Trong điện Lân Đức, Thái hậu đã an tọa trên ghế cao. Dù đã ngoài sáu mươi, tóc bà vẫn đen như suối, lông mày thanh thoát, hàm răng trắng sáng, nhìn không khác gì một mỹ phụ mới khoảng bốn mươi tuổi. Gần đây, Thái hậu mang bệnh, nói rằng sẽ không tham dự tiệc đón giao thừa, nhưng đến giữa buổi tiệc, bà vẫn gượng dậy tham dự. Quần thần đoán rằng, bà vẫn chưa muốn từ bỏ quyền lực trong tay, dù rằng Thánh nhân đã tự chấp chính được mấy năm thì vẫn bị bà tìm cách thao túng.
Thôi Tuần cũng đến ngồi vào ghế của mình, tư thế ngay ngắn và nghiêm chỉnh. Các đại thần xung quanh thấy hắn đến đều ngừng trò chuyện, ánh mắt không giấu nổi sự khinh bỉ. Thậm chí, có người còn dịch ghế sang bên, thể hiện rõ sự khinh miệt đối với Thôi Tuần.
Thôi Tuần cũng không thèm để ý, thong thả gắp một miếng cá nhỏ, chậm rãi nhai. Ngón tay của hắn thon dài, đẹp đẽ, tư thái vô cùng tao nhã, khiến người khác nhìn vào đều thấy hắn không hổ danh là con trai họ Thôi ở Bác Lăng, một trong những gia tộc danh giá bậc nhất thiên hạ. Nhưng ai mà ngờ được, vị lang quân với dáng vẻ thanh tao, nhã nhặn này lại là một kẻ gian trá, tàn bạo, từng gây ra vô số án oan?
Thái hậu dường như liếc nhìn về phía Thôi Tuần, sau đó thì thầm vài lời với một tên nội thị. Chỉ trong chốc lát, nội thị liền bưng một bát canh thịt dê hoàng kỳ đến, đặt lên bàn trước mặt Thôi Tuần: “Thái hậu nói Thôi Thiếu khanh sợ lạnh, đặc biệt ban cho bát canh thịt dê hoàng kỳ để ấm người.”
Ngay khi nội thị vừa dứt lời, ánh mắt của các đại thần xung quanh lập tức đổ dồn về phía Thôi Tuần, đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc: kẻ thì ghen ghét, người lại đố kỵ, nhưng phần lớn vẫn là khinh thường. Trong thâm tâm, ai nấy đều chắc mẩm rằng Thái hậu quả nhiên đối đãi với Thôi Tuần rất khác biệt. Thôi Tuần năm nay mới hai mươi ba tuổi, còn Thái hậu đã đủ tuổi để làm bà của hắn, vậy mà hắn thật không biết liêm sỉ.
Nhưng quyền lực Thái hậu nắm trong tay quá lớn. Tiên đế đã băng hà cách đây hai mươi năm, đương kim Hoàng thượng khi ấy còn nhỏ tuổi, Thái hậu buông rèm nhϊếp chính, và sau hai mươi năm gắng sức nắm giữ triều đình, bà đã có đầy những cánh tay đắc lực trong triều. Nếu không phải nhờ Thái hậu, sau khi đầu hàng Đột Quyết, Thôi Tuần đã sớm bị xử tử, nào có cơ hội để leo lên chức quan tứ phẩm Thiếu khanh ở Sát Sự Thính như bây giờ. Nghĩ đến đây, những kẻ thanh liêm trong triều cũng chẳng dám bày tỏ thái độ khinh thường Thôi Tuần trước mặt Thái hậu, chỉ biết lặng im cúi đầu.
Dù có một vài khúc nhạc đệm nho nhỏ nhưng tiệc đón giao thừa vẫn diễn ra thâu đêm, vô cùng náo nhiệt. Sau tiệc đón giao thừa là Đại triều hội vào ngày mùng Một. Tại cung Đại Minh, cờ xí rợp trời, trống khèn vang dội, kiệu xe xa giá bày biện ở khắp mọi nơi. Thánh nhân đội cổn miện, vương công quý tộc, văn võ bá quan cùng sứ thần từ các nước chư hầu đều đến chầu, dâng lời chúc tụng. Toàn cảnh là bầu không khí thái bình thịnh trị, tươi đẹp phồn hoa. Triều hội kéo dài đến khi mặt trời đã khuất dạng sau núi.
Thôi Tuần đã thức trắng đêm trong tiệc đón giao thừa, lại trải qua cả ngày dài trong Đại triều hội khiến hắn không khỏi kiệt sức. Hắn ngồi lên xe ngựa về phủ ở phường Tuyên Dương. Phủ này là do Thái hậu ban cho, tuy rộng rãi nhưng chỉ có một lão bộc câm điếc chăm sóc. Thôi Tuần không thích có người hầu hạ, xuống xe rồi lập tức vào phòng và nằm xuống ngủ. Nhưng giấc ngủ của Thôi Tuần luôn chập chờn, dù đang rất mệt mỏi, hắn cũng không thể ngủ sâu, chỉ chợp mắt rồi tỉnh, tỉnh lại chợp mắt liên tục cho đến giờ Dần.
Đến canh tư, Thôi Tuần như bị cơn ác mộng làm giật mình tỉnh dậy. Hắn ngồi dậy, phát hiện cửa sổ không biết đã mở ra từ lúc nào, gió lạnh ùa vào từng cơn. Hắn khoác áo xuống giường, bước đến đóng cửa sổ lại. Nhưng khi tay vừa khép cửa, hắn lại loáng thoáng trông thấy bóng dáng một người mặc váy tay bó như ẩn như hiện giữ màn sương.
Nhưng khi Thôi Tuần nhìn kỹ lại, bóng dáng đó lại biến mất. Hắn nghĩ mình quá mệt nên nhìn nhầm, không nghĩ ngợi thêm, chỉ đóng cửa và quay lại giường. Tuy nhiên, lần này hắn không thể ngủ lại được, hình ảnh trong cơn ác mộng cứ ám ảnh mãi trong đầu. Hắn cứ trằn trọc như vậy cho đến sáng.
Khi ba ngàn tiếng chuông hạ thần cổ vang lên, Thôi Tuần biết ấy đã là canh năm, phố phường Trường An lại rộn ràng trong tiếng gà gáy, chó sủa. Thôi Tuần khoác áo đứng dậy. Hôm nay là ngày mùng Hai tháng Giêng, quan lại được nghỉ bảy ngày, dân chúng Trường An cũng tưng bừng đến nhà nhau chúc Tết. Trước cửa phủ của các quan lớn trong phường Tuyên Dương, người qua kẻ lại nối liền nhau không dứt. Học giả, lại viên trẻ tuổi tay cầm bái thϊếp, đứng đợi bên ngoài phủ để mong có cơ hội tiến thân. Giữa khung cảnh tấp nập ấy, phủ của Thôi Tuần lại vô cùng quạnh quẽ. Ngay cả câu đối hay tranh thần môn cũng không được dán lên cửa.
Hai nho sinh nghèo đi ngang qua phủ của Thôi Tuần, thấy cảnh đìu hiu đó thì không khỏi liếc nhìn thêm vài lần. Một người khẽ nói: “Phủ này ở phường Tuyên Dương mà sao chẳng có một ai đến cả?”
Người kia mỉm cười đầy ý nhị: “Huynh không biết à? Đây là phủ của Liên Hoa Lang đấy.”
“Liên Hoa Lang? Là Thôi Tuần sao?”
“Chứ còn ai nữa? Kẻ thanh liêm thì không muốn kết giao với hắn, còn những kẻ tiểu nhân muốn thì lại bị hắn khinh thường, ai đến cũng bị đuổi đi. Lâu dần, chẳng ai bén mảng đến nữa. Phủ đệ của nhà họ Thôi ở ngay gần đây thôi, nhưng hắn đã bị xoá tên khỏi gia phả từ lâu, làm gì có thân thích nào mà đi lại. Trong ngày đầu năm vui vẻ thế này, cả thành Trường An chắc chỉ có mình hắn là cô độc thôi.”
“Tự làm tự chịu mà.”
Hai nho sinh vừa cười khẩy vừa bước đi xa. Phía trước là một thiếu nữ thanh lệ mặc váy tay bó đang đứng cầm ô, chắn ngay trước mặt bọn họ. Nhưng dường như cả hai người họ đều không hề nhìn thấy nàng, cứ thế lướt qua. Thiếu nữ xoay người lại, lặng lẽ nhìn theo bóng lưng của họ, rồi thở dài một tiếng. Hình bóng nàng bất ngờ xuyên qua cánh cổng lớn đóng kín, tiến vào trong phủ.
Lúc này, Thôi Tuần vừa mặc xong áo thường phục màu đỏ sẫm, thắt dây lưng điệp tiệp, nhưng mũ đội đầu vẫn chưa kịp mang. Trong gương đồng, mái tóc đen của hắn buộc gọn bằng phát quan bằng ngọc, y phục màu đỏ như ráng chiều tà. Đôi mắt đào hoa gợn sóng nhưng nước da quá trắng, ánh mắt lại lạnh lẽo như sương tuyết, làm giảm đi vẻ kiều diễm ướŧ áŧ ẩn trong ánh mắt kia.
Thôi Tuần thắt xong dây lưng, trong lúc lơ đãng ngẩng đầu lên thì bỗng thấy trong gương hiện ra bóng dáng của một thiếu nữ.
Hắn không khỏi quay đầu lại nhìn. Đập vào mắt là một thiếu nữ xinh đẹp. Nàng mặc chiếc áo ngắn màu xanh lục, bên dưới là váy màu đỏ trắng xen kẽ, tóc vấn kiểu song hoàn vọng tiên, trên đầu cài trâm hoa vàng, giữa trán điểm châu hình giọt nước, vai khoác tấm sa lụa mỏng. Thiếu nữ mắt ngọc mày ngài, lan tư huệ chất, thanh tao thoát tục. Rõ ràng là một mỹ nhân khuynh quốc khuynh thành hiếm gặp, nhưng Thôi Tuần lại nhíu mày.
Hắn nhíu mày, chỉ vì cảm thấy có gì đó kỳ lạ.
Thiếu nữ trước mặt tuy ăn mặc lộng lẫy, nhưng toát lên vẻ quỷ dị. Nàng búi tóc kiểu song hoàn vọng tiên, mặc váy xen kẽ hai màu đỏ trắng, cài trâm hoa bằng chỉ vàng, điền trang hình giọt nước, nhưng kiểu tóc thịnh hành của các tiểu thư quý tộc lúc bấy giờ là kiểu giao tâm kế, mặc viên lĩnh và váy dài đồng màu, đeo bộ diêu và điểm hoa điền trên trán. Phong cách của thiếu nữ này lại giống như thời Thái Xương cách đây ba mươi năm.
Thôi Tuần nhíu mày, lạnh giọng hỏi: “Ngươi là ai? Tại sao lại xông vào phủ của ta?”
Thiếu nữ đối diện với giọng điệu chất vấn không mấy thân thiện của hắn nhưng không hề tức giận, cũng không có vẻ gì sợ hãi, ngược lại còn tỏ vẻ vui mừng: “Ngài có thể thấy ta?”
Thôi Tuần không hài lòng. Mặc dù sức khỏe của hắn không tốt, nhưng chưa đến mức bị mù. Một người sống sờ sờ đứng ngay trước mặt, làm sao hắn lại không thấy?
Hắn thậm chí còn nghĩ rằng thiếu nữ xinh đẹp này có phải đầu óc không được tỉnh táo hay không. Chưa bàn đến việc nàng mặc đồ lỗi thời, lại còn hỏi một câu buồn cười như vậy? Hắn đáp: “Tất nhiên là ta có thể nhìn thấy ngươi.”
Thiếu nữ mỉm cười rạng rỡ: “Vậy thì tốt quá rồi.”
Nàng điềm nhiên, giữa ấn đường lộ ra vẻ cao quý: “Ta là Vĩnh An công chúa, Lý Doanh. Lần này đến đây là muốn nhờ ngài điều tra một vụ án.”
Nàng dừng lại một lúc, rồi nói: “Ta muốn nhờ ngài điều tra xem là ai đã gϊếŧ ta.”
Đó quả là một cảnh tượng kỳ lạ đến khó tin.
Một công chúa đã chết từ lâu, lại nhã nhặn thỉnh cầu một vị quan khét tiếng tàn bạo điều tra nguyên nhân cái chết của nàng. Dù cho Thôi Tuần đã từng trải qua nhiều sóng gió thì vẫn không khỏi ngẩn ra một lúc. Nhưng rất nhanh, hắn bình tĩnh lại, nhướn mày hỏi: “Cô là hồn ma?”
Lý Doanh gật đầu: “Phải.”
Ban ngày gặp ma, nhưng Thôi Tuần lại không hề tỏ ra sợ hãi như một người phàm. Hắn không sợ ma, cũng chẳng ngại quỷ, nói: “Cô đến nhờ ta tra án?”
Lý Doanh gật đầu: “Phải.”
Thôi Tuần nói: “Án của cô đã có kết luận, chính là do Phò mã Trịnh Quân gây ra.”
Lý Doanh lại lắc đầu: “Không phải Trịnh Quân.”
“Vì sao?”
Lý Doanh nói: “Vì suốt ba mươi năm qua, ta không thể đầu thai chuyển kiếp.”
Lý Doanh mất khi mới mười sáu tuổi. Nếu Trịnh Quân là người gϊếŧ nàng, khi Trịnh Quân bị Tiên đế xử tử, nàng lẽ ra đã có thể siêu thoát, nhưng nàng lại bị kẹt ở hồ sen suốt ba mươi năm, không thể đầu thai. Điều đó có nghĩa là hung thủ chân chính vẫn chưa bị trừng phạt, oán khí của Lý Doanh chưa thể tiêu tán, khiến nàng không thể vãng sinh.
Nhưng nếu không phải Trịnh Quân gϊếŧ nàng, thì là ai? Lý Doanh không biết, nàng chỉ có thể tìm đến sự giúp đỡ của Thôi Tuần.
Thôi Tuần lại hỏi: “Tại sao lại tìm ta?”
Lý Doanh đáp: “Vì ngài đã cứu ta ra khỏi hồ sen.”
Từ khi chết đuối ở hồ sen ba mươi năm trước, hồn phách của Lý Doanh luôn bị giam giữ dưới nước, không thể thoát ra. Trong suốt ba mươi năm đó, nàng chỉ có thể nhìn thấy cảnh hoa sen trong hồ từ từ khô héo, nhìn những con cá vàng dưới đáy hồ chết dần, nhìn rêu xanh mọc đầy hồ vào mùa hè rồi lại héo tàn vào mùa đông. Trong bóng tối của đáy hồ, mỗi ngày nàng đều nghe thấy tiếng trống ba nghìn nhịp báo hiệu bình minh vang lên từ cửa Thừa Thiên của cung Thái Cực, nàng biết lại qua thêm một ngày.
Thỉnh thoảng có vài cung nữ mới vào cung, không biết lệnh cấm, sẽ đến chơi đùa bên hồ sen. Các nàng thường ngồi xổm bên hồ, cười khúc khích và vớt những mảng rêu xanh. Lý Doanh ở dưới nước vẫy tay, mong các nàng sẽ nói chuyện với mình, nhưng họ không thể nghe thấy giọng nói của nàng. Những ngón tay trong suốt của nàng xuyên qua thân thể các cung nữ, họ hoàn toàn không cảm nhận được sự tồn tại của nàng.
Cứ như vậy, Lý Doanh đã sống trong sự cô độc vô tận suốt ba mươi năm, cho đến khi nhìn thấy một người đàn ông mặc áo lông cáo trắng đang uống rượu bên hồ sen. Chén kim bôi của hắn rơi xuống hồ, và hắn thò tay xuống hồ để vớt lên. Nàng đã quá cô đơn, khi nhìn thấy ngón tay thon dài của hắn ta gần trong gang tấc, nàng bèn duỗi tay ra, chạm vào tay hắn.
Nhưng lần này, ngón tay của nàng không xuyên qua tay hắn mà mười ngón tay đã đan cài vào nhau. Lý Doanh vừa kinh ngạc vừa vui mừng, người đàn ông dường như cũng cảm nhận được sự hiện diện của nàng. Có lẽ nhờ được nguyên khí của người sống sưởi ấm, Lý Doanh chợt cảm thấy cơ thể đã bị giam cầm trong môi trường ẩm lạnh lâu ngày bỗng ấm lại. Nàng từ từ ngẩng đầu lên, và trong khoảnh khắc đó, nước hồ sen dường như trở nên trong suốt. Dưới làn nước, nàng nhìn thấy một gương mặt đẹp đẽ như đóa sen.
Ngay sau đó, một tiểu nội thị vội vã đến gọi người đàn ông rời đi. Lý Doanh nghĩ đây chỉ là giấc mơ. Nàng nhắm mắt lại, và khi mở mắt ra, nàng đã rời khỏi hồ sen, nơi đã giam giữ nàng suốt ba mươi năm, và đang đứng bên bờ hồ.
Hồn phách của nàng cuối cùng cũng thoát khỏi hồ sen, giờ đây nàng có thể tự do đi lại trong cung Đại Minh.
Nhưng cung Đại Minh giờ đã không còn là nhà của nàng nữa. Nàng đã chết được ba mươi năm rồi. Qua những lời nói của các cung nữ và thái giám trốn ra chơi ở hồ sen, nàng biết rằng a gia đã băng hà, a nương nàng đã lên làm Thái hậu, còn sinh thêm một a đệ. Bây giờ a đệ đăng cơ, hiệu là Long Hưng.
Ngoại trừ mẫu hậu vẫn còn nhớ đến nàng, thắp đèn trường minh trong bốn vạn ngôi chùa thờ Phật trên khắp Đại Chu thì khắp thế gian này chẳng còn mấy ai nhắc đến nàng nữa. Thậm chí nếu có ai nhắc đến nàng thì cũng chỉ nói rằng nàng là vị công chúa đã gây ra “Huyết án Thái Xương”, khiến cả Trường An chìm trong biển máu.
Nhưng, nàng đâu muốn “Huyết án Thái Xương” xảy ra, nàng cũng đâu muốn lấy đi sinh mạng của hàng vạn người trong thành Trường An. Chẳng lẽ nàng không muốn được ở bên cạnh phụ hoàng và mẫu hậu, phụng dưỡng dưới gối, tiếp tục trải qua những năm tháng trôi chảy vô ưu?
Nàng cảm thấy uất ức, chua xót. Nàng muốn gặp a nương, nhưng không thể. A nương ở cung Bồng Lai, trước cửa cung dán thần môn. Nàng là hồn ma, không thể vào được.
Nàng lang thang vô định trong cung, không một cung tỳ hay nội thị nào có thể nhìn thấy nàng. Cơ thể nàng có thể xuyên qua núi giả, xuyên qua cây cối, xuyên qua tường cung, nhưng không một ai liếc mắt nhìn nàng. Cuối cùng, nàng tuyệt vọng nhận ra rằng dù đã ra khỏi hồ sen, số phận nàng vẫn chẳng khác khi bị giam cầm trong làn nước lạnh lẽo.
Đi mệt rồi, nàng lại trở về bên bờ hồ sen. Nàng quá cô độc, a nương thắp đèn trường minh khắp nơi trong cả nước, mong nàng có thể siêu thoát, đầu thai chuyển kiếp để hai mẹ con có thể đoàn tụ nhau. Nàng cũng mong sớm được đầu thai để gặp lại a nương, nhưng nàng không thể.
Một lần nọ, có một quỷ sai đi ngang qua hồ sen, nàng van xin hắn đưa nàng đi. Nhưng hắn nói rằng nàng là người chết oan, chưa tìm ra hung thủ, nên không thể đầu thai.
Vậy nên không phải Trịnh Quân gϊếŧ nàng.
Muốn được đầu thai, Lý Doanh phải tìm ra kẻ đã gϊếŧ mình.
Ngồi bên hồ sen, nàng cố nhớ lại những gì đã xảy ra trước khi chết, nhưng chỉ có thể nhớ bức thư Trịnh Quân viết cho nàng, còn những chi tiết khác thì nàng hoàn toàn không thể nhớ nổi.
Lý Doanh liền nghĩ tới người duy nhất có thể nhìn thấy nàng, Thôi Tuần.
Thôi Tuần là Thiếu khanh của Sát Sự Thính, cơ quan do mẹ nàng lập ra với chức năng tương tự Đại Lý Tự, chuyên chưởng hình ngục. Nàng tin rằng Thôi Tuần có thể giúp nàng điều tra nỗi oan khuất này.
Lý Doanh nhìn Thôi Tuần với ánh mắt đầy hy vọng: “Thôi Thiếu khanh, ngài là người duy nhất có thể thấy ta. Liệu ngài có thể giúp ta không?”
Ánh mắt Thôi Tuần như một giếng nước tĩnh lặng, hắn nhàn nhạt đáp: “Tại sao ta phải giúp cô? Giúp một công chúa đã chết ba mươi năm?”