Tôi nhớ Kiều.
Khi trước ở trường, đôi lúc cũng nhớ anh, nhưng vẫn còn chịu đựng được. Lần này, không biết tại sao, tôi rất muốn gọi điện cho anh.
Cứ cầm bút ấn đi ấn lại, lòng tôi không tài nào yên mà học được, cuối cùng đành lấy cớ học hành để nhắn một bài toán khó qua cho anh, mượn cơ hội này mà liên lạc. Không lâu sau, Kiều gọi thẳng lại cho tôi, kiên nhẫn giảng bài qua điện thoại.
Sau đó, tôi liên tục tìm anh để hỏi bài, anh hơi bực mình, mắng tôi ngốc. Tôi đoán chắc anh đã mất kiên nhẫn, nên không dám làm phiền nữa.
Thế nhưng, có một ngày, khi tôi đang học trong thư viện, buồn ngủ đến mức mắt cứ díu lại, Kiều lại chủ động gọi tới, hỏi tôi có gì không hiểu thì cứ mạnh dạn hỏi anh.
Anh vốn khiêm tốn, vậy mà dùng thành ngữ “không biết thì phải học hỏi” để nói về mình, đúng là khiến tôi vừa buồn cười vừa cảm thấy mặt mình như được dát vàng.
Sợ làm ồn, tôi cầm sách rời khỏi thư viện, tìm một góc yên tĩnh để “không biết thì phải học hỏi” anh.
Học hành bỗng dưng trở thành một cái cớ quá tốt, suốt hai mươi mấy năm sống trên đời, đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy học tập như đang phát sáng rực rỡ vẫy gọi mình.
Hôm sau, vào lúc chiều muộn, tôi thật sự gặp phải một câu hỏi khó. Theo thói quen, tôi liền gọi cho Kiều. Điện thoại kết nối, nhưng đầu dây bên kia không có ai trả lời. Tôi gọi mấy tiếng “A lô”, lại nghĩ đến chuyện mỗi buổi tối anh thường hay trầm lặng, chắc là… bệnh lại tái phát.
“Kiều, cậu nghe được không? Biết tôi là ai không?”
Điện thoại bên kia vẫn chỉ có tiếng im lặng xen lẫn vài âm nhiễu nhỏ. Tôi cúi giọng, chậm rãi nói:
“Lại quên tôi rồi sao? Tôi đã dặn cậu bao nhiêu lần, không được quên tôi. Vậy mà cứ một thời gian lại quên, lúc nào cũng thế… Haiz… Tôi là A Tần đây. Người vẫn thường dẫn cậu đi dạo công viên, nhớ không?”
Nói xong, tôi nghe được tiếng thở của anh. Hơi thở nặng nhẹ đan xen, cùng với một tiếng “ừ” trầm thấp vang lên.
Tôi như bị sét đánh, vội bấu vào chân mình để xác nhận, ấp úng hỏi:
“Cậu… cậu…”
Kiều giải thích: “Có lẽ là điện thoại cũ của tôi có vấn đề, nên ban nãy cậu không nghe được tiếng của tôi… cũng có thể là điện thoại của cậu gặp trục trặc.”
“À… tôi cúp máy trước nhé… tạm biệt.” Tôi định đặt điện thoại xuống để ngắt cuộc gọi, lại nghe anh bất ngờ thấp giọng:
“Đừng cúp…”
Tôi đoán được anh thế nào rồi, liền hỏi:
“Nhà không có ai à?”
Kiều cô đơn đáp: “Dì Chu vẫn chưa về.”
Tôi bắt đầu nói linh tinh những chuyện vụn vặt để giữ cho anh không thấy tịch mịch. Anh đáp lại rất ít, chỉ bảo tôi đừng ngừng nói chuyện. Cuối cùng, tôi hát bài Trời tối đen cho anh nghe. Trước khi kết thúc cuộc gọi, anh cười nhạt, nói rằng đã cảm thấy đỡ hơn.
Bệnh của Kiều là chứng tâm thần phân liệt, lúc tốt lúc xấu. Khi tỉnh táo, anh chẳng khác gì một người bình thường, nhìn qua không ai nhận ra vấn đề. Nhưng khi bệnh phát, dì Chu thường phải trói anh lại để kiểm soát.
Những lần như vậy, anh sẽ bị trói chặt suốt đêm, mơ màng hỗn loạn, rồi đột nhiên tỉnh táo nhận ra bản thân bị trói. Sau đó lại tiếp tục rơi vào vòng xoáy điên cuồng và tuyệt vọng. Chuỗi hành hạ không hồi kết này như những đợt thủy triều, lần lượt bào mòn tuyến phòng thủ tinh thần của anh.
Sống, đôi khi còn khó khăn hơn cả chết.
Tôi từng nhiều lần chứng kiến vẻ yếu đuối không chịu nổi của Kiều. Nỗi đau của anh là do kẻ sát nhân mang đến, nhưng lại phải chịu đựng những lời đàm tiếu, chỉ trỏ từ hàng xóm láng giềng.
Tôi từng mất kiểm soát mà hét lên với họ:
“Tại sao các người không lên án hung thủ? Lại đi trách móc nạn nhân? Các người mù hết rồi sao?! Hay là các người chỉ biết ăn những chiếc bánh bao tẩm máu người?!”
Họ im lặng trong giây lát, nhưng sau lưng, những lời bàn tán ác ý vẫn âm ỉ dậy sóng. Giống như lũ chuột rúc rích trong bóng tối, chúng lén lút gặm nhấm, ngày một xa rời nhân tính, từ từ xé nát chút ý chí còn sót lại của Kiều.
Rồi kỳ nghỉ đông đến. Các bạn học đều háo hức về nhà đón Tết, chỉ có tôi mang theo nỗi bất an bước lên chuyến tàu. Tôi muốn gặp Kiều, dù chỉ là lúc anh tạm thời tỉnh táo cũng được.
Mỗi lần về quê thăm anh, đều giống như đánh cược với số phận.
Tết Nguyên Đán, có lẽ nhờ vào chút không khí vui mừng, lời khẩn cầu của tôi được đáp lại. Kiều vẫn còn tỉnh táo.
Năm nay, Lưu Tư Hành phải về thôn nhà cậu ta ăn Tết, nên chúng tôi quyết định tụ họp sớm, như thường lệ ở trên sân thượng căn nhà cũ của Kiều. Tự nướng thịt xiên, tự chuẩn bị rượu nếp của dì Chu, còn vui hơn cả đi ăn ở nhà hàng ngoài kia.
Tôi và Lưu Tư Hành ăn uống thoải mái, chỉ tiếc rằng Kiều không thể uống rượu, chỉ ngồi nhìn chúng tôi "phá hoại" hũ rượu nếp của dì Chu.
Tôi uống không nhiều, vẫn giữ được tỉnh táo.
Còn Lưu Tư Hành thì khác. Cậu ta không chỉ uống rượu nếp mà còn thử cả rượu trắng, cuối cùng chưa kịp tối đã say mèm, gục xuống bàn ngủ như chết. Mỗi lần cậu ta say, dù có động đất cũng không tỉnh, gọi thế nào cũng không dậy.
Trời giữa tháng Giêng, gió rét buốt thấu xương. Ngồi trên sân thượng mà gió quất vào mặt thì đúng là “chua xót” không gì bằng. Nếu không phải Lưu Tư Hành đề nghị lên đây, và Kiều đồng ý, tôi đã chẳng tự chuốc khổ vào thân. Nhưng phải công nhận, trong cái lạnh cắt da này, vị ngon của thịt xiên nướng lại càng đậm đà. Tôi co ro một chút, vừa lạnh vừa vui.
Đang nhai thịt, tôi nghe Kiều hỏi:
“Lúc còn đi học, tôi là thầy nhỏ của Lưu Tư Hành. Cậu ta đến thăm tôi cũng không lạ. Nhưng còn cậu, chúng ta trước đây đâu có giao tình gì. Sau khi tốt nghiệp, cậu vẫn kiên trì thăm tôi mấy năm liền. Điều này làm tôi rất bất ngờ. Tại sao?”
Răng tôi dừng lại trên miếng thịt, cổ họng khẽ động, nuốt xuống. Chớp mắt liên tục, tôi trả lời:
“Tôi là tình nguyện viên. Cậu biết tôi thường đến viện dưỡng lão, trại trẻ mồ côi, trường câm điếc mà...”
Trên thanh sắt của sân thượng treo một lá cờ cá chép màu xanh lam. Gió luồn qua miệng cá, thổi phồng cả thân nó, khiến nó cứ lắc lư phất phơ trong không trung.
Gió như mang theo sức sống, bừng tỉnh trong cờ cá chép, tựa hồ một chút kiêu ngạo khi bị phát hiện, càng bay tung hoành mãnh liệt.
Lá cờ cá ấy là tôi đã dành mấy ngày cặm cụi làm, treo lên vào Tết Đoan Ngọ năm ngoái. Hôm đó, tôi đứng trên lan can, hơi nguy hiểm một chút, nhưng cuối cùng cũng tự tay treo nó lên.
Lá cờ cá chép mang ý nghĩa cầu chúc các bé trai mạnh khỏe trưởng thành, tràn đầy sức sống.
Kiều nghiêng đầu nhìn ra khung cảnh ngoài sân thượng, ánh mắt cuối cùng dừng lại trên lá cờ cá chép ấy.
“Cậu treo nó là vì tôi sao?”
“Ừ, để cầu chúc cậu bình an.”
“Cái này thường là bố mẹ treo cho con trai, mang ý nghĩa kỳ vọng con cái thành tài mà.” Kiều quay đầu lại, khẽ cười.
Tôi cố chấp nói: “Cũng cùng ý nghĩa đó. Dù sao tôi cũng dùng nó để cầu nguyện cho cậu.”
Trong một đêm sâu lắng, hình ảnh trên sân thượng hôm ấy bất chợt ùa về, tôi bừng tỉnh, đôi mắt mở trừng trừng không tài nào ngủ được.
Cầu mà không được, nhớ thương đến mức u mê. Nỗi niềm dày vò, lật qua lật lại trên chiếc giường lạnh lẽo.
Trong lòng tôi giấu một bí mật, đã che giấu suốt năm, sáu năm trời. Càng nghĩ lại càng trằn trọc, không sao yên lòng.
Đêm ấy, tôi lục tìm bộ dụng cụ làm vòng tay DIY, rón rén ngồi lên bệ cửa sổ bắt đầu mày mò. Tôi chưa từng dùng máy khoan lỗ bao giờ, thử nghiệm suốt một lúc lâu mới dám cẩn thận khoan từng hạt đậu tương tư đỏ như máu.
Bảy hạt đậu, đỏ thẫm như những giọt máu, xếp ngay ngắn trên mặt bàn đá cẩm thạch. Tôi cẩn thận xâu chúng bằng kim và chỉ, kết thành một chiếc vòng tay với nút thắt đẹp mắt.
Chiếc vòng tay ấy được hoàn thành trong đêm tương tư anh. Tôi tặng nó vào đêm giao thừa, khi pháo hoa rực rỡ nhất.
Bầu trời đêm đen đặc được tô điểm bởi từng chùm pháo hoa rực rỡ, những tia sáng bùng lên trong khoảnh khắc tựa như hoa quỳnh nở. Chúng mang sắc màu ngắn ngủi nhưng đẹp đến mộng ảo, như một giấc mơ tan biến. Pháo hoa chiếu sáng đôi mắt tôi, và ý nghĩa của chúng cũng đọng lại nơi đó.
Tiếng pháo nổ râm ran bên tai, xa xa có, gần gần cũng có. Kiều đặt tay lên lan can, ánh mắt xa xăm ngắm nhìn bầu trời đêm sáng rực ánh lửa.
Tôi lặng lẽ rút chiếc vòng tay đỏ ra, hít sâu một hơi, mạnh dạn đeo vào cổ tay ấm áp của anh.
Anh ngạc nhiên, nhấc tay lên ngắm nghía. “Cái này là…?”
Tôi mỉm cười rạng rỡ. “Cậu tặng tôi mặt dây chuyền xương bò, thì tôi tặng cậu vòng tay đậu đỏ. Thế là chúng ta huề nhé. Kiều, chúc mừng năm mới.”
Kiều khẽ nhếch môi cười, nụ cười ấy đẹp hơn cả pháo hoa trên trời.
Tôi hắng giọng, nhân cơ hội đọc một bài thơ:
“Hồng đậu sinh Nam quốc
Xuân lai phát kỷ chi.
Nguyện quân đa thải hiệt
Thử vật tối tương tư.”
Đọc xong, tôi đưa ngón tay chạm nhẹ vào chiếc vòng tay đậu đỏ trên cổ tay anh. Ngước mắt lên, tôi bắt gặp đôi mắt đen sáng như sao của Kiều.
Đôi mắt ấy bình lặng như mặt hồ, nhưng lại như muốn hút tôi vào trong.
Anh nhìn tôi, và tôi cũng nhìn anh.
Khuôn mặt thanh sạch của Kiều từ từ tiến gần, cả người tôi căng cứng, mồ hôi rịn đầy lòng bàn tay. Anh cúi đầu, đôi môi ấm áp khẽ chạm nhẹ vào đầu mũi tôi, ngứa ngáy tê dại.
Rồi tôi nghe giọng anh, rõ ràng từng chữ: “Duẫn Duẫn, năm mới vui vẻ.”
Như có một chiếc lông vũ khẽ lướt qua tim tôi, ngứa ngáy, bồi hồi, lại có chút hoang mang. Tôi kinh ngạc: “Sao cậu biết tên gọi ở nhà của tôi?”
Kiều không trả lời, chỉ nắm chặt lấy tay kia của tôi, ánh mắt kiên định: “Tôi sẽ… cố gắng khỏe lại.”
Trời ơi, sau ngần ấy năm, cuối cùng tôi cũng được ngọt ngào một lần.
“Không xem chương trình đón giao thừa à?”
Giọng nói bất ngờ vang lên làm tôi giật mình. Tôi vội rụt tay lại, nhưng chưa kịp rút hết, Kiều đã giữ chặt lấy tay tôi.
Chúng tôi đứng trên sân thượng, tay trong tay, đối diện với dì Chu ở cửa cầu thang.
Ban đầu, dì mỉm cười nhẹ, nhưng rất nhanh nụ cười vụt tắt. Dì lấy tay lau vào chiếc tạp dề, từ từ tiến lại gần. Nhìn tay chúng tôi đang nắm chặt, dì quay sang Kiều, nghiêm khắc ra lệnh:
“Buông tay.”
Kiều rất cứng đầu, không hề buông lỏng dù chỉ một chút.
Dì Chu xoay người, quay sang tôi, nhẹ nhàng nhưng dứt khoát:
“Cháu là cô gái tốt, xứng đáng với một người tốt hơn. Còn chúng ta, ngay cả đại học cũng chưa đỗ, làm sao xứng với cháu được…”
Những lời nói tưởng như dịu dàng ấy lại đủ sức đánh sụp sự kiên định của Kiều. Anh khẽ buông tay, nhưng tôi nhanh chóng nắm chặt lại.
Tôi nhìn vào đôi mắt trống rỗng của anh, giọng cứng cỏi nói với dì Chu:
“Dì, lời này của dì không đúng. Làm người, không nên lẫn lộn gốc rễ. Cái gọi là xứng hay không, chỉ cần con thấy được là được.”
Dì Chu dường như hối hận vì đã nói ra những lời đó. Dì thở dài một hơi, chỉ để lại một câu cho Kiều:
“Thành Công, con tự nghĩ kỹ đi.”
Dì đến nhẹ nhàng, đi cũng nhẹ nhàng, nhưng đã phá vỡ khoảng cách yên bình giữa tôi và Kiều.
Kiều đứng bất động rất lâu, rồi bất chợt muốn tháo chiếc vòng tay đậu đỏ trả lại tôi.
Tôi lần đầu tiên nổi giận với anh, giật phăng chiếc vòng tay, ném mạnh xuống đất, bỏ lại một câu:
“Yêu thì giữ, không thì thôi. Cậu không cần, tôi cũng không cần.”
Nói xong, tôi chạy một mạch về nhà đón giao thừa.