Nhận Nhầm Thái Tử Thành Công Cụ Hình Người

Chương 27: Chuông (1)

Sau khi lục soát khắp viện, Xuân Quy còn phát hiện ra có thứ kỳ lạ trên một cái cây đối diện phòng ngủ của Tạ Ý Thích.

Không phải thứ gì đáng sợ, chỉ là trên cành cây cách mặt đất chừng hai mét, chẳng biết từ bao giờ đã buộc một chiếc chuông không phát ra tiếng.

Xuân Quy hỏi từng nha hoàn, bà tử, ai nấy đều nói không hề thấy ai treo chuông lên. Hai tiểu nha đầu mới mười tuổi, phụ trách quét dọn, thề là ban ngày trên cây không có chuông.

Tạ Ý Thích nhìn chiếc chuông không có lưỡi chuông* trước mặt, rung thế nào cũng không có tiếng, bảo Xuân Quy cất kỹ rồi mang đến Cố trạch.

*Lưỡi chuông: một bộ phận trong cấu tạo của một số loại chuông, đặc biệt là chuông trong các nhạc cụ hoặc chuông đồng. Bộ phận này thường có hình dạng giống như lưỡi và đóng vai trò tạo ra âm thanh khi chuông rung.

Ông ngoại từng đi nhiều nơi, kiến thức uyên bác, có lẽ sẽ biết lai lịch của chiếc chuông này.

Trâm hoa đào và chuông xuất hiện cùng lúc, Tạ Ý Thích khó mà không suy đoán mối liên hệ giữa hai vật.

Nếu do cùng một người gây ra, trâm đào chỉ là chiêu trò che mắt, chiếc chuông này mới là cái chính.

Chẳng lẽ là nhị hoàng tử?

Tạ Ý Thích mang theo nghi hoặc chìm vào giấc ngủ, lại gặp ác mộng.

Lần này cảm giác ngạt thở trong giấc mơ còn mãnh liệt hơn trước, như có dải lụa trắng quấn lấy cổ nàng thật, bóp nghẹt hơi thở, mãi đến khi được Tân Lục gác đêm gọi dậy mới thôi.

Tạ Ý Thích bảo Tân Lục mở cửa sổ, nhìn về phía cành cây dưới ánh trăng lạnh lẽo.

Còn bảy ngày nữa.

Tối nay không chỉ mình nàng mất ngủ, Phó Thành Kim cũng bị ác mộng đánh thức, trán đầy mồ hôi lạnh, tay cầm chén trà run rẩy.

Y không nhớ rõ mình mơ thấy gì, chỉ nhớ cảm giác đau khổ vô tận ập đến, mà y thì không làm được gì.

Còn đáng sợ hơn cả lần đầu gϊếŧ địch, khi mà máu của đối phương văng lên mặt.

Y như mặc giáp cầm binh khí xong cả rồi nhưng lại không thấy quân địch, chưa ra tay đã bại trận.

Thua một cách khó hiểu.

Vương công công bị tiểu thái giám gọi dậy, vội chạy đến, thấy y chỉ mặc áo trong ngồi bên bàn, sắc mặt trắng bệch, hồn vía như lên mây thì càng hoảng sợ.

"Sao vậy?" Giọng ông nhỏ nhẹ, sợ làm phiền Phó Thành Kim: "Điện hạ."

Phó Thành Kim bất lực mím môi, giọng khàn khàn: "Mơ thấy ác mộng."

Vương công công thận trọng: "Mơ thấy gì ạ?"

Đôi môi Phó Thành Kim nhúc nhích, rồi lại mím chặt.

Khuôn mặt tái nhợt dưới ánh nến trắng nhợt như ma quỷ.

Khi Vương công công tưởng y sẽ không nói, một âm thanh nhỏ như lí nhí trong cổ họng vang lên.

"Mơ thấy rõ ràng cô thắng trận, nhưng lại rơi vào địa ngục trần gian."

Hôm sau trời quang, là một ngày tốt lành.

Gần cuối năm, các phủ đều bận rộn. Vì Tạ phu nhân bị cấm túc, quyền quản lý gia đình quay về tay lão phu nhân. Lão phu nhân định nhân cơ hội này để Tạ Ý Thích rèn luyện, nhưng Tạ Ý Thích không có tâm tư xử lý việc vặt trong phủ nên đã lấy cớ từ chối, đề cử phu nhân Ôn thị của nhị phòng Tạ Đức Bạch thay mặt quản lý phủ quốc công, có Mai di nương sinh được một đứa con trai cho Tạ quốc công giúp đỡ.

Mai di nương là người kỳ lạ, dung mạo bình thường nhưng rất được sủng ái vì tính cách thảo hỉ. Người làm trong phủ đều khen nàng. Con trai nàng, Tạ Tầm, năm nay năm tuổi, nói năng lễ phép, thân thiện hơn Tạ Mang. Biết nàng được quyền quản lý, các di nương khác cũng không gây chuyện mà bình tĩnh chấp nhận.

Lúc Tạ phu nhân bị quật ngã, Mai di nương mừng rỡ khôn xiết. Nàng muốn dập đầu tạ ơn Tạ Ý Thích, nhưng vì chỉ là di nương, phu nhân bị cấm túc chứ chưa chết nên không tiện làm quá, liền sai Tạ Tầm thân thiết với trưởng tỷ hơn, gián tiếp lấy lòng Tạ Ý Thích.

Nhị phòng Ôn thị thì không kiêng dè như vậy, ngay trong ngày nhận quyền đã tặng quà cho Tạ Ý Thích, còn đề nghị tìm người cho nàng xem mắt, đến khi nào nàng vừa lòng mới thôi, bù đắp những việc mà Tạ phu nhân chưa làm đến nơi đến chốn.

Tạ Ý Thích nhận quà, khéo léo từ chối ý tốt của bà ấy.

Tạ Ý An đến một lần. Sau chuyện phủ đại trưởng công chúa, cô nương vốn hoạt bát trở nên trầm lặng, khóc một trận trước mặt Tạ Ý Thích, không cầu xin cho mẫu thân, chỉ hỏi sau này mình có nên thân thiết với nhị thẩm (thím hai) hay không.

Tạ Ý Thích biết nàng ấy lo lắng, hai người vốn thân thiết từ xưa đến nay, nên đã chỉ cho nàng ấy.

Ôn thị có hơi thảo mai, nhưng nhị thúc Tạ Đức Bạch hiền lành đoan chính, bảo nàng ấy gặp chuyện gì thì tìm nhị thúc, ngoài mặt duy trì mối quan hệ tốt với Ôn thị là được.

Tạ Ý An nghe theo, trước khi đi tặng khóa bình an mình đeo từ nhỏ cho Tạ Ý Thích, nghẹn ngào xin lỗi rồi mới đi.

Cả buổi sáng ở Dưỡng Vinh đường, nàng vừa giúp tổ mẫu chuyển giao quyền quản lý gia đình, vừa chơi với tụi nhỏ, lại còn phải qua lại khách sáo với Ôn thị. Tạ Ý Thích thật sự kiệt sức, không ăn trưa mà đi nằm nghỉ luôn

Ngủ khoảng nửa canh giờ, người của Cố trạch đến báo Cố Thanh Tu hẹn nàng đến Kim Ngọc lâu.

Tạ Ý Thích ăn tạm vài miếng rồi vội đến Kim Ngọc lâu.

"Ông ngoại." Tạ Ý Thích vừa vào phòng trà đã thấy bóng người cao to của ông mình, mỉm cười gọi.

Cố Thanh Tu cũng cười: "Chắc con chờ lâu rồi đúng không, là tại ông ngoại, ngủ đến trưa mới dậy."

Tạ Ý Thích làm sao trách được, vội nói: "Hôm qua ông mới về kinh, chưa kịp nghỉ ngơi đã lo chuyện của Ý Thích, vừa nằm lên giường đã ngủ say là chuyện bình thường."

Cố Thanh Tu cười khà, được nghỉ ngơi thoải mái nên tinh thần rất tốt. Ông bước đến ngồi bên bàn trà, chờ Tạ Ý Thích ngồi xuống mới lấy ra chiếc chuông kia.

"Con lấy thứ này ở đâu?"

Tạ Ý Thích không trả lời trực tiếp mà hỏi: "Ông biết đây là gì ạ?"

"Biết chứ." Cố Thanh Tu nhìn chuông: "Lúc bà ngoại con còn sống, ông và bà con buôn bán ở Tây Nam, hầu như nhà nào cũng có thứ này."

"Tây Nam?" Tạ Ý Thích lẩm bẩm, rồi hỏi: "Nó có tác dụng gì ạ?"