Ký Sự Sinh Tồn Trên Thảo Nguyên

Chương 14

Chương 14

Ngày mười lăm tháng tư, khu Tây thành Hoài Sóc trấn xe cộ tấp nập, khách khứa như mây. Hôm nay là ngày sinh thần của Trấn tướng Hoài Sóc – Đoạn Trường, hào tộc Bắc Địa, tướng lĩnh Lục trấn, các bộ lạc thảo nguyên đều có người đến chúc thọ.

“Thứ Sử Ký Châu phái sứ giả đến chúc thọ!” Quan lại canh cửa phủ tướng quân cao giọng xướng danh, mặt đỏ bừng, dùng hết sức lực.

Đại Ngụy thực hiện chế độ trấn thú, trấn đặt trấn tướng, thú đặt thú chủ. Trấn tướng tương đương với thứ sử một châu, thú chủ thì thường do thái thú một quận đảm nhiệm.

Ông ngoại của Hạ Lan Định là Trấn tướng Hoài Sóc, về mặt cấp bậc thì ngang hàng với Ký Châu Thứ Sử. Thế nhưng trấn Hoài Sóc đã sớm bị triều đình bỏ rơi, trở thành “nơi xử lý rác thải” – nơi lưu đày tội phạm. Một trấn Hoài Sóc như vậy, dĩ nhiên không thể so sánh được với Ký Châu, vốn đã đứng đầu cửu châu.

Vì vậy ngay khi sứ giả của Thứ Sử Ký Châu đến, lập tức trở thành tiêu điểm của cả hội trường. Các quan lại người Hán mặc trường bào nho nhã, các tướng sĩ Tiên T đội mũ phi phó, các thương nhân với ánh mắt tinh ranh, tất cả đều xúm lại, mặt mày tươi cười, vắt óc tìm chủ đề để có thể nói chuyện với vị sứ giả đến từ Ký Châu này.

Bên trong phủ tướng quân, một người đàn ông trung niên đang lo lắng đi qua đi lại. Người đàn ông dùng khăn chít đầu, ăn vận như một nho sĩ phương Nam. Chỉ là làn da ông ta ngăm đen, vai u thịt bắp, một thân áo bào lăng tía không hề làm ông ta trông phong lưu tuấn tú, ngược lại càng làm nổi bật làn da đen sạm, giống như một quả mận chín mọng.

Người này chính là cậu ruột - em trai của mẹ Hạ Lan Định – Đoạn Ninh.

Nghe thấy tiếng xướng danh bên ngoài, Đoạn Ninh lập tức vui mừng ra mặt, chạy đến chỗ người đang ngồi ngay ngắn trên trường kỷ, reo lên: “Phụ thân, người Ký Châu đến rồi.”

“Ừ.” Vị lão tướng quân ngồi trên trường kỷ chính là ông ngoại của Hạ Lan Định, Trấn tướng Hoài Sóc – Đoạn Trường.

Đây là một lão tướng gầy gò nhưng nhanh nhẹn, đôi mắt ông sắc bén như chim ưng, dường như có thể nhìn thấu mọi thứ. Trên người ông toát ra uy nghiêm của bậc bề trên, khiến người ta không dám lỗ mãng trước mặt ông.

Là nhân vật chính của ngày hôm nay, Đoạn Trường mặc một bộ trường bào rộng thùng thình mới tinh, nghe nói các quan lại trong thành Lạc Dương bây giờ đều mặc như vậy. Đây là kiểu mũ áo do Tiên Đế ban hành và thực hiện, thiết kế theo kiểu Hán, phỏng theo Nam triều, quả thật là ung dung nhã nhặn.

Nhà họ Đoạn là người Hán, cho dù là Đoạn Trường hay con trai ông là Đoạn Ninh, đều không cảm thấy nơi họ nên thuộc về là nơi trấn quân lạnh lẽo phương Bắc này. Lạc Dương, hoặc Bình Thành, thậm chí là đến Tín Đô, Bột Hải làm quận thú cũng được. Vì vậy, thái độ của Ký Châu Thứ Sử càng trở nên quan trọng.

“Con đi ra đón nha?” Đoạn Ninh xin ý kiến.

Đoạn Trường gật đầu đồng ý.

Nhìn bóng dáng vui mừng rời đi của con trai, Đoạn Trường thở dài. Tiếng thở dài này, vì tương lai của nhà họ Đoạn, cũng vì con gái lớn của ông.

Nếu nhà họ Đoạn chịu hạ mình, vứt bỏ sĩ diện, vẫn còn có cơ hội thoát khỏi vũng nước đọng này. Nhưng con gái lớn của ông, người đã gả cho Hạ Lan, rồi lại gả cho Hộc Luật, thì không thể nào rời khỏi vùng đất lạnh lẽo phía Bắc này nữa.

Nhớ đến con gái đã hy sinh vì gia tộc, Đoạn Trường không khỏi nghĩ đến cháu ngoại Hạ Lan Định. Ký ức của Đoạn Trường về đứa trẻ này khá mơ hồ, chỉ nhớ là một đứa trẻ có ngoại hình người Hồ, đầu óc không được thông minh lắm.

Không ngờ sau khi đứa trẻ này mất cha, đầu óc lại nhanh nhẹn hơn, còn nghĩ ra cái gì mà “cách ủ giá đỗ”, nói là có thể cải thiện bữa ăn mùa đông cho người dân thảo nguyên.

“Cách này rất tốt, có thể giúp cha thu phục lòng người.” Trong thư Đoạn thị gửi về có nhắc đến như vậy.

“Đáng tiếc…” Đoạn Trường hơi nhíu mày, thở dài: “Đáng tiếc cách này đối với nhà họ Đoạn không còn tác dụng gì nữa.” Giống như Đoạn thị vậy.

Nhà họ Đoạn không cần dùng con gái để lấy lòng quý tộc Tiên T nữa, cũng không cần dùng cái gì mà “cách ủ giá đỗ” để thu phục lòng người trên thảo nguyên nữa.

Nhà họ Đoạn đã chuẩn bị rời đi rồi. Lúc này mà phổ biến cách ủ giá đỗ chỉ khiến nhà họ Đoạn không thể rời khỏi Hoài Sóc.

Hạ Lan Định không biết kế hoạch của hai cha con Đoạn gia, càng không biết “cách ủ giá đỗ” được người trong tộc, thậm chí là mẹ hắn coi như báu vật, trong mắt hai cha con Đoạn gia lại chẳng khác gì xương gà – ăn thì không ngon, bỏ thì tiếc.

Hạ Lan Định mang theo tâm trạng thấp thỏm vào thành. Hôm nay hắn ăn mặc rất chỉnh tề, A Tháp Na đã tết cho hắn một bím tóc đẹp, trên bím tóc còn đính lông chim. Quần áo cũng sạch sẽ, không có chút mùi hôi nào – A Tháp Na thậm chí còn xông hương cho quần áo!

Trên ngực Hạ Lan Định còn đeo một sợi dây chuyền to bổ chảng, không biết tên, được làm từ những viên đá quý màu vàng, màu xanh lá cây tạo thành một sợi dây chuyền mang đậm phong cách dân tộc, đeo lên cổ thấy nặng trĩu.

Cả tộc đã dồn hết tâm sức để ăn mặc cho Hạ Lan Định, nhất định không để thủ lĩnh nhà mình bị người khác coi thường – số lụa mà phủ tướng quân gửi đến làm quà đáp lễ đã khiến mọi người trong tộc chấn động, lần đầu tiên họ nhận thức rõ ràng: nhà mẹ đẻ của chủ mẫu trước đây dường như không cùng một thế giới với họ.

Hạ Lan Định cũng không rõ ràng về lai lịch của nhà họ Đoạn, nhưng nếu quy đổi ra thời hiện đại, chắc cũng tương đương với việc ông ngoại hắn là tỉnh trưởng?!

Đi chúc thọ tỉnh trưởng mà quà mừng lại là một túi giá đỗ, ai mà chẳng lo lắng chứ!

Có đi cũng chết, không đi cũng chết, nhưng lúc này không thể trốn tránh được nữa, Hạ Lan Định chỉ đành cắn răng mà đi.

Vừa xuống ngựa đã lập tức có người hầu chạy đến dắt ngựa đi. Hạ Lan Định hắng giọng, ổn định tinh thần, dẫn A Sử Na Hổ Đầu bước tới.

“Bộ lạc Hạ Lan, Hạ Lan Định đến chúc thọ!” Quan lại canh cửa cao giọng xướng danh. Lại có hai người hầu khác, một người nhận lấy túi đồ mà A Sử Na Hổ Đầu đang xách, một người cầm bút ghi chép: “Quà mừng, một túi giá đỗ.”

Người hầu dùng hết sức lực, hông đẩy một cái, ai ngờ túi đồ căng phồng kia khi cầm lên lại nhẹ tênh! Bên trong chứa cái gì vậy?! Giá đỗ là cái gì?

Trong yến tiệc, người đông nghịt, cả người Hán lẫn người Hồ đều có, họ tụ tập thành từng nhóm nhỏ trò chuyện, mỗi nhóm đều có vòng tròn riêng của mình.

“Đó là nhà Độc Cô, đó là nhà Vũ Văn…” A Sử Na Hổ Đầu giới thiệu những người có mặt trong bữa tiệc cho Hạ Lan Định – đầu óc thủ lĩnh không được tốt, ai cũng không nhớ.

“Kia là…” Ánh mắt A Sử Na Hổ Đầu hướng về phía náo nhiệt nhất của yến tiệc, ở trung tâm là một người đàn ông lực lưỡng, mặc áo bào màu đỏ tía, bó sát người.

“Là cậu của thủ lĩnh đó.” A Sử Na Hổ Đầu nhỏ giọng giới thiệu: “ Còn người đối diện với ngài ấy thì ta không biết.”

“Cậu ruột?” Hạ Lan Định quay đầu nhìn cậu ruột lúc này đang trông như quả mận chín, thầm nghĩ, có vẻ phong thái Ngụy Tấn không phải ai cũng hợp.

Trang phục nho sĩ phương Nam với tay áo rộng và trường bào có lẽ chỉ phù hợp với những người có nước da trắng trẻo, dung mạo xinh đẹp, dáng người mảnh mai. Dù sao cũng tuyệt đối không phù hợp với một người đàn ông trung niên bụng phệ.

Không lâu sau, yến tiệc bắt đầu, các tỳ nữ dẫn khách vào chỗ ngồi. Yến tiệc theo kiểu phân chia thức ăn, mỗi người một chiếc bàn nhỏ trước mặt.

Hạ Lan Định được phân vào khu vực người Hồ, bên trái là nhà Hộc Luật, bên phải là nhà Vũ Văn.

Người nhà Hộc Luật đến là con rể của nhà họ Đoạn - Hộc Luật Thuật, ông ta coi Hạ Lan Định như không khí, không thèm liếc mắt nhìn lấy một cái.

Người nhà Vũ Văn đến là một người đàn ông trung niên, mặc dù ăn vận theo kiểu người Hồ, nhưng dung mạo lại không giống Hạ Lan Định, ngược lại có nét ôn hòa như người Hán.

Tộc trưởng Vũ Văn không đến một mình, bên cạnh ông ta còn có một đứa trẻ, trông lớn hơn Tát Nhật, Na Nhật một, hai tuổi. Đứa trẻ tóc đen mắt đen, trông rất thanh tú đáng yêu.

Nhận thấy Hạ Lan Định đang nhìn, tộc trưởng Vũ Văn cười ha hả, bàn tay to như cái quạt vỗ vào lưng đứa trẻ, hào sảng giới thiệu: “Con trai của ta, Hắc Cẩu.”

Hạ Lan Định cạn lời, các bậc phụ huynh người Hồ này thích đặt tên con mình là “chó” đến vậy sao? “La Hán” của hắn nghĩa là chó, còn đứa trẻ trước mắt này tên là “Hắc Cẩu”, nghĩa là chó đen.

“Đây là anh trai nhà họ Hạ Lan của con!” Tộc trưởng Vũ Văn ấn đầu đứa trẻ, bảo nó chào hỏi.

Đứa trẻ tên Hắc Cẩu (chó đen) trừng mắt nhìn Hạ Lan Định, không thèm đếm xỉa. Xem ra dù là hiện đại hay cổ đại, trẻ con đều rất ghét bị bắt chào hỏi người khác.

Hạ Lan Định xua tay, không để tâm, nói: “Không sao. Chỉ là hối hận đã không mang theo đệ đệ muội muội đến cùng, nếu không chúng có thể chơi cùng nhau rồi.”

Nỗi hối hận này lên đến đỉnh điểm khi thức ăn được dọn lên bàn.

Thức ăn thật phong phú!

Thịt có thịt lợn, thịt dê, thịt bò, thịt gà; rau có dưa chuột, cà tím, củ cải, khoai môn; món chính có bánh sữa, bánh bao hấp, thủy dẫn bính, lao hoàn.

Lao hoàn chính là sủi cảo!

Không nói đến kỹ thuật nấu nướng của những món ăn này như thế nào, hương vị có ngon hay không, chỉ riêng sự đa dạng về chủng loại thôi cũng đủ khiến người ta phải trầm trồ. Ngay cả Hạ Lan Định, một người xuyên không từ thời hiện đại với vật chất phong phú cũng phải khen một tiếng: thật xa hoa!

Nhìn đứa trẻ nhà họ Vũ Văn bên cạnh ăn đến nỗi đầu cũng không ngẩng lên được, Hạ Lan Định hối hận đến mức ruột gan đều xanh lét – lẽ ra nên mang Tát Nhật, Na Nhật đến dự tiệc cùng! Đúng là thiệt thòi lớn mà!

Giữa bữa tiệc, Hạ Lan Định để ý thấy có người lén lấy hai miếng thịt khô nhét vào trong áo. Miếng thịt khô to bằng lòng bàn tay, mỏng giòn, vị ngọt cay, so với thịt khô Tĩnh Giang mà hắn đã từng ăn ở kiếp trước, cũng không hề thua kém.

Sự giàu có của nhà ông ngoại vượt xa sức tưởng tượng của hắn.

Khi những vũ nữ với mái tóc búi kiểu linh xà kế, mặc áo lụa bay bổng bước vào uyển chuyển, Hạ Lan Định chợt cảm thấy hoang mang: nhà ông ngoại là trấn tướng, giàu có như vậy, nhưng tại sao quân lính ở trấn quân lại nghèo khổ như thế?

Hạ Lục Hồn, một người lính gác cổng, không mua nổi một con ngựa, cả bộ lạc Hạ Lan, những người chăn nuôi ngựa cho Đại Ngụy, đều không có đủ ăn.

Trên đường phố Hoài Sóc, những chàng trai quân hộ lang thang không biết đi đâu về đâu, họ mặc áo da cũ nát rách rưới, bên hông đeo hoàn thủ đao do tổ tiên để lại, tay dắt những con ngựa già gầy gò – người còn không đủ ăn, huống chi là ngựa.

Phải làm gì đó mới được. Hạ Lan Định nghĩ như vậy.

Khi yến tiệc gần kết thúc, có người hầu đến mời. Cuối cùng Hạ Lan Định cũng được gặp ông ngoại “tỉnh trưởng” của mình rồi.

“Lớn rồi, chững chạc hơn rồi.”

Hạ Lan Định đón nhận ánh mắt quan sát của ông, cảm giác ánh mắt của ông ngoại như thể tia X quang, có thể nhìn thấu cả nội tạng của mình.

“Phương pháp đó không tệ.” Đoạn Trường nhìn cháu ngoại trước mặt, trực tiếp nói: “Chỉ là bây giờ chưa thích hợp để phổ biến.”

“?” Sự nghi hoặc trong mắt Hạ Lan Định không thể che giấu.

“Việc này ta sẽ xử lý.” Đoạn Trường không muốn nói nhiều, giọng điệu đột nhiên trở nên thân thiết: “Phương pháp đó rất quý giá, La Hán có muốn thưởng gì không?”

Đầu óc Hạ Lan Định rối như tơ vò, mẫu thân không phải nói cách ủ giá đỗ rất tốt sao? Không phải có thể dùng để thu phục các bộ lạc thảo nguyên sao? Tại sao lại không phổ biến nữa?

“Ờm… số lụa mà ông ngoại cho lần trước đã rất quý giá rồi…” Hạ Lan Định không biết ý định của ông ngoại là gì, nuốt hết những suy nghĩ ban đầu vào bụng, ậm ờ từ chối.

“Cuộc sống trên thảo nguyên không dễ dàng.” Ông ôn hòa nói: “Lấy thêm mấy tấm lụa tốt mang về đi, vừa hay để dành lấy vợ.”

Hạ Lan Định gật đầu lia lịa cảm tạ, vắt óc tìm chủ đề để nói: “À, hôm nay không mang Tát Nhật, Na Nhật theo cùng, sợ bọn nhỏ còn quá bé…”

Hạ Lan Định định giải thích lý do hai cháu ngoại trai và gái không đến chúc thọ, nhưng chưa nói hết câu, đã thấy ông ngoại đối diện hơi nhíu mày.

“À… bọn chúng à…” Dường như ông vừa mới nhớ ra hai đứa trẻ này.

“Nên đặt cho chúng một cái tên Hán rồi.”

Hạ Lan Định: “…Vâng.”

Hạ Lan Định cứ tưởng ông sẽ nhân tiện đặt tên Hán cho hai đứa cháu ngoại, nhưng kết quả ông lại không nói gì, chuyến đi chúc thọ cứ thế mơ mơ hồ hồ kết thúc.