Thâm Cung

Chương 87 (2)

Long thể đã an khang rồi, ta chẳng muốn nấn ná ở lại Cát Tường điện mãi làm gì, bèn xin hoàng đế cho trở về nhà. Hắn cũng không giữ, nhưng vẫn thường đến Cẩm Tước cung nghỉ lại.

Thời gian gần đây, bệnh tình của thái hậu không hiểu sao lại trở nặng, nghe đâu mấy ngày này còn không xuống giường nổi. Mỗi ngày, không kể nắng mưa, ta đều đến Thuận Ninh cung thăm hỏi cho phải phép. Đáng tiếc, vị lão bà cố chấp đó đến tận bây giờ vẫn kiên quyết chẳng chịu nhìn mặt ta. Mà chuyện này ta cũng không mấy để tâm. Lễ nghi bên ngoài đều lo liệu chu toàn cả rồi, không gặp càng bớt chuyện phiền não. Chúng phi xem chừng đều nghĩ như ta cả.

À, ấy là không tính đến vị tiên tử nhân gian ở chỗ chúng ta.

Từ khi nghe tin thái hậu trở bệnh, không biết nghe quý nhân phương nào mách bảo mà ngày nào Tô Nhược cũng đến trước cổng Thuận Ninh cung quỳ gối tụng kinh cầu phúc cho thái hậu mấy canh giờ. Khâm cô cô đuổi thế nào cũng không được, đành mặc nàng ta tùy ý gióng trống khua chiêng.

Tô Nhược phô trương được đôi ba ngày thì mắc mưa nhiễm phong hàn, nằm rũ ở Đông viện.

Thế nhưng người trong cung còn chưa kịp cười nhạo Tô Nhược thì bệnh tình thái hậu đột nhiên khởi sắc, ăn ngủ ngon hơn, còn có thể đi lại bình thường. Hoàng đế vui mừng lắm, lại thêm quốc sư Lưu Thiên phán rằng thái hậu nhờ có Tô Nhược hết lòng dùng tu vi của mình cầu nguyện nên mới hồi phục được. Thế là hắn lập tức phục vị cho nàng ta về chức ngũ phẩm sung hoa, còn ban thưởng hẳn một rương ngọc ngà châu báu.

Tô Nhược lấy lại được oai phong, nghênh ngang kiêu ngạo hơn xưa rất nhiều. Nhưng lần này, nàng ta đã biết khôn ngoan, không dám động vào Bạch Diệu Hoa, càng chẳng dám lại gần Phong Thể Minh. Ta thấy Tô Nhược cũng tạm xem là biết điều nên cũng không đả động đến nàng ta, cứ để nàng ta lên mặt với đám cung nhân một chút có lẽ chẳng hại gì. Trước mắt vẫn còn một chuyện quan trọng hơn cần ta lo: tiệc mừng sinh thần Tiệp Tuyết.

Bấy giờ, Tiệp Tuyết đã được phong phi, theo lệ đã có thể tổ chức yến tiệc. Thời gian qua đã xảy ra quá nhiều chuyện không vui. Hoàng đế muốn mượn dịp sinh thần của Tiệp Tuyết để tạo chút náo nhiệt, xua đi bầu không khí u ám trong hậu cung. Tiệp Tuyết bẩm sinh lại ham vui, thích nhất là ca vũ, vậy nên yến tiệc lần này càng lộng lẫy xa hoa hết mực. Đêm sinh thần Tiệp Tuyết, Lạc Mai cung trang hoàng rực rỡ, phi tần lục cung bất kể phân vị đều được mời đến dự. Ta dắt Ngọc Nga và Bạch Diệu Hoa, Phong Thể Minh cùng với tỳ nữ thân cận của hai nàng đi trước. Tô Nhược còn mải tô son điểm phấn chẳng biết đến bao giờ mới xong. Ta đành căn dặn Ngọc Thủy chuẩn bị kiệu cho nàng ta đi sau vậy.

Hoàng đế đương nhiên sẽ không vắng mặt. Vì vậy dọc đường đi, chúng ta gặp không ít các phi tần chức vị thấp, ai nấy trang điểm lộng lẫy, hân hoan đến Lạc Mai cung chờ lọt vào mắt xanh của thiên tử. Bọn họ trông thấy xe ngựa Cẩm Tước cung thì đều thức thời hành lễ hết sức quy củ.

Yến tiệc tối nay được tổ chức tại đại điện Lạc Mai cung. Khi chúng ta đến nơi thì hãy còn chưa tới giờ, nhưng con đường từ hoa viên đến chính điện đã giăng đủ loại l*иg đèn rực rỡ hoa lệ. Chúng ta dạo bước qua chiếc hồ nhỏ hình bán nguyệt, nhìn cá chép lóng lánh từng đàn thong dong quẫy nước. Phong Thể Minh chưa đến Lạc Mai cung bao giờ, vừa trông thấy liền tò mò kéo ta và Bạch Diệu Hoa cùng lại gần xem.

Phong Thể Minh trầm ngâm cúi nhìn đàn cá vảy vàng vảy bạc đang bơi lội tung tăng dưới hồ, chợt cảm thán:

- Tay nghề nướng cá chép của đại ca thực sự thiên hạ vô song. Lâu ngày không gặp, Thể Minh nhớ đại ca quá.

Nàng nói rồi còn nuốt một ngụm nước bọt, không rõ là nhớ Phong Thể Quân nhiều hơn hay nhớ món cá chép nướng nhiều hơn.

Bạch Diệu Hoa phì cười:

- Chớ nói như vậy. Tiệp phi nương nương quý đàn cá này còn hơn châu bảo. Nàng ấy mà nghe thấy thì không hay đâu.

Phong Thể Minh gật đầu nhưng vẫn nhìn chằm chằm xuống hồ, dáng vẻ rất nuối tiếc:

- Thể Minh đâu có định ăn cá của Tiệp phi, chỉ là nhớ đến đại ca mà thôi. Diệu Hoa tỷ chưa từng ăn cá của đại ca nướng cho nên mới bình thản được như vậy...

Phong Thể Minh tức cảnh sinh tình, thuận miệng kể lại từ chuyện đại ca của nàng đi đâu, câu cá như thế nào, đến việc chế biến cá ra sao, phải dùng loại thảo mộc đặc biệt gì... Dù Phong Thể Minh nói rất nhiều nhưng Bạch Diệu Hoa vẫn lắng nghe vô cùng chăm chú. Ta thấy hai người bọn họ ở chung một thời gian, tình cảm càng lúc càng thân thiết thì cũng yên lòng.

Mấy ngày nay trời ít đổ mưa, không khí oi nóng, đứng bên ngoài một lúc mà trán ta đã lấm tấm mồ hôi. Ta sợ Ngọc Nga trách mình làm hỏng lớp trang điểm cầu kỳ của nàng, vội lấy khăn tay cẩn thận thấm mồ hôi rồi bảo Bạch Diệu Hoa và Phong Thể Minh cùng vào trong cho mát. Nhưng chúng ta vừa dợm bước tiến về phía đại điện thì bỗng nghe một giọng nói hết sức dịu dàng từ sau vọng đến:

- Thần thϊếp bái kiến Hiền phi nương nương, Bạch thuận nghi cùng Phong tiệp dư.

Liên Nhạc cúi mình rất thấp, vẫn là dáng vẻ yêu kiều động lòng người ấy.

Ta nhìn nàng một lượt từ đầu đến chân, hờ hững đáp:

- Liên uyển dung chớ đa lễ.

Phong Thể Minh chẳng buồn nhìn Liên Nhạc, lập tức ngoảnh đầu sang hướng khác. Liên Nhạc thấy ta cũng chẳng nói thêm lời nào thì tỏ ra hơi ngượng ngùng. Đôi mắt thanh tú dừng lại ở chiếc khăn trên tay ta, nàng ngập ngừng nói:

- Nương nương, mẫu thêu trên khăn này thật tinh tế uyển chuyển... Đóa hoa đào này đúng là rất hợp với hoa dung rạng ngời của nương nương...

Liên Nhạc này, đến giờ vẫn cố lấy lòng ta? Đáng tiếc, ta vừa nhìn thấy bộ dạng thiên tiên thoát tục của nàng ta liền nhớ tới Trịnh Vân Anh, cái gai trong lòng lại càng thêm bén nhọn. Ta hít sâu một hơi, cất khăn vào tay áo, khẽ cười:

- Uyển dung quá khen rồi. Mẫu thêu này còn vụng về lắm, tính ra thì không thể so với chiếc gối uyên ương mà uyển dung tặng ta khi trước được.

Nghe ta bỗng nhắc đến chiếc gối kia, sắc mặt Liên Nhạc hơi tái đi. Nàng ta ngước đôi mắt trong trẻo miên man nhìn ta đầy hy vọng, rụt rè thăm dò:

- Nương nương khen ngợi, thần thϊếp vui mừng lắm. Không biết chiếc gối đó nương nương dùng có thoải mái chăng? Nếu nương nương thích, hôm nào thần thϊếp lại dâng lên thêm vài cái...

Bạch Diệu Hoa cũng cười:

- Hóa ra Liên uyển dung từng tặng tỷ tỷ một chiếc gối uyên ương? Sao muội chưa thấy bao giờ nhỉ? Hẳn là tỷ tỷ quý trọng quá mà không nỡ dùng rồi!

Ta đáp lời Bạch Diệu Hoa, nhưng ánh mắt vẫn lạnh lùng nhìn thẳng vào Liên Nhạc:

- Đúng vậy. Chiếc gối ấy chứa đựng biết bao tâm tư của Liên muội muội đây, bản cung sao nỡ dùng đến? Tấm lòng Liên muội bản cung hiểu rõ hơn ai hết, càng phải trân quý chiếc gối ấy hơn mới phải.

Liên Nhạc chột dạ, cụp mắt nhìn xuống, bộ dạng rõ ràng là mất tự nhiên.

Đúng lúc ấy, trong điện vang lên tiếng nhạc du dương, có lẽ là sắp đến giờ.

Ta khẽ cười một tiếng cáo từ rồi khoác tay Bạch Diệu Hoa và Phong Thể Minh đi vào trước, bỏ lại Liên Nhạc đứng chết trân một chỗ.

Khi đã đi được một đoạn, Phong Thể Minh mới lên tiếng:

- Liên uyển dung bề ngoài dịu dàng lương thiện, không ngờ tâm địa thật khó lường. Trịnh phi đối tốt với nàng ta như vậy mà...

Bạch Diệu Hoa cười chua xót:

- Tiệp dư chưa nghe câu tri nhân, tri diện, bất tri tâm hay sao? Ấy vậy mà bây giờ Vân Anh lại xem nàng ta là người tốt. Còn tỷ tỷ lại thành người xấu mất rồi.

Lòng ta bỗng thắt lại nhưng vẫn cố gượng cười:

- Không thể trách muội ấy được...

Bạch Diệu Hoa nhíu mày, kéo nhẹ tay áo ta một cái:

- Tỷ tỷ cũng không thể cứ nhẫn nhịn mãi. Gần đây, Vân Anh cắt đứt với chúng ta, cả Tư Dao bên chỗ muội cũng không hỏi han được gì. Bây giờ, chỉ có Lâm đại nhân là vẫn được chào đón ở Minh Ngọc cung thôi. Hôm trước muội hỏi thử Lâm đại nhân thì biết được Vân Anh và Liên Nhạc qua lại càng lúc càng thân thiết. Cứ như vậy, chỉ e là...

Bạch Diệu Hoa bỏ lửng câu nói, đôi mắt nhìn ta đầy lo lắng. Chuyện Liên Nhạc qua lại với Trịnh Vân Anh, Lâm Giang cũng đã bẩm báo với ta từ sớm. Hắn lo Liên Nhạc lại làm kinh động đến sức khỏe của Trịnh Vân Anh, càng lo lắng cho mối thâm giao giữa ta và muội ấy. Lâm Giang đã nhiều lần giải thích về chuyện hoàng hậu, rằng tất cả là chủ ý của hắn, muốn trách phạt gì thì cứ trách hắn là được. Nghe nói Thanh Nhi cũng khuyên can muội ấy rất nhiều lần, đem hết những chuyện ta đã làm vì muội ấy kể lại. Nhưng muội ấy chẳng mấy bận tâm, bao nhiêu lời khuyên giải đều để ngoài tai.

Lòng ta rối như tơ vò, chỉ biết gượng cười bất lực.