Đêm Giao Thừa.
Tại điện Lân Đức trong Đại Minh cung, yến tiệc đón giao thừa hằng năm vẫn đang được tổ chức. Tiếng nhạc tấu rộn ràng vang lên, hòa cùng tiếng rượu trao chúc tụng nhau không ngớt, những vũ cơ giáo phường mặc Hồ phục, dáng điệu uyển chuyển đang trình diễn điệu Hồ Toàn Vũ. Khi tốc độ xoay của vũ cơ ngày càng nhanh, tiếng tán thưởng của các đại thần trong yến tiệc càng thêm phần sôi động. Một vị quan trẻ tuổi mặc quan bào đỏ thắm chăm chú dõi mắt theo, đợi đến khi điệu Hồ Toàn kết thúc, hắn mới luyến tiếc gắp một miếng bánh sữa vàng nếm thử. Ăn xong một miếng, hắn chợt nhận ra chỗ ngồi bên cạnh đã trống không, liền không khỏi thốt lên rằng: “Ồ? Thôi Thiếu khanh đi đâu rồi?”
Viên quan tứ phẩm ngồi gần đó khẽ cười chế giễu: “Chẳng lẽ Vương Thị lang còn mong Thôi Tuần có mặt ở đây sao?”
Vương Thị lang đỏ bừng cả mặt, ngước mắt nhìn thiên tử đang ngồi ở chính điện, lắp bắp nói: “Không phải như vậy, chỉ là Thôi Thiếu khanh rời tiệc khi Thánh nhân còn ở đây thì cũng không ổn chút nào.”
“Hừ, bữa tiệc đón giao thừa này, e rằng chỉ có Thôi Tuần mới dám rời khỏi mà không sợ gì.”
Các quan viên gần đó nghe thấy cũng lần lượt lên tiếng chỉ trích vị Thiếu khanh họ Thôi kia: “Thôi Tuần thật là vô lễ, dám không coi quân thượng ra gì!”
“Lư Tư nghiệp, cẩn trọng lời nói! Mấy tháng trước, Trung Lang tướng Chu Bình chỉ vì say rượu nói xấu Thôi Tuần vài câu, liền bị hắn bịa tội rồi giam vào Sát Sự Thính, đến giờ vẫn chưa được thả ra…”
“Hắn là kẻ tiểu nhân nông cạn, ta sợ gì hắn chứ?”
“Lư Tư nghiệp, ngài xuất thân từ Phạm Dương Lư thị, thanh danh hiển hách, nhưng mấy năm qua, sĩ tộc cao môn đã bị Thôi Tuần hãm hại, chẳng lẽ còn ít hay sao?”
Lư Tư nghiệp im lặng hồi lâu, cuối cùng nghiến răng nói: “Thiên hạ đều kính trọng những gia tộc lớn như Thôi, Lư, Lý, Trịnh, Vương. Trong đó, Bác Lăng Thôi thị là gia tộc đứng đầu, vậy mà lại xuất hiện một kẻ hèn mọn như Thôi Tuần! Không những tham sống sợ chết đầu hàng người Đột Quyết, hắn còn vì cầu sinh mà trở thành khách trong màn của Thái hậu, bày mưu hãm hại trung thần, lật ngược phải trái lẫn lộn đúng sai, thực sự là kẻ tội ác tày trời, không việc ác gì không làm! Đúng là nỗi nhục của Thôi thị!”
Lư Tư nghiệp càng nói càng kích động, âm lượng lớn đến mức ngay cả quận vương bên kia cũng phải liếc nhìn. Một quan viên ngồi gần vội giữ hắn lại, nhỏ giọng khuyên: “Lư Tư nghiệp, Thôi Tuần là đầu lĩnh của Sát Sự Thính. Sát Sự Thính là nơi nào chứ? Ngay cả việc khi nào chúng ta đến phường Bình Khang bọn họ cũng biết rõ mồn một, huống hồ là trong buổi tiệc đón giao thừa đông người này. Ngài nên cẩn trọng lời nói thì hơn!”
Một quan viên khác cũng kéo hắn lại: “Đúng vậy, Thôi Tuần là kẻ tàn nhẫn độc ác, có thù tất báo, ai ai trong triều cũng muốn ăn tươi nuốt sống hắn, nhưng tiếc rằng Thái hậu quá mực sủng ái hắn, chúng ta cũng đành chịu thôi.”
Lư Tư nghiệp biết rõ mình không thể lay chuyển vị thế của Thôi Tuần, chỉ đành thở dài một tiếng: “Một kẻ tiểu nhân như thế mà lại lộng hành giữa triều đình Đại Chu, thật không biết đến bao giờ trời mới sáng, trăng mới tỏ!”
Vị Vương Thị lang, người ban đầu khơi mào câu chuyện, bỗng khẽ thì thầm: “Sắp rồi.”
Ánh mắt mọi người lập tức dồn về phía hắn. Vương Thị lang vội vàng nói: “Chư vị, Thôi Tuần dùng nhan sắc để được Thái hậu sủng ái. Kẻ dùng sắc để tranh quyền thì sắc suy tình giảm. Dù cho nhan sắc của Thôi Tuần có rực rỡ thế nào, nổi danh là Liên Hoa Lang đi chăng nữa, thì khuôn mặt kia dù đẹp đến đâu, Thái hậu rồi cũng sẽ có ngày chán ngán mà thôi. Đến lúc đó, triều đình tất sẽ thanh bình trở lại.”
Mọi người thầm suy nghĩ, không khỏi gật đầu đồng ý, ai nấy trong lòng đều cầu mong Thái hậu sớm ngày chán ghét Thôi Tuần, để tên gian thần sớm phải chịu báo ứng, trả lại sự bình yên cho triều đình.
Trong khi đó, kẻ đang là tâm điểm của những lời bàn tán – Thôi Tuần – lại đang ngồi một mình bên hồ sen hoang tàn trong cung, nhấm nháp chén rượu. Hồ sen này đã bị bỏ hoang từ lâu, ở bốn góc hồ bám đầy rêu xanh, vài cây sen khô héo trơ trọi đứng giữa hồ, khung cảnh tĩnh lặng đến lạnh lẽo. Dưới ánh trăng sáng, Thôi Tuần ngửa cổ uống cạn một chén rượu thiêu xuân.
Trong ánh trăng lạnh lẽo, vị gian thần trong miệng người đời có chiếc cổ thon dài và trắng muốt như hạc. Hắn khẽ hạ mi mắt, đôi mày mắt của hắn vô cùng sắc sảo, thậm chí mang vẻ đẹp mơ hồ khó phân biệt giới tính. Đúng như Vương Thị lang đã nói, dung mạo của hắn rực rỡ, không hổ với danh xưng Liên Hoa Lang. Nếu phải tìm khuyết điểm trên gương mặt hắn, thì có lẽ đó là nước da tái nhợt đến đáng sợ, trắng bệch như tuyết, thậm chí còn nhợt nhạt hơn cả màu lông hồ ly trắng trên chiếc áo choàng lông cáo hắn đang khoác trên người.
Sau khi uống cạn chén rượu thiêu xuân, Thôi Tuần không khỏi che tay áo lên miệng, khẽ ho khan hai tiếng. Hắn buông tay áo xuống, ánh mắt dõi theo vầng trăng sáng vằng vặc treo trên bầu trời, vẻ mặt thẫn thờ. Đôi mắt hắn hơi xếch, vốn là một cặp phượng mâu câu hồn đoạt phách, nhưng bên trong lại trống rỗng, chẳng hề chứa đựng chút cảm xúc nào. Tiếng nhạc trong yến tiệc đón giao thừa rộn ràng xôn xao, hương trầm và đàn hương từ điện Lân Đức lan tỏa ra đến tận cổng Đan Phượng, trong khi trên đường Chu Tước, đám người nhảy múa đuổi tà vẫn náo nhiệt không thôi. Sự ồn ào nơi yến tiệc đối lập mạnh mẽ với khung cảnh quạnh quẽ đến lạ thường bên hồ sen nơi Thôi Tuần đang ngồi.
Thôi Tuần cầm lấy chiếc bình rượu bằng bạc dưới đất, rót vào chén kim bôi rồi lại uống cạn. Uống liền mấy chén, hắn đã có chút men say. Khi rót rượu thêm lần nữa, bàn tay không vững, khiến chiếc chén vàng lăn xuống hồ sen.
Trong trạng thái ngà say, tầm mắt Thôi Tuần trở nên mờ mịt, hắn vươn tay xuống hồ định vớt chén rượu, nhưng khi chạm vào làn nước, tay hắn không vớt được chén kim bôi mà chạm phải một vật thể trơn láng, lạnh lẽo. Vật đó mềm mại như lụa, không phải là chén mà giống như làn da người. Vật thể ấy chạm vào lòng bàn tay hắn, dần dần nở ra, ôm lấy bàn tay hắn, ngón tay mềm mại đan vào tay hắn, tựa như bàn tay yếu mềm của một nữ nhân đang tình tứ đan xen với tình lang.
Trong lúc đó, hắn còn nghe thấy một tiếng thở dài âm u từ dưới nước vọng lên: “Đợi được ngươi rồi.”
Nếu là người khác, chắc hẳn đã sợ hãi bỏ chạy, nhưng Thôi Tuần chỉ khẽ nhíu mày, thần sắc vẫn bình thản. Đúng lúc đó, một tên nội thị cầm đèn l*иg đi tìm, vừa đi vừa gọi: “Thôi Thiếu khanh.”
Lúc này, bàn tay dưới nước chầm chậm rời khỏi tay Thôi Tuần. Hắn liền nhướng mày, vươn tay định bắt lấy bàn tay ấy, nhưng lần này chỉ vớt lên được chiếc chén vàng rơi xuống hồ khi nãy.
Tên nội thị thấy Thôi Tuần, vui mừng khôn xiết, vội vã chạy tới: “Thôi Thiếu khanh, nô tài cuối cùng cũng tìm thấy ngài rồi. Thái hậu đã đến dự yến tiệc đón giao thừa, còn hỏi đến ngài nữa.”
Thôi Tuần vẫn thất thần nhìn chằm chằm vào chiếc chén trong tay. Nội thị gọi hai tiếng “Thôi Thiếu khanh” hắn mới hoàn hồn. Sau đó, hắn ném chiếc chén vàng sang một bên, kéo chặt áo choàng lông cáo trên người. Bộ lông cáo trắng tinh càng làm nổi bật nước da tái nhợt đến gần như trong suốt của hắn. Hắn giơ mu bàn tay lên che miệng, lại ho khẽ hai tiếng rồi buông xuống cánh tay gầy gò, chậm rãi đứng dậy, ánh mắt lạnh lùng: “Đi thôi.”
Chỉ mới bước được vài bước, hắn đột nhiên quay đầu lại nhìn hồ sen hoang tàn. Mặt hồ vẫn phẳng lặng, không gợn chút sóng, như thể mọi chuyện vừa xảy ra đều chỉ là ảo giác. Ánh mắt Thôi Tuần vẫn bình thản, hắn quay người tiếp tục đi theo nội thị đến điện Lân Đức.
Khi đến ngoài điện, Thôi Tuần định bước vào thì tên nội thị liền muốn lấy lòng mà nhắc nhở: “Thôi Thiếu khanh, nếu có ai hỏi ngài vừa rồi đi đâu, đừng nói là đến hồ sen.”
“Ồ? Vì sao?”
Tên nội thị hạ giọng thần bí: “Ngài không biết sao? Hồ sen đó là nơi công chúa Vĩnh An…”
Hắn ngập ngừng nhưng Thôi Tuần đã hiểu được ý tứ trong lời nói. Hồ sen ấy chính là nơi công chúa Vĩnh An bỏ mạng.
Công chúa Vĩnh An, tên thật là Lý Doanh, là ái nữ của Tiên đế và Thái hậu, cũng là đứa con đầu tiên của Thái hậu. Tương truyền, khi công chúa chào đời, da dẻ trắng nõn, dung mạo mỹ lệ như viên minh châu tỏa sáng. Tiên đế và Thái hậu hết mực yêu thương, đã lấy viên “Minh Nguyệt Châu” trong Phật kinh Thất Bảo cho nàng làm nhũ danh, đồng thời ban cho nàng phong hào là Vĩnh An công chúa. Khi công chúa lớn lên, Tiên đế còn ban cho nàng vùng đất giàu có và đông đúc bậc nhất của Đại Chu – quận Quảng Lăng – làm đất phong, đủ để thấy tình thương sâu nặng mà Tiên đế dành cho nàng.
Công chúa đến năm mười sáu tuổi đã xinh đẹp tuyệt trần, tựa như tiên nữ hạ phàm, vẻ đẹp rung động nhân gian. Đáng quý hơn, nàng có tính cách nhân hậu, hiểu chuyện, không hề kiêu ngạo như các công chúa Đại Chu khác. Mỗi lần Tiên đế nổi giận, nàng đều có thể đứng ra khuyên giải, nhờ đó mà nhiều cung nhân và đại thần được miễn khỏi trừng phạt. Các cung nhân và đại thần ai nấy đều cảm kích ân đức của công chúa, ngầm tôn vinh nàng là viên “Minh Nguyệt Châu” sáng nhất của Đại Chu.
Thế nhưng viên Minh Nguyệt Châu lóa mắt ấy lại vĩnh viễn tắt lịm vào năm nàng tròn mười sáu tuổi.
Năm công chúa mười lăm tuổi, Tiên đế đã chọn cho nàng Phụng Nghị lang Trịnh Quân làm phò mã. Trịnh Quân xuất thân từ họ Trịnh đất Huỳnh Dương, là cháu trai của Trịnh Hoàng hậu, người vợ đầu tiên của tiên đế. Thân phận của hắn cao quý, dung mạo anh tuấn, tài hoa xuất chúng, là một bậc trượng phu khó tìm.
Tuy nhiên, Tiên đế và Thái hậu không nỡ xa con gái, muốn để nàng ở lại thêm vài năm mới gả đi. Nhưng đến khi công chúa mười sáu tuổi, vào đêm mùng sáu tháng mười, năm Thái Xương thứ hai mươi, nàng bất ngờ bị chết đuối trong hồ sen giữa đêm. Tiên đế và Thái hậu đau đớn đến đứt ruột dứt gan, thậm chí Tiên đế còn bỏ ăn bỏ uống suốt nhiều ngày, chìm trong bi thương tột cùng. Quần thần trong triều xôn xao bàn tán, ai nấy đều cho rằng cái chết của công chúa vô cùng kỳ quái. Đã đành là tại sao công chúa lại một mình đến hồ sen vào đêm khuya, nhưng cung tỳ thị nữ hầu cận chẳng lẽ không một ai đi theo? Có những đại thần can đảm còn dâng sớ lên Tiên đế, hy vọng tra rõ nguyên nhân cái chết của công chúa.
Đám đại thần đã thấy được điều bất thường, lẽ nào Tiên đế lại không hay biết? Trong cơn bi thống, Tiên đế đã bí mật lệnh cho Đại Lý Tự điều tra kỹ càng. Không ngờ sau khi điều tra, sự thật được phơi bày là kẻ hại chết công chúa không ai khác chính là phò mã Đô úy Trịnh Quân.
Tin tức này vừa truyền ra, ai nấy đều kinh ngạc. Sau khi thẩm vấn, Trịnh Quân đã thú nhận tội lỗi. Thì ra, họ Trịnh đất Huỳnh Dương là một trong Ngũ tính nổi danh nhất thiên hạ. Khi xưa người ta thường nói, trong thiên hạ, không dòng họ nào quý hơn họ Thôi, họ Lỗ, họ Lý, họ Trịnh, họ Vương. Họ Trịnh của Huỳnh Dương là dòng họ quyền thế bậc nhất trong triều, trong khi Thái hậu lúc còn là Khương Quý phi lại xuất thân hàn vi, cha mẹ chỉ là tiểu thương buôn bán nhỏ. Trịnh Quân khinh thường xuất thân thấp kém của Thái hậu, càng không muốn thành thân với con gái của bà, tức công chúa Vĩnh An. Nhưng thánh chỉ đã ban ra, hắn không thể kháng lệnh, trong lòng chất chứa bất mãn, oán hận công chúa ngày một sâu sắc.
Đêm mùng sáu tháng mười, Trịnh Quân cùng mấy bằng hữu uống rượu. Trong cơn say, bọn họ cười nhạo xuất thân của công chúa, nói rằng Trịnh Quân sắp cưới một “con buôn” làm vợ. Trịnh Quân xấu hổ, phẫn uất, liền sinh lòng sát hại công chúa. Hắn viết thư cho nàng, nói rằng có chuyện quan trọng cần bàn bạc tại hồ sen, mời nàng đến một mình. Có lẽ lúc đó, công chúa đã mang trong lòng sự vui mừng, háo hức đến gặp vị hôn phu của mình. Nàng trang điểm lộng lẫy, khoác lên mình hoa phục nghê thường, nhưng không ngờ rằng đó lại là cuộc hẹn dẫn nàng đến cái chết.
Trịnh Quân đẩy nàng xuống hồ sen. Nhìn thấy công chúa chới với dưới nước, kêu cứu trong vô vọng, hắn hoảng sợ bỏ chạy. Sau khi rượu tan, hắn hối hận khôn cùng, nhưng đại họa đã xảy ra, hồn phách của công chúa đã rời khỏi nhân gian, Minh Nguyệt Châu đã vĩnh viễn tắt lịm.
Sau khi thú nhận, Tiên đế giận dữ tột cùng. Không chỉ ban lệnh xử trảm Trịnh Quân, mà còn trút giận lên cả gia tộc của hắn và Trịnh Hoàng hậu, người đã tiến cử hắn làm phò mã. Đồng thời, Tiên đế còn ra lệnh phế truất Trịnh Hoàng hậu và tru di cửu tộc nhà phò mã. Nhưng họ Trịnh ở Huỳnh Dương vốn quyền thế ngút trời. Chiếu chỉ ban ra, các dòng họ quý tộc trên khắp thiên hạ đồng loạt dâng sớ xin tha tội cho nhà phò mã, nhưng Tiên đế không tha cho bất kỳ ai. Cả thành Trường An chìm trong bể máu, hơn vạn người mất mạng. Họ Trịnh đất Huỳnh Dương từ đó suy tàn, sử gọi là “Huyết án Thái Xương.”
Sau sự kiện huyết án Thái Xương, Tiên đế căm ghét thế gia đại tộc, hàn tộc bắt đầu làm tể làm tướng. Từ đó, triều đình không còn cảnh “thượng phẩm vô hàn môn, hạ phẩm vô sĩ tộc” như trước.
Thôi Tuần hồi tưởng lại vụ án đẫm máu đã thay đổi cục diện Đại Chu cách đây ba mươi năm. Hắn khẽ nhíu mày, đưa tay lên nhìn lòng bàn tay mình, dường như vẫn còn cảm nhận được hơi ấm của người dưới hồ sen khi nãy. Dẫu việc này kỳ lạ đến vậy, ánh mắt hắn vẫn điềm tĩnh như mặt hồ không gợn sóng. Hắn mím nhẹ môi, che miệng ho khan hai tiếng rồi kéo chặt áo lông chồn trắng, bước chân nhẹ nhàng tiến vào điện Lân Đức.