NGÀY THỨ TƯ: CON MỰC
Lần này bà Jakob có chú ý đến điểm Penny. Khi đến bàn ăn, Lippel thấy nắp hộp sữa chua được rửa sạch sẽ và đặt kế bên dĩa của mình. Cậu cầm lấy đút ngay vào túi quần rồi ngồi xuống ghế:
" Cám ơn bác đã cho cháu mấy điểm sưu tầm."
"Sáng nay cậu cũng chỉ ăn sữa chua?"
"Dạ, giống như bác."
"Nhưng hôm nay cậu đừng quên ăn bánh mì. Nó còn ở trong tủ lạnh."
"Dạ! Bác có biết hồi tối này cháu đã mơ gì không?"
"Làm sao tôi biết được!"
"Cháu gặp một con chó nâu rất trung thành."
"Rất may đó chỉ là một giấc mơ."
Lippel ngạc nhiên:
"Tại sao vậy?"
"Chó có thể truyền những bệnh nguy hiểm, chẳng hạn như bệnh chó dại. Ngoài ra nó có thể có rận".
"Nó không bao giờ có rận! Hơn nữa, nếu có thì đó là rận chó chứ không phải rận người."
"Rận chó còn dơ dáy hơn rận người. Nhưng chúng ta không cần phải cãi nhau về chuyện này. Giấc mơ chỉ là những bọt xà phòng, trong chớp nhoáng sẽ biến mất ngay thôi."
Lippel cũng không muốn tranh luận với bà về giấc mơ đó nên khi ăn xong, cậu liền lấy gói bánh mì hôm qua để trong tủ lạnh và đi ngay tới trường. Từ đường Friedrich, Lippel vừa định quẹo sang đường Herder thì đứng sững lại, nhìn trân trối qua phía bên kia đường. Trước hàng rào, con Mực - con chó trong giấc mơ của cậu - đang ngồi đó.
Con Mực đứng dậy khi Lippel đến gần, ngoắc đuôi và chạy đến dúi mõm vào tay cậu rồi ngước nhìn chờ đợi. Không còn nghi ngờ gì nữa! Đây chính là con Mực. Nó có cặp mắt sáng và một vết đen trên ngực. Hay có lẽ đây là con chó vô chủ mà bà Jeschke đã cho ăn ngày hôm qua? Lippel thử gọi:
" Ê, Mực!"
Con chó vẫy đuôi mạnh hơn. Thế là Lippel quyết định:
"Tao đặt tên mày là Mực, bất chấp mày tên là gì đi nữa. Đến đây Mực, đi theo tao!"
Mực ngoan ngoãn đi theo Lippel.
" Mực, ngồi xuống."
Con Mực ngồi xuống thật và nhìn Lippel chăm chú. Lippel để cặp táp xuống đất và mở ra. Con chó tò mò gác mõm vào giữa Lippel và cái cặp. Lippel vừa cười vừa đẩy đầu nó sang một bên:
" Đi chỗ khác. Coi bộ mày biết rõ là tao sắp đưa cho mày món gì phải không?"
Lippel lấy bánh mì trong cặp ra, mở giấy gói và bẻ một miếng đưa cho con Mực. Con chó ăn ngon lành. Cậu nói như xin lỗi:
"Nó ở trong tủ lạnh nên còn hơi lạnh một chút."
Nhưng con Mực hấp háy mắt như ra dấu đang chờ đợi thưởng thức thêm, Lippel cho chó ăn từng miếng một. Sau đó cậu giỡn chơi với Mực, ra lệnh: "Ngồi xuống!" hay "Lại đây!" cho đến khi sực nhớ ra mình phải đến trường và lẽ ra phải vào lớp từ lâu rồi!
Cậu chạy nhanh đến cuối đường. Con Mực tưởng đó là trò chơi mới nên chạy theo, khi thì chạy trước Lippel, khi lại chạy phía sau và thỉnh thoảng dùng mõm cắn vào cặp táp của cậu. Cuối cùng Lippel cũng tới trường và đứng lại thở mệt nhọc.
Giờ học đã bắt đầu từ lâu! Sân trường không một bóng người, tất cả học sinh đều đã vào lớp. Lippel tìm cách ngăn con chó không cho vào trường nhưng con Mực nhất định theo chân cậu, lách qua cổng trường vào tận phía trong. Lippel thì thầm vài câu với nó, vuốt ve đầu rồi dùng hết sức lực đẩy nó ra khỏi cửa trường và đóng lại thật nhanh. Vậy là Lippel vào được bên trong còn con Mực ở lại phía ngoài. Thế là xong, may quá!
Nhưng một điều không may là đồng hồ đã chỉ 8 giờ 11 phút, trong khi buổi học bắt đầu lúc 8 giờ!
Lippel buồn rầu đi dọc theo hành lang, nhưng bỗng sực nhớ ra hôm nay là thứ tư. Cậu cảm thấy nhẹ người và chạy nhanh đến lớp. Hôm nay hai tiết đầu là giờ dạy vẽ của thầy Goltenpott, mà thầy không bao giờ la rầy cho dù học trò đi trễ, không như cô Klobe luôn bắt phải trình giấy xin lỗi có chữ kí của cha mẹ!
Giờ vẽ.
Thầy Goltenpott còn ngồi đọc báo. Đối với ông giờ học chưa bắt đầu, vì Elvira còn đang phát bài tập. Lippel len lén đi qua chỗ thầy đang ngồi và chạy nhanh đến bàn. Sẽ không có chuyện gì xảy ra nếu Elvira không thình lình ngưng phát bài và kêu to lên:
"Thưa thầy, trò Pilipp đến trễ!"
Thầy Goltenpott đặt tờ báo xuống, lấy miếng kẹo cao su ra khỏi miệng, gói cẩn thận vào tờ giấy bạc và hỏi:
"Cái gì vậy? Chuyện gì đã xảy ra?"
Elvira lập lại:
"Trò Pilipp đến trễ."
Thầy nhìn xuống lớp, thấy Lippel đã ngồi yên tại bàn nên hỏi lại:
"Ai đến trễ?"
"Trò Pilipp!"
Đây là lần thứ ba Elvira lập lại chữ đó. Thầy Goltenpott nói:
"Elvira! Này cô bé, thứ nhất, tên trò đó không phải là Pilipp mà là Philipp. Thứ hai là nếu tôi không lầm thì trò đó đang ngồi. Liệu có thể đến trễ được không khi đã ngồi vào bàn?"
Giải quyết xong vấn đề, ông liền quay sang nhìn tờ báo và suy nghĩ có nên mở ra đọc tiếp hay không? Hình như cảm thấy không còn đủ thì giờ nên ông liền đứng dậy và nói:
" Chú ý! Bây giờ chúng ta bắt đầu học."
Tất cả học sinh đều im lặng nhìn chăm chú vào thầy và chờ đợi:
"Các em nghe cho kĩ nhé, tôi chỉ nói một lần thôi. Thứ nhất: vẽ sơ lược. Chỉ được dùng bút chì. Cấm dùng viết biên tử hay tất cả các loại viết khác. Thứ hai: Tô màu nước. Điều quan trọng là cấm dùng phấn dầu, phấn viết bảng, viết chì màu hoặc bút lông. Thứ ba: Pha màu. Pha trong chén riêng của mình, ai pha trong nắp hộp sẽ bị phạt. Thứ tư: Chú ý loại giấy. Các trò vẽ trên giấy vẽ loại lớn. Cấm vẽ trên giấy hình, giấy carô, giấy có đường gạch. Cấm vẽ trong tập, trên giấy nháp và các loại giấy khác mà các trò mang theo. Có em nào hỏi gì không?"
Lippel đưa tay:
" Thưa thầy, có được vẽ trên giấy cạc tông không?"
Thầy Goltenpott khen:
" Một câu hỏi quan trọng. Nhưng mà em tìm đâu ra giấy cạc tông?"
"Thưa thầy, ở bìa cuối của tập vẽ."
"Hay lắm! Nhưng cũng không được phép dùng cạc tông. Còn câu hỏi nào nữa
không?"
Andrea đưa tay:
"Chúng em phải vẽ gì?"
" À, thầy quên không nói. Ở tuổi của thầy thường hay quên như vậy. Mỗi trò suy nghĩ và vẽ con thú mà mình thích nhất. Bây giờ bắt đầu đi."
Arslan vẽ con sư tử, Hamide vẽ con chim sẻ ở trong cái l*иg, còn Lippel vẽ con chó. Cậu không thích vẽ bằng làm thơ, nên quyết định sẽ làm cả hai thứ. Cậu vẽ hình con chó ở phần trên của tờ giấy, vẽ hơi nhỏ đủ cho mắt thường có thể nhìn thấy được. Cậu dành phần dưới để viết ra một bài thơ như sau:
CON CHÓ
Chó là vật tôi yêu
Có chân, đúng là bốn
Mỗi chân ở một góc
Cá, không lông, trọc lóc!
Lippel thấy bài thơ rất hay. Nhưng thầy Goltenpott không nghĩ như vậy. Ông ngắm nghía tờ giấy một hồi rồi phê bình:
"Thứ nhất: Con chó quá nhỏ, đáng lẽ nó phải lớn hơn nhiều nữa. Thứ hai, tuy tôi không phải là thầy dạy về văn chương nhưng cũng thấy hai câu cuối không đúng lắm."
"Thưa thầy, hai câu đó vần với nhau mà?"
Thầy Goltenpott gãi gãi cằm và nói:
"Thứ nhất, nói bốn chân ở bốn góc là sai! Thứ hai, tại sao lại đưa cá vào một bài thơ nói về chó?"
Lippel thừa nhận thầy có lí. Thầy Goltenpott sửa lại như sau:
CON CHÓ
Chó là vật tôi yêu
Có chân, đúng là bốn
Nếu ta gọi chó vào
Hy vọng nó đến mau!
Thầy có vẻ rất hài lòng với bài thơ này mà Lippel cũng vui vẻ. Sau giờ ra chơi là đến giờ Đức ngữ của cô Klobe, Lippel và các bạn phải viết chính tả. Tiếp theo là giờ toán và cuối cùng là giờ âm nhạc.
Vào buổi chiều, Lippel cùng Arslan và Hamide rời khỏi trường. Cậu hồi hộp muốn biết con Mực có chờ mình ở bên ngoài hay không? Nhưng nó biệt tăm. Trong khi cả ba đang đi trên đường Herder, Lippel ngó tới ngó lui tìm con chó và gọi to: "Mực, Mực!", Hamide hỏi:
"Bạn gọi ai vậy?"
"Bạn đã nghe rồi mà."
"Ừ, nhưng Mực là ai? Phải chăng là một người bạn học trong lớp?"
"Nè, bạn phải biết rằng Mực là tên của một con chó chứ."
"Làm sao tôi biết được! Bạn chưa bao giờ kể cho tôi nghe là bạn có nuôi chó."
"Tôi đâu có nuôi chó!"
" Vậy tại sao bạn gọi nó?"
"Vì..."
Lippel ngưng lại, Hamide hỏi tiếp:
"Vì sao?"
Cả ba đã đi đến đường Friedrich. Lippel không thích kể lể dài dòng nên cắt đứt câu chuyện:
"Vì tôi muốn về nhà. Chào, hẹn gặp ngày mai."
"Hẹn ngày mai gặp lại."
Hamide nói to còn Arslan vừa vẫy tay vừa cười. Lipple rẽ phải còn hai bạn tiếp tục đi thẳng.
Về đến nhà, Lippel định mở cửa vào thì thấy Mực ngồi bên kia đường, trước nhà bà Jeschke và đang gặm cục xương. Bà Jeschke thì đang đứng trong bếp nhìn Mực qua cửa sổ. Lippel chạy qua đường sang nhà bà:
"Chào bác, nó đây rồi! Cháu tìm nó khắp nơi."
"Chào Lippel. Bác muốn biết con chó này của ai, có lẽ nó đi lạc và chủ của nó đang đi tìm. Cháu có biết nó tên gì không?"
"Dạ, nó tên là Mực."
"Tại sao cháu biết?"
"Cháu nằm mơ."
Bà Jeschke cười:
"Hy vọng con chó cũng nằm mơ giống cháu để biết được nó tên là Mực, chứ nếu không nó sẽ không biết nó là ai! À, cháu có thực hiện được giấc mơ tiếp tục hay không?"
"Dạ chưa. Cháu có mơ tiếp, nhưng giấc mơ chưa chấm dứt. Hôm nay cháu sẽ đi ngủ sớm hơn nữa, nếu không thì lại mơ không hết được."
Bà Jeschke tiếc rẻ:
"Như vậy lát nữa cháu không qua chơi với bác được phải không? Vì việc nằm mơ quan trọng hơn! Vậy mai cháu đến nhé!"
Lippel chào bà và trở về nhà. Bà Jakob cằn nhằn việc Lippel về trễ và vì việc đồ ăn nguội lạnh hết cả. Nhưng Lippel không nói gì nên bà lại thôi, họ ăn trong không khí hoàn toàn im lặng.
Sau khi ăn xong, Lippel giúp bà rửa chén và dọn dẹp. Cậu làm bài tập như thường ngày. Lippel thử hỏi về quyển sách nhưng bà Jakob vẫn trả lời: "Không" nên cậu quyết định đi ngủ sớm. Cậu hỏi:
"Cháu còn phải làm gì nữa không?"
"Không, tại sao cậu hỏi vậy?"
"Vì cháu muốn đi ngủ."
"Đi ngủ? Bộ cậu bị bịnh sao?"
"Không, cháu chỉ muốn đi ngủ thôi."
"Đi ngủ ngay bây giờ? Còn quá sớm. Nhất định phải có điều gì đây! Cậu có muốn đi ngủ thật không?"
" Dạ thật, tại sao cháu không được đi ngủ?"
"Bởi vì không bình thường, trời còn sáng trưng mà."
"Nhưng trời sắp sửa tối rồi."
Bà Jakob nhìn cậu trân trối nên Lippel lập lại lần nữa:
"Thật mà, trời sẽ tối ngay."
Thấy lời nói đó vẫn chưa có tác dụng nên Lippel nói thêm:
"Khi ba má ở nhà, cháu được phép đi ngủ khi nào cháu muốn."
"Bộ cậu muốn nói là tôi không cho cậu đi ngủ phải không? Cậu cứ đi ngủ nếu cậu muốn!"
Lippel lịch sự chào: "Chúc ngủ ngon!" và đi vào phòng. Trước khi lên giường cậu nhớ tới lời của công chúa nhận xét bộ đồ ngủ của cậu "rất kì lạ". Cậu cũng đồng ý rằng mặc bộ đồ ngủ để đi dạo phố thì thật kì lạ (mặc dù đã được xé rách). Nhưng cậu lại không có bộ đồ nào phù hợp để mặc mà không bị lộ, trừ khi có được cái áo dài trắng và khăn che đầu giống như những người đàn ông ở xứ sở đó.
Đúng rồi! Trong dịp lễ hóa trang vào tháng ba vừa qua, cậu đã hóa trang làm O-ma, một nhân vật trong truyện Ngàn lẻ một đêm mà cậu đã đọc. Nhất định bộ đồ này hãy còn ở đâu đó trong tủ. Lippel đi nhanh tới tủ quần áo. Sau một hồi lục soạn, cậu tìm thấy chiếc áo dài trắng và cái khăn che đầu. Cái áo bị nhăn và hơi dơ, vì sau khi mặc xong cậu đã quăng nó vào tủ. Nhưng bây giờ nó đúng là cái mà cậu đang cần.
Lippel cởi nhanh bộ đồ ngủ ra và mặc áo dài trắng vào. Cái áo có vẻ nặng. Khi lên giường nằm, cậu phát hiện trong túi áo có cây đèn pin dài mà cậu đã tìm từ ba tháng nay. Lippel nhớ lại vào tối thứ ba ngày Lễ hóa trang, cậu được phép đến thăm bà Jeschke và lúc đó cậu có mang theo phòng hờ một cây đèn pin để dùng trong lúc trở về nếu lỡ trời tối. Đến hôm nay nó vẫn còn nằm trong túi áo này.
Lippel nghĩ thầm: "Thật ra như vậy cũng rất tiện. Nếu phải thức dậy giữa khuya, với cây đèn này mình có thể rọi sáng căn phòng". Lippel nằm xuống giường, kéo mền đắp kín mặt để dễ ngủ và bắt đầu mơ.