GIẤC MƠ THỨ BA
Trời bắt đầu tối khi Lippel, Hamide, Asslam và con Mực đến cổng thành. Họ cùng với đám đông chen chúc nhau đi qua cổng, vào bên trong vì cổng sẽ đóng lại lúc mặt trời lặn. Ai không vào kịp sẽ phải ở lại bên ngoài chờ cho đến sáng hôm sau. Lippel lấy khăn che đầu xé thành nhiều mảnh nhỏ làm vòng cổ cho con Mực và nối thành sợi dây dắt tay, vì cậu sợ trong lúc chen lấn con Mực bị lạc.
Họ len lỏi giữa đám người đi buôn và dân ăn xin, nhờ vậy dễ dàng lọt qua khỏi con mắt dò xét của những người lính canh. Sau dòng người chen chúc là một bầy cừu với những người chăn, vài nông dân xong việc ngoài đồng đang lững thững trở về trên lưng lừa và rất nhiều trẻ con đang chen lấn đi vào. Lippel nói nhỏ với Asslam và Hamide:
"Cũng may mà chúng ta bỏ mấy con ngựa ở lại bên tảng đá. Trẻ con ngồi trên ngựa thế nào cũng bị chú ý."
Asslam gật đầu, Hamide chêm vào:
"Và cũng rất may là bạn đã thay đồ khác. Nếu vẫn bận bộ đồ cũ chắc chắn sẽ gây chú ý cho mọi người. Thôi chúng ta đi nhanh lên, trời sắp tối rồi."
"Đúng là trời sắp tối. Thế nhưng đêm nay chúng ta sẽ ngủ ở đâu?"
Hamide trả lời:
" Chúng ta sẽ tìm một nhà trọ."
Ba người tiếp tục đi xuyên qua các ngõ hẽm quanh co để tìm nơi ngủ. Lúc này sức nóng ban ngày đã giảm và luồng gió đêm mát mẻ thổi luồn qua các đường phố, nên mọi người thích ra ngoài sân làm việc hơn. Một người thợ đóng thùng ngồi chồm hổm trước căn xưởng của mình, đang kiểm soát kĩ lưỡng mấy cái thùng đồng vừa đóng xong.
Bác thợ giày đang xỏ dây qua lỗ giày, anh thợ may đang chăm chú gò lưng trên chiếc máy may, còn nhiều người khác đang khắc hình, đan thúng, dệt thảm và cả thợ sản xuất mặt hàng thủy tinh cũng đang làm việc. Trước cửa hiệu tạp hóa, người bán hàng đang lớn tiếng giới thiệu các món hàng của mình. Sau một hồi quanh quẩn, cả ba tìm được một nhà trọ nhỏ có treo tấm biển:
Nhà trọ Thanh Tâm
Nơi đây có thể nghỉ ngơi thoải mái với giá rẻ
Ba người đi qua cửa lớn vào phía bên trong một cái sân khá rộng, chung quanh có nhiều cánh cửa nhỏ. Một người đàn ông lớn tuổi ngồi dưới đất dựa vào cột nhà đang vừa nhai hột chà là vừa đọc sách. Họ đứng trước mặt ông khá lâu mà ông vẫn không hề hay biết.
Cả ba chép miệng dậm chân xuống đất, vỗ vào lưng con Mực rồi đi qua đi lại để gây sự chú ý nhưng ông này vẫn tiếp tục đọc sách. Cuối cùng Hamide lên tiếng:
"Thánh Ala phù hộ ông. Thưa ngài! Xin lỗi ngài! Tôi muốn nói vài lời. Chúng tôi muốn được hân hạnh nghỉ lại nhà trọ của ngài."
Lúc đó, người đàn ông mới để quyển sách sang một bên, lấy hột chà là ra khỏi miệng, quấn nó vào miếng lá và đút vào túi áo. Kế đó ông ta chậm rãi ngước nhìn ba đứa trẻ và con chó rồi nói:
"Thứ nhất, không được làm rộn khi người ta đang đọc sách. Như vậy là vô lễ. Thứ hai, không được quấy rầy người lớn tuổi, nhất là lúc họ đang đọc sách kinh. Điều này là rất kị và bất lịch sự. Ba má của các người đâu? Hay là các người muốn ngủ ở đây một mình?"
Hamide lên tiếng:
"Dạ đúng vậy. Xin thánh Ala thứ tội cho chúng tôi đã quấy rầy ông."
Người đàn ông quan sát ba đứa trẻ kĩ hơn và hỏi:
"Tại sao chỉ có cô bé nói?"
Lippel nói nhanh:
"Asslam bị câm, anh ấy không nói được."
" Còn ngươi cũng câm hay sao? Tại sao ngươi không nói?"
"Nhưng tôi vừa mới nói xong!"
"Nói gì?"
"Tôi vừa nói là Asslam bị câm.
"Phải rồi."
Người đàn ông dùng ngón tay trỏ gãi cằm một hồi rồi nói:
"Các ngươi nói ba má các ngươi ở đâu?"
Hamide trả lời:
"Chúng tôi không nói gì cả, thưa ngài."
"Thứ nhất, tôi không hỏi cô mà hỏi cậu này. Thứ hai, tôi muốn biết cha mẹ các người ở đâu?"
"Họ ở..."
Hamide vừa định nói nhưng ngưng lại ngay. Lippel cướp lời:
"Họ ở Wien."
Người đàn ông ngạc nhiên:
"Wien? Wien là cái gì?"
Lippel giải thích:
"Đó là một thành phố ở tận Frankistan."
"Frankistan? Cầu thánh Ala cho họ trở về bình an!"
Lippel tán thành:
"Chúng tôi cũng mong vậy."
Giọng một người đàn bà phát ra sau lưng họ:
"Tội nghiệp! Các cháu xa cha mẹ."
Ba đứa quay lại nhìn. Một phụ nữ tròn trịa đeo đôi bông tai lớn bằng bạc từ ngoài cửa bước vào. Bà mặc một áo rộng và mang ít nhất năm cái váy trên người, vì vậy trông rất bề thế. Trên tay bà là một hũ to bằng đất. Bà nói với giọng thân mật:
"Tôi đã nghe tất cả. Xin tha lỗi cho nhà tôi, thỉnh thoảng ông ta hơi nghiêm khắc. Các em hãy ăn trái cây nấu của tôi cho đỡ đói rồi chúng ta sẽ tính sau."
Bà cho tay vào trong hũ lấy ra một chùm nho và trái sung ngâm trong mật rồi phân phát mỗi đứa vài trái. Lippel lấy một trái nho bỏ vào miệng và khen:
" Cám ơn bà, nho rất ngon."
Người đàn ông nhìn vợ có ý trách móc nói:
"Thứ nhất, tại sao em lại xen vào chuyện của tôi? Như vậy không lịch sự. Thứ hai, tại sao em biết là họ có thể trả tiền phòng?"
Bà vợ mỉm cười:
" À, lúc nào anh cũng thứ nhất, thứ hai với thứ ba! Thứ nhất, tôi xen vào vì đã tình cờ nghe được câu chuyện. Thứ hai nếu họ không có tiền trả thì họ sẽ không nhận được phòng ngủ. Thứ ba, tôi thấy trên tay của cô bé đeo chiếc vòng bằng vàng có cẩn hột đá đỏ. Trị giá của nó đủ để cho cả gia đình ông thợ may Labakan cùng với họ hàng ở tại đây cả năm. Mà ai cũng biết Labakan là người có đông họ hàng nhất trong làng."
Hamide giật mình giấu chiếc vòng vàng dưới cánh tay áo. Người đàn bà thấy vậy mỉm cười:
"Bây giờ cô không giấu nó được nữa rồi. Nhưng đừng sợ, tôi không lấy cắp nó đâu."
Hamide ngượng ngùng:
" Tôi không nghĩ như thế đâu, thưa bà chủ đáng kính. Thật sự chúng tôi không có mang tiền theo."
Người đàn ông đắc thắng:
-" Đó, bà có nghe không? Không có tiền! Không có lấy một xu! Đúng như tôi đã nghĩ."
Hamide quả quyết:
" Nhưng ngày mai hoặc mốt chúng tôi sẽ trả. Chắc chắn như vậy. Và sẽ trả cao hơn cả giá mà ông bà đòi."
Người đàn ông trả lời:
"Không tiền thì không có phòng. Ai có thể bảo đảm là các người giữ đúng lời hứa? Đoàn lạc đà của cha mẹ các người có thể không trở về được. Dọc đường có rất nhiều cướp và thú dữ."
Người phụ nữ cắt lời:
"Làm sao ông có thể nói như vậy được!"
Bà quay qua lũ trẻ:
" Các em thông cảm, chúng tôi sống được nhờ nhà trọ nên không thể để các em ngủ miễn phí được."
Hamide hứa:
"Chắc chắn chúng tôi sẽ mang tiền đến trả."
Bà chủ nhà đề nghị:
"Tôi thấy có một cách giải quyết: cô đưa cho tôi chiếc vòng tay, tôi sẽ giữ nó cho đến khi cô trả tiền phòng xong thì sẽ nhận nó lại."
"Không, không thể được. Tôi không thể đưa chiếc vòng tay này".
"Như vậy thì rất tiếc là chúng tôi không thể để cho các em ngủ ở đây. Tôi có thể tặng các em trái cây nấu nhưng không thể cho ngủ miễn phí."
Hamide buồn bã nói:
"Như vậy chúng tôi phải đi thôi."
Bọn trẻ từ từ quay bước, ngay cả con Mực cũng cúi đầu xuống và đi ra như thể hiểu rằng người ta đang đuổi nó.
Vừa ra khỏi nhà, Lippel hỏi Hamide:
"Tại sao bạn không đưa cho bà đó chiếc vòng để làm tin? Chắc chắn bạn sẽ chuộc lại được mà. Khi được phép mở miệng nói, Asslam có thể kể cho cha bạn rõ sự thật và ông sẽ cho tiền trả."
"Tôi không thể đưa vòng tay này cho bà ta vì bên trong chiếc vòng có khắc tên tôi và in dấu hiệu của nhà vua. Nếu bà ấy thấy được thì sẽ biết tôi là công chúa. Chúng ta không có cách nào khác để có tiền hay sao?"
Lippel nói:
"Không có cách nào cả. Cô là công chúa, còn Asslam thì không nói được."
Hamide có vẻ tự ái:
"Tại sao tôi là công chúa thì không thể làm được?"
"À, tại vì công chúa đâu phải làm lụng bao giờ! Mà có làm việc thì mới có tiền."
Hamide trả lời:
"Nhưng tôi có thể ca hát hoặc đàn. Và Asslam có thể làm được nhiều thứ hơn bạn tưởng vì anh là học trò của Sinh Bá."
Lippel nhỏ nhẹ:
"Nhưng hiện tại thì không được vì anh ấy không được phép nói chuyện."
" Ca nhạc không phải là ý dở. Chúng ta có thể trình diễn trước tiệm tạp hóa trong chợ. Nơi đó có nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ và cả những người kể chuyện cổ tích. Chúng tôi sẽ ca hát còn con Mực sẽ làm xiếc. Mực có thể làm nhiều trò lắm, phải không Asslam?"
Asslam gật đầu, gương mặt biểu lộ sự đồng tình. Lippel thở dài:
"Nhưng bây giờ trời đã tối, chúng ta không thể trình diễn được nữa."
Hamide cười:
" Vậy là anh chưa biết chợ ở đây. Ban ngày ở chợ hầu như vắng hoe vì trời nóng. Đến tối khi mát mẻ hơn người ta mới tập tụ buôn bán, làm việc hay đi dạo. Ban đên không ai ở trong nhà cả. Chúng ta sẽ ca hát, Asslam đánh trống rất giỏi. Chúng ta phải tìm một thùng thiếc hay cái gì tương tự để làm trống cho Asslam. Còn tôi sẽ thổi sáo nếu chúng ta tìm được một ống tre, Asslam sẽ chế nó thành cây sáo cho tôi."
Hamide ngừng giây lát rồi hỏi Lippel:
"Còn bạn, bạn có thể làm được trò gì?"
Lippel sượng sùng:
"Rất tiếc, tôi không chơi được nhạc cụ nào cả. Điểm nhạc trong lớp của tôi rất thấp."
"Hay là anh hát cũng được."
Lippel ngượng ngập lắc đầu, Hamide an ủi:
"Không sao, bạn có thể đi thâu tiền. Hay là bạn có thể nhảy lên cao, chống 2 tay xuồng đất hoặc lộn nhào. Những trò đó người ta rất thích xem."
Lippel bối rối:
"Tôi cũng kém cả môn thể dục nữa, chỉ được điểm rất thấp. Nhưng riêng môn bơi lội thì tôi rất khá."
" Ở chợ này e rằng anh khó có dịp để trổ tài bơi."
Lippel nhấn mạnh:
"Nhưng tôi luôn được điểm cao môn văn. Tôi làm thơ khá hay."
"Thôi, tốt nhất là bạn nên lãnh chuyện đi thâu tiền. Bây giờ chúng ta đi tìm một cái trống cho Asslam."
Họ đang đi trong một con hẻm nhỏ, cuối con hẻm là đường lớn. Hamide giải thích:
" Đây là con đường chính, bên trái dẫn đến lâu đài, quẹo mặt sẽ tới tiệm tạp hóa. Chúng ta hãy rẽ phải."
Phía tay mặt có vài người đang cỡi ngựa đi tới, luồn lách qua đám người đi bộ, tạo nên sự ồn ào và sống động trên đường phố buổi tối. Bỗng nhiên Asslam đứng dừng lại và nắm chặc cánh tay của Hamide và Lippel. Hamide hỏi:
"Gì vậy anh Asslam?"
Lippel cũng hỏi:
"Anh muốn nói gì?"
Asslam lắc đầu lia lịa, ngón tay để lên môi ra hiệu im lặng, nhìn chăm chú vào những kị mã và gật đầu như thể xác nhân dự đoán của mình là đúng rồi vội vã kéo Hamide và Lippel đến núp vào chỗ tối. Con Mực sủa lên vài tiếng vì bị kéo đi bất ngờ. Những người kị mã vừa đến cổng, một người trong bọn họ kéo theo hai con ngựa không người cưỡi. Một kị mã mặc áo choàng đen, có vẻ là người chỉ huy, lách qua đám đông và hét to:
"Tránh ra!"
Nghe tiếng hô, Lippel giật mình quan sát kĩ người này mà không dám thở mạnh. Asslam cúi xuống giữ chặt lấy mõm con Mực để nó không sủa được. Một lúc sau đám kị mã đi qua khỏi. Lippel nói khẽ:
" Đó chính là những người đã giải chúng ta."
Asslam gật đầu. Lippel thì thầm:
"Họ đã trở về kinh thành. Điều đó thật không hay."
Hamide thêm vào:
"Đó không phải là điều xấu nhất. Bạn có thấy hai con ngựa không người cưỡi không? Điều đó mới tệ hơn."
"Tại sao?"
"Anh không nhận ra đó là hai con ngựa của chúng tôi à? Họ đã tìm ra được chúng, có nghĩa là họ biết rằng chúng tôi còn sống và đang lẩn quẩn trong thành phố."
"Sao bạn lại nói vậy?"
"Vì họ tìm thấy ngựa trước cổng thành, chỗ mấy tảng đá. Nếu chúng ta đang ở nơi khác thì những con ngựa không thể ở đó. Họ biết rất rõ điều này."
"Có nghĩa là họ đang tìm chúng ta?"
"Hôm nay chắc chắn là không vì trời đã tối rồi. Nhưng kể từ sáng mai chúng ta phải hết sức thận trọng. Nào, bây giờ chúng ta hãy ra chợ. May mắn là khi nãy họ không trông thấy chúng ta."
Asslam và con Mực đi trước, kế đến là Hamide. Lippel vừa định bước ra khỏi bóng tối thì nghe tiếng cánh cửa mở phía sau. Lippel gọi to:
"Asslam!"
Nhưng Asslam tiếp tục bước đi không hề quay lại. Một tia sáng xuyên qua khe cửa chiếu thẳng vào, trong vòng ánh sáng xuất hiện cái đầu của một người đàn bà. Lippel định bỏ chạy nhưng không sao nhấc chân lên được. Cậu gọi thêm lần nữa:
"Asslam!"
Cánh cửa mở rộng, luồng ánh sáng ùa vào chiếu sáng chung quanh cậu:
"Philipp nằm mơ phải không?"
Giọng người đàn bà từ phía ngoài cửa vọng vào. Lippel nheo mắt lại vì chói, giọng bà Jakob nói khẽ:
"Xin lỗi nhé! Tôi không có ý muốn đánh thức cậu. Tôi chỉ muốn xem cậu đã ngủ chưa? Cậu cứ ngủ tiếp đi."
Bà đóng cửa và rời khỏi phòng để Lippel nằm lại một mình. "Thật tức quá!", Lippel khẽ nói rồi quay qua ngủ và tiếp tục mơ.