được tay Hoàng thượng?"
Tống Nhã Uyên ngồi im nãy giờ, mới lên tiếng: "Vì Thông Chính Ty có quyền lọc tấu, lại ăn thông với các bộ. Nơi nào không muốn bị truy xét, chỉ cần bôi trơn, tấu sớ sẽ không bao giờ đến tay phụ hoàng. Không phải phụ hoàng không muốn lo cho dân, mà là không biết dân đang khổ ở đâu."
"Nên Điện hạ mới lấy trộm tấu sớ ở Thông chính ty?" Đào Dĩ An nói xong liền giật mình, ánh mắt ái ngại nhìn Chu Thái Nghi.
"Ta biết rồi." Chu Thái Nghi nhẹ nhàng nói.
Tống Nhã Uyên liền quay qua nhìn Đào Dĩ An, hỏi: "Quan viên ba thành giờ đang ở đâu?"
"Ở phố Hương Nham." Đào Dĩ An đáp.
"Con định làm gì?" Chu Thái Nghi lạnh giọng.
"Giúp họ một tay ạ." Tống Nhã Uyên cười tủm tỉm.
Gió lạnh hắt vào hiên đình, làm Tống Nhã Uyên ho lên sặc sụa. Chu Thái Nghi đưa tay vỗ nhẹ lên lưng y. Đào Dĩ An tất tả chạy xuống bếp, lấy thuốc mang lên. Tống Nhã Uyên chỉ uống vài thìa, vị đắng len trên đầu lưỡi, bảo sao y hay lén lút đổ bỏ thuốc.
A Cát xộc vào, áo lấm tấm nước mưa. Nó cúi đầu hành lễ, vội nói: "Con vừa đi quanh thành về, thấy mấy chỗ công vụ, bến chuyển thư,... đều có người của Cấm quân. Không mặc giáp, nhưng con nhìn dáng đứng là biết."
"Bọn họ làm gì?" Đào Dĩ An hỏi.
A Cát lắc đầu: "Không làm gì cả, chỉ đứng đó nhìn rồi rút thôi."
Chu Thái Nghi bật cười: "Tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi."
"Ý tiên sinh là sao ạ?" A Cát tròn mắt.
Tống Nhã Uyên đẩy chén thuốc đi, hờ hững đáp lời: "Hắn cho quân trà trộn, là để dò tình hình. Hắn đang giăng lưới, không phải để bắt cá, mà để dò lòng người. Nhưng làm quá thì chỉ khiến thiên hạ cảnh giác."
Chu Thái Nghi khẽ cười khà một tiếng: "Thế à, hắn cũng có bản lĩnh đấy chứ. Chỉ tiếc là gặp phải An Hòa con thôi."
Tống Nhã Uyên cười nhạt, không đáp. Y quay sang nói với Đào Dĩ An: "Dĩ An, viết thư gửi cho quan viên ba thành, nói Tam hoàng tử muốn mời bọn họ dùng cơm."
Đào Dĩ An gật đầu, đứng dậy đi ngay. A Cát cũng tất bật dìu Chu Thái Nghi vào phòng. Tống Nhã Uyên ngồi nhìn mưa một lúc, rồi đứng dậy. Y đưa tay đỡ lấy mưa, rồi đem cả bàn tay lạnh ngắt, đặt lên cái gáy nóng hổi.
—
Tống Nhã Uyên ngồi trên lầu cao, ánh mắt liếc ra ngoài cửa sổ lặng lẽ nhìn xuống đoàn người tấp nập. Trời giữa trưa lại chỉ thấy đôi ánh nắng nhàn nhạt. Y khép cửa sổ lại, quay ra nhìn đám quan viên gương mặt mỗi người một vẻ.
Y nghiêng đầu nhẹ nhàng nói: "Ta nghe nói các vị vượt đường xá xa xôi vào kinh. Đi đường cũng mệt. Bữa cơm này ta mời các vị, tuy đạm bạc nhưng là tấm lòng của ta. Mong các vị không chê."
Tống Nhã Uyên vừa nói, vừa đích thân rót trà. Những người này trong mắt y chính là mồi lửa đang chực cháy. Chỉ cần đúng gió, đúng củi, thì cả Trường Đô sẽ bùng lên.
Đám quan viên nháo nhác nhìn nhau, chẳng ai động đũa. Cuối cùng quan Đô ti Thái Thục, đành dụt dè lên tiếng: "Điện hạ cũng biết, chúng thần lần này vào kinh là trái với quy củ. Nhưng nếu không vào kinh cầu cứu, dân chúng ba thành không sống nổi qua mùa lũ năm nay mất."
Tống Nhã Uyên khẽ nói: "Ta cũng là con dân Đại Khánh, thấy cảnh lầm than, sao lại không đau lòng. Nhưng ta sức yếu, quyền không có. Thế cho nên, các vị ở đây không ai sai cả. Nhưng nếu các vị chỉ là con rối của kẻ khác, thì ta khuyên thật, các vị nên về đi."
Tống Nhã Uyên không hỏi ai đứng sau họ. Y cũng không cần biết. Quan trọng là gieo vào lòng họ một mối hoài nghi, khiến từng ánh mắt nhìn nhau đều thấp thoáng ngờ vực. Lúc ấy, họ sẽ cần một người chỉ đường. Và y đã đứng sẵn trên con đường đó.
Không khí liền đặc quánh đi, chỉ có những tiếng thở thật khẽ vọng lên.
Quan viên Đăng Châu liền sụt sùi: "Điện hạ, chúng thần đều đau đáu vì nước vì dân, mới cất công vào kinh một chuyến. Làm sao có chuyện trở thành con rối của kẻ khác được."
Tống Nhã Uyên đẩy đĩa củ cải muối ra xa, rồi nói: "Ta có nghe nói, các vị gửi tấu sớ cầu cứu. Nhưng mà..."
Y liếc Đào Dĩ An, hắn liền đặt lên bàn một xấp công văn, mỗi tờ đều có dấu niêm của Thông chính ty, tất cả đều đã bị mở, nhưng không qua Nội Các.
Tống Nhã Uyên quét mắt lên từng gương mặt ngờ nghệch của đám quan viên, nói: "Công văn của các vị, tất cả đều bị chặn ở đây. Không một bản nào đến được Nội các."
Cú đặt giấy nhẹ nhàng, nhưng lại nặng hơn trăm cân. Y chẳng cần phải thuyết phục họ rằng triều đình thối nát, đống dấu đỏ đã nói thay lời y. Còn ai tin vào quốc pháp, khi chính quốc pháp bị ém trong một căn phòng khóa kín?
"Chuyện này... sao lại?"
"Sao không qua Nội Các?"
"Không ai báo với chúng thần."
Cả đám quan viên nháo nhác, tiếng rì rầm lẩm bẩm cất lên.
Y ho một tiếng, rồi ngắt lời: "Các vị cứ đổ lỗi cho triều đình không hay biết. Nhưng triều đình là ai? Là Công bộ ém ngân, Hộ bộ đổ thừa, Thông chính ty giấu tấu. Mỗi người đẩy một chút, kết quả là không ai chịu trách nhiệm. Thành ra trăm họ đói khát, cơ cực vì thiên tai. Ta thấy, nhưng yếu, không thể làm được gì. Nhưng các vị thì khác."
Y không có thực quyền, nhưng có thể ném củi vào lửa rồi rút tay sạch sẽ.
"Ý của Điện hạ là..."
Y cười chua chát, rồi nói: "Không phải cứ làm phản mới đòi lại được sự công bằng cho dân chúng. Ta nói có đúng không?"
Y thả nhẹ một câu như thở dài. Nhưng ai cũng hiểu, đó không phải câu hỏi. Đó là một tấm bùa hộ mệnh Tống Nhã Uyên ban xuống, cho bất kỳ ai sắp làm chuyện táng tận lương tâm mà vẫn muốn giữ danh chính nghĩa.
Cả lũ đều gật đầu, y mỉm cười xót xa, lại nói: "Chỉ cần một điều này thôi, đó là các vị phải đồng lòng. Góp gió thành bão. Có đôi khi, chỉ cần một giọt nước cũng có thể khuấy động cả mặt hồ tĩnh lặng?"
Một viên quan trẻ tuổi, đứng phắt dậy, trừng mắt nói: "Điện hạ đang dùng chúng thần làm kẻ giơ đầu chịu báng?"
Y nhếch miệng cười nhạt: "Không. Ta hy vọng các vị là cơn gió đầu tiên. Sinh ra trong thời loạn, thì chỉ có hai lựa chọn. Một là làm cờ chắn gió cho kẻ khác, hai là trở thành kẻ dấy lên cơn gió thật sự. Ta tuổi còn trẻ, lại vô năng. Thế nên chỉ cần các vị làm con chim đầu đàn, vãn bối như ta nhất định sẽ nhắm mắt nghe theo, dũng cảm tiến lên."
Lời đáp trả không hề phòng ngự. Trái lại, y đem chính sự vô năng ra mà tự vả, khiến tên viên quan không thể chất vấn y đang ép buộc bọn họ. Hắn sẽ tự thấy mình sai, chẳng còn đường phản bác. Kẻ giả vờ yếu đuối mà biết thời thế, biết mềm hóa cứng, chính là kẻ nguy hiểm nhất.
"Điện hạ... chuyện này." Đám quan viên quay ra nhìn nhau.
Quan viên Khánh Gia liền lên tiếng: "Điện hạ chỉ điểm rất đúng. Chúng thần nhất định sẽ dốc sức vì lê dân bách tính."
Tống Nhã Uyên gật đầu, nhìn bàn thức ăn vẫn còn nguyên, y liền nói: "Các vị xin mời tự nhiên. Các vị đi đường vất vả. Ai cũng đói rồi, thức ăn trên bàn không được để thừa. Mọi người mau ăn đi."
Họ ăn rồi, nghĩa là đã nhận. Mà đã nhận, thì không còn đường lui.
Đám quan viên rụt rè ăn, nhưng ai nấy cũng đói, thức ăn chẳng mấy mà hết sạch. Tống Nhã Uyên kêu Đào Dĩ An gọi thêm cho bọn họ. Y không đυ.ng đũa, chỉ ngồi nhìn từng người một.
Đợi đến khi mảnh trăng treo chênh chếch trên nền trời đen thẫm, đám quan viên mới lóc cóc ra về. Y tiễn từng người, rồi đứng lặng nhìn cái dáng lom khom của bọn họ đi mãi trong phố chợ đông đúc.
Tống Nhã Uyên ngồi lại trong tửu lâu, nằm dài trên tràng kỷ, vọng ánh mắt về ánh trăng loang nơi bậu cửa. Phòng bên cạnh vang lên tiếng nói tiếng cười, tiếng đàn réo rắt luồn những thanh âm lắt nhắt vọt sang căn phòng tịch mịch của y. Tống Nhã Uyên im lìm lắng nghe.