Sau Khi Bị Hại, Tôi Nhờ Nịnh Thần Giải Oan Vào Đêm Trăng

Chương 7

Trong căn phòng ấm áp như xuân đốt thụy than hồng đượm rực cháy, từng trang hồ sơ vụ án Thái Xương năm thứ hai mươi dần được mở ra, một vụ án kinh thiên động địa từng khiến thành Trường An máu chảy thành sông bắt đầu lộ rõ toàn cảnh.

Thái Xương năm thứ hai mươi, ngày mùng sáu tháng mười, công chúa Vĩnh An, Lý Doanh, trượt chân ngã xuống hồ sen mà chết. Do hồ sen trong cung nằm ở nơi hẻo lánh, hơn nữa công chúa không cho phép người hầu theo cùng, nên phải đến một canh giờ sau, cung nhân mới phát hiện thi thể Lý Doanh trong lúc tìm kiếm công chúa khắp nơi.

Thái Xương Đế và Quý phi Khương thị nghe tin, vội vàng chạy đến, trước thi thể của công chúa, cả hai khóc đến nỗi nước mắt như mưa, ruột gan đứt đoạn. Lúc ấy, họ không còn là đế phi đứng trên vạn người của Đại Chu nữa mà chỉ là đôi phụ mẫu bình thường vừa mất đi đứa con gái yêu quý nhất.

Hoàng hậu Trịnh thị cũng tới nơi, bà là thê tử kết tóc của Thái Xương Đế, xuất thân từ gia tộc Trịnh thị ở Huỳnh Dương, thân phận cao quý. Khi nhìn thấy thi thể Lý Doanh trắng bệch, lạnh lẽo nằm bất động trên mặt đất, Trịnh Hoàng hậu gần như ngã quỵ: “Vĩnh An! Sao lại thế này!”

Hoàng hậu muốn chạm vào Lý Doanh nhưng lại bị Quý phi Khương thị đang đau lòng đến tột cùng đẩy ra. Quý phi Khương thị xuất thân từ cung nữ, phụ thân bà chỉ là một thương nhân, nhờ vào sắc đẹp mà được Thái Xương Đế sủng ái và nạp làm phi tần. Khương Quý phi có tính cách cẩn trọng, ôn hòa và chưa bao giờ dám vượt quyền Hoàng hậu. Nhưng lúc này đã khác.

Cung nhân bàng hoàng nhìn Quý phi xô mạnh Hoàng hậu ra khỏi thi thể công chúa, sau đó bà gào khóc dữ dội: “Ngươi đừng giả nhân giả nghĩa nữa! Chính ngươi! Chính ngươi đã hại chết Minh Nguyệt Châu của ta! Là ngươi! Là ngươi!”

Hoàng hậu sững sờ, sau đó giận dữ quát: “Quý phi, ngươi đang nói bậy bạ gì đó!”

“Ta không nói bậy! Chính ngươi đã gϊếŧ chết Minh Nguyệt Châu của ta!”

Khương Quý phi đau đớn tột độ, bà bò đến trước chân Thái Xương Đế, nắm lấy vạt áo người, khóc lóc thê lương: “Tam lang, chính là Hoàng hậu đã gϊếŧ Minh Nguyệt Châu! Bà ấy chưa bao giờ thích Minh Nguyệt Châu, chắc chắn là do bà ấy! Chàng phải báo thù cho Minh Nguyệt Châu, nhất định phải báo thù cho con chúng ta!”

Hoàng hậu hoảng sợ, vội vàng thanh minh: “Không phải đâu, Tam lang, không phải ta gϊếŧ Minh Nguyệt Châu! Ta không làm chuyện đó!”

Khương Quý phi căm phẫn nhìn chằm chằm Hoàng hậu, bà gạt bỏ vẻ dịu dàng ngày thường, nghiến răng bật khóc: “Ngươi đừng giảo biện nữa! Ngươi ganh ghét ta được Tam lang sủng ái, ngươi ghen tỵ vì Minh Nguyệt Châu khiến tình cảm giữa hai ta càng thêm bền chặt. Từ khi Minh Nguyệt Châu chào đời, ngươi đã bao lần bày mưu tính kế hãm hại mẹ con ta. Vì lo cho con, ta đã nhẫn nhịn, nhưng không ngờ, ngươi lại tàn độc đến mức gϊếŧ chết Minh Nguyệt Châu! Ngươi thật quá mất nhân tính!”

Hoàng hậu cố gắng biện giải: “Không, ta không gϊếŧ Minh Nguyệt Châu. Nếu ta muốn hại con bé thì sao lại tác hợp hôn sự giữa cháu trai ta và con bé? Ta thật sự không làm!”

Khương Quý phi nghẹn ngào: “Ngươi chỉ lợi dụng hôn sự của Minh Nguyệt Châu để mong được Tam lang sủng ái trở lại thôi, nhưng Tam lang vẫn không đoái hoài đến ngươi, vì vậy ngươi mới tức giận và gϊếŧ chết Minh Nguyệt Châu!”

Hoàng hậu cũng quỳ sụp xuống, bò đến trước mặt Thái Xương Đế, nắm lấy áo hắn, tha thiết cầu xin: “Tam lang, ta thừa nhận ta có ý muốn nhờ hôn sự này để được chàng sủng ái, nhưng ta thực sự không gϊếŧ Minh Nguyệt Châu, ta không làm!”

Khương Quý phi khóc đến khản giọng: “Ngươi không thể sinh con thì thôi, tại sao lại phải cướp mất Minh Nguyệt Châu của ta? Tại sao? Tại sao?”

Bà không muốn đôi co với Hoàng hậu nữa, chỉ lặng lẽ ôm lấy thi thể lạnh giá của Lý Doanh vào lòng, hôn lên gương mặt lạnh lẽo của con gái như cái ngày nàng vừa chào đời, rồi nghẹn ngào lẩm bẩm: “Minh Nguyệt Châu, a nương ở đây, không ai có thể làm hại con nữa. Con quay về đi, quay về với a nương, a nương không thể thiếu con, không thể… không thể…”

Đêm hôm ấy, Khương Quý phi ôm chặt thi thể Lý Doanh khóc đến khản tiếng, ai khuyên gì cũng không buông.

Trong lòng Thái Xương Đế và Khương Quý phi, người luôn chiều chuộng con gái là Thái Xương Đế, bất kể Lý Doanh đòi gì ông đều hết lòng đáp ứng. Ngược lại, Khương Quý phi có phần nghiêm khắc hơn, bà luôn dạy con phải sống khiêm nhường, đối xử nhân hậu với người khác, chính vì thế mới nuôi dạy được Lý Doanh tính cách hiền lành, thiện lương. Nhưng không ai ngờ, một Khương Quý phi vốn cẩn trọng lại có thể vì mất con mà trở nên cuồng loạn, bất chấp hậu cung quy tắc mà sẵn sàng đối đầu với Hoàng hậu, chỉ để đòi lại công bằng cho con gái.

Sau đó, Thái Xương Đế đau lòng đến mức mấy ngày liền không ăn không uống. Khương Quý phi thì khăng khăng rằng cái chết của Lý Doanh không phải tai nạn, mà do Hoàng hậu Trịnh thị gây ra. Hoàng hậu thì ra sức kêu oan. Hậu cung loạn thành một mớ. Dưới áp lực của Khương Quý phi, Thái Xương Đế bí mật lệnh cho Đại Lý Tự điều tra kỹ lưỡng nguyên nhân cái chết của Lý Doanh. Lúc bấy giờ, Đại Lý Tự khanh Từ Nhiễm đã điều tra suốt mười mấy ngày, phát hiện Lý Doanh vì nhận được thư của vị hôn phu Trịnh Quân nên mới một mình ra hồ sen hẹn gặp. Bên cạnh hồ sen, ngoài những nội thị nhảy xuống vớt thi thể công chúa, không còn dấu chân nào khác, nên suy đoán rằng công chúa đã trượt chân rơi xuống nước và không may bị chết đuối.

Vì thế, cái chết của công chúa chỉ là một tai nạn, không hề liên quan đến Trịnh Hoàng hậu hay bất kỳ ai khác.

Thái Xương Đế và Khương Quý phi không tin vào kết luận của Từ Nhiễm, bởi Từ Nhiễm là thân thích nhà họ Trịnh, nên Thái Xương Đế cho rằng Từ Nhiễm đã bao che cho Hoàng hậu. Ông bèn giao vụ án cho Thượng thư Hữu bộc xạ Thôi Tụng Thanh đích thân tra án. Thượng thư Hữu bộc xạ là chức quan nhất phẩm của triều Đại Chu, tương đương với tể tướng, đủ để thấy Thái Xương Đế coi trọng vụ án này ra sao.

Thôi Tụng Thanh xuất thân từ gia tộc Thôi thị ở Bác Lăng, nổi tiếng chính trực, liêm khiết. Sau khi tiếp quản vụ án Lý Doanh, ông đích thân điều tra hiện trường hồ sen và phát hiện rằng suốt tháng mười trời không có lấy một giọt mưa nào, đất bên hồ khô cứng, không thể có chuyện công chúa vô tình trượt chân ngã xuống hồ. Từ đó, Thôi Tụng Thanh kết luận rằng Lý Doanh không phải vô tình rơi xuống nước, mà bị người khác đẩy xuống hồ, dẫn đến chết đuối.

Lý Doanh vốn là người ôn hòa, lan tư huệ chất, đến cung nữ trong cung cũng quý mến nàng nên không có khả năng nàng bị ai đó thù oán mà sát hại. Do đó, người khả nghi nhất chính là Hoàng hậu Trịnh thị, người vốn có mâu thuẫn với Khương Quý phi.

Thôi Tụng Thanh nhanh chóng bắt giữ các tỳ nữ thân cận của Trịnh Hoàng hậu để thẩm vấn. Tuy nhiên, tất cả đều kêu oan, khẳng định rằng Hoàng hậu không hề liên quan đến cái chết của công chúa Vĩnh An. Sau khi thẩm vấn kỹ lưỡng, một cung nữ không chịu nổi cực hình cuối cùng đã hé lộ một vài bí mật…

Hoá ra, Trịnh Hoàng hậu vì muốn lấy lại sự sủng ái nên đã hết sức tiến cử Trịnh Quân làm phò mã trước Thái Xương Đế. Thế nhưng, thật ra huynh trưởng và tẩu tẩu của bà, tức là cha mẹ của Trịnh Quân lại hoàn toàn không muốn Lý Doanh làm con dâu. Nguyên do là bởi Lý Doanh là con gái của Khương Quý phi. Khương Quý phi xuất thân từ thương nhân, trong khi nhà họ Trịnh thuộc vào ngũ tính thất vọng, là một trâm anh thế tộc truyền đời. Cha mẹ Trịnh Quân khinh miệt Lý Doanh, dù ngoài miệng không dám kháng chỉ nhưng trong thâm tâm, họ vô cùng xem thường nàng.

Còn Trịnh Quân, hắn cũng không muốn cưới Lý Doanh. Một phần vì xuất thân thấp kém phía gia tộc bên ngoại công chúa, phần khác vì Trịnh Quân đã sớm có mối tình thanh mai trúc mã với biểu muội họ Vương, tình cảm thâm sâu từ nhỏ. Vậy nên, hôn sự này thực chất là do Hoàng hậu Trịnh thị giấu giếm anh trai và chị dâu, tự mình đứng ra sắp đặt. Đến khi mọi chuyện xong xuôi, huynh tẩu của bà còn vào cung trách cứ, và đây cũng là điều khiến một cung nữ vô tình nghe được.

Khi Thái Xương Đế hay tin thì vừa đau lòng vừa tức giận. Lý Doanh là viên ngọc sáng quý giá trong tay ông, lại còn là công chúa Đại Chu, vậy mà chỉ vì xuất thân của mẹ nàng mà lại bị khinh bỉ đến như vậy. Trong cơn giận dữ, Thái Xương Đế lập tức hạ lệnh giam Trịnh Hoàng hậu vào lãnh cung, đồng thời ban mật chỉ cho Thượng thư Hữu bộc xạ Thôi Tụng Thanh, cho dù phải đào ba thước đất cũng phải tìm ra chân tướng cái chết của Lý Doanh.

Lý Doanh đọc đến đây không khỏi bần thần suy nghĩ. Nàng cười khổ: “Ta không ngờ cha mẹ của Trịnh Quân lại ghét bỏ ta đến vậy.”

Thôi Tuần thản nhiên đáp: “Người đời thường nói thà cưới con gái ngũ tính* còn hơn làm rể hoàng gia. Công chúa hoàng gia cũng không cao quý bằng nữ nhi ngũ tính. Họ đương nhiên không muốn có một nàng dâu xuất thân từ phường buôn.”

*Từ thời Ngụy Tấn, 5 họ “Trịnh, Thôi, Lý, Lư, Vương” luôn là danh gia vọng tộc. “Ngũ tính thất vọng” bao gồm: Lũng Tây Lý thị, Bác Lăng Thôi thị, Thanh Hà Thôi thị, Phạm Dương Lư thị, Triệu Quận Lý thị, Huỳnh Dương Trịnh thị và Thái Nguyên Vương thị. 7 gia tộc thuộc có 5 họ lớn. Lũng Tây Lý thị và Triệu Quận Lý thị đều là 2 nhánh lớn của họ Lý; Bác Lăng Thôi thị và Thanh Hà Thôi thị là 2 nhánh của họ Thôi.

Lý Doanh buồn bã nói: “Ta càng không ngờ, hóa ra Trịnh Quân còn có một biểu muội thanh mai trúc mã.”

Nàng hồi tưởng lại những lần gặp gỡ ít ỏi với Trịnh Quân, lúc nào hắn cũng tỏ ra là một quân tử ôn hòa như ngọc, nói năng chừng mực, cư xử khéo léo. Dù không có tình cảm sâu đậm với Trịnh Quân nhưng nàng luôn nghĩ rằng đây là người mà phụ mẫu đã chọn cho mình, chắc chắn là một lang quân tốt nhất trong thiên hạ. Vì vậy, nàng luôn vui mừng chờ đến ngày được gả cho Trịnh Quân.

Ai ngờ cả nhà Trịnh Quân đều khinh ghét nàng, còn Trịnh Quân lại coi nàng như người đã phá hoại tình duyên của hắn.

Lý Doanh vô cùng mờ mịt. Như nàng đã nói, nàng cả đời chưa từng làm điều gì xấu, chỉ vì mẫu thân xuất thân từ thương nhân mà bị cả nhà họ Trịnh khinh bỉ đến vậy. Chẳng lẽ sinh ra trong gia đình danh gia vọng tộc thì bẩm sinh đã cao quý? Còn sinh ra trong gia đình thương nhân thì trời sinh đã thấp hèn? Tại sao ngay cả khi mẫu thân đã trở thành Quý phi Đại Chu, con gái của bà, một công chúa Đại Chu cành vàng lá ngọc tôn quý hơn vạn người nhưng vẫn phải chịu sự ghét bỏ của những thần tử kia?

Rốt cuộc là lý lẽ gì đây?

Thôi Tuần nhìn nàng: “Còn muốn xem tiếp bản án này không?”

Lý Doanh hồi thần, nàng mím môi rồi kiên quyết gật đầu: “Xem.”

Dù sự thật có đau lòng đến đâu, nàng cũng muốn truy tìm đến cùng.

Trong quá trình thẩm vấn của Thôi Tụng Thanh, một tỳ nữ không chịu nổi cực hình đã khai rằng Hoàng hậu Trịnh thị đã từng triệu Trịnh Quân vào cung trò chuyện. Từ lúc hắn vào cung, thần sắc luôn rối loạn, như có tâm sự nặng nề.

Thôi Tụng Thanh liền chuyển sự nghi ngờ về phía Trịnh Quân.

Trịnh Quân bị bắt vào Đại Lý Tự, hắn là con cháu thế gia, từ nhỏ đã được nuông chiều, không chịu nổi khổ hình, vừa nhìn thấy hình cụ còn chưa cần dùng tới, hắn đã khai sạch. Hắn nói hắn hận Lý Doanh, bởi vì mẫu tộc của nàng xuất thân thương nhân, khiến hắn bị bạn bè cười nhạo. Hơn nữa, hắn và biểu muội nhà họ Vương từ nhỏ đã là thanh mai trúc mã, hai nhà đã chuẩn bị nói chuyện hôn sự, nhưng Thái Xương Đế lại đột ngột ban hôn, buộc hắn và biểu muội phải chia lìa. Vì vậy, hắn càng hận Lý Doanh hơn. Trước ngày cưới, hắn không thể chịu đựng việc phải cưới một nữ nhân có xuất thân thấp hèn như nàng, nên đã nảy sinh ác ý, viết thư hẹn nàng đến bên hồ sen. Khi nhìn thấy Lý Doanh trong trang phục lộng lẫy, tràn đầy kỳ vọng đứng đợi bên hồ, trong một khoảnh khắc, hắn đã có chút mềm lòng, nhưng sự mềm lòng đó nhanh chóng bị nỗi nhục nhã do bạn bè chế giễu và sự hận thù vì phải chia tay với biểu muội lấn át. Hắn đã lợi dụng lúc nàng không để ý, đẩy nàng xuống hồ.

Lý Doanh chỉ kêu cứu vài tiếng, rồi nhanh chóng chìm sâu vào nước. Trịnh Quân hoảng loạn, vội vàng bỏ trốn khỏi hồ sen.

Hắn vẫn còn một chút hy vọng rằng mọi người sẽ chỉ nghĩ Lý Doanh chết do tai nạn. Nhưng không ngờ, Thôi Tụng Thanh lại điều tra nhanh đến vậy.

Những chuyện tiếp theo thì ai ai cũng đã biết. Trịnh Hoàng hậu bị phế truất, vì vẫn chưa nguôi hận nên một năm sau bà bị Khương Quý phi sai người gϊếŧ chết. Trịnh Quân bị tru di cửu tộc, khiến Trường An chìm trong biển máu.

Bản án này xem ra thật hoàn hảo, Trịnh Quân có động cơ, có thời gian và chính hắn cũng đã nhận tội. Vậy nên nếu không phải vì Lý Doanh đến nay vẫn chưa thể siêu thoát, có lẽ nàng cũng sẽ tin rằng hung thủ chính là Trịnh Quân.

Đọc xong chữ cuối cùng, Lý Doanh chậm rãi đóng quyển hồ sơ lại, nàng hỏi Thôi Tuần: “Thôi Thiếu khanh, ngài có phát hiện ra điều gì bất thường không?”

Thôi Tuần hỏi ngược lại nàng: “Công chúa cảm thấy Trịnh Quân là người thế nào?”

Lý Doanh cố gắng hồi tưởng về Trịnh Quân: “Học rộng biết nhiều, là một người quân tử lễ độ.”

“Vậy công chúa nghĩ Tiên đế là người thế nào?”

Lý Doanh ngẩn ra, nàng nói: “A gia là một người cha rất tốt.”

“Tiên đế có thụy hiệu là “Minh”, ngoài việc là một người cha tốt ông ấy còn là một vị đế vương sáng suốt.” Thôi Tuần nói: “Tiên đế đăng cơ khi còn trẻ, trong suốt thời gian trị vì, ông ấy đã thực hiện nhiều cải cách, trọng dụng hiền thần. Một minh quân như vậy chắc hẳn sẽ không nhìn nhầm mà chọn một phò mã không có phẩm hạnh.”

“Ý của Thôi Thiếu khanh là…?”

“Phò mã được tiên đế đích thân lựa chọn không thể chỉ vì vài lời chế giễu mà tâm thần bất định đến mức gϊếŧ người, huống hồ người hắn gϊếŧ là công chúa Đại Chu, nữ nhi được Tiên đế yêu thương nhất. Dù thân phận của hắn có cao quý đến đâu, hắn cũng phải suy nghĩ về hậu quả của việc này.”

Lời phân tích của hắn thật rõ ràng, nhưng Lý Doanh đột nhiên nhận ra điều gì: “Vậy từ đầu, Thôi Thiếu khanh không tin rằng Trịnh Quân là hung thủ, đúng không?”

Nàng cười khổ: “Vậy tại sao ngay từ khi ta tìm đến, ngài lại khẳng định rằng vụ án của ta đã có kết luận, hung thủ chính là Trịnh Quân?”

Thôi Tuần bình tĩnh đáp: “Ta chưa từng tin, chỉ là không muốn giúp cô thôi.”

Lời hắn thẳng thắn, Lý Doanh chỉ biết cười khổ, nàng đang có việc nhờ hắn, nên không thể trách cứ, chỉ đành hỏi: “Vậy Thôi Thiếu khanh nghĩ hung thủ là ai?”

Thôi Tuần không trả lời, chỉ dùng ngón tay dài gõ nhịp từng cái lên bàn, trầm ngâm một lúc, rồi nói: “Ta nghĩ rằng trong tập hồ sơ này, có một người vô cùng quan trọng, đã bị bỏ qua từ ba mươi năm trước.”

“Ai?”

“Biểu muội của Trịnh Quân, nữ tử họ Vương.”