Tôi Dựa Hệ Thống Nông Trại Làm Giàu Ở Cổ Đại

Chương 6: Lý Khất

Dân trong thôn An Cư quanh năm sống chủ yếu nhờ vào việc trồng lúa, dù các cây lương thực sản lượng cao như bắp, khoai tây, khoai lang đã xuất hiện nhưng rất ít có người gieo trồng. Một là họ không biết cách, cây chưa trưởng thành thì họ đã thu hoạch, điều này cũng khiến cho những người tính gieo trồng hoang mang nghĩ lại việc gieo trồng. Lý do thứ hai là do Hoàng Đế họ Mã đang cai trị đất nước gây nên.

Nhà Mã cai trị đất nước đến nay đã là đời thứ ba, Hoàng Đế Mã Ung Chu năm nay đã gần năm mươi. Ông ta ham mê tửu sắc, ngoài mặt ban bố mấy luật lệ có lợi cho dân như là phát vợ miễn phí, cho thương nhân thi cử làm quan nhưng tay đóng Ngọc Tỷ lại tăng cao thuế má, hút máu dân.

Nông hộ một mẫu ruộng mỗi năm phải giao đủ một ngàn kg lương thực, cho dù năm đó hạn hán mất mùa đi chăng nữa cũng phải giao đủ, nếu không sẽ bị phạt tiền. Mà nếu không có tiền nữa thì sẽ bị bắt đi làm việc không công cho quan ở những nơi khai thác than, vàng, bạc, sắt, thiết gì đó,... Nói chung là có những năm người đi rất nhiều nhưng trở về thì chẳng có bao nhiêu.

Những thương hộ cũng chẳng khá hơn, nhà buôn bán nhỏ thì chỉ đủ sống, nhà buôn bán lớn thì bị hút máu càng nhiều. Nếu không có thế lực có quyền đứng sau lưng thì những thương hộ càng giàu có thì càng nhanh sa vào lao tù, tai ương cả dòng họ.

Mấy mươi năm nay, nhờ Hoàng Đế Mã Ung Chu cai trị mà Nam Mã Quốc càng thụt lùi hẳn, thời gian sắp tới có thể sẽ chuyển sang chiến loạn liên miên.

Người dân trong thôn sợ gieo trồng những cây trồng mới không đủ lương giao cho triều đình, cho nên vẫn giữ vững trồng lúa thu hoạch ba đến bốn ngàn kg một mẫu ruộng mỗi năm. Chỉ có thế thì họ mới có thể nuôi nổi người trong nhà và còn dành dụm được chút ít. Đây chỉ là với những nông hộ có đất đai nhiều, còn những hộ có đất đai ít như nguyên thân thì chỉ có thể túm chặt lưng quần, ăn mặc cầm kiệm để mà giao lương.

Càng biết nhiều về thế giới này thì Lý An An chỉ biết thở dài. Trong đầu chỉ có suy nghĩ là tới đâu hay tới đó, gấp gáp lo sợ cũng chẳng có ích gì.

Nghĩ nghĩ, nhà trưởng thôn đã ở ngay trước mắt. Lý An An vừa bước qua cổng hàng rào tre đi vào trong sân thì đã bị mấy ánh mắt chiếu thẳng vào người.

Có ánh mắt khinh thường, có tò mò, có người liếc nhìn Lý An An một cái liền chẳng quan tâm mà quay đầu đi chờ trưởng thôn. Nhưng cũng có người nhìn cô không vừa mắt, bước đến gần mở miệng châm chọc:

“Ui. Ai đây? Thằng phế vật rách rưới như mày mà cũng định lên huyện nhận vợ à An? Mày làm tao bất ngờ thật nha.” Người nói là một chàng trai chạc tuổi Lý An An, người cao hơn so với cô tận một cái đầu. Mà nói thật ra những người đứng ở đây ai cũng đều cao hơn Lý An An hết, nhưng chẳng ai nhìn ra được thân phận nữ giả nam trang của cô vì bề ngoài cô trông khá anh khí, tuấn tú.

Lý Khất vừa nói vừa nở một nụ cười khinh miệt để lộ hàm răng vàng khè của mình. Người hắn đen đúa, đôi mắt thâm quầng, tóc buộc hơi xuề xòa, ăn mặc một thân vải thô được may vá nhiều chỗ chẳng khá hơn Lý An An bao nhiêu.

Nếu nguyên thân trông gầy gò ốm yếu và ít tiếp xúc với mọi người thì Lý Khất lại làm người dân trong thôn nhớ mặt nhớ mũi bởi những hành động láo toét của hắn. Hắn cũng là kẻ mồ côi giống như nguyên thân, nhưng thay vì cố gắng chăm chỉ làm việc thì suốt ngày hắn ta lại dùng thời gian đó để đi ăn trộm, uống rượu đánh bạc. Cũng bởi vậy hắn thường bị người trong thôn đem ra so sánh với nguyên thân và bị chửi rủa sau lưng thậm tệ. Lý Khất đổ hết mọi tội lỗi lên đầu nguyên thân, lúc nào cũng nhìn cô không vừa mắt, liên tục làm khó dễ cô.

Có mấy lần Lý Khất nhàn rỗi không có việc gì làm đến gây sự với nguyên thân nhưng nguyên thân Lý An cũng không phải dạng vừa. Cô đã từng cùng mẹ từ Bắc vào Nam để mà chạy nạn thì kẻ hèn ruồi muỗi Lý Khất chẳng đáng là gì. Sau vài lần trêu chọc nguyên thân không được Lý Khất đành từ bỏ, nhưng hôm nay lại thấy Lý An An thế mà cũng lên huyện nhận vợ với mình thì trong lòng hắn ta bỗng trỗi dậy cảm giác ghen ghét.

Lý An An chỉ liếc nhìn Lý Khất một cái liền không thèm để ý đến hắn ta mà tìm chỗ trống trong sân đứng, trong đầu suy nghĩ đến việc làm sao bán hết tất cả củ cải trắng để mà mua gạo cùng gia vị. Quen ăn cơm, ăn mặn, cô không muốn tiếp tục cách sống giống như nguyên thân đâu.

“Mày bị điếc à!” Lý Khất bị ngó lơ thì rất tức tối, hầm hổ dùng tay đẩy vai Lý An An nhưng lại bị cô né tránh được.

“Đừng có làm phiền tôi.” Lý An An lạnh lùng nhìn hắn, khí thế của tổng giám đốc lạnh lùng được cô bày ra khá nhuần nhuyễn, cũng vì thế mà làm Lý Khất hơi sững sờ ngừng tay lại.

“Mày, mày, mày…” Lý Khất lắp bắp, ánh mắt dường như muốn gϊếŧ Lý An An tới nơi.

“Mày lại ồn ào gì đấy Khất?” Trưởng thôn Thạch Quý lúc này cũng ra tới, nhíu mày nhìn Lý Khất có vẻ rất tức giận.

“Không có.” Lý Khất hừ lạnh một tiếng quay đầu đi. Nếu không phải ông ta là tú tài thì mình cóc thèm sợ ông ta đâu!

Nhìn dáng vẻ của Lý Khất trưởng thôn chỉ biết thở dài một tiếng. Ông cầm tờ giấy mình viết tối qua trong tay bắt đầu đọc tên từng người, sợ sai sót thì người chịu thiệt vẫn là người làm trái lệnh bề trên. Ở thôn khác thì không có việc này, nhưng đối với người nghiêm minh thiện lương như trưởng thôn Quý thì ông muốn giúp dân trong thôn tới đâu hay tới đó.

Sau khi đọc xong không thấy thiếu ai, trưởng thôn lúc này mới dẫn mọi người đi ra khỏi nhà mình. Lúc này con trai trưởng của ông là Thạch Thanh Tài cũng dắt xe lừa từ sân sau đi ra. Chờ tất cả mọi người ngồi lên xe lừa ông cũng bảo Thạch Thanh Tài đánh xe xuất phát.