Tháng 8 mơ màng bỗng chốc lướt qua, một ngày trong veo của tháng 9 vội đến. Đã bao lần cái tháng 9 ấy lặp lại, đã bao lần hè kết thúc chào thu sang. Cứ ngỡ những cái hồi hộp, mong ngóng, đợi chờ chỉ len lỏi trong tâm tư những đứa trẻ lần đầu được mẹ dẫn đến trường, đã từng ngỡ cái lớp 12 là điều gì đó thật xa lắm mỗi khi nhắc đến trong những câu chuyện của bố với ta. Mới đó mà thoáng chốc, mới đó vội lướt qua… vậy mà cứ tưởng chúng ta sẽ chẳng bao giờ lớn.
Mọi thứ vẫn mãi giống như những ngày đầu tiên bước chân đến nơi này: Tấm băng rôn màu đỏ, chữ vàng viết in hoa thật to và đẹp “Chào mừng lễ khai giảng năm học mới”; chiếc cổng trường màu trắng đã mở sẵn từ bao giờ; những bồn hoa cây cảnh hai bên đường vào trường vẫn như lúc trước, ấy thế mà tôi bỗng cảm nhận hôm nay chúng hình như trông đẹp và tươi hơn. Những tốp học sinh nữ mặc áo dài trắng tinh khôi đang từng bước tiến vào trường, những học sinh nam chúng tôi thì mặc áo sơ mi trắng, quần dài đen, những em học sinh vừa lên lớp 10 thì nói chuyện hò reo, rộn rã khắp sân trường để làm quen, chào bạn mới… Tất cả vẫn vậy nhưng trong tôi lại cảm thấy hồi hộp, mong ngóng, đợi chờ và có chút luyến tiếc, lạ thật đấy. Chờ đợi một buổi lễ quan trọng sắp diễn ra, tiếc nuối vì khoảng thời gian được đứng dưới mái trường này không còn nhiều nữa.
Nhanh chân cất xe vào nhà xe, tôi vội chạy ra khu tập trung trước giờ trống điểm. Mọi người đã ngồi xếp hàng cũng khá nhiều, tôi vừa đi vừa nhòm biển lớp của lớp tôi. Sân tập trung chia thành 3 nơi dành cho học sinh 3 khối và lớp tôi là lớp đầu khối nên rất dễ dàng nhận ra. Thấy tôi đang đi trên đầu dãy, thằng Long đứng lên vẫy tay, vừa gọi sợ tôi không nhìn thấy (Vì tôi bị cận một bên 1,25 độ còn một bên là 1,75 độ, nhưng tôi lại rất ít khi đeo kính và chỉ đeo khi học bài vì tôi vẫn có thể nhìn thấy ở khoảng cách gần mặc dù không quá rõ nhưng vẫn được, một điều nữa là tôi sợ bị phụ thuộc kính, khi không có lại không chủ động và rồi thì đeo nhiều lại lo bị dại mắt, hỏng cả vẻ đẹp trai bố mẹ nặn mãi):
- Hiếu ơi ở đây, chỗ mày dưới đây này.
- Xuống ngay đây.
Chúng tôi xếp hàng theo thứ tự từ thấp đến cao nên với cái chiều cao mà tôi khá tự hào (dù vẫn kém vài đứa trong lớp) thì tôi được xếp thứ 4 từ dưới lên, trên tôi là Long, nó thấp hơn tôi chút thôi
- Đến sớm thế em
- Mày khùng hả, nhà tao sát trường phóng cái xe mất chưa đến 5 phút là đến với nay khai giảng mẹ tao bắt đi sớm, mày đi muộn thế
- Ở nhà chải chuốt tí cho đẹp trai chứ, haha
- Sinh hoang tưởng hả con trai ta - nhỏ Hương (lớp trưởng cũ lớp 11) quay xuống trêu chọc cùng cái vẻ cố tỏ ra buồn nôn của thằng Long.
- Vâng, em xin nhận em xấu cho anh chị vừa lòng nha.
- Đó là điều tất nhiên, Hêhê. - Nhỏ Hương
Long chợt nhớ ra:
- À tí mày còn lên phát biểu nữa, hèn chi nay trông sáng sủa hẳn ra
- Ừ nhưng tao hơi run, từ trước giờ có lên sân khấu bao giờ đâu, với đông người lắm, sợ mọi người cứ nhìn nhìn ấy với lỡ may nói vấp cái thì quê thấy bà
- Mày không đeo kính thì thấy được rõ ai mà lo với sợ.
- Đúng rồi. Sao tao không nghĩ ra nhỉ? - Tôi ngỡ ra như bắt được vàng
- Cái đầu mày chỉ để mọc tóc chứ để làm gì nữa đâu.
- Ok. Nhận, ai giỏi như anh Long con bà Hoa - Vừa dứt lời tôi ăn ngay 1 cái cốc đầu của nó.
Tại sao tôi lại có vụ phát biểu đó? Thì chuyện là năm lớp 11 tôi đạt giải Nhì tỉnh môn Hóa, cao nhất đội tuyển Hóa, với nghe cô Liên (Cô phụ trách chương trình cũng là bạn thân mẹ tôi. À tôi chưa kể nhỉ mẹ tôi cũng là giáo viên nhưng là giáo viên tiểu học, mẹ tôi và cô Liên chơi thân với nhau từ nhỏ, cô xem tôi như con trai trong nhà nên tôi cũng không dám từ chối khi cô nhờ) nói trong những đứa năm trước tham gia thi có mấy thằng thì trông mặt không lanh - mấy đứa học giỏi thường gắn với cái kính dày cộp và vẻ mặt “ngây thơ” hình như xưa nay vẫn thế - với nó không dám lên, tôi thì vừa là chỗ thân quen, ngoại hình cũng khá “sáng sủa”, ăn nói to, dõng dạc còn mấy đứa con gái thì cũng có đứa xinh đấy nhưng cô bảo cô muốn chọn bạn nam cho có khí thế để đọc lời cảm ơn và lời hứa trước toàn trường thay mặt học sinh cuối cấp nên tôi đành nhận trách nhiệm cao cả vậy, với năm cuối rồi mà, xem như có cái gì đó kỉ niệm. Tôi với mấy đứa nói chuyện vu vơ một hồi thì trống điểm, báo hiệu giờ khai giảng bắt đầu.
Sau màn chào đón đại biểu đến tham dự là màn chào đón các em học sinh mới vào lớp 10. Các em xếp thành hàng, dẫn đầu hàng là các thầy cô chủ nhiệm, đi từng bước vào vào giữa sân (ở giữa 2 khu vực khối lớp 11 và 12), Học sinh 11 và 12 chúng tôi thì quay mặt vào trong hướng các em đang tiến về, vỗ tay đồng đều theo nhịp, cùng lúc đó bài hát quen thuộc lại vang lên:
Bạn ơi, nhanh chân nhịp nhàng ta bước
Chào năm học mới đến rồi
Cờ sao. Tung bay rộn ràng trong gió
Chào năm học mới đã sang
…
Ta hân hoan vui hát, hát vang câu ca vui trong nắng mai
Ta tung tăng vui bước, bước trên đường dài tương lai
Ta vẫn luôn đi tới dù bao khó khăn nhọc nhằn
Vì bên ta luôn có bè bạn, luôn có thầy cô...
Năm nào cũng là bài hát đấy, tôi đã thuộc lòng từng giai điệu, lời hát, đã không còn xa lạ gì với nghi thức chào đón học sinh, vậy mà trong tôi bỗng dâng lên những cảm xúc khó tả, tôi như chỉ muốn gom nhặt tất cả mọi thứ, từng hành động, khung cảnh nơi này để khi rời đi, trong kí ức tôi vẫn còn mãi và quả thật cho đến tận bây giờ hình ảnh của nó trong tôi vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu.
Buổi lễ bắt đầu bằng phần văn nghệ với rất nhiều tiết mục của học sinh và thầy cô, tôi thì không thể đưa ra lời nhận xét chính xác về nó bởi tôi ngồi cách sân khấu khoảng hơn 20 m cộng với combo hủy diệt chính là: Ngồi gần cuối dãy + không đeo kính nên tôi không để tâm vì thế tôi lại chìm đắm trong những suy nghĩ bâng quơ của mình. Và vẫn là vòng lặp vô hạn không hồi kết, hình ảnh chị lại tìm đến trong tôi “Có lẽ giờ đây người đó trở về Hà Nội rồi nhỉ?”, trong lòng tôi lại thấy buồn một chút.
- Người ta hát hò hay thế mà sao mặt đần thối vậy em - Long.
- Tao đang suy nghĩ chính sự - Tôi nhếch môi ra vẻ.
- Sự cái quần què mày. Hế, tao thấy mày hình như đang tương tư em nào rồi.
Thằng này hay có kiểu nói bậy trúng thật, có mấy vụ nó làm tôi cũng hoảng hồn, hỏi ra mới biết nó nói nhăng nói cuội.
- Cứ cho là vậy đi hehe.
- Yêu luôn cho khỏe chứ tương tư làm gì, bồ tao bên A5 đó (vừa nói vừa chỉ) cả buổi ngắm nhau trực tiếp có phải thích không, bồ tao xinh đúng không mày.
- Tao không trông rõ nhưng túm quần lại là: Yêu vào thì Thị Nở cũng là Kiều thôi em trai.
Cốp… Lại ăn thêm một cốc đầu.
- Anh cho chú biết hoa khôi A5 đó, để anh trông mắt đợi xem con bồ mày sau thế nào nhé, được nửa Thị Nở không
Tôi cười khẩy:
- Hôm đó mày mà thấy thì chắc cũng chết ngả.
- Hôm nào?
- Mời các thầy cô có tên trong danh sách cùng tiến về lễ đài để nhận quyết định khen thưởng: Cô Nguyễn Thị Vân giáo viên phụ trách đội tuyển Hóa. Thấy Lê Đức Phúc giáo viên phụ trách đội tuyển Lý, Cô Lê Ngọc Mai giáo viên phụ trách đội tuyển Anh,… (Nhiều cái tên nối tiếp được xướng lên), và cuối cùng là cô Trần Anh Thư giáo viên phụ trách đội tuyển Toán có học sinh đạt giải Nhất sau hơn 7 năm. Xin mời các thầy cô...
Chúng tôi nói chuyện mãi mà không để ý đã hết phần văn nghệ từ lúc nào rồi.
- Tao biết mỗi cô Vân dạy mày với thầy Phúc của bọn tao, mấy thầy cô kia nghe tên lạ quá mày_Long nói chuyện tiếp với tôi mà chẳng cần nhìn lên sân khấu lấy lần.
- Ừ tao cũng thấy hơi lạ, chắc thầy cô dạy lớp khác.
Trường tôi là trường thị trấn nhưng vì cũng là đất ở quê nên trường tôi rộng lắm, còn rộng hơn nhiều trường đại học bây giờ. Trường chia thành nhiều khu, nhiều tòa nhà, trường có đến hơn 100 giáo viên bao gồm các thầy cô dạy học, các thầy cô phụ trách kế toán, kĩ thuật,… vì có đông học sinh từ nhiều xã tụ về hay nhiều huyện lân cận xin về học nên đâm ra nhiều lớp. Các thầy cô sẽ được phân công chuyên phụ trách dạy từng khối hoặc sẽ dạy vài lớp của mỗi khối để đủ giờ hoặc cũng có thầy cô chuyên ôn luyện thi đại học cùng đội tuyển. Tôi hay Long hay nhiều đứa học trò khác nếu không ở trong Đoàn, Đảng làm các công việc trong trường thì cũng không tiếp xúc nhiều với các thầy cô. Vả lại, chúng tôi lại hay ở trong lớp chứ không hay ra ngoài giờ ra chơi rồi đến các chương trình tổ chức chung thì cứ mải nói chuyện như lúc này chứ chả để tâm trăng sao gì nên việc không biết các thầy cô cũng là điều dễ hiểu.
Mà từ đã…
- Nhất Toán? _ 2 đứa nhìn nhau đồng thanh cùng lúc cả trường hò reo vỗ tay ầm ầm rồi, tôi nhìn lên thì cũng chẳng thấy gì chỉ thấy sân trường trống trơn, các thầy cô đã về vị trí từ lúc nào.
- Lâu lắm rồi trường mình không có Nhất Toán rồi nhỉ, Lý thì mấy năm nay có nhiều, Hóa cũng thế - Long trầm ngâm.
- Đỉnh nhỉ, mà năm trước không phải cô Ly ôn hả, thấy cô Ly luôn theo đội tuyển mà.
- Chả biết, tao không hay chơi với bọn Toán.
- Tao cũng thế, mấy thằng đực bên đó trông ghét.
Tiếng thầy hiệu phó lại vang lên:
- Tiếp theo xin mời các em học sinh có tên trong danh sách lên nhận khen thưởng: Em XXX,…. Em Hoàng Minh Hiếu học sinh lớp 12A1 _ Nhì tỉnh môn Hóa,… Em Đỗ Quốc Long học sinh lớp 12A1 _ Ba tỉnh môn Lý,….
Chúng tôi lại cùng nhau đi lên theo thứ tự tên gọi hướng về khu vực lễ đài. Khi chúng tôi dần đần bước lên thì lại vang lên:
Cùng trèo lêи đỉиɦ núi cao vời vợi
Để ta khắc tên mình trên đời
Dù ta biết gian nan đang chờ đón
Và trái tim vẫn âm thầm
Ta bước đi hướng tới muôn vì sao.
….
Ngày đó, ngày đó sẽ không xa xôi
Và chúng ta là người chiến thắng
Và ta biết dẫu lắm thác ghềnh cheo leo trên đường xa
Vượt gian nan ta vươn tới những đỉnh cao….
Khoảnh khắc ấy thật sự tôi đã cảm thấy vô cùng phấn khở và hạnh phúc, mọi thứ được chuẩn bị thật chỉn chu và đẹp đẽ. Chúng tôi được cô Hiệu trưởng đội lên đầu chiếc “Vòng nguyệt quế” lấy cảm hứng từ cuộc thi Olympia, rồi được trao bằng khen, được cô bắt tay chúc mừng, được mọi người phía dưới vỗ tay không ngớt. Chúng tôi bỗng cảm thấy tự hào vì chúng tôi đã thi hết mình.
Và điều gì đến cũng phải đến, sau khi xuống yên vị chưa lâu tôi lại được mời lên phát biểu cảm nghĩ của 1 cậu học sinh cuối cấp và nêu lời hứa cố gắng thi đại học thật tốt trước cả trường. Tôi bước lên, tay cầm bìa trình ký có kẹp tờ A4 được các cô soạn sẵn, nói cách khác công việc của tôi chính là đọc lại:
“Kính thưa các quý vị đại biểu, các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến. Em tên là Hoàng Minh Hiếu,…. Bla… Bla…”.
Tôi ban đầu khá run, có phần thở nhanh, sau đó tôi cố bình tĩnh lại, đọc từ từ, dõng dạc cho đến kết thúc. Vừa đọc xong những từ cuối cùng trên tờ giấy A4 đó, cả trường đồng loạt vỗ tay, tôi cúi đầu cảm ơn rồi vào đường cánh gà để xuống. Cô Liên đã đứng đó từ bao giờ: “Làm tốt lắm con trai ai cũng khen đọc hay, sau cô có thưởng nhé”.
Sau một vài nghi thức nữa, buổi lễ cũng khép lại dần. Chúng tôi bước về lớp để nghe Cô Huyền (chủ nhiệm lớp tôi và dạy môn Hóa) phổ biến công việc, bình bầu cán bộ lớp và phát thời khóa biểu.
Lớp 12 thì nhỏ Hương vẫn được cả lớp tín nhiệm làm lớp trưởng, Dũng (thằng bạn hay chơi với tôi có nói đến ở chap 2) làm lớp phó học tập, nhỏ Hạnh (mới chuyển về từ lớp khác) làm lớp phó văn nghệ, năm nay chúng tôi vẫn ngồi cùng nhau ở bàn 3 từ cuối lớp lên dãy đối diện giáo viên: tôi ngồi giữa Long, Hương, còn Dũng ngồi ngoài cùng lối đường đi. Hôm nay là thứ 6 nên chúng tôi sẽ học thêm ngày nữa rồi nghỉ học. Cầm tờ thời khóa biểu trên tay, tôi nhìn sơ lịch học và tên các thầy cô tương ứng:
- Văn cô Lan, Lý thầy Lâm, Anh cô Nga, Sinh cô Hương Lan, …, Toán cô Thư?
Trần Anh Thư?
- Chứ mày còn nghĩ cô Thư nào - Nhỏ Hương trả lời.
- Tao nhớ mọi năm thường là thầy Nam mà nhỉ, thầy toàn ôn cho các anh chị.
- Nhưng năm nay thầy chuyển về thành phố để gần nhà thầy rồi mày chứ đi từ đó lên đây cũng cả mấy chục cây, thầy ở trọ đây cũng lâu rồi_ Dũng trả lời (Dũng là con cô Hiệu trưởng nhé nên rất uy tín).
- Cô Thư nghe lạ nhỉ?
- Cô mới về trường mà, khi bọn mình học lớp 10 kì 2 thì cô chuyển về, nghe đâu cô mới 24 tuổi thôi ấy - Nhỏ Hương.
- Uầy, 24 tuổi mà đã được về trường mình rồi ôn thi đại học hả? - Long quay sang.
- Chứ mày không nghe nãy cô ôn thi được Nhất tỉnh toán à. Cô giỏi vãi ra mà cô gần nhà tao, thực ra nói gần cũng không phải, cách kiểu 1 nhà đầu ngõ, 1 nhà gần cuối ngõ, nhà tao đầu ngõ - Nhỏ Hương.
- Thấy mẹ tao bảo CV cô khủng lắm, nghe đâu cô vừa có bằng Thạc sĩ luôn rồi, hồi cô mới về, nhà trường có phân cô cùng cô Ly ôn Toán tỉnh năm đó với vai trò hỗ trợ để học hỏi, năm vừa rồi thì cô Ly đề cử cô Thư ôn thi luôn, còn cô Ly sẽ hỗ trợ nếu cần thiết thôi vì cô Ly cũng lớn tuổi sắp về hưu, sợ cập nhật kiến thức mới không hiệu quả với cô Ly thấy cô Thư có khả năng dạy giỏi,… Xong cái được Nhất luôn_ Dũng kể mà bọn tôi chăm chú lắm, nó được cái gì cũng biết, mà nói thừa, mẹ to nhất trường mà_ mà cô siêu đẹp nha, có khi nhất trường cũng không ngoa (Những năm thời đó có bằng thạc sĩ ở tuổi trẻ như vậy là rất hiếm).
- Để xem học toán hôm nào_Tôi cầm lại tờ giấy thời khóa biểu đọc_ Toán thứ 2 có 2 tiết Đại đầu giờ, thứ 4 có 1 tiết Hình với 1 tiết luyện tập, thứ 6 có 1 tiết Hình, thế là tuần sau mới học với cô.
Lớp tôi họp cỡ nửa tiếng nữa thì có tiếng trống vang lên, thế là chúng tôi ra về. Lớp chúng tôi ở tầng 3 Khu E, lúc ra về tôi đứng ngoài cửa đợi Long cùng về. Tôi nhìn xuống sân trường như 1 thói quen khi chờ đợi nó. Ở phía dưới, mọi người cũng đang đổ xô ra về, trông đông thật, tôi lại bâng quơ suy nghĩ vẩn vơ. Một lúc thì Long cũng ra, nó đi rón rén rồi vỗ vai tôi: “Về nào” nói thế thôi chứ nó cũng đứng một lúc cùng tôi nhìn về hướng tôi đang nhìn, tôi thì mắt vẫn đang ở dưới sân, cũng ậm ờ “Đi”. Nhưng tôi chợt dừng lại khi trông dáng người của ai đó đang di chuyển rất quen ở phía xa của khu C hướng ra cổng người đó cũng đang mặc áo dài trắng. Mắt tôi không tài nào nhìn rõ được nữa, cách khá xa nhưng cái dáng người mà tôi làm sao quên được, dáng người của chị. Tôi chạy vội từ tầng 3 xuống, chạy thật nhanh đến khu C, nhanh nhất có thể, nhưng rồi chả có 1 ai cả, chẳng ai giống chị cả, vẫn là mấy đứa học sinh trường tôi thôi.
- Mày làm gì chạy như ăn cướp vậy_Long đã đuổi theo kịp tôi.
- Mày nãy đứng nhìn với tao có thấy ai nào cao khoảng 1m67 gì đó, mặc áo dài trắng, dáng chuẩn không trông đẹp đẹp không.
- Mày nằm mơ ban ngày à, trường mình ai cao được thế chứ, toàn thấp, dáng mấy đứa đào đâu chuẩn, nãy giờ đứng với mày tao có thấy ai đâu, toàn bọn học sinh nữ, nhìn chán mắt.
- Tao không đeo kính, chắc tao nhận nhầm người rồi.
- Nhưng sao mày phải gấp gáp vậy?
- Thật ra chuyện là…. Tôi kể lại mọi thứ cho Long nghe từ khi gặp chị ở nhà nó,…
- Thì ra cái hôm đó mày nói là hôm ở nhà tao à. Trường mình thuộc top nhưng không đến mức người Hà Nội về đây theo học đâu, nếu có mà là gái Hà Nội thì Dũng đã loan tin rồi, rồi nếu có đám đực 12 không để yên đâu, với ở ngoài Hà Nội có nhiều trường khủng và tốt lắm mày ơi. Chắc mày cứ nghĩ mãi về người ấy thôi, với mày bảo hơn mày hình như 1,2 tuổi thì lấy đâu học ở đây. Nhiều khi tao cũng nhìn nhầm con bồ tao với đứa khác mấy đợt lâu ngày không gặp, kiểu nhớ quá nên nhìn ai cũng tưởng. À mắt mày đểu giả thế, kính không đeo, trời thì nắng, hoa mắt má nó rồi.
- Chắc thế, hết hi vọng rồi nhỉ, lấy đâu ra gặp lại_ Tôi thở dài, mặt đã không còn giữ nổi nét buồn.
- Thì mày xem như cảm nắng, vương vấn 1 thời gian là quên ngay thôi ấy mà, thằng con trai nào cũng thế thôi, lại còn gái đẹp biết đâu mấy bữa nữa mày kiếm em nào ngon thì sao, có cần tao giới thiệu không? Chứ mày thích lái máy bay à, gu mặn ha, không sợ mọi người lại châm trọc à (thời đó chỗ tôi không ưa cái vụ lấy vợ hơn tuổi lắm, 1,2 tuổi có nói qua nói lại chứ có nhà hơn 3 tuổi đã là câu chuyện xì xào cả vùng rồi, rồi lại bị phản đối, ngày ấy còn cổ hủ)_ tôi biết Long đang cố an ủi tôi, mặc dù hay chửi nhau nhưng chúng tôi quan tâm nhau như anh em vậy.
- Ừ, về đi.
- Nay bố mẹ tao đi việc rồi mày lai tao về nhà mày ăn đi, chiều lai xuống.
- Gớm đổ cho, tao là xe ôm của mày à, xe mày đâu.
- Thì lai tao qua nhà lấy xe, má lai bạn tí là bắt đầu.
Thế là tôi và Long đi về nhà Long rồi chúng tôi về nhà tôi. Nói ra thì thằng này và tôi ăn nằm nhà nhau chai mặt rồi, bố mẹ tôi cũng xem Long như con cái, bố mẹ Long cũng vậy, cứ bảo xin đến nhà đứa nào cũng cho đi hết, có khi ngủ qua đêm, kiểu tin tưởng tuyệt đối luôn ấy vì chúng tôi đều học cùng nhau rồi học tốt.
Trên đường về nhà, tôi thầm nhủ trong lòng:
“Có lẽ Long nói đúng, một ngày nào đó em sẽ quên được chị. Em cũng chẳng biết là khi nào nữa. Tạm biệt chị nhé ”.
“Trong cuộc đời sau này,
chúng ta sẽ gặp rất nhiều người, nếu có duyên, sẽ đi cùng nhau một đoạn đường.
Nhưng cuộc đời dài thế, có trăm ngàn ngã rẽ, kiểu gì cũng có người phải rẽ trước.
Và thế là mỗi người lại tiếp tục đi con đường của mình, có thể gặp lại ở một ngã rẽ nào đó, cũng có thể không bao giờ gặp nữa.
Có những người, khi đi lướt qua nhau sẽ thành người xa lạ.
Nhưng mỗi cuộc gặp, mỗi đoạn đường, mỗi người đi cùng ta một đoạn đường, đều có ý nghĩa với ta…” _ Cre: Google.