Hoàng đế bận trăm công nghìn việc, lại thêm mưa lớn ở Gia Châu, đê bị vỡ làm điền trang ngập lụt, trong triều đang sầu muộn vì chuyện cứu tế sửa đê, cứ cách vài năm đoạn sông Hoài thuộc Gia Châu đều hứng chịu một trận lũ lớn, Công bộ đề xuất muốn cải tạo đường sông, sửa đê mới, Hộ bộ thì lấy lý do tiền bạc túng thiếu, không thể phản hồi ý kiến, Thượng thư hai bộ ồn ào đến trước mặt Hoàng đế, cãi nhau túi bụi.
Tất nhiên chuyện hậu cung xin thiên kim hoàn đã bị Hoàng đế vứt ra sau đầu.
Có điều vài hôm sau, bên Hoàng hậu cũng nói thiên kim hoàn có lợi cho thân thể nàng ấy, Hoàng đế không khỏi để bụng, dưới gối Hoàng hậu không có con, quanh năm triền miên trên giường bệnh, trong lòng chàng rất hổ thẹn với vị đích thê này, vì thế gọi nội thị lần trước theo chàng xuất cung tới.
“Ngươi hãy đến tiệm thuốc Phó gia ở phía Tây chợ mua thêm ít thiên kim hoàn.”
Nội thị nghe thế liền tỏ vẻ đau khổ: “Bệ hạ, lần trước là ngài đích thân giá lâm, tất nhiên muốn mua cái gì thì mua cái đó, nhưng nếu là nô tì xuất cung đi mua, phải thông qua nội đình ty kiểm tra thực hư, một khi mua thuốc, lại phải thông qua Thái Y viện thẩm tra, chuyện này có liên quan tới Điển Dược cục.”
“Ngài cũng biết đấy, Thái Y viện phải phái người đi thẩm tra tư lịch của tiệm thuốc, ai là người kinh doanh, dược liệu đến từ đâu, còn phải đi hàm lệnh(*) Cẩm Y vệ giúp đỡ điều tra thân thế, chuyến mua thuốc này ít nhất cũng phải nửa năm.”
(*)Hàm lệnh: ra lệnh bằng thư từ.
Hoàng đế nghe vậy, đôi mày anh tuấn khẽ nhíu lại: “Thế mà trẫm lại quên chuyện này.”
Nếu thuốc của Phó gia tốt, quả thật có thể cho vào kho thuốc của Điển Dược cục, sau này chuyên cung cấp thuốc cho nội đình.
Nhưng đây không phải là chuyện nhỏ, còn phải thử nghiệm vài lần, nếu đúng là thuốc tốt, lại ra lệnh cho Thái Y viện đi tra nghiệm.
“Được, trẫm rảnh rỗi sẽ đi tiếp một chuyến.” Hoàng đế ngắt lời, tiếp tục bận rộn chính vụ.
Tiết trời đang là mùa nắng nóng cao điểm, trong cung bận rộn vì đám cưới của Công chúa Bình Khang và Từ Gia.
Thục Quý phi thì không rảnh rỗi, từng nhắc tới một lần nhưng thấy Hoàng đế không thèm để ý nên cũng bỏ qua.
Thân thể Hoàng hậu không tốt, đã nhiều năm không quan tâm tới hậu cung, Hoàng đế cử Thục Quý phi hỗ trợ quản lý hậu cung, hôn sự của nữ nhi nàng ta tất nhiên phải tổ chức vô cùng linh đình.
Qua bảy ngày nữa, cuối cùng Từ Gia đã có thể xuống đất, hôn sự của hắn và Công chúa Bình Khang không thể trì hoãn thêm, đành phải gắng gượng đi rước dâu.
Đêm trước khi đại hôn, Công chúa Bình Khang cầu kiến Hoàng đế, Hoàng đế không gặp ả ta, ả nhào vào trong lòng Thục Quý phi oà khóc: “Mẫu phi, hình như phụ hoàng chán ghét con, nữ nhi nên làm gì đây? Hu hu hu...”
Thục Quý phi đau lòng ôm nữ nhi vào trong lòng, an ủi: “Bây giờ con không cần gả cho ma ốm của phủ An Hầu đã là vô cùng may mắn rồi, tình thương yêu của phụ hoàng con, sớm muộn gì mẹ sẽ giúp con kiếm về, nhưng có một điều đến khi con gả qua đó cần phải lo liệu.”
Công chúa Bình Khang ngừng khóc, ngước mắt hỏi: “Chuyện gì ạ?”
Khuôn mặt dịu dàng của Thục Quý phi lướt qua một tia lạnh lẽo: “Không phải phụ hoàng con giận con đoạt phu quân của người ta sao, đợi sau khi con xuất giá thì tổ chức tiệc ngắm hoa, mời sĩ tử Từ Gia quen biết qua phủ, con chọn cho Phó Nhiêu một vị phu quân, đến lúc đó phụ hoàng con hài lòng, nhất định không giận con nữa.”
Vẻ mặt Công chúa Bình Khang sáng như tuyết: “Đây là một ý kiến hay, Từ Gia quen nàng ta mười năm, ai biết có cảm tình hay không, nếu không gả nàng ta đi, lòng nữ nhi bất an, phải diệt trừ mối hoạ trong mắt này mới yên ổn.”
Thục Quý phi hài lòng xoa đầu nữ nhi: “Con hiểu là tốt rồi.”
Công chúa Bình Khang nghĩ đến Từ phủ hoang sơ cũ nát thì không khỏi sầu não: “Mẫu phi, nhưng mà Từ phủ rất hẹp, nhà chỉ có ba lối vào(*), nữ nhi đường đường là Công chúa, sao có thể tổ chức tiệc ngắm hoa ở cái nơi bé nhỏ kia được?”
(*)Nguyên văn là “三进” (Tam tiến): Là một kiểu Tứ hợp viện, nhất tiến là dãy nhà có cửa ra vào, nhị tiến là sảnh, còn tam tiến là phòng ngủ hoặc trong nhà.
Thục Quý phi vén tóc mai bị rối của ả ra sau tai, ung dung cười: “Đây chính là ý đồ của mẹ, lúc con tổ chức tiệc ngắm hoa, mẹ bảo cữu cữu con sắp xếp vài tên Ngự sử đi ngang qua, Ngự sử thấy con đường đường là Công chúa lại ở nơi chật hẹp như vậy, mà con còn chọn lựa phu quân cho cô nương Phó gia, tư thái có đủ, Ngự sử lại dâng một quyển tấu chương trước mặt phụ hoàng con, chắc chắn phụ hoàng con thấy con khôn khéo, sẽ xây phủ Công chúa cho con…”
Công chúa Bình Khang nghe vậy vui mừng nhướng mày, làm nũng nói: “Vẫn là mẫu phi lợi hại.”
Thục Quý phi ôm nữ nhi, nụ cười trên mặt dần tắt.
Nàng ta ở hậu cung ngần ấy năm, có thể áp đảo Hoàng hậu, chẳng lẽ không có chút mưu mô nào ư? Nếu như không phải Hoàng đế muốn gả nữ nhi cho ma ốm kia, nàng ta cũng không đến mức nghĩ ra hạ sách này, khiến nữ nhi mất thanh danh vô ích, cũng may hữu kinh vô hiểm(*), có thể lấy Trạng Nguyên làm phu quân, đối với Lý gia và Tam Hoàng tử đều có lợi.
(*) Hữu kinh vô hiểm: Kinh sợ nhưng không nguy hiểm
“Cữu cữu(*) của con là Lại bộ Thị lang, sau khi con gả đi hãy bảo Từ Gia chuyên tâm làm chức quan nhỏ, ắt có ngày hắn sẽ vươn lên.”
(*)Nghĩa là cậu, em trai hoặc anh trai của mẹ.
“Nữ nhi biết rồi!”
Vì chuyện lên nhầm kiệu hoa trước đó ầm ĩ khiến dư luận xôn xao nên đại hôn của Công chúa Bình Khang cũng không phô trương.
Phó Nhiêu vẫn bận rộn cả ngày mới hồi phủ, nghe thấy cách vách pháo vang không ngớt, bấy giờ nàng mới hay Từ Gia đã chính thức rước Công chúa qua cửa.
Nàng đứng ở nhà chính yên lặng một lát, chẳng nói chẳng rằng, đi đến hậu viện.
Vào chính phòng, Trịnh thị đang thấp giọng nói chuyện với Chung ma ma, thấy Phó Nhiêu vén rèm đi vào, bà vội dừng câu chuyện, nghiêng đầu lặng lẽ lau khô nước mắt, ngẩng mặt mỉm cười: “Con về rồi à.”
Phó Nhiêu thông minh cỡ nào, dĩ nhiên biết vì sao mẫu thân không vui, nàng đi tới ngồi xuống cạnh sạp, thấy bên cạnh đặt một bát thuốc, canh thuốc đen ngòm bên bát đã nguội, nghĩ chắc mẫu thân chưa dùng thuốc.
Trịnh thị nhìn theo tầm mắt nàng, sắc mặt hơi cứng đờ: “Ôi chao, coi ta kìa, nói cả buổi trời lại quên uống thuốc, ngươi đi hâm nóng rồi mang tới đây.” Trịnh thị liếc qua Chung ma ma.
Mắt của Chung ma ma cũng hơi đỏ, bà ấy bưng chén thuốc cúi gằm mặt, thi lễ với Phó Nhiêu rồi lui ra ngoài.
Phó Nhiêu nhìn Trịnh thị không nói gì, Trịnh thị bắt gặp ánh mắt sáng quắc của nàng, ý cười trên mặt cuối cùng cũng nhạt đi, bà nhìn sang chỗ khác.
Im lặng một lúc, tiếng kèn ồn ào huyên náo nhà bên cạnh càng lúc càng rõ ràng, Trịnh thị nghe mà hốc mắt cay cay, nhất thời nước mắt trào lên.
Phó Nhiêu thấy thế, im lặng thở dài một hơi, cầm lấy bàn tay trắng nõn mảnh khảnh của bà, khuyên nhủ: “Mẹ, mẹ đừng buồn, tái ông mất ngựa làm sao biết không phải phúc(*), nhân cách Từ Gia như thế, sớm ngày nhìn thấu là tốt, hơn nữa, qua lần này, nữ nhi cũng suy nghĩ kỹ càng, thay vì buộc hỉ nộ ái ố lên người nam nhân, chi bằng tự mình đi tìm.”
(*)Tái ông mất ngựa: là một câu thành ngữ an ủi người đang gặp khó khăn, tương đương với câu “trong cái rủi có cái may”.
Trịnh thị cầm khăn tay lau nước mắt, hốc mắt vẫn đỏ, bà hỏi: “Ý con là sao?”
Phó Nhiêu mỉm cười, ngồi xuống trước mặt bà, tinh thần phấn chấn: “Mẹ xem đi, bây giờ nữ nhi được phong làm Huyện chúa, đây là vinh quang cả đời mà biết bao nữ nhân đều không có được, nữ nhi đã hơn rất nhiều người rồi, bây giờ có đất phong trong tay, cả đời không lo ăn mặc, cũng không cần lo lắng bị nam nhân bỏ rơi, không cần nhìn sắc mặt người khác sống qua ngày, chẳng phải rất tự tại sao?”
“Nữ nhi đã nghĩ kỹ, muốn kế tục di nguyện của tổ mẫu, mở rộng tiệm thuốc, dương danh thiên hạ.”
“Đợi đến lúc Khôn Nhi đỗ đạt công danh, nhà chúng ta sẽ tốt hơn thế nữa…”
Trịnh thị ngơ ngác nhìn nàng một lúc lâu, đau lòng nói: “Nhưng hôn sự của con thì làm sao bây giờ?”
Nữ nhi bị Công chúa cướp hôn, tổn hại đến thanh danh, còn ai cam tâm tình nguyện cưới nàng nữa, đây mới là nỗi đau trong lòng Trịnh thị.
Trong đầu Phó Nhiêu đã không còn nghĩ ngợi về việc thành thân, song nàng không thể nói toẹt lời này với Trịnh thị được, bèn khuyên nhủ: “Mẹ cứ quan tâm vớ vẩn, năm ấy nữ nhi cập kê, không phải đạo sĩ đã nói nữ nhi vượng phu sao, vả lại đợi sóng gió qua đi, sau này nhất định có người tới làm mai.”
Câu này lại gợi lên chuyện đau lòng của Trịnh thị, bà khó có thể kiềm lòng, nước mắt rơi như mưa: “Con đã mười tám... trước kia đã bị tên khốn Từ Gia kia làm lỡ hai năm, bây giờ lại đợi hai năm nữa, đợi đến khi con hai mươi làm sao còn gả ra ngoài được đây?”
Trịnh thị đau lòng không thôi, ngã xuống sạp khóc không thành tiếng.
Phó Nhiêu không khuyên nổi, đành thôi vậy.
Ngờ đâu ngày hôm sau Công chúa Bình Khang phái một nữ quan tới cửa, nói là bảy ngày sau tổ chức tiệc ngắm hoa, chọn rể thay Phó Nhiêu.
Trịnh thị nghe vậy tuy có lo lắng trong lòng, nhưng nghĩ đến hôn sự của nữ nhi trắc trở, còn cố kỵ điều gì nữa, lập tức đồng ý.
Bà lại lo lắng Phó Nhiêu không chịu đi, chỉ dặn dò hạ nhân trong nhà không được nói chuyện này với Phó Nhiêu.
Ngày Từ phủ tổ chức yến tiệc, sáng sớm Trịnh thị đã giữ Phó Nhiêu lại.
“Hôm nay con ở lại trong phủ làm giúp mẹ một việc.”