Tiểu đoàn Chín vượt sông Nha Thức trở về mang theo súng đạn gạo và điện của Bộ chỉ huy Miền do C.50 chuyển giao nội dung có mấy điểm như sau:
1. Đồng ý cho e Mười sáu nhận súng đạn, gạo ở bên kia sông Nha Thức. Trước mắt, để cứu đói cho trung đoàn, hậu cần Miền sẽ cung cấp thêm ba tấn gạo.
2. Đồng ý với đề nghị của trung đoàn, từng thời gian cho phép một trong ba tiểu đoàn qua sông (từ khu vực Công Kiên trở xuống, huấn luyện và củng cố xây dựng đơn vị.
3. Trong khi chờ có quyết định chính thức, đồng chí Lâu được ủy nhiệm phụ trách tham mưu trưởng kiêm trung đoàn phó, cùng với đồng chí Thêm là phó chính ủy điều hành mọi công tác của trung đoàn.
4. Bổ sung cho trung đoàn 50 tân binh, nhận ở đoàn X. tại K9.
Cuối cùng, Bộ biểu dương trung đoàn thời gian qua đã đứng vững trên địa bàn hoạt động của mình, đã linh hoạt kết hợp đánh lớn, đánh nhỏ, phân tán với tập trung, phối hợp đắc lực với địa phương làm tốt công tác chống phá bình định của địch ở vùng ven đô...
Nam mang điện về tiểu đoàn Bảy gặp ông Thêm. Xem xong ông hỏi:
- Vậy là trên không truy tặng gì cho ông Ba Kiên và ông Dũng à? Ông Ba Kiên phải được phong anh hùng lần thứ hai mới đúng.
Nam cười:
- Việc đó là việc của cấp trên, sao thủ trưởng lại hỏi tôi.
- Đó, việc vậy rồi phân khu không làm, Miền không làm chẳng lẽ mình là cấp dưới, mình lại đề nghị lên, coi sao được. Mình đã viết bản thành tích rồi đó. Trên không làm thì mình họp Đảng ủy đề nghị lên vậy.
Từ khi chuẩn bị cho tiểu đoàn Bảy sang sông, ông Thêm nghĩ ngay đến một quy mô công việc rộng lớn phải triển khai trong toàn trung đoàn. Tình hình bây giờ đã có khác. Ở Campuchia, nhân lúc Xi-ha-núc đi ra nước ngoài, bọn Lon Non, Xi-rích Ma-tắc đã làm đảo chính. Chúng nó định đẩy ta đi, thì nhanh hơn, ta đã phối hợp với Ban giải phóng Mi- mốt, Cra-chi-ê, Xtung-treng, mở một hành lang tiếp tế từ ngã ba biên giới chạy dọc theo sông Mê Công xuống.
Cũng trong lúc đó, bọn Mỹ phối hợp với ngụy mở cuộc càn lên biên giới và chiến sự đang có cơ lan rộng sang đất Cam-pu-chia.
Nhờ vậy mà tình hình dưới này êm hơn. Kinh nghiệm mấy chục năm nay là cứ hễ địch đánh vào hậu phương ta, thì cả phía sau lẫn phía trước phải có những đòn phối hợp giáng trả thật ăn ý, thật đồng loạt, làm chúng nó trở tay không kịp. Lúc này không phải là lúc nghỉ ngơi. Trong tình hình khẩn trương như vậy, Bộ chỉ huy Miển vẫn gửi điện biểu dương, giải quyết các yêu cầu của trung đoàn một cách cụ thể, như thế chứng tỏ trên vẫn nhìn chung toàn cục, rất chú ý đến các đơn vị vùng ven.
Ông Thêm muốn có một việc làm gì đó để động viên toàn thể cán bộ chiến sĩ trung đoàn: Lại phải nhớ lại truyền thống. Phải nêu gương ông Ba Kiên cho toàn đơn vị học tập. Ông rất muốn gọi Tuyên về làm trưởng ban tuyên huấn. Sắp tới có bao nhiêu việc phải làm. Rồi sẽ phải có một cuộc đại hội mừng công, sẽ có một lớp tập huân rút kinh nghiệm, và công việc bấy lâu nay ông vẫn áy náy là viết lại truyền Thống trung đoàn vẫn chưa làm được, cứ làm nửa chừng lại bỏ dở.
Bọn lính cũ như thằng Thị, thằng Lâu, thằng Tuấn hễ nghe ông nói đến chuyện đó lại cười khì khì, y như chúng nó chẳng có trách nhiệm gì với trung đoàn cả: Tụi tôi làm lính, trên chỉ đâu đánh đó, bảo đi lấy gạo thì lấy gạo, đánh nhau thì đánh nhau, làm xong việc về nằm chỏng gọng, chẳng lo chi cho mệt. Việc viết truyền thống để các cụ chính trị làm. Với lại ai ở được già đời với trung đoàn như cụ mà viết truyền thống.
Ông Thêm càng lý luận, chúng nó càng giả vờ nghễnh ngãng trêu cho ông phát khùng lên. Nhưng rồi về ngẫm lại, chúng nó nói có điều cũng có lý: thứ nào lo đánh, thứ nào lo ăn, thứ nào chuyển cứ chạy giặc, thứ nào giúp dân, quần áo chẳng có thì giờ giặt, tóc chẳng có kéo cắt, sống nay chết mai, còn thì giờ đâu mà viết truyền thông. Mấy ông tuyên huấn ở trên chẳng bao giờ thấy đảo mặt xuống cho ông nhờ vả chút ít. Hồi Tết có một phóng viên báo Quân Giải phóng về thì lo viết cái gì đâu, ông cũng ghi ghi chép chép đầy một cuốn sổ nói rồi sẽ viết bài về trung đoàn, vậy mà đến nay đã bảy tám tháng, ông Thêm nghe trên Đài Giải phóng chưa thấy có bài nào nói về đơn vị...
Nguyên cái trách nhiệm ông vừa mới nhận đây, lo làm cho hết đã không còn thì giờ rồi. Công việc trước mắt về lâu dài trong một trung đoàn cứ lộn tùng phèo, giẫm đạp lên nhau, nói chi chuyện viết sử sách.
Trước mắt, trung đoàn phải sang sông, phải đánh một trận bên đó. Bên này vẫn tiếp tục chạy càn. Rồi tổ chức cho tiểu đoàn Chín lên đứng chân ở hai bên bờ sông Nha Thức. Muốn làm được những công việc đó, sau một thời gian chiến đấu lớp thương, lớp tử vong, tình hình tư tưởng bộ đội không phải không có vấn đề. Phải xốc lại đơn vị, đề bạt cán bộ, rút kinh nghiệm, mở lớp tập huấn cho cán bộ, lo cái ăn cho chiến sĩ. Đến việc mấy cậu tân binh về buổi chiều, sáng hôm sau đã hy sinh, cán bộ quân lực không biết đường nào mà mò, cũng chạy lên báo cáo với ông. Cái gì cũng ông Thêm!
Từ hôm làm công việc của một chính ủy, ông thấy không thể ôm đồm được. Việc gì chính phải nắm lấy mà làm trước đã. Suốt cả cuộc chiến tranh này phải vừa làm vừa chạy, gặp việc nhỏ, việc không quan trọng phải bỏ lại đó. Có những công việc bỏ đó rồi không bao giờ làm nữa, thậm chí có những cán bộ, những bạn bè, đồng chí thân thiết là vậy, rồi cũng có lúc bẵng quên đi, như thế là mình tệ bạc với họ! Mà cả vợ con đó chi! Đã bao nhiêu cán bộ như thế?
Rõ ràng hiện nay cần có một người chịu trách nhiệm về việc viết truyền thông trung đoàn. Cái gì có thể qua đi, mất đi, chứ điều đó thì không bỏ qua được. Cũng như hàng ngàn đời sau, người ta còn nói về cuộc chiến tranh này, về thế hệ những người cầm súng hôm nay.
Hôm xuống đại đội Hai, sau khi làm việc xong với ban chỉ huy đại đội, ông Thêm ướm hỏi Tuyên:
- Có lẽ cậu lại phải trở về tuyên huấn công tác thôi. Trung đoàn khuyết chân trưởng ban tuyên huấn mà không đào đâu ra.
Thằng Tuyên nghe nói đến tuyên huấn, nghĩ đến cái nghề mang đá li tô và lăn ru lô đã giãy lên như đỉa phải vôi:
- Thôi, thủ trưởng kiếm người khác. Trung đoàn thiếu chi, tôi ở với anh em chiến đấu quen rồi, bây giờ viết lách không được nữa.
- Vây thì việc đó giao cho ai?
Thủ trưỏng tha cho, tôi làm tuyên huấn ba bốn năm trời rồi, với lại công tác đó phải có khiếu, thủ trưởng phải chọn đứa nào mồm mép nhanh nhẹn một chút.
Thằng Tuyên nhất định không về, còn ông Thêm cũng nói ra rồi bỏ đó, bận công việc khác chưa nhắc lại, bảo Xuyên cứ suy nghĩ thêm.
Thắng bảo Tuyên:
- Ông ấy nói lần nữa, cậu cứ ỳ ra cho mình, rồi cũng thôi, chẳng sao đâu. Dưới đơn vị còn thiếu cán bộ. Dứt khoát là phải ưu tiên chiến đấu cái đã. Chỉ lo cậu đánh đấm chẳng ra sao, chứ đang chiến đấu, công tác tốt ở đơn vị, chảng bao giờ người ta nỡ điều về cơ quan. Mai mốt đánh vài ba trận nữa thì cán bộ đề bạt không kịp, tội gì chúi đầu vào ban tuyên huấn cho mệt. Trên đó, tớ thấy có cái cậu gì làm trợ lý thi đua hay mang xà cột kè kè xuống đơn vị đó, thằng ấy mê làm trưởng ban tuyên huấn muốn chết. Xuống đây, câu cứ xúi nó viết vài bản tổng kết thật sắc vào là ông Thêm gật ngay thôi mà.
Tuyên đang phấp phỏng lo phải về e bộ, hôm sau đã thấy ông Thêm lò mò xuống:
- Cậu thu xếp bàn giao công việc cho Thắng rồi lên tiểu đoàn.
- Ở đây còn một mình thằng Thắng rồi làm sao? Tuyên hỏi:
- Rồi trên sẽ sắp xếp.
Thắng:
- Thằng Hùng à?
Ông Thêm:
- ừ, thằng Hùng đó, sao mày cười, đồng ý không?
- Sao lại không, tôi chỉ nghĩ nếu như trước đây, thì chẳng ai xếp thằng Hùng là đại đội phó.
- Sao vậy?
- Người ta vẫn cho nó là trẻ con, mặc dầu nó đánh đấm chẳng kém ai. Cho nó chỉ huy, nó cũng chỉ huy được. Ở đơn vị chiến đấu là như vậy. Ai đánh được, ai không, rành rành ra đấy. Không muốn xếp việc rồi cũng phải xếp, chẳng ai kèn cựa nổi với ai. Cũng chẳng cần phải xin việc này việc khác. Đến lúc cần thì việc đến tay thôi.
Thắng nói rồi liếc Tuyên cười:
- Tao đã nói mà, đúng không?
Tuyên cũng cười. Ông Thêm không hiểu ý:
- Tụi mày biết chuyện thằng Hùng về rồi à? Ai nói vậy?
Thắng:
- Làm thằng lính thì phải tinh ý chớ. Thôi nào thủ trưởng Tuyên, thủ trưởng với tôi đi bàn giao công việc đi.
Ông Thêm lầm bầm:
- Cái thằng...
Thắng vẫn cười một mình. Ban chỉ huy đại đội có hai thằng trẻ con với nhau, vậy mà lại hay. Thắng cũng tự nhận mình là trẻ con mặc dầu năm nay anh đã hai mươi tuổi.
Ông Thêm giục:
- Thôi đi đi, còn phải chuẩn bị cho đơn vị sang sông.
- Vậy ai về làm chính trị viên xê Hai thủ trưởng?
Cậu kiêm luôn cả công tác Đảng, công tác chính trị, thằng Hùng làm đại đội phó, giúp cậu về mặt quân sự, rồi dần dà phải bồi dưỡng cho nó...
Vừa qua bên d Tám lại hy sinh một cán bộ tiểu đoàn phải điều Quá sang. Vậy là buộc lòng phải đưa Tuyên lên thay. Cán bộ cứ xáo trộn lung tung. Cái ý định đưa Tuyên trở về lại tuyên huấn đành tạm bỏ... Cứ nhìn vẻ mặt của ông Thêm là thấy rõ sự bối rối trong bụng.
Thắng cười khì khì, nắm tay Tuyên kéo ra khỏi hầm.
Đi được một đoạn, cậu ta mới bấm Tuyên:
- Đấy, đã bảo mà, chiến đấu bao giờ cũng thiếu cán bộ và cần cán bộ hơn cơ quan. Không đánh nhau cho ra trò thì lấy đâu truyền thống mà viết.
Tuyên vẫn thấy áy náy về sự không chín chắn của Thắng anh nói:
- Này, mai thằng Hùng về, cậu phải đưa đi các trung đội, lấy danh nghĩa thăm đơn vị, nắm tình hình, tập hợp anh em lại giới thiệu cho đàng hoàng. Phải bắt đầu cho nghiêm túc không sau quen nết, anh em người ta lờn, khó chỉ huy.
Thắng chẳng coi việc đó là quan trọng, nói tỉnh bơ:
- Khỏi lo. Ra trận một lần là biết tay nhau. Nổ súng rồi tự khắc trên ra trên, dưới ra dưới. Chỉ cần đánh cho ngon.
Phương án đánh tàu trên sông do Thị để ra lúc đầu rất linh hoạt, đánh xong tùy tình hình mà xử trí. Ở đây cỗ địa hình một là bờ tre giáp mí sông, “địa hình hai” là Khu bưng có mấy căn nhà bỏ. Đánh xong, nếu bí quá thì ém luôn ở địa hình một”. Ở đó, đã có hầm bí mật do Hùng và Thị đào dưới bờ tre. Thế rất bất ngờ, nhưng cũng rất mạo hiểm. ém vào đây chẳng qua là tạm thời, cùng bất đắc dĩ, vì theo quy luật chung, mỗi lần đυ.ng độ với bọn Mỹ, nếu là ban ngày, thì Ít nhất cũng phải gồng lưng lên chịu dăm bảy phi tuần, nếu là ban đêm thì cũng phải chuẩn bị tinh thần hàng chục đợt pháo bầy từ bốn phía dập tới. Máy bay vũ trang từ các căn cứ quân sự sát nách luôn luôn sẵn sàng cất cánh bất cứ đêm ngày, ào một cái đã bay rợp trời như chuồn chuồn động mưa. Các nòng pháo đủ các cỡ ở những căn cứ quân sự chung quanh đều đã chỉnh tầm, chỉnh hướng, căn cứ trên bản đồ từng ô vuông một. Chì cần gọi điểm A, điểm B là dạn đổ ào ào. Chúng nó bắn trúng phóc chẳng sai phát nào.
Lũ “cá rô” và “đầu đỏ” Khi nào cũng săn, luôn luôn đi làm cái trò ném cối và bỏ lựu đạn.
Đánh một trận chẳng có gì khó. Chỉ có việc “chịu trận” sau đó mới ớn. Điều mà các chiến sĩ hay lo Không phải là súng đạn, là lúc đốì mặt với quân thừ, cừng nhau sống chết. Điều đáng ngại của họ là phải chịu đựng bom pháo trông hoàn cảnh đơn độc, đánh nhau phía trước mà không có ai giữ sườn ở phía sau...
Ngồi trước con sông Sài Gòn mênh mông những nước, không gian hình như rộng thêm ra. Mình càng có cảm giác trơ trọi hở lưng, hở sườn, hở cả bốn phía. Nổ súng xong, trên trời, dưới sông, sau lưng, nơi nào cũng địch, nơi nào quân cũng có thể đổ xuống, có thể đánh tới. Chẳng có một trận phối hợp chia lửa nào ngoài ba chiến sĩ trên sông. Đi nghiên cứu về, Lâu quyết định cho Hùng và Xưa đánh, An đi theo để kiểm tra trận đầu cho thật chắc chắn. Chỉ yêu cầu hai súng tập trung bắn cháy một tàu, ít ra thì cũng làm cho nó phải dè chừng trong việc đi lại.
Lâu hỏi Hùng và Xưa:
- Đánh được không?
Cả hai đứa đều trả lời: - Đánh được.
An không nói gì. Lâu biết anh đang bối rối trong lòng nhưng đối với bộ đội, thì chuyện vậy cũng thường. Buồn một chút, giận một chút, cái buồn cái vui phút chốc cũng qua đi, nhất là đốỉ với những chiến sĩ đã từng trải hàng chục trận chiến đấu như An.
Lâu chờ bộ đội sang sông, chuẩn bị tiếp trận đánh thứ hai và coi như chuyện đánh tàu không còn điều gì phải bận tâm đến nữa.
Trận đánh chẳng có gì đáng phàn nàn. Chỉ có lúc tàu đến, Xưa lúng túng không lắp kịp đạn B.40 (Mặc dầu đã được Hùng làm mẫu cho xem mấy lần). Vậy là An sợ mất thời cơ, phải cướp lấy súng bắn, Thằng địch quá bất ngờ nên phản ứng không kịp, lặng trang đi đến mấy phút không nổ súng. Để chắc ăn trong trận đầu, cả hai mũi súng cùng tập trung bắn vào một tàu. Đêm trắng mờ mờ, tàu chạy không pha đèn, họ cứ ngắm vào cái cột nước sủi bọt phía trước mà bắn.
Khi làn khói trùm lên mặt sông loãng ra, thấy rõ chiếc tàu trúng đạn bềnh bồng, Hùng nói với An:
- Rút thôi anh An!
- Hai đứa về trước, tao ở lại quan sát thêm một tí. Nếu thuận lợi thì tụi bay rút luôn về nhà đi.
Hùng kéo tay Xưa cắm cổ chạy miết. Ra đến khu “nhà bò” vẫn chưa thấy gì. Hai người chạy được bảy tám trăm mét nữa, vượt hẳn ra “ngoài vòng”, pháo mới dập đến. Thực ra chỉ có pháo dập thì chưa có gì nguy hiểm, Hùng nghĩ vậy... Nhưng khi về đến nhà ông Hai, máy bay đến và pháo sáng đỏ rực bờ sông. Họ bắt đầu thấy lo. Chờ mãi vẫn không thấy An về.
Lúc đầu, Hùng nói:
- Chắc anh An ém lại ngoài bờ tre.
Sau đó lại đoán:
- Chắc tình hình này anh ấy phải rút vào khu vực nhà bỏ ở trong Bưng.
Nhưng đã hai giờ sáng, ba giờ sáng, máy bay bắn chán, pháo cũng bắn chán, im ắng từ lúc nào, vẫn chẳng thấy tăm hơi An đâu cả. Mọi người vẫn ngồi chờ.
Lâu nói:
- Chắc thằng An bị rồi, đi kiếm luôn may còn gặp nó bị thương nằm đâu đó.
Anh bảo Hùng mang súng đạn và hai người lại ra đi.
An muốn làm một cuộc thí nghiệm: Đánh một trận như vậy rồi có thể tìm cách đánh tiếp thêm một trận thứ hai nữa không? Anh cũng muốn xem sự phản ứng của địch sau trận đánh đến mức nào?
Chịu đựng bom pháo sau một đợt chiến đấu là chuyện thường ở đây, ban đêm địch không thể đổ quân được, chung quanh là sình. Thị đã cẩn thận chuẩn bị mấy cái hầm bí mật dọc bờ tre. Ban đêm thả sức chúng nó bắn phá, chán tay rồi cũng phải rút. Việc bom pháo trúng hầm là ngoại lệ. Nếu đánh xong, ở lại được thì không những có khả năng khống chế cả một khúc sông trong đêm mà còn có triển vọng đánh cả ban ngày nữa. Sao mình cứ phải đơn phương chịu đựng bom đạn, chịu chết chìm trên sông mà không bắt chúng nó phải trả giá? ít ra, ta hy sinh một thì thằng địch cũng phải chết hai ba, cái giá ấy đâu phải quá đắt.
Ở vùng tranh chấp, một con sông cũng phải là nơi xảy ra sự tranh chấp, có khi còn quyết liệt hơn những nơi khác. Chúng nó lợi dụng những con sông, những con lộ để phân ranh giới, đẩy ta ra phía ngoài, thay cho một phòng tuyến đáng lẽ chúng nó phải bố trí đồn bốt dày đặc. Chỉ riêng trên đoạn sông này, đã bao nhiêu máu đổ. Ta càng tránh nó, nó càng lấn tới, càng tuần tra ngặt hơn. Lần nào qua sông cũng đυ.ng độ, mà đã đυ.ng độ thì chẳng thoát khỏi thương vong. Những mảnh ni lông, những chiếc mũ tai bèo vẫn còn treo phất phơ trên ngọn cây, trên cành tre như một sự đầu hàng. Bao nhiêu gạo, bao nhiêu súng vứt xuống dưới đáy sông đó, nghĩ mà xót ruột. Tránh địch nhưng nào có tránh được sự chết chóc. Sao lại không là một sự đổi mạng?
An quyết định ở lại, một cuộc đánh cá với số phận mà người lính luôn luôn phải tính đến. Anh không loại trừ một khả năng: có thể trúng một quả bom, hay một quả pháo.
Thoạt đầu, chiếc tàu chạy sau, không trúng đạn, giạt hẳn sang bên kia bờ sông, không hề có một sự phản ứng nào. Mãi đến năm phút sau, quả pháo đầu tiên mới nổ ở phía trái cách anh đến bảy tám trăm mét. Rồi tiếp đó là những ánh chớp dăng ra suốt một dọc dài từ trên phía lộ Mười lăm đổ xuống Dòng sông sáng rực. Pháo nổ trên cành tre, dưới bãi sình, trên mặt nước...
Sau đợt pháo là “trực thăng” đến soi đèn. An vẫn không rời bờ tre. Anh ngồi dưới hầm bí mật, hé nắp nhìn lên, mặc cho chúng nó ném cối, bắn đại liên suốt một dãy dài, cành tre gãy đổ ngang người. Bắn chán ngoài bờ sông, nó lại vào bắn ở trong bưng, nơi có mấy cái nhà đổ.
An vẫn ngồi đó, không về. Nếu anh mang theo vài quả đạn nữa, giữ lại khẩu súng thì đêm nay đánh thêm một trận cũng được chứ sao? vẫn dòng sông trở lại lặng lẽ như vây. Có gì đâu? Có phải lúc nào cũng địch, chỗ nào cũng địch như người ta nói? Hay là địa hình này, khúc sông này là của mình? Trước kia là công vụ, An chỉ biết làm những việc mà mình phải làm, còn từ sau khi ra chiến đấu, nhất là từ khi làm cán bộ chỉ huy, An bắt đầu suy nghĩ, cái gì cũng phải tự mình thử nghiệm, tự minh xem xét, và khi đã tìm ra “đúng là như vậy’ thì cứ thế mình làm, nhiều khi chẳng cần tranh cãi gì nhiều. Vẫn là cái tính lầm lỳ ngày xưa, những bây giờ là một cái lầm lỳ có cân nhắc, có suy nghĩ. Ngay như cái quyết định ở lại này, anh cùng không nói với Lâu.
Ngồi chán chê trên bờ tre, An vẫn chưa muốn về. Lúc đó tự nhiên anh nghĩ đến Sáu Trang. Cái đêm ở dưới Tân Thới Hiệp cùng một cái bờ tre như thế này, cũng một cái hầm như thế này, cũng con sông Sài Gòn này đây. Sao lúc đó có bao nhiêu chuyện bê bối mà hai người lại thanh thản làm vậy... Còn bây giờ, Sáu Trang chắc chẳng còn bụng dạ nào. Cũng có thể cô ấy đang cần một sự an ủi. Đáng lẽ ra mình phải viết ngay cho cô ta một lá thư. Nhưng mà viết như thế nào? Biết rồi lá thư có đến tay cô ta không? Từ hôm đó đến nay Sáu Trang chỉ dặn với ông Hai là ngoài ông ra, coi như từ nay cô không có liên hệ với ai nữa... Vậy rồi đây, vào ấp, anh có tìm đến gặp cô nữa không?
Lại có tiếng động cơ xuồng máy trên sông. Đoàn tàu đi qua, lần này chạy giạt sang phía bên kia bờ, cứ từng quãng lại bắn ĐK và đại liên sang bên này. Ít nhất thì cũng là như thế, chúng nó cũng phải chờn mình...
An nghĩ vậy và lững thững cắp AK đi về. Đến khu nhà bỏ, anh dừng lại xem xét dấu bom pháo: Chúng nó vẫn bắn mò thôi. Chúng nó đổ đạn xuống cả một vùng bưng sình mênh mông... Có thể ngày mai, ngày kia, chúng nó sẽ nghĩ ra cách đốì phó, còn đêm nay thì chưa... An bỗng tiếc cho công phu chuẩn bị, rồi tiếc cho một đêm qua đi. Anh ngồi trên khu nhà bỏ, tần ngần, không muốn về... Anh muốn ngồi đây một mình vì thấy cái đêm lạ kỳ này đối với anh gợi lên nhiều suy nghĩ quá. Từ cuộc chiến tranh này, đến mối tình này, rồi cho đến con sông này... Cái con sông tựa như mang đầy nghiệp chướng, đầy oan khúc, cũng đầy duyên nợ đốĩ với con người.
Bao nhiêu lần anh đưa thằng Tám Hàn qua con sông đó. Bao nhiêu lần anh sống chết với nó trên dòng sông đó. Rồi nó ra đi, chúng nó bắn lại anh trên chính bờ sông đó. Rồi mốì tình của anh cũng bắt đầu trên bờ sông này, và biết đâu, trong một trận đánh nay mai, anh lại không ngã xuống ở đây?
Lần đầu tiên, An bỗng cảm thấy thanh thản khi ngồi trên bờ sông đầy chết chóc, bom đạn. Gió đêm từ mặt sông thổi lên mát rượi nghe như có mùi tôm cá. Có gì đáng sợ đâu? Anh mới vừa ung dung đi ra khỏi một cái chết, rồi anh lại đang đi trong một cuộc tình, đẹp cũng chẳng phải là đẹp, mà buồn thì cũng chẳng đáng là buồn. Mọi việc, trong cuộc đòi người chiến sĩ đểu chưa định trước được. Chỉ có điều đã định: mình là người cầm súng.
An vẫn ngồi đó, những cây chuối bị đạn bắn xơ tướp lá, nhựa mủ chay xuống trên vai anh mát lạnh. Nhìn ra mặt
Sông Sài Gòn, anh thấy một bầu trời sáng trong, sau cơn mưa, ở đó có những ngôi sao còn ướt đẫm nước mắt.
Mai cho đến khi Lâu và Hùng đến, An mới như sực tỉnh Cơn mê.
- Làm chi đó bị thương à?
Nghe tiếng hỏi gắt gỏng của Lâu, An vẫn cứ trả lời tỉnh bơ.
- Không!
- Không thì sao bây giờ còn ngồi đây, làm người ta đi tìm muốn chết.
- Vi vu một chút.
Cậu An chẳng bao giờ trả lời như thế, đó chẳng qua là thấy anh có vẻ tức bực thì nó nói vậy. Lâu phá lên cười.
An vẫn im lặng, anh đứng dậy lặng lẽ đi theo hai người.
Chả là có lần một cậu trinh sát đi nghiên cứu về, đường kín không đi, đi ra ngoài trảng, Lâu chộp được nắm lấy cổ áo hét lên:
- Vi vu à, muốn vi vu à, tao gọi pháo cho mà vi vu luôn - Nói rồi Lâu bấm đèn pin chiếu lên trời. Cậu trinh sát hú vía ba chân bốn chẳng chạy một mạch về nhà.
Lâu nóng vậy, nhưng với An bây giờ, anh lại tỏ ra nín nhịn. Anh hỏi lại lần nữa, nhẹ nhàng hơn.
- Làm gì mà ngồi lại lâu thế?
- Mình nghiên cứu thêm xem phản ứng thằng địch ra sao?
- Liệu đánh được không?
- Chắc được.
Lâu cũng chỉ hỏi để hỏi, thật ra anh biết thừa bụng dạ cậu An bây giờ còn để tâm đâu đâu. Hùng đã nói cho Lâu biết chuyện Sáu Trang mấy hôm nay. Thôi may mà tối nay nó lại chẳng việc gì là được, làm cán bộ chỉ huy phải biết thể tình cho cấp dưới về những chuyện riêng tư, chứ khi nào cũng thúc kế hoạch với chiến đấu thì có khi người ta ngán.
An:
- Mới đây lại có đoàn tàu đi xuống.
Điều đó Lâu đã biết, Lâu hiểu An đang nói để mà nói, chứ chưa hẳn đã suy nghĩ về điều đó. Anh phá lên cười.
- Anh cười chi vậy?
- Mình biết tỏng ra rồi, cậu đang nghĩ về Sáu Trang chớ gì.
An im lặng không cãi. Cái tay Lâu nay láu tôm láu cá thật. Ngay từ cái lần gặp nhau ở dưới Tân Thới Hiệp, lúc cậu ta lấy của Tám Hàn và ông Năm Truyện mấy cái bắp ngô rồi đến cà khịa với An, An đã nhận ra điều đó. Hồi bấy giờ An đã có một nhận xét: thằng cha này có cái gì đáng yêu vừa đáng ghét. Đáng yêu vì nó thật, nhưng đáng ghét là vì cái gì nó cũng như xoi mói vào tận ruột gan mình mà trêu chọc.
Thấy An im lặng, biết là anh không phản ứng với mình nữa, Lâu nói thẳng:
- Thôi, bây giờ chăng nên nghĩ làm gì về chuyện đó cho mệt xác, cậu là lính mà mãi vẫn không quen với cuộc sống của lính. Cứ về ngủ một giấc rồi mai lại đi đánh nhau, về phương diện tình yêu thì câu khờ khạo quá! Bọn mình đâu phải là sinh viên, là cái thời thanh niên vi vu ở hậu phương nữa. Tình yêu của tụi nó khác, tình yêu của bọn mình khác. Cứ rụt rụt rè rè như cậu thì suốt đời buồn khổ. Sinh viên người ta cùng học với nhau bốn năm năm trời, thanh niên người ta sinh hoạt với nhau suốt mấy mùa công tác, người ta làm nũng nhau, người ta giận dỗi nhau, hàng ngày người ta gặp nhau rồi mà vẫn cứ phải viết thư dài hàng chục trang để nói chuyên. Chưa gặp lúc này, thì người ta gặp nhau lúc khác, còn khối thì giờ để người ta làm lành với nhau rồi lại giận dỗi nhau như trẻ con. Còn đời thằng lính mình nay đây mai đó đánh một trận, sáng dậy đã có thể “ngoẻo củ từ” không còn trối trăng được một lời với bạn bè thân thiết. Tình yêu của lính vì vậy cũng phải khác. Đã yêu là yêu, đã không yêu được là “a lê hấp phăng teo”. Tình yêu cùng có thời cơ, bỏ mất thời cơ là hỏng. Vì vậy mà khối anh ôm ấp hết mối tình này đến mối tình khác, tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Trong chiến đấu mà lại còn giận giận hờn hờn, chờ chờ đợi đợi, làʍ t̠ìиɦ làm tội nhau rồi có khi hối hận không kịp...
An bât cười:
- Anh nói vậy chứ làm gì có thời cơ mà mất. Tôi về tiểu đoàn thì cô ấy xuống đại đội. Tôi xuống đại đội thì cô ấy sang sông. Tôi sang sông thì cô ấy vô trong ấp, hai đứa cứ đuổi nhau như trò chơi hú tìm ấy không bằng.
- Thôi được, cứ về bàn chuyện đánh nhau môt trận nữa rồi sẽ hay, tớ sẽ làm cố vấn cho cậu.
Thằng cha trạng khϊếp, nhưng càng sống với nó càng thấy dễ chịu. Tự nhiên An thấy lòng mình nhẹ đi.
Bà Tám Kim vừa dựng một cái thum ở trên nền nhà cũ đã thấy tụi lính của trung đoàn 46 mò đến. Thằng trung sĩ dẫn lính nhâng nhâng nháo nháo đi một vòng quanh vườn rồi vào ngồi giữa sân:
- Bà này lại định “bung ra” chắc?
Bà Tám vốn chẳng sợ ai bao giờ:
- Vậy làm cái chòi canh chim, các người cũng cấm à?
- Hắn cười xòa. Tụi này chẳng có nhiệm vụ đi càn ủi.
Chuyện đó là chuyện của thằng Trung ở trong Trung Hòa, sẵn miệng thì nói vậy. Hơn nữa, trông thấy Tư Tầm, hắn cũng phải ra vẻ hiền từ:
- Là vậy thôi, chứ nay mai tụi tôi lên biên giới, ở đây mặc các người muốn làm sao thì làm. Có điều là khi tụi tôi đi rồi thì phải cẩn thận. Tụi địa phương quân ác ôn lắm, chúng nó bắt được cô em ở đây thì chúng nó không từ đâu...
Bà Tám:
- Các ông còn ở đây, họ cũng chẳng sợ. Đó, bữa qua bên Cỏ Ống, họ phá cả một vườn dưa của người ta rồi bảo đấy là khu “tím” khu “đỏ”, đại úy Trung lệnh cho họ cứ triệt hạ thẳng tay.
Thằng trung sĩ:
- Bên Cỏ Ông tụi tôi không biết, nhưng ở đây, tụi tôi còn ngày nào, gia đình cứ yên tâm, không sợ gì ráo trọi. Cô em ra đây ở, cuộc đời còn đảm bảo hơn cả trong ấp chiến lược, an toàn chẳng kém chi Sài Gòn.
Mấy hôm nay, Tư Quang và Bảy Rỹ vào trong ấp vận động bà con bung ra, kêu gọi thanh niên vào du kích. Bà Tám nói: tao chẳng sợ bom, sợ pháo, nhưng tao ngán lắm rồi, cứ cựng lại đốt, đốt lại cựng. Bay bảo bây giờ một cây tầm vông làm cột chúng nó cũng ủi sạch, một ôm cỏ làm tranh nó cũng đốt sạch, thứ bom pháo, thứ chuột bọ, ra ngoài đó mẹ con tao lấy chi ăn.
Tư Quang bảo anh em du kích sang mãi bên xóm Chùa, xóm Thuốc xin tầm vông về. Cây tầm vông mới mọc một mùa, to bằng cổ tay. cỏ tranh thì đêm ra bờ sông cắt. Bà Tám chưa ra mà họ đã dựng cho bà một cái thum, ừ, chúng nó đã dựng thum thì bà ra đó, bà nhận cái thum của bà để giữ chim. Cuốc đất xong có chỗ chui ra chui vào cùng đỡ mưa đỡ nắng. Ban đầu đưa cái siêu ra nấu nước, hôm sau đưa cái gàu ra múc nước rồi để đó luôn. Bữa nay bên Sa Nhỏ, bên cỏ ống cũng lác đác có nơi dựng thum, dựng lán, đốt khói thắp đồn. Ở Đồng Lớn cũng đến bốn năm nhà ra ở. Tụi nó lờ đi. Nó cũng như mình, mệt quá đi rồi. Mà dạo này lại nghe nói đang đánh nhau to trên Miền. Lính của sư 25, sư 18 thứ bị thương thứ chạy trốn về lèn trong Trung Hòa. Cũng có đứa mang vàng mang đồ cổ từ bên Campuchia về cho vợ con đưa đi Sài Gòn bán lấy tiền xài. Nghe đâu mấy thằng chỉ huy dịp này giàu to. Bọn ngụy cũng đang thiếu lính. Vừa rồi nó đón một đợt dân vệ lên bảo an, lấy lính đóng ở các đồn chung quanh tiểu khu Trung Hòa, chi khu Trảng Bàng, gom thành ba đại đội, gọi là liên đoàn biệt động do thằng Trung chỉ huy tụi này còn hung hăng lắm.
- Thằng Trung tuyêu bố sẽ quyết ra tay. Mà tụi lính thằng Trung dữ thật. Tụi này còn dữ hơn cả lính dù và thủy quân lục chiến. Quân chủ lực càn xong lướt qua chứ cái bọn địa phương này, càn đến đâu, khui hầm đến đó đốt sạch phá sạch.
- Mấy thằng lính loắt choắt như trẻ con bắt hãm những bà già bốn năm mươi tuổi. Nó bảo: Đã là Việt cộng thì không má con, tuổi tác chi ráo trọi, các bà muốn kêu, lên kêu với ông Trung trên tiểu khu. Chúng tôi là lính, lính thì phải thi hành mệnh lệnh của cấp trên.
Bà Tám dựng cái thum lên rồi, nghe vậy cũng ớn. Thực ra bà cũng chưa lần nào đối mặt với thằng ác ôn này. Nhưng tiếng ác của thằng Trung cứ một đồn mười, mười đồn trăm, ai cũng sợ.
Tư Quang vào ấp, nói với bà Tám:
- Thím ra ngoài đó ở lại ban đêm mà xem, dạo này có lực lượng về, vui lắm...
Bà Tám còn lưỡng lự thì Tư Tầm giục đi. Ngoài đó du kích đã đào cho bà cái hầm. Ra thì ra vậy, nhưng gan như bà Tám mà cũng run. May dạo này có lính chủ lực ở, nên tụi địa phương cũng đỡ phá.
Tư Tầm nóng lòng chờ đến buổi tối. Cô đã nghe nói Phong phanh là bộ đội về, chuẩn bị đánh lớn. Cái cảnh phá ấp dời nhà đã bao nhiêu lần cô được chứng kiến nay lại được cô tưởng tượng ra hết sức hùng hồn: súng nổ râm ran bốn phía, những đoàn xe bò từ trong ấp chiến lược chở đầy xoong nồi bát đĩa cho đến chổi cùn giẻ rách, ùn ùn kéo ra giữa cánh đồng mênh mông đầy nắng gió. Những đoàn người như đoàn du mục, trẻ có già có, trải vải mưa, áo bạt nằm ngổn ngang trên đồng cở, trên nền nhà, cột trâu, cột bò đầy trên miệng những hô" bom, những góc vườn cũ, cho chúng nó thả sức ăn cở xanh um. Trên trời vẫn đầy pháo sáng và máy bay. Trong ấp chiến lược, súng nổ ran như pháo. Các anh bộ đội tất tả ngược xuôi, anh nào cùng có một cái võng, một cái đèn ngoéo đeo ở lưng, vai tòng teng khẩu súng. Các ông già trải chiếu ngồi uống trà hoặc nhậu nhẹt với mấy ông cán bộ dưới ánh pháo sáng. Họ nói chuyện thời sự, vẫn là cái chuyện thằng Mỹ, thằng ngụy, đời thằng Giôn-xơn qua đời thằng Ních-Xơn. Đài bán dẫn mở tự do buổi ca nhạc ban đêm của đài Tiếng nói Việt Nam. Càng bận rộn càng vui. Con gái, đàn bà trung niên đi vào áp tải lương, tải đạn.
Chao ôi! Chỉ nghĩ đến chừng đó thôi mà Tư Tầm đã muốn múa hát. Cô còn biết hát chèo nữa cơ đấy. Ngày xưa các anh bộ đội Mười sáu về tập cho cô, tập đúng điệu hát rồi các anh còn tập cả múa nữa. Đối với những cô gái mười tám, đôi mươi như cô mà không được múa hát thì chẳng khác gì đem nhốt họ vào trong xà lim không cho đi lại...
Tà tà chiều thì tụi lính rút về trong Trung Hòa. Bà Tám bảo Tư Tầm về trong ấp nhưng nhất định cô không chịu. Bộ đội về, làm sao có thể thiếu mặt cô trong cái đêm náo nức này được. Cô gái xăng xái đi ra, đi vào, cô chạy sang nhà ông Hai Trụ rồi chạy đi khắp nơi. Chẳng phải chỉ có một mình nhà cô ở lại. Bà Tám la con hết giờ an toàn rồi, về không có pháo. Cô hầu như không để ý đến điều đó, vẫn tung tâng hết vườn ớt lại sang vườn dưa. Chảng có gì cũng phải bứt mấy trái dưa đỏ. Dưa chưa được chín lắm nhưng cùng đành vậy.
Dưa củ Chi ngày xưa về mùa này lên đồng, cứ lăn lông lốc, tròn xoay và đen trũi. Vậy mà bâỵ giờ ra được trái nào, huột khoét trơn trái đó. Chuột đói mà! Tư Tầm bứt mấy trái mang về. Chẳng có lý do gì để giận hờn, cô cũng làm mình làm mẩy với thím Tám:
- Con đã bảo để con bứt mấy trái trong ấy, má lại cứ gàm là đưa ra ngoài nó bắt. Đấy, người ta cũng mang ra ăn trưa đầy ra đấy, có ai bắt đâu.
Rồi lại nưa, cô chợt nhớ ra tôi nay chẳng có gì cho mấy anh ăn khuya. Mà không biết bộ đội có về thực như anh Tư Quang bảo không? Về nhiều hay ít? Đến cây dao con bổ dưa cùng chẳng có! Má chỉ mang cây dao bầu đi, cây dao ấy thì chỉ có mà làm thịt heo.
Tư Tầm muốn hỏi xem “có phải bộ đội về không?” nhưng lại không dám mở miệng. Ai nói chuyện đó bao giờ? Mày muốn mất đầu hả Tư? Đã bao lần cô bị má la về chuyện tò mò công việc người lớn:
Trời càng tối, khu vực Đồng Lớn càng vắng tanh vắng ngắt. Tất cả chìm đi trong bóng đêm. Cái ồn ào của ban ngày không còn nữa. Hai má con thím Tám bỗng như bị bỏ lại giữa hoang vắng. Chỉ nghe tiếng dế kêu và tiếng chuột chạy rào rào trong đám cỏ, những con chuột đồng đen trũi, to bằng bắp chân, kéo thành đàn đi kiếm ăn. Tư Tầm bỗng thấy lo lắng. Buổi chiều, bao nhiêu lần bà Tám giục cô về, cô cứ nhủng nhẳng:
- Má ở lại, con cũng ở. Bà Tám phát cáu:
- Mày khác tao khác. Lúc đó Tư Tầm vội dùng chiến thuật làm nũng, lăn vào ôm lấy má, õng ẹo:
- Má với con là một, má con ta là môt mà má. Bà Tám phải bật cười vì Tư Tầm cù vào nách bà buồn nôn quá, quên cả chuyện đuổi cô trở về.
Quá chiều rồi không về được nữa, bà Tám đành bảo Tư Tầm ăn cơm, rồi hai má con dọn nền nhà, trải chiếu ra đất ôm lưng nhau mà nằm. Trong lúc Tư Tầm giỏng tai nghe tiếng động, chờ “các anh” ấy đến thì bà Tám tính toán những câu trả lời, nếu như trường hợp có tụi biệt kích, lính tuần nống ra ban đêm:
“- Má con tui ra đây trồng dưa, có mấy trái dưa mà chuột bọ nó phá gần hết”.
“- Sao cái cô bé này cũng ra đây làm gì?”
- Thì nhà tôi có hai má con, đàn bà con gái làm sao dám ra đây một thân một mình như đàn ông được”. Ở đây, các bà cũng đào hầm à?”
“Đêm đến pháo bắn tùm lum tòa loa, người phải tránh nó chứ nó làm sao tránh người, không có hầm rồi chết đi quốc gia có bồi mạng cho má con tui không?”.
Bà cứ đặt hết câu hỏi này đến câu hỏi khác rồi lại tìm ra câu trả lời hợp lý nhất. Còn nếu như đến nước cuối cùng thì cũng liều sống chết với nó một phen: Bà đã mang theo cây dao bầu, tiếng là để phát nương, nhưng thực ra để đề phòng có bất trắc. Càng nghĩ bà càng ân hận về việc mình không dứt khoát đuổi con Tư Tầm trở về lúc chiều.
Mãi tám giờ tối, Tư Quang mới đến. Anh vào lúc nào mà lẹ như con mèo, ngồi trước cửa, bà Tám không hay. Đến lúc nghe tiếng cười khì khì, bà Tám mới giật mình ngồi chồm dậy.
- Thím ra đây thiệt đó hả, đêm vậy không sợ biệt kích nó vào lấy họng sao? ủa, con Tư nữa mày?
Ngồi ngẩn ra một lúc, bà Tám mới nói:
- Mày bảo bộ đội đâu mà tao chẳng mấy, chỉ nằm nghe dế kêu chuột chạy phát ớn xương sống.
Thằng Tư Quang lại cười, đến lúc đó nó mới nói:
- Bộ đội về nè, tôi đưa đến cho thím mấy chú bộ đội một lúc, coi thím có nhận ra chú nào không?
Bà Tám vừa chực chui ra khỏi thum thì một bóng đen chồm lên, kêu ư ử, làm bà hoảng hốt. Một con chó. Có tiếng gọi ở ngoài:
- Đớp, Đớp.
Con chó vẫn nhảy lên liếʍ vào tay bà Tám rồi giụi đầu vào ngực Tư Tầm. nó rên lên thật thảm thiết.
- Đớp, Đớp, không được ồn.
Con chó không kêu nữa, chỉ vảy đuôi mù tít, chạy ra chạy vào, vờn nhảy trước mặt người chủ cũ rối lại trước mặt người chủ mới. Tiếng ông Thêm:
- Nó giới thiệu với chúng ta đây là chủ cũ của nó đấy. Được rồi, nào nằm xuống.
Con chó ngoan ngoãn nằm xuống, quỳ dưới hai chần trước mặt bà Tám.
- ôi má ơi! Con chó nhà ta.
- Dóc, con Cúc nào mà lớn vậy.
- Đây mà, cái móng chân đeo của nó, con biết mà, ôi chú bộ đội, con Cúc của cháu.
Tư Tầm nâng hai chân trước con chó lên. Con vật vẩn còn rên khe khẽ.
Con Đớp trong một lúc, bỗng hoá thành trung tâm câu chuyện. Trời ơi, thật con Cúc hả mày? Sao nó lại về đây? Cúc, tao tưởng bom đạn thằng Mỹ gϊếŧ tiêu mày rồi. Con chó thật hạnh phúc.
Như người từ cõi chết trở về, nó chạy đến người này rồi lại chạy sang người khác. Giá chi bây giò nó có thể nói được để tả lại cuộc phiêu lưu trong bom đạn suốt mấy tháng trời. Nó cũng thoát ly, cũng đi Giải phóng trở về đây Có gì cho nó ăn không? Tư Tầm, con lấy cho nó miếng cơm nguội. Bây giờ thì gọi Cúc nó cũng gật, gọi Đớp nó cũng gật. ôi, hôm nay bơi qua con sông Sài Gòn vất vã làm sao, nó cũng được buộc một cánh lá trên lưng, bơi một đoạn rồi lại dừng lại bám vào bồng ông Thêm, rồi lại bơi. Chỉ cần ông Thêm suỵt khẽ một cái, chỉ tay về phía trước là nó lại bơi tiếp.
Bà Tám đây có biết những thay đổi con Đớp. Bây giờ nó giỏi giang lắm rồi, nó cũng biết nằm võng, võng có dây đoàng hoàng. Cái võng cũng mắc ở một góc hầm. Tối đến, đi chơi chán, nó về nhảy lên nằm tòng teng trên võng.
Bà Tám cũng đâu có biết, bây giờ nghe tiếng máy bay, tiếng pháo là con Đớp nhảy ngay xuống hầm, ở đó nó gặp các anh bộ đội và vẫy đuôi tíu tít.
Bà Tám cũng không ngờ con chó lại khôn đến mức như thế. Đi với ông Thêm, đến đoạn đường không an toàn, ông chỉ cần gọi:
- Đớp, lui lại sau.
Vậy là nó cum cúp chạy theo đúng sát gót ông, không dám đi chệch đường mòn một bước. Những lần Mỹ càn vào cứ, nó hết chạy quanh lại ngồi chồm hỗm nhìn ông Thêm đợi lệnh. Thấy ông Thêm buộc cái võng lên lưng, chỉ tay, vậy là nó theo đoàn bộ đội hành quân.
Ông Thêm kể lại chuyện Năm Lâu vào ấp... Trời ơi! Năm Lâu đến ngồi ở bụi chuối hả mày. Tội nghiệp. May mà hôm đó không việc gì. Buổi chiều tụi Mỹ ngồi đầy ở đó. Chao ơi, thì ra tụi nó cũng nhớ mình đứt ruột, chớ phải chỉ chỉ mình nhớ tụi nó. Con Tư, mày cắt dưa cho mấy anh mày ăn đi. Cả buổi chiều nay nó cứ cằn nhằn tao không mang dưa trong ấp ra, rồi lại cằn nhằn tao không đưa cây dao con ra, thì tao đâu có biết tụi bay về. Thằng Tư Quang có nói cái gì cho chắc chắn đâu. Nó cứ nói nước đôi vậy ai mà biết được, thôi bây giờ thế nào, tụi mày có cho tao xin lại con Cúc không? Kể nó đi với tụi mày lâu rồi mà xin lại thì tụi mày cũng nhớ, nhưng tao thương nó quá. Đớp à? ừ thì con Đớp. Nhưng có chi thỉnh thoảng mày đưa nó tới đây cho tao đõ nhớ. Trong lúc mọi người đang nói về con Đớp thì Tư Tầm ghé sát tai Lâu:
- Anh Năm, sao anh liều vậy?
- Nhớ quá mà.
- Nhớ ai vậy?
- Không biết.
- Hứ.
- Vậy rồi Cô lủi ra ngoài ngồi cười khúc khích một mình. Cái không khí “bộ đội về” thật chẳng như cô tưởng tượng, nhưng đã đầm ấm làm sao? Mà lại toàn những người qưen biết cả. Bà Tám hỏi: Thằng Thị đâu? Thằng Canh đâu? Rồi lại nói sang chuyện ông Ba Kiên. Vậy là bây giờ Năm Lâu làm to rồi đó hả mày? To gì thì to, về đây tao vẫn coi mày như anh con Tư nhà tao. Nó đang xin đi lực lượng đó mà tao phân vân quá. Tao đang định đợi hỏi y kiến tụi mày. Cho nó ai lên trên thì xa quá, lại nhớ, mà để nó cho thằng Tư Quang thì tình hình này tao cĩung ngại. Tụi nó đàn ông đàn ang còn biết đường, biết lối chứ con gái, nằm ngoài địa hình lớ quớ nó đánh điểm thì chẳng biết đường nào mà lần.
Vẫn hầu như chỉ có một mình bà Tám nói. Mấy quả dưa Tư Tầm sợ ít nhưng ông Thêm bảo đừng nhổ nữa, dành dưa về cho tụi ở nhà.
- Thì tụi bay cứ ăn đi, vườn dưa cạnh nhà đó, em nó chay ù ra bứt về liền mà, có chi.
- Mấy hôm nay tụi lính chủ lực ra đây, tụi ấy nó không sục sạo như tụi Mỹ với tụi địa phương quân đâu.
Bà Tám nói chuyện thao thao bất tuyêt, chưa hết ý này đã sang ý khác. Nghĩ sao nói vậy. Bà làm cho Năm Lâu từng phất ngượng: - Cho chắc chắn thì thằng Năm Lâu đi với em mày ra ngoài cảnh giới cho nó một chút, rồi anh em có chuyện chi nó với nhau. Năm Lâu cũng vào loại lỳ: - Vâng, để con đi bảo vệ cho cô ấy hái dưa không biệt kích nó lại lấy họng mất. Ra khỏi cửa, họ đã ngúng nguẩy với nhau: Không khiến. - Không khiến thì có ai nữa không? - Muốn đi thì đi, muốn về thì về. - Vậy muốn đi thì sao? - Thì đi! Thôi đừng đùa nữa, anh sang đây lâu không? - Bí mật Quân sự - Vậy mai em vào trong ấp. - Anh sẽ theo vào. Vào chi? - vào đánh giặc. Thôi đã nói đừng đùa, anh cứ đùa hoài - Thì hãy biết tối nay, tối mai còn ở đây. - Tối mai anh ra không? Em về lấy dưa trong ấp ra, dưa trỏng ngon hơn. - Có khi tối mai còn phải đi nghiên cứu, mà nói thật chứ không đùa đâu, chuyện quân sự không biết trước được. Này, Tư Tầm... Cô gái ngẩng lên.
Nói đùa với nhau thì thật dễ, vậy mà đến khi nói thật với nhau một câu thật khó.
Lâu bỗng thấy luống cuống. Những câu nói đã chuẩn bị sẵn tan biến đi đâu mất. Đây thật là một cơ hội ngàn năm có một, không nói còn để đến lúc nào.
Chờ mãi không thấy Năm Lâu nói, Tư Tầm hỏi:
- Cái gì vậy anh Năm?
- Anh muốn hỏi em một việc... ơ sao mình lại ăn nói lúng ta lúng túng vậy. Năm Lâu hắng giọng. Tư Tầm cười thầm. Việc này định nói đã lâu, mà chưa có dịp... Tư Tầm không nhịn được, cười rúc rích.
Năm Lâu cáu:
- Cười thì thôi, chẳng nói nữa.
Tư Tầm quay lại, ghé sát tai Lâu, nói rất khẽ:
- Em biết từ hồi nảo hồi nào, thôi đừng nói nữa.
- Vậy đồng ý không?
- về hỏi má í.
Đến lúc này Năm Lâu lại liến thoắng:
- Má bảo ra đây hỏi ý kiến em mà.
- Má nói hồi nào?
- Thì vừa mới rồi đó chớ còn hồi nào. Má nói: ra ngoài đó anh em nói chuyện gì với nhau thì nói.
- Vậy thôi hỏi chi nữa, nào, cầm đỡ cho em vài trái.
Một tay đỡ trái dưa, một tay Năm Lâu kéo Tư Tầm vào lòng và đặt lên môi cô một cái hôn.
Mấy đứa bộ đội đến làm ầm ào lên một lúc rồi lại ra đi, vắng tanh vắng ngắt, cả con chó Đớp cũng đi mất, y là đứa nhỏ về thăm nhà, nhớ ơi là nhớ. Vỏ dưa tụi nó ăn bỏ đầy ra đó, má con thu dọn xong rồi bỗng thấy buồn tênh. Cái thum chật vậy mà bây giờ bỗng dưng trống huơ trống huếch. Con Tư ngồi ôm lưng bà Tám thì lại cứ cựa quậy hoài làm bà cũng không ngủ được. Một lúc, lại nghe hắn cười. Khi không nghe tiếng cười thì bà thấy vai nó rung rung. Hỏi cười chi thì nó bảo: “Cái ông nào mà lại ngang ngộ, đặt tên cho con Cúc là con Đớp”.
Rõ chuyện con nít. Vậy mà cũng cười chảy cả nước mắt. Đúng là bộ đội về làm cho nó vui lên. Mà cũng tội nghiệp con nhỏ, ở cái tuổi đang ăn đang chơi, bị nhốt trong ấp chiến lược mãi chồn cả chân cả cẳng. Mà sao từ đó đến nay nó cũng chẳng hỏi chi chuyện đi “lực lượng” nữa.
Năm Lâu và ông Thêm thì cũng như thằng Tư Quang, cứ bảo bà nay mai chuẩn bị dời hết cả cơ nghiệp ra ngoài này mà ở. Vậy là nó chuẩn bị đánh. Nhưng bà có kinh nghiệm bà bảo việc đánh giặc phải hai chân ba mũi thì việc nhà tao, tao cũng phải hai chân, tao chẳng dời sạch cơ nghiệp trong đó đâu. Rồi nó càn, nó hót cho một lần nữa thì lai quay ra tay trắng. Tư Quang bảo bà “phải đứng ra đấu tranh, làm gương cho chị em trong ấp”. Bà lắc đầu: “Cái gì chứ đấu tranh thì tao ngán lắm rồi, chẳng được cái gì, chỉ có đi dang nắng rồi phát cây cho tụi nó”. Nó lại bảo: “Bây giờ mình phải tìm cách khác linh hoạt hơn mà đấu tranh, ví như nó bắt vào trong thì hỏi nó có dám đảm bảo an ninh cho mình không, nó không cho ra ngoài này thì hỏi có nuôi nổi hai miệng ăn của má con nhà bà không?”. Nghe vậy bà phá lên cười. Tưởng nó dạy khôn cho bà cái gì chứ đấu tranh như vậy bà đấu tranh như cơm bữa với tụi nó chứ bà sợ gì. Có đấu tranh vậy bà mới trồng được vạt dưa đó, trồng được vạt ớt đó, đấu tranh vậy thì suốt suốt, ngày nào mà không có? Đã sống với thằng địch thì phải đấu tranh, không làm sao mà sống đặng. Nhưng tụi nó nói vậy là bà hiểu. Chúng nó lại định đưa bộ đội vào sát trong Trung Hoà như cái hồi phá ấp dạo trước. Nhiều khi nghĩ thân phận người dân cũng khổ. Ở gần thằng địch, ta đánh, ở gần ta thì thằng địch đánh. Đã đánh nhau thì tên rơi đạn lạc là chuyện thường; chỉ có thằng Mỹ độc ác mới nghĩ ra chuyện gom dân làm bia đỡ đạn cho nó. Tụi thằng Tư Quang vận động mình ra ngoài nghĩ cho cùng cũng phải. Nó còn bảo cho con nhỏ sung vào “lực lượng”, con Tư lúc đó cũng giỏng tai nghe, vậy mà từ bây đến nay nó cứ im re, chẳng nói năng giục giã chuyện đó như mây bữa nữa.
- Mày có đi du kích xã đội không? Tư Quang đang hỏi ý kiến tao đó.
- Để con nghĩ coi đã, cứ ra ngoài này ít bữa nữa rồi sẽ hay.
- Hay là mày muốn đi chủ lực Miền.
- Ý má sao?
- Thì cũng để tao nghĩ xem đã.
Má bảo để nghĩ xem đã là má ưng rồi. Tư Tầm ôm choàng lấy lưng bà làm nũng tới:
- Ra ngoài địa hình, nhận khẩu bá đỏ, rồi suốt ngày lại về nhà, chui vô bếp lục cơm nguội, con nghĩ chán chết.
- Nhưng đi chủ lực rồi mù mịt tận đâu, tao nhớ lắm. - Thì con cũng nhớ chứ bộ mình má? Mà xá chi, các anh về suốt suốt à, con lại không về lấy hết gạo của má mang đi ấy.
Tư Tầm đã hình dung ra cái cảnh cô Giải phóng vào ấp, rồi cô Giải phóng về Đồng Lớn, cũng có khẩu AK, cũng có cái bồng sau lưng như chị Sáu Trang đó. Lần đầu tiên về chắc má phải ngạc nhiên trước sự thay đổi của cô. Cái anh bộ đội tên Xưa ấy cũng bằng tuổi Tư Tầm chớ mấy, có dễ muốn ít nữa. Tên chi tên Xưa, cái tên đặt lạ. Vậy là hiền khô. Hỏi ở tiểu đoàn mấy thì bảo đi với thủ trưởng Lâu. Nghe Xưa nói thủ trưởng Lâu, Tư Tầm buồn cười, cô đã ngồi cười một mình làm Xưa ngớ ra. Nghĩ cũng hay. Vậy Xưa gọi là thủ trưởng Lâu, má gọi là thằng Năm, còn mình thì khi gọi anh, khi nói lửng lơ chẳng kêu tên, kêu thứ. Thủ trường chi mà như trẻ nhỏ. Trong khi Tư Tầm đang mở lòng như ngày hội, chờ đón bao nhiêu sự đổi mới kỳ diệu của cuộc đời thì bà Tám Kim lại ngổn ngang trăm nỗi. Rồi sắp sửa phải cho đứa con gái ra đi. Nhưng nó đi đâu? Chẳng lẽ cả cuộc đời người bà cứ phải chịu sống cô đơn mãi thế này ư? Chồng chết, con trai chết, nuôi một mụn con gái lớn lên chừng nấy tuổi đầu, dồn tất cả tình yêu còn lại cho nó để rồi hôm nay nó lại ra đi. Bấy nhiêu tuổi đầu, ra đi nó vui bầy vui bạn rồi có nhớ chi đến bà, có khi nó nghĩ đến bà thì chắc gì ngày trở về bà có còn trên đời này nữa.
Người ta không hiểu cho nỗi lòng người mẹ, cứ đặt điều cho bà: Nào là, bà Tám trước kia bám trụ kiên cường, vậy mà bây giờ thằng Trung về doạ cho một trận đã co vòi lại. Nào là bà Tám Kim bây giờ cũng ngán bom ngán pháo lắm rồi. Biết vậy mà bà để bụng đó thôi. Con người mình trước sao sau vẫn vậy. Bà vào trong ấp ở chỉ vì cả lo cho con Tư Tầm đó thôi. Cái lần đốt nhà cuối cùng đó, nếu bà không giằng lại thì tụi Mỹ đã lôi con gái bà lên một “trực thăng”, bà lên một “trực thăng” khác. Bà thì bà chẳng sợ, nhưng con nhỏ rời bà ra, có việc gì thì bà biết ăn nói làm sao với hương hồn tía nó.
Lâu nay, sở dĩ Tư Tầm không việc gì cũng vì nó ở trong Trung Hoà, nơi mà. Dầu sao thằng dịch cũng phải giữ tiếng, không dám bừa bãi. Đất này là của nó mà. Một nữa, tụi lính cũng nể mặt bà, chúng nó bảo nhau: Đừng đυ.ng đến con Tư Tầm, con bà Tám Kim, lôi thôi bà cầm dao bà băm mặt. Chẳng là cái tiếng bà Tám đốt nhà lan ra khắp cả tiểu khu nên tụi nó cũng sợ. Nhưng mà tránh tạm ít lâu trong đó thì được chứ tránh mãi cái kiểu này thì cũng chẳng xong. Con Tư Tầm năm nay đã mười chín tuổi. Mấy lâu bà vẫn bảo nó mới mười sáu. Bay giờ đã đến lúc phải dứt khoát. Hoặc ở lại trong đó với bà, lấy chồng, làm một người dân, hoặc ra vùng giải phóng, vào lực lượng vũ trang hay đi du kích. Ở trong đó thì rồi thằng địch cũng chẳng để cho yên đâu, mà đã ra ngoài này thì nói như nó cũng phải: Đã đi thì đi cho trót, ở xây quanh cái đất Đồng Lớn này rồi cũng chỉ chạy chui chạy nhủi, đói thì về chui vào bếp kiếm bát cơm nguội rồi lại lén lút ra đi, đạp phải mìn phải trái lúc nào chẳng biết.
Khéo không thì thương con rồi lại làm hại suốt một đời của nó. Hôm rồi con Sáu Trang hỏi ý kiến bà: có cho Tư Tầm ở lại hoạt động hợp pháp trong đó không? Nó cũng bảo là hợp pháp thì phải thật bí mật, phải thật kiên cường, nó có bắt thì tù đầy tra tấn không được khai báo một lời. Công tác thì rất quan trọng nhưng rất nguy hiểm. Bà cũng nói thật với Sáu Trang sợ nó là con gái rồi không yên được với bọn ngụy, giả chi nó đã có chồng có con! Sáu Trang bảo: - Thì cưới chồng đi cho nó. Nhưng ở trong đó thì trừ thằng ngụy ra, còn mặt mũi nào mà chồng với con. Cuối cùng Sáu Trang cũng chẳng bàn thêm, nó bảo: - Tuỳ thím, nhưng bây giờ nó đến tuổi rồi, hoặc là ở lại hoạt động, hoặc là ra du kích, không nữa thì đi bộ đội. Thời buổi này, phải đi một đường cho dứt khoát, chứ thím coi chị Ba con, hiền như cục đất vậy mà rồi cũng có sống yên được đâu.
Con Sáu Trang mới nấy tuổi đầu mà đã suy nghĩ như người lớn. Nó nói làm bà Tám thêm phân vân: Đúng là gương con Ba Hồng còn sờ sờ ra đó. Con Sáu có đau nó mới nghĩ được ra chuyện đó. Nghe nó lại sắp sửa chuyển công tác IB vào tận đâu, đã nhờ người chạy cho căn cước giả để đi. con gái vậy mà cứ biền biệt một thân một mình, nghi thật cám cảnh! Con Sáu Trang bây giờ đã thế, con Tư Tầm sau này rời bà ra rồi sẽ ra sao? Rồi cũng một thân một mình lùi lụi, vui thì ít mà buồn thì nhiều.
Bà Tám xoay người lại phía con gái. Tư Tầm đã ngủ say lúc nào. Bà sờ nắn suốt người con. Nó đã thực sự là một cô con gái, ôi, cô con gái độc nhất của bà. Nó chẳng lo nghĩ trong khi chính bà lại đang nghĩ nát ruột về nó. Bà đâu biết, nếu như có một ngọn đèn soi tỏ lúc này, thì bà sẽ nhận ra một cụ cười trên môi cô gái. Tư Tầm đang bồng bềnh trong một giấc mơ yêu đương dưới cái thum mà chung quanh chỉ nghe tiếng chuột chạy và dế kêu.