Phải chọn một vị trí mà ở đó, mở nắp hầm chui lên, hé cửa hầm có thể quan sát thuận lợi: Nơi phải được che khuất, nơi phải gần con đường chị Ba hay đi lại hoặc ngồi nghỉ. Thấy đất vườn ớt còn ướt. Sáu Trang biết chắc là chị Ba vẫn ra đây tưới rau ban chiều. Đã tưới thì phải ra giếng. Tưới ớt xong, nếu muốn ngồi nghỉ một lúc thì nhất định phải đến gần bụi chuối, cạnh cái nền nhà bếp cũ đó. Đất ở đây vừa sạch vừa mát.
Vậy là cái hầm được khoét xuống dưới bờ tầm vông, cửa mở ra phía vườn ớt, bên cạnh có bờ chuối che khuất.
Đào xong hầm, gần sáng, Sáu Trang ở lại đó luôn. Trời sáng dần làm cô nhận ra cảnh vật và bỗng trở lên ngơ ngác. Ban đêm, bóng tối trùm lên che bớt đi sự cô độc, trống trải, còn ban ngày, nhìn ra mυ'ŧ mắt phía trước, cô mới hiểu là cô đang ngồi giữa một cánh đồng chứ không phải trong một khu vườn, trong ấp cũ nữa. Mặt trời càng lên cao càng nóng. Tất cả lặng trang. Chỉ có gió với nắng. Những con bướm vàng từ đâu bay đến từng đàn đậu chung quanh bờ giếng, đập cánh nhẹ nhàng như những trang sách mỏng bị làn gió nhẹ lật lên. Một con chim sâu nhỏ xíu nhảy nhót trong vườn ớt đỏ mọng những quả chín. Con chim cũng ngơ ngác một mình giữa cái vườn ớt trơ trọi. ớt chín nhiều vậy, thế nào rồi chị Ba cũng phải ra hái... Sự đợi chờ của Sáu Trang cũng nóng rực như trái ớt chín!
Chị Ba hiền như cục đất, chị chắng bao giờ ác với ai. Ngày xưa, Sáu Trang kém chị Ba đến những 6 tuổi, vậy mà vẫn bắt nạt được chị. Những lần hai chị em đi chơi về, Sáu
Trang chuyên môn méc má. Má đánh chị hoài, vậy mà chị cũng chẳng giận Sáu. Càng lớn lên, Sáu càng thương chị nhất là từ ngày anh ấy mất đi. Hồi má nuôi cán bộ, ma bới cơm bảo hai chị em đưa ra rừng, chị Ba chưa bao giờ dám đi, nhưng cứ mỗi lần Sáu Trang ở ngoài rừng về, chị Ba lai hỏi: các chú ngủ trong rừng có giường nằm không? Vậy rồi các chú ăn cơm bằng cái gì... Đủ thứ chuyện.
Chị Ba lấy chồng, chồng chị là cán bộ, nhưng cả đời, chị chẳng biết chồng làm gì? Đi đâu? Mãi cho đến lúc chúng nó kéo xác anh về trước cửa, gần bờ giếng cạnh vườn ớt đó thì chị Ba ngất xỉu. Chị chôn cất chồng không một lời kêu ca, chửi rủa, tuồng như chị vốn sinh ra để sẵn sàng cam chịu mọi đau khổ mà số phận đã dành cho chị. Từ đó, chị dồn tất cả tình thương còn lại cho Sáu Trang. Nhiều hôm, thấy Sáu Trang đi đêm về hôm vất vả, chị nói:
- Tao muốn làm việc chi đó đỡ cho mày chút đỉnh, mà tao nhát quá, tao đành chịu tệ với mày thôi Sáu Trang ạ.
- Thì chị đi ra rừng với em ít hôm rồi quen đi.
Vậy rồi chị Ba đi lấy củi, có một lần chị đi cõng gạo nữa. Đó là hồi trước Tết Mậu Thân... Sáu Trang đã tưởng từ đó, cô sẽ đưa chị vào con đường hoạt động cho chị vui lên, nhưng cô lên quận, rồi về phân khu, tình hình quê hương mỗi ngày một khác...
Sáu Trang nằm thϊếp đi một lúc bỗng nghe có tiếng gàu vục nước trong giếng, cô hé cửa hầm nhìn ra: một người đàn bà mặc áo trắng quay lưng vể phía cô đang múc nước. Chị uống một hụm trong gầu rồi lấy hai bàn tay vốc nước vã vào mặt. Mãi cho đến khi chị quay lại, Sáu Trang mới nhận ra chị Ba. Trời, mới có không đầy một năm mà sao trông chị già đi quá vậy. Sáu Trang muốn chạy đến, nhưng cô tự kìm lại được.
Chị Ba rửa tay, rửa chân xong, không đi vào vườn ớt mà lại đi ra phía cái hố bom cũ trước sân nhà đứng đó rất lâu, cầm nón quạt phe phẩy. Chị nhìn quanh một lúc rồi nhặt một cành chà quét chung quanh hố bom. Sau đó lững thững đi lại bờ giếng và lúc bấy giờ mới rẽ vào con đường như Sáu Trang dự tính.
Đến bờ chuối, chị Ba đưa tay rút mấy tàu lá khô, rải xuống đất ngồi nhìn ra vườn ớt. Chị Ba ngồi nghiêng, Sáu Trang nhìn thấy những nét nhăn trên đuôi mắt của chị một vài sợi tóc trắng rơi xuống bên tai. Chị ngồi đó im lặng nhìn ra vườn ớt lóa nắng, nheo mắt lại. Chị đang nghĩ gì mà buồn vậy! Chị Ba có điều chi trong bụng? Chị Ba thở dài. Không ai nói chuyện với chị cả. Vậy rồi chi Ba khóc, chị khóc rấm rứt một mình, xong lại lau nước mắt nhìn quanh.
Sáu Trang quên hết, không còn nhớ đến sự cảnh giác cần có. Trước mắt cô là chị Ba và chỉ còn chị Ba. Cô mở nắp hầm và chạy ào đến ôm chầm lấy chị...
Sau một phút ngơ ngác, chị Ba kêu lên:
- Sáu Trang, sao em lại ở đây?
- Chị khóc chi vậy?
- Người ta nhìn thấy kìa, ngồi xuống đi.
Những câu hỏi và câu trả lời chẳng ăn nhập gì vào nhau cả vì cả hai người đều muốn hỏi. Sáu Trang nhìn chị Ba:
- Chị khóc chi vây?
- Mày đổ đất xuống dưới hố bom à Sáu?
- ừ, em đổ đấy.
- Chết!
Bây giờ Sáu Trang mới nhớ ra, hồi đêm vì nóng lòng đào cho xong cái hầm, có những giành đất cô đổ xuống hố hom không gọn. Vừa rồi chị Ba cầm nhành chà quét trên miệng hố bom là vì vậy.
- Em đào hầm bí mật, không biết đổ đất vào đâu phải hắt xuống hố bom.
- Mày về từ lúc nào không cho chị hay... Con Sáu, tao nhớ mày mà tao giận mày quá, mày đi biền biệt, mày bỏ tao, tao chỉ còn một mình mày nữa, tao chờ mày hoài đêm này qua đêm khác...
Chị Ba nói vậy rồi lại ngồi khóc. Sáu Trang cầm bàn tay rám nắng của chị Ba ấp lên má mình ve vuốt, chờ cho chị Ba nín:
- Em thương chị nhứt đời chị Ba ạ, ai nói chi thì nói em cũng cứ thương chị nhứt đời. Em ở trên đó, nằm ngủ mơ thấy tụi nó bắt chị Ba đi tù... Em khóc.
- Có ai nói chi về chị à Sáu...
- Không, đó là em nói vậy...
- Không, em đừng giấu chị.
Sáu Trang không biết trả lời thế nào, chỉ ôm lấy chị thơm như thơm một đứa nhỏ.
- Không mà, không ai nói chi trọi...
Chị Ba gỡ tay Sáu Trang ra, nhìn thẳng vào mặt em, đôi mắt còn đầy nước mắt bỗng mở to, không chớp, làm cho Sáu Trang sợ hãi.
- Chị đừng nhìn em vầy chị Ba...
- Không, em nói thiệt đi, em biết gì về chị?
- Không mà, em không biết gì trơn ạ...
- Không, em nói dối, em nói dối, em cũng như mọi người, em ghét chị rồi.
Chị Ba giận dỗi, chị Ba vùng vằng, chị Ba đòi bỏ đi, rồi chị Ba lại khóc. Đó là sự phản ứng duy nhất của chị Ba xưa nay. Từ hồi còn nhỏ, chẳng bao giờ chị đánh Sáu, cũng chẳng bao giờ chửi Sáu. Chị chỉ giận, có khi giận Sáu chị bỏ cả ăn làm cho Sáu hoảng hốt. Nhưng sự tự dằn vặt ấy của chị Ba chẳng dọa được ai, chỉ dọa được người thương chị. Và bây giờ Sáu Trang bỗng cảm thấy mình lúng túng, cảm thấy như minh là người có tội thật.
- Thôi chị nín đi rồi em nói.
Chị Ba vẫn khóc.
Sáu Trang ngồi kể lể. Cô nhớ chị như thế nào. Cô gặp Tư Quang làm sao? Cô mong về rồi vào trong đó từng ngày một. Rồi cô gặp ông Hai Trụ, cô nói chuyện với Bảy Rỹ. Cô nghĩ như thế nào về chị mà cô quyết định vào đây.
- Người ta còn nói gì về chị nữa không?
- Không, em chỉ nghe có vậy.
- Sáu, em có tin chị nữa không?
- Sao chị hỏi vậy?
- Không, chị hỏi thiệt em lần nữa để rồi chị nói.
- Em tin chị một ngàn lần, một vạn lần…
- Vậy là chị thỏa lòng rồi, bây giờ chị nói thiệt em nghe. Em nghe xong rồi thì ngồi yên cho chị dập đầu xin em xá tội. Chị chờ em về từng ngày để làm có nấy việc, Sáu à.
Ba Hồng đi rồi mà Sáu Trang vẫn như người sống trong chiêm bao. Cô vẫn ước rằng những điều chị cô nói ra không phải là sự thật. Rồi cô nghĩ là cũng có thể cô vừa mới sống qua một giấc mơ - Chao ôi! Nếu sự thật tàn ác vậy thì còn làm sao sống nổi. Chị Ba cô làm sao mà sống nổi?
Chị Ba nói xong rồi chỉ biết ngồi khóc. Chị nói những gì nữa Sáu Trang không nghe ra. Hình như lúc đó chị Ba đập đầu xuống hai lòng bàn tay của Sáu Trang đang để mở trên đầu gối. Rồi chị đứng dậy ra đi. Sao lúc đó mình không nói với chị Ba mình một lời, Sao lúc đó mình cứ ngồi trơ ra như tượng đá, rồi chị Ba sẽ hiểu như thế nào? Chị sẽ cho là con Sáu không tha thứ cho chị nữa. Lúc đó mình như người mất hồn không còn biết nói năng, không còn biết suy nghĩ. Chị Ba khóc thì mình cùng khóc.
Trong cuộc chiến tranh này, Sáu Trang đã mất đi bao nhiêu đồng chí, bao nhiêu người thân, nhưng có nỗi đau nào như nỗi đau này: chị Ba của cô!
- Sáu Trang, em nhổ vào mặt chị đi, em mắng, em chửi chị đi, em hãy nói là từ nay em từ chị đi, để cho chị đứng dậy, chị ra về, em đừng nhìn chị như vậy... Không, chị thề với em không bao giờ chị dẫn lính đi đánh điểm ở cứ xã ủy. Điều đó thì chị chẳng bao giờ làm, nhưng đáng lẽ chị phải ra đó báo tin cho các anh biết. Vậy mà chị sợ, chị là đứa bỏ đi, chị biết... Sáu ơi, nếu em còn thương chị...
Phải rồi, lông mày chị Ba dựng lên rồi. Lần chị Ba có nghén, má nhìn lông mày, rồi má bảo chị Ba đưa má xem đầṳ ѵú. Vậy là chị Ba bị với tụi nó rồi. Chú Hai chẳng đặt điều cho ai. Bảy Rỹ cũng nói sự thật. Nhưng điều chưa tin thì họ chưa nói.
Suốt buổi nói chuyện, Sáu Trang không hỏi chị một câu nào. Cô biết im lặng ở những đoạn mà chị Ba khó nói ra. Vì chị đã nói hết với cô và cô cũng đã hiểu hết thì còn phải hỏi thêm làm gì?
- Chị như người sa chân, chỉ một lần rồi không còn cưỡng được. Chúng nó bắt chị lên đồn, chúng nó lừa chị uống phải thuốc... Những ngày em đi, em không biết, có đêm nào là đêm tụi nó không đến... Lúc đầu thì chị chống lại, nhưng sau đó...
- Thôi, đừng nói nữa chị Ba...
- Không, em trong trắng lắm, vì em trong trắng cho nên em không hiểu được...
- Em hiểu.
- Từ chuyện đó mà người ta bảo chị là phản bội, người ta vu cho chị đủ điều...
- Người ta chưa kết luận gì về chị...
- Nhưng người ta không còn tin chị nữa. Bây giờ chị đã hiểu ra: Đáng lẽ chị phải như em, phải đi theo cách mạng cho đến đầu ngành cuối ngọn...
- Thôi chị nín đi... Cho đến bây giờ chị vẫn là người của cách mạng.
Chị Ba lắc đầu:
- Không, chỉ có với em, chị mới nói những điều này, còn chị thì chị sẽ sống để bụng, chết mang đi...
Nào chị Ba có tội tình gì? Chị bị tụi nó làm ô nhục, đó là điều chị không muốn. Còn như việc nó phao tin ra thì chị làm sao thanh minh. Rồi nó dẫn chị đi trước, ra cứ xã ủy để đánh điểm thì đâu phải lỗi của chị.
Đáng lẽ ra chị Ba đừng để nó làm nhục. Đáng lẽ ra chị Ba đừng đi trước đoàn lính... Đúng như chị Ba đã nói: đã theo cách mạng thì theo cho trót, lôi của chị là đi nửa đường nửa đoạn.
Sáu Trang trước đây đã định nói điều này với chị, mà rồi không kịp. Cuộc chiến tranh này ác liệt lắm, rạch ròi lắm, chẳng có chỗ đứng nào cho người muốn sống một đời sống bình thường như chị Ba. Sáu Trang muốn nói thêm điều đó, nhưng chị Ba đã hiểu thì cô còn phải nói làm gì. Cô chỉ nghĩ: hình như mình là người có tội trong việc này? Tại sao mình lại để cho chị Ba đến nông nỗi như vậy? Sao ngày trước mình không khuyên chị ra ngoài vùng tự do? Rồi bây giờ nữa. Hầu như suốt cuộc nói chuyện, Sáu Trang không góp cho chị được một ý kiến nào. Đã trót vậy rồi thì bây giờ làm sao đây? Đành rằng chị Ba phải chịu trách nhiệm lấy cuộc đời của chị nhưng còn Sáu thì sao? Coi như chị Ba là một quần chúng nữa thì cách mạng phải tranh chấp từng quần chúng với chúng nó.
Nghĩ vậy Sáu Trang bỗng hoảng hốt. Sao cô không hẹn lai một cuộc gặp mặt? Sao cô không nói được một vài điều trước khi chị Ba ra đi? Rồi đêm nay, rồi ngày mai, chị Ba vẫn tiếp tục sống trong một hoàn cảnh hoàn toàn đơn độc. Biết đâu chị ấy lại không nghĩ liều.
Sáu Trang rùng mình. Cô nhìn mặt trời và trông sao mau tối. Nội đêm nay cô phải có một quyết định.
Cứ đến 4 giờ chiều, bọn trẻ con về hết, cái thum ông Hai lại vắng trơ, vắng trọi. Chúng nó ra thả trâu quanh khu vườn nhà, đứa tưới rau, đứa hái ớt, xong vào nhà ông Hai uống, vì cái giếng ông Hai sạch hơn cả. Nhiều đứa muốn ra ngủ đêm lại đó, nhưng sợ pháo băn. Những hôm không vể, ông Hai nhờ tụi nó mang ra cho nắm cơm, lon gạo, hoặc xị rượu...
Đã hai đêm con Sáu Trang không về làm ông Hai lo. Buổi sáng, ông đánh xe trâu đi một vòng, buổi chiều ông lại đánh xe đi một vòng nữa. Mấy bữa nay, tình hình bên này sông êm. Tụi lính trong Trung Hòa khoe là quân đồng minh đã đuổi Việt cộng lên đến biên giới và đánh nhau to ở trên đó. Thằng Thị đã sang sông vẫn chưa thấy về.
Ông Hai ngồi buồn lấy xị rượu ra rót uống một mình. Tình hình đã chẳng vui vẻ gì mà thời tiết lại chẳng thuận. Có dễ mùa này rồi mất. Ông nghiệm ra cứ năm Dậu là chẳng mấy năm được mùa. Mưa xì xụp. Ông đã trồng quanh bìa làng được cả nghìn cây củ báng, củ ngọt. Gặp đâu trồng đó. Tụi trẻ nhỏ bắt chước ông, cũng làm theo. Có cái ăn rồi người ta trở về cũng đỡ đói. Nếu như bà con không ra ở nữa thì để cho tụi nó trong cứ ra lấy. Chắc qua mùa mưa này tình hình sẽ khá lên. Bọn Mỹ coi bộ làm mãi cũng ngán. Nó bảo nó sắp bàn giao lại cho thằng ngụy, nhưng thằng ngụy nói khi nào hết Việt cộng mới nhận. Bên kia sông vẫn đánh nhau ì xèo. Bên này sông tuy không đánh được trận nào lớn nhưng lác đác vẫn có đυ.ng độ. Chỉ mong sao tụi Mười sáu sang được nữa là coi như thằng Mỹ vô phương. Cuộc chiến tranh giống như hai người vật nhau đã đến lúc kiệt sức, thằng nào ráng lên thì thằng ấy được... Mình hết hơi thì nhất định chúng nó cũng phải kiệt sức. Cái lý luận ông Hai là vậy mà rồi bà, con vẫn chưa tin. Người ta bảo thằng Mỹ còn nhiều tiền nhiều của lắm...
Chỉ cần vài ba người ra ở nữa, là ông sẽ bốc cả gia đinh ra đây. Ông đã tính đến nước phải kêu vài người buôn bán vặt vãnh ra đây ở trước, tụi nó không để ý, rồi sau đó mới dần dần đưa các gia đình ra. Phải làm cho tụi nó ngán đã, làm cho nó thấy dẫu ủi tráng, bốc hết dân, Việt cộng vẫn ở được. Mấy hôm nay Bảy Rỹ đi gài trái, đi đánh mìn lung tung. Đâu như các đơn vị Bạch Đằng, 82 mấy hôm nay cũng bắt đầu hoạt động lại.
Ông Hai ngồi uống hết gần xị rượu, trời cũng vừa chạng vạng tối. Ông đang mong con Sáu thì thấy nó về, tóc tai bơ phờ, chắc nó đã gặp chị nó rồi.
Sáu Trang ngồi bệt xuống đất.
Ông Hai chỉ niêu cơm trong bếp rồi nhìn con nhỏ. Nói chi với nó bây giờ. Nó thương chị nó quá rồi, mình có khuyên cũng bằng thừa. Sáu Trang nhìn ông già, lại nghĩ: có nên nói cho ông nghe hết những điều chị Ba nói với mình không. Không nói thì làm sao ông tin được, mà nói thì buồn quá.
- Con định vào trỏng...
Ông Hai trố mắt nhìn Sấu Trang.
- Chị Ba con không phản bội đâu. Người ta không hiểu chị.
- ừa.
- Chú không tin thôi, chị em con, chuyện thật làm sao, con nói làm vậy.
- Làm sao tao không tin mày, có điều mày phải nói cho tao nghe hết đã chớ.
Sáu Trang kể lại chuyện chị mình một cách miễn cưỡng, ông Hai lắng nghe rất chăm chú.
Sáu Trang kể xong, ông Hai nói:
- Tao lo tụi nó biết vậy rồi cứ làm tới. Chị Ba mày yếu vía. Chúng nó được thể càng dọa già. Trước đây chưa có gì thì thôi, bây giờ lùi với nó một bước rồi. Đã buông tay cho nó một lần...
- Chị Ba có nghén rồi...
Sáu Trang nói điều ấy rồi gục mặt xuống vì xấu hổ, khóc nức nở như chính mình là người phạm lỗi.
Ông già ngồi lặng, thấy thương con nhỏ quá chừng. Ông cảm thấy như mình cũng có lỗi trong việc này.
- Thôi, đã vậy thì mày liệu mà vô trỏng với nó, để rồi tao tính xem.
Ngoài trời, mưa vẫn tầm tã. Chưa bao giơ mưa kéo dài như thế này. Mưa suốt ba ngày chưa ngớt. Tưởng như trời đất cũng muốn báo điềm dữ. Ông Hai không nói ra, Bảy Rỹ và Sáu Trang cũng không nói ra, nhưng cả ba người đều nghĩ như vậy.
Gần đây, có bao nhiêu là chuyện buồn. Năm ngoái Ông Cụ mất. Tụi nó bắt đầu cuộc càn ủi. Từ đó đến nay cơ quan chạy tứ tán... Rồi đến chuyện ông Ba Kiên hy sinh. ông Cụ mất đi là một điều mà ông Hai không thể tưởng tượng được. Giữa lúc đất nước đang đầy khó khăn. Ông Cụ ra đi là một điềm không lành. Điều này ông Hai chỉ nghĩ riêng rồi để bụng, chứ ông không nói ra. Nói sợ làm nao núng lòng tin của bọn nhỏ. Trên đầu hai thứ tóc, ông Hai đã chứng kiến bao nhiêu biến cố trong đời. Nào cảnh đói năm Dậu, cảnh lụt năm Ngọ, rồi mất mùa rồi giặc giã, cứ mỗi lần đất nước có tai biến, hình như ông trời lại báo trước... Những cánh sao chổi, nhật thực, rồi năm lạnh chết cá, năm nóng cháy cây, ông đều để mắt.
Mấy hôm nay, điều làm cho ông lo là mưa tầm tã, trời đầy mây và lúc nào cũng tối sầm sập, mặt trời cũng ủ dột rầu rĩ như mặt người đưa đám.
Ông Hai tắt đài, đặt xuống bên cạnh. Nhưng ông lại cầm lên, bật công tắc. Đài đang đọc những bài thơ viết về Hồ Chủ tịch... Hai ba lần như vậy, mãi sau ông cố nén những tình cảm xao động trong lòng, kiên quyết gạt cái đài sang một bên, Hắng giọng:
- Tụi bay sẵn sàng chưa?
- Có chi mà không sẵn sàng chú hai.
- Vậy thì chuẩn bị đi đi, tao nói với bà Tám rồi, con Sáu cứ vào trỏng rồi có gì con Tư Tầm nó giúp.
- Lo chi chú Hai.
- Bảy Rỹ với thằng Hùng đưa con Sáu vào trỏng, rồi lo liệu sớm mà về, tụi nó ở bên kia sông có thể sang bất chợt, không ai đón rước. Rồi còn việc móc với 82 để lấy gạo nữa
ông Hai nói như tuồng bộ đội sắp sang sông thật, vừa để tự động viên mình, công vừa để tụi nó vững bụng.
Sáu Trang thì rối bời trăm mối, chuyện chị Ba đã vậy, còn nhiệm vụ phân khu giao cho một vùng cơ sở. Mãi đến lúc ra đi, cô mới nói với thằng Hùng:
- Anh An có sang, nói với anh ấy chị vào Trung Hòa. Cho chị gửi lời thăm anh mạnh giỏi.
Hùng chỉ gật, trước đây nó náo nức bao nhiêu về chuyện vào ấp chiến lược, vậy mà bây giờ nó bỗng thấy dửng dưng: đi là vì nhiệm vụ. Nó nhớ má nó quá chừng. Ở trên này tình hình còn vậy thì mãi dưới Tân Thới Hiệp, bây giờ má nó sống ra sao?
Ba người ra đi im lặng. Từ đó cái thum ông Hai cũng vắng ngắt. Ngoài trời vẫn mưa, ông Hai ôm cái đài trong bụng, mở nhỏ âm lượng, để vậy nằm đung đưa trên võng, nhìn ra ngoài trời tối đen.
Ông nghĩ vơ vẩn một mình. Rồi ra cuộc đời còn lắm nỗi thăng trầm. Biết đâu đấy! Năm 40, ông đã theo đoàn biểu tình lên tận quận. Giữa lúc tưởng như chính quyền sắp nằm trong tay, cả một vùng 18 thôn vườn trầu, bà con cô bác đóng cửa cài then rầm rầm rộ rộ tầm vông, giáo mác kéo nhau lên quận biểu tình thị uy thì đùng một cái cuộc cách mạng bị dập tắt. Rồi đàn áp, rồi khủng bố. Ông Hai từ dưới Hóc Môn phải chạy về đây. Phong trào coi như một lần tan nát.
Đến thời Cách mạng tháng 8, chưa mấy ngày thì quân Pháp trở lại, rồi đánh nhau trầy vi, tróc vẩy suốt chín năm. Sang 54, một lần nữa tưởng đâu độc lập đến nơi thì hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, hòa bình lập lại, ta cũng chỉ giành được nửa nưóc. Cán bộ, bộ đội đi tập kết, giơ hai ngón tay hẹn với các cô bác ngày về. Nhưng rồi thằng Mỹ hất cẳng thằng Pháp, truất Bảo Đại, lập Ngô Đình Diệm, lại sang một thời lao đao lận đận nữa. Cho nên ông nghiệm ra rằng, trong cuộc đời, đừng nên lúc nào quá vui, cũng chớ có lúc nào quá buồn. Việc đời ai mà đoán trước được. Bĩ cực thì thái lai. Hồi Mậu Thân, mấy đứa cứ bảo kỳ này bỏ rừng về đồng bằng ở, làm như thống nhất đến nơi. Ví nếu hồi đó mình đừng nói một chiều, đừng có bốc đồng, biết chuẩn bị tư tưởng cho nhau trước, thì đến lúc thằng Mỹ có quật lại mình củng đâu đến nỗi nào...
Chính những lúc như thế này đây, mình phải thật bình tĩnh, phải nhìn cho thấu cái khó khăn, cho thấu cái sự thực để mà chuẩn bị tinh thần cho tụi nó. Những đứa hay lạc quan tếu thì đến lúc khó khăn cũng hay bể trước.
Ông Hai tự suy nghĩ, rồi lại ngồi tự tranh luận với mình trong đêm tối. Dần dần ông thấy thư thả trong lòng. Nếu trước đây, ông lo lắng đến sự mất mát; đến sự ác liệt thì bây giờ ông lại thấy ra điều đáng mừng; So với trước đây vài tháng cái đêm thằng Tư Quang bị dồn chạy khắp nơi, vào trong ấp chiến lược gặp ông đó, thì bây giờ tình hình đã sáng sủa hơn nhiều. Bộ đội Mười sáu đã sang bắt được liên lạc, chuẩn bị được địa hình, ngày một ngày hai chi rồi sẽ đứng chân ở đây. Tụi nó cũng đã móc được đoàn 82 bấy lâu chạy xất bất xang bang. Rồi thằng Bảy Rỹ dầu có một mình cũng trụ lại được, cũng đánh đấm vài ba trận. Bọn nhỏ trong ấp dần dà lân la ra thả trâu, làm cỏ. Cô bác có người đã dắng tiếng dựng nhà dựng thum để ở.
Ngoài trời vẫn mưa tầm tã. Ông Hai vừa chợp mắt đi một lúc bỗng nghe như có tiếng chân người bước. Ông ngổi nhổm dây, lại lặng ngắt.
Sực nhớ ra cái bếp lửa đã gần tắt, ông Hai đến cời tro, thổi những hòn than cho cháy đỏ lên. Trong lúc ông đang cúi lom khom bên bếp, môt anh bộ đội từ trong bóng tối bước ra, đạt tay lên vai ông già lắc lắc:
- Chú Hai!
Ông Hai quay lai:
- Năm Lâu hả, trời đất, sao lâu quá mầy.
Hai ba người bộ đội nữa bước vào, cái thum của ông Hai chật nêm. Họ vo áo mưa giúi vào một góc, vừa xoa tay vừa kêu: - ấm quá!
Ông Hai nhìn một lượt rồi hỏi:
- Có nấy người thôi à?
- Chúng con có năm người sang trước, mai mốt chỗ ở yên ấm rồi sang tiếp.
- Chà, xui rồi, sang gặp bữa tụi nó vào ấp ráo trọi...
- Thằng Hùng cũng đi.
- Thằng Hùng, Bảy Rỹ, Sáu Trang, thì cũng có chừng nấy người chứ có đông đảo gì.
Ông Hai nói rồi cười, Năm Lâu cũng cười theo. Anh chợt nhận ra câu hỏi của mình là thừa.
- Vậy mà chúng con định tối nay sang nghiên cứu, mai đánh.
- Gấp vậy? Có việc chi không? Bộ đội chưa sang mà.
- Mấy người thừa đánh rồi chú.
Sáu Trang đến nhà bà Tám sau khi Ba Hồng đã ra đi.
Không phải dò hỏi dài dòng, vừa mới đặt bồng xuống, cô đã nghe bà Tám bô bô:
- Sáng nay, ông Hai vừa nói với tao xong, tao đang định sang bên nhà mày, thì đã nghe tin con Ba đi Sài Gòn.
- Chị cháu đi làm gì?
- Không biết, tao nghe bà Năm nói nó lên trển làm ăn. Câu trả lời của bà Tám quá đột ngột làm cho mặt Sáu Trang tái mét. Cô lặng đi một lúc rồi bỗng như người kiệt sức, gục lên trên cái bồng vừa vứt xuống trước mặt mà khóc, mà rêи ɾỉ:
- Làm ăn! Trời đất ơi, sao không có ai giữ hộ chị lại cho cháu nửa ngày nữa! Chị Ba ơi, sao chị bỏ em chị đi, em đã kịp nói gì với chị đâu? Khổ thân chị Ba tôi...
Mấy hôm nay, hầu như cô không ăn, không ngủ chỉ vì chuyện chị Ba. Vậy rồi sau một đêm bươn bả trong mưa trong gió, gõ trái chui rào vào đến đây thì nghe cái tin như sét đánh: Chị Ba đi Sài Gòn! Vậy là tất cả sức lực còn lại của người con gái tự nhiên như tan biến đâu hết. Cô rũ rượi ấp mặt lên cái bồng ướt mà khóc. Mặc cho quần áo tóc tai còn đầy bùn đất, mặc cho thằng Hùng và Bảy Rỹ đứng đó ngẩn ngơ, mặc cho mẹ con bà Tám Kim hỏi han an ủi. Sáu Trang chỉ khóc. Vậy là mình đến chậm mất rồi, mà tại sao mình lại không dặn lại chị Ba một câu. Có thể chị ấy giận mình nên chị ấy đi. Chị ấy không tin những lời mình nói với chị.
Mà sao các người, các người độc ác lắm vậy, chị tôi phỏng có tội tình gì? Sao các người không nói với chị tôi một câu cho có tình có nghĩa. Chị tôi sống cả một đời thế nào thì các người cũng biết. Quân độc ác, quân dã man, chúng nó không để cho người ta sống yên ổn, kể cả đến con người hiền lành như chị Ba, đến gϊếŧ một con kiến cũng còn sợ phạm tội sát sinh.
Bà Tám hình như cũng đọc được cái ý nghĩ đầy căm giận của người con gái, ngồi lặng trang. Bảy Rỹ và Hùng càng bối rối, không biết làm gì, đứng ngồi lóng ngóng. Chỉ có Tư Tầm đến ngồi xuống bên cạnh Sáu Trang:
- Chị Sáu, thôi chị thay quần áo kẻo lạnh.
- Em cho chị hụm nước.
- Thì chị lấy khăn lau qua đi đã nào. Các anh ngồi xuống đi, sao lại đứng vậy, kìa má, má lấy chi cho mấy anh ăn, các thứ chuẩn bị con để trong buồng.
Bà Tám như sực tỉnh cơn mơ, chạy xuống bếp.
Ngọn đèn được vặn nhỏ lại, các dấu vết được xóa đi. Trong nhà, lại lặng ngắt, chỉ còn nghe tiếng Sáu Trang khóc tấm tức và tiếng Tư Tầm nói rì rầm. Ngoài trời mưa vẫn rơi tầm tã.
Thằng Hùng quên cả mọi việc nó định làm khi vào ấp. Bảy Rỹ bồn chồn như người có lỗi. Đúng rồi, mấy hôm nay Sáu Trang không ngày nào không hỏi về chị cô. Vậy mà anh chẳng có một ý kiến gì cho chính xác, cũng chẳng có một lời khuyên cô nên thế nào? Để rồi cô phải tự đi tìm gặp chị, để rồi cô nằng nặc đòi xin vào đây, và bây giờ, sự thể ra thế này. Chưa biết Ba Hồng đi Sài Gòn làm gì, nhưng để một quần chúng của mình đến nước đường cùng, phải chạy vào trong đó. Mà trong đó thì là vùng của tụi nó. Chưa nói gì, chỉ tính việc nó được thêm một người dân mà ta để mất một người dồn cũng là thua thiệt rồi.
Bà Tám bưng ra một nồi cơm nguội. Vì biết tối nay tụi nó vào, nên chỉ có hai mẹ con, bà cũng nấu một nồi cơm đầy. Cơm bày ra mà mọi người vẫn ngồi yên. Mãi đến lúc Tư Tầm nhắc: “Chị Sáu ăn cơm cho các anh còn về kẻo muộn”. Sáu Trang mới ngồi dậy. Cô nhớ ra còn bao nhiêu công việc phải làm. Bảy Rỹ và thằng Hùng còn phải về ngay như ông Hai đã dặn. Có thể đêm nay, đêm mai chi đó bộ đội sang sông. Rồi còn bao nhiêu chuyện phải bàn với bà Tám, với Tư Tầm. Cô bé thật đến dễ thương. Rồi mình phải làm chi bây giờ đây. Chẳng lẽ cứ nằm khóc hoài. Mình vào đây đâu phải chỉ vì một chị Ba của mình. Nghĩ vậy, Sáu Trang nuốt cái đau vào trong bụng, lau khô nước mắt, sửa sang lại tóc tai, quần áo rồi làm như không có việc gì xảy ra, giục:
- Anh Bẩy ăn đi cho thằng Hùng nó ăn một miếng rồi còn về ngoải.
Thấy hai người vẫn còn chần chừ Sáu Trang ngồi xuống cạnh nồi cơm, tự tay xới ra ba bát. Đến lúc đó thằng Hùng và Bảy Rỹ mới ngồi xuống.
Sáu Trang vừa ăn vừa dặn thằng Hùng:
- Em về nói chú Hai khi nào có người vào thì cho chị hay, vài bữa tình hình ra sao chị tin ra...
- Chị còn ở đây? Chị Ba đi Sài Gòn rồi mà!
Thấy thằng Hùng hỏi một cách ngây thơ như vậy, Sáu Trang đang buồn nẫu cả ruột cũng phải bật cười. Có nó thật là vui. Giá lúc nào hai chị em cũng được sông bên nhau. Cười rồi cô lại thấy buồn thêm:
- Chị còn phải ở trong này làm công việc.
Thằng Hùng đặt đũa:
- Vậy chị có ra ngoài nữa không?
- Để coi tình hình ra sao đã. Nay mai chắc bộ đội về, đồng bào ra ngoài ở. Có khi chị cũng phải đi ra đi vào như chú Hai đó.
- Vậy là anh An sang lại không gặp chị.
Sáu Trang không trả lời. Cô muốn nhắc đến An thì thằng Hùng đã nhắc đến trước cho cô. Rồi thế nào về nó cùng nói với An những điều nó biết về cô. Nếu bây giờ cô được trở ra ngoài đó cùng với thằng Hùng thì vui biết mấy. Cô nhớ lại và hình dung ra một khu vực giáp ranh đang được hồi phục. Cô bác lại về đó dựng nhà, làm vườn. Đêm đến, một vùng từ cỏ ống, Sa Nhỏ, Đông lớn, Xóm Trại đèn đuốc lại thắp sáng choang. Rồi bộ đội, rồi cán bộ cơ quan, du kích, cứ 5, 6 giờ chiều, từ trong cứ lại lục tục kéo ra. mang bồng, mang bị đi lấy gạo, đi mua rau. Họ mắc võng tòng teng trước cửa hầm. Ông già ngồi nói chuyện thời sự, trẻ con hát, các cô gái đi lấy gạo, lấy rau cho các anh Bộ đội... Nghĩ vậy, Sáu Trang lại nhớ đến công việc của mình: biết đâu, mai mốt tình hình ở ngoài kia như vậy thì trên phân khu lại giao cho mình nhiệm vụ đi mãi vào trong kia, đi sâu hơn nữa... Rồi mình sẽ về Nam Chi, về Hóc Môn, Gò Vấp hay cũng có thể về mãi trong Sài Gòn. Cứ đi thui thủi một mình như vậy buồn lắm. Sáu Trang lại nhớ đến chị Ba biết đâu rồi cô lại không vào trong đó, không gặp lại chị Ba ở đó. Chị Ba ơi, bây giờ chị ở đâu, sao chị không nói với em một tiếng.
- Kìa chị Sáu ăn đi chớ, chị ăn như mèo vậy làm sao mà đi công tác.
Tư Tầm vừa nói vừa gắp thức ăn vào chén cho Sáu Trang. Thấy Sáu Trang bắt đầu nói chuyện, tự nhiên cô cũng vui lên. Mới gặp nhau mà cô đã có cảm tình ngay với chị cán Bộ chưa quen biết này. Hồi Sáu Trang ở nhà, Tư Tầm hãy còn nhỏ. Sau này, qua câu chuyện của nhiều người, cô biết Sáu Trang ở Bộ đội phân khu, nhiều đêm cô bác trong ấp bảo là trong đoàn Bộ đội đột ấp, có con Sáu Trang cùng về. Bây giờ nó lạ hẳn đi, cùng mang bồng, đeo súng, thoắt về, thoắt đi như các anh Bộ đội, có hôm về ấp mà chẳng ghé qua nhà. Nghe vậy mà chưa lần nào Tư Tầm gặp Sáu Trang vào ấp, mãi cho đến đêm nay...
Hồi chị Ba Hồng còn hay ra ngoài Đồng Lớn, ngày nào chị cũng nhắc đến con Sáu nhà chị. Chị nói riết đâm Tư Tầm cũng có cảm tình với Sáu Trang, mặc dầu chị em chưa một lần nào gặp nhau. Trước kia, hình ảnh của Sáu Trang đối với Tư Tầm là hình ảnh của một cô bộ đội Giải phóng, còn bây giờ Sáu Trang ngồi trước mặt Tư Tầm đó, thì Tư Tầm lại cảm thây chị Sáu giống như một cô bạn gái chăn trâu cắt cỏ ngày nào, có cái gì thân quen và dễ mến biết bao nhiêu.
Bảy Rỹ và Hùng về đến Đồng Lớn thì thấy toàn bộ đội Mười sáu do Năm Lâu dẫn đầu, qua sông, đã chờ sẵn ở nhà ông Hai.
Mọi người vừa mới gặp nhau, chưa kịp thăm hỏi chuyện trò gì, Lâu đã chộp tay cổ áo thằng Hùng, kéo ra một góc:
- Này, có phải hôm trước mày cùng đi nghiên cứu với anh Thị ngoài bờ sông không? Hôm ấy mày đi theo anh Thị, anh ấy có trao đổi gì với mày không?
- Quá đi chớ.
- Vậy thì tốt, bây giờ mày có thể dẫn bọn tao đi xem lại một lần nữa được không?
- Được. Anh Thị bị thương không sang được, hôm nào đánh phải để em đi mới ăn chắc.
Cậu có biết kế hoạch đánh của anh Thị sao không?
- Biết chớ, hai người cùng bàn với nhau, em còn góp ý kiến cho ảnh.
- Vậy câu đưa bọn mình đi xem lại trận địa ngay bây giờ...
- Ngay bây giờ, rứa đi luôn, để em cất cái bồng.
Ông Hai đang định hởi thằng Hùng tình hình trong ấy, thấy vậy quay sang:
- Chi gấp vậy Năm Lâu.
Phải đánh vài trận rồi mới đưa bộ đội sang được. Bữa nay thời tiết đang thuận lợi, còn trăng.
- Thôi vậy thì xắng mà đi. Tao nghĩ cũng phải nên đánh một trận, anh Ba và anh Dũng lại cũng vừa mới hy sinh. Trong tình hình này không đánh thì bộ đội cũng dễ sinh tư tưởng. Tao không làm quân sự, nhưng tao đoán ra cái ý đồ chúng mày là vậy, có trúng không Lâu.
- Dạ, đúng đấy ạ.
Lâu trả lời cho qua chuyện, anh chẳng nghĩ như ông Hai, anh cũng chẳng nghĩ nhưng ông Thêm: Phải đánh một trận để kỷ niệm, để tưởng nhớ công ơn này khác, hoặc để khích lệ tinh thần bộ đội. Nếu chưa nên đánh thì dù có cần làm việc đó cũng không đánh, còn đã đến lúc đánh, mà không đanh thì thời cơ se qua đi. Bộ đội thì rất dễ, hô đánh là họ đánh, bảo tập là họ tập. Họ hiểu rõ những việc làm đó, dầu ở hậu phương hay tiền tuyến dầu đánh giặc hay luyện tập cũng là vì mục đích chiến thắng cuối cùng, chỉ cần cán bộ gương mẫu, nói sao làm vậy. Cụ Hồ giỏi vì Ông Cụ nói cái gì, làm cái gì cũng thiết thực, không lý luận nhiều, không rập theo một công thức nào cả. Để tưởng nhớ công ơn Ông Cụ, không gì hơn là thay nhau gánh vác công việc, đánh Mỹ đến cùng. Không học được cái tài ba của Ông Cụ thì cũng cố gắng học tập cho được cái đức độ của Ông Cụ. Việc mình, mình phải lo làm cho tròn. Không nên để mất nhiều thì giờ vào những nghi thức lễ tiết.
Cũng chẳng cần thay quần áo, đoàn cán bộ, chiến sĩ cứ vậy tiếp tục ra đi. Đoàn gồm 4 người: Lâu, An, Hùng và Xưa.
Từ lúc thằng Hùng về, Xưa vẫn nhấp nha nhấp nhỏm, nhưng không sao bắt chuyện được. Nó được Tuấn giao cho nhiệm vụ xuống tiểu đoàn báo cáo tình hình với ông Thêm, Lâu chỉ liếc mắt một cái, chộp ngay cậu tân binh này:
- Thôi, cậu ở lại đây với mình, mình đang cần một chiến sĩ cùng đi sang sông.
Nghe nói sang sông, Xưa chẳng cần đắn do gì nữa hỏi luôn:
- Có phải về báo cáo lại không thủ trưởng?
- Thôi khỏi, việc đó bọn mình lo.
Đồ đạc vốn liếng của chiến sĩ thì có cái gì, một khẩu súng, một cái bồng, ông Thêm cũng ngắm nghía cậu Xưa một cách tiếc rẻ và thầm nghĩ: Cái thằng Lâu ranh ma thật, nhưng thôi, hắn đã lấy thì mình cũng chẳng tranh với hắn làm gì, đúng là sang bên đó, cần có cậu chiến sĩ đi theo linh hoạt một chút...
Cho đến lúc đoàn chuẩn bị ra đi, thằng Hùng mới kêu lên:
- Mày đó à Xưa?
- Mình biết cậu ở đây định hỏi cậu từ lúc mới về.
- Thôi vậy hay rồi.
Vừa ra khởi cửa, An đã đến nắm tay thằng Hùng định kéo ra:
- Cậu cho tớ hỏi một chút!
Thằng Hùng đang mải nói chuyện với Xưa, quay lại:
- Em biết anh định hỏi gì rồi, thôi, chuyện dài dòng lắm, mai về mới nói hết với anh được.
Ra đến khu Rừng Làng. Mọi người im lặng. Trăng tắt rồi nên người đi sau chỉ thấy bóng người mờ mờ phía trước. Tròi vẫn mưa tầm tã. Chân họ đã bước xuống sình và mắt họ đã trông thấy con sông Sài Gòn mờ mờ trước mắt. Chỉ sau một lúc bàng hoàng, An lại như người chợt tỉnh, anh đã nghĩ đến trận đánh ngày mai.
Chuẩn bị một trận đánh nhỏ vậy mà lần này mọi người đều thấy hết sức quan trọng.
Chỉ có ba cán bộ và chiến sĩ trung đoàn Mười sáu sang sông vậy mà ông hai Trụ bảo là “bộ đội đã về”. Vào trong ấp, ra ngoài đồng, gặp người nào, ông Hai cũng thì thầm, vẻ thật quan trọng: “Tụi Mười sáu về rồi đó, lo mà chuẩn bị gạo nước cho chúng nó đi”. Tin phao đồn từ ông già lan ra có tác động khá lớn. Tự nhiên tụi nhỏ trong ấp mang gạo ra nhiều hơn. Một số người lớn tìm gặp ông Hai hởi xem tình hình này liệu có bung ra được không?
Bên Cỏ ống, bên Sa Nhỏ, lác đác có nhà về dựng thum giữa cánh đồng trống. Cán bộ đoàn hậu cần đêm đến, xem nơi nào có người, tìm móc mua gạo, mua vải.
Sau khi Mỹ càn ủi xong một lượt, tụi ngụy lại nống ra đóng thêm các chốt ở Ba Cụm, Bố Heo, dân làng vây kín hết cả một vùng đất trắng vừa mới bình định xong. Phát hiện đấu vết quan ta ở đâu, chúng nó lập tức đổ chụp, đánh điểm, máy bay, đại bác ầm ĩ.
Các đại đội địa phương quân được đôn lên, tổ chức thành liên đoàn biệt động. Thằng đại úy Trung ở Trung Hòa lên làm liên đoàn trưởng, đưa bọn lính mới này đi càn quét khắp nơi, có khi sang cả bên tây sông để truy kích Việt cộng. Đi đâu thằng Trung cũng huênh hoang là chiến cuộc sắp kết thúc. Lần này, quân đồng minh bình định xong vùng ven, dẹp hết bọn du kích tép riu, thì sẽ đánh một cú quyết định cuối cùng vào đầu não Việt cộng ở Campuchia. Mỹ đang chuẩn bị bàn giao lại cho ngụy. Chưa bao giờ quân lực Việt Nam cộng hòa mạnh như lúc này.
Máy hay cần cẩu và “trực thăng” vũ trang ầm ầm ào ào chở quân, chở súng, chở đạn hay trên bầu trời ven đô. Chúng nó đã triển khai mặt trận biên giới. Nghe đâu trên đó đánh nhau to rồi, vậy mà không biết vì sao ở đây chúng nó vẫn tiếp tục càn quét.
Ông Hai Trụ đang nghi nghi hoặc hoặc thì Tư Quang dẫn hai chú du kích vượt sông trở về. Vừa đặt bồng xuống, nó đã gọi Bảy Rỹ hỏi han bàn bạc bao nhiêu công việc: ở nhà chuẩn bị được bao nhiêu trái. Địa hình cũ bây giờ thế nào, liệu có thể về lại đó được không? Tổ chức đột ấp được không? Kế hoạch phối hợp với bộ đội đánh tàu ra sao?
Ông Hai hòi:
- Mày xem tình hình bên kia sông ra sao?
- Bộ đội người ta dồn hết xuống rồi, tụi nó đi lên thì mình đi xuống.
- Có thiệt là nó đi lên không?
- Nghe nói nó càn lên biên giới. Vừa qua nó càn xong Ván Tám, Long Nguyên, đường Mười bốn thì càn qua bên kia sông Nha Thức. Trên ấy bộ đội Mười sáu đánh to lắm.
- Sao ở đây nó cũng có làm dữ vậy?
- Thì nó phải làm cho dữ dưới này xong rồi mới đưa quân lên trên đó được chứ, dưới này chưa yên thì đánh lên trên kia cũng chẳng dễ dàng gì.
Bảy Rỹ:
- Nếu nó chuẩn bị càn lên biên giới, mình để ít bữa hoạt động chắc ngon hơn ạ.
Tư Quang lườm một cái:
- Mày nói cái gì vậy Bảy Rỹ?
Biết mình lỡ lời, Bảy Rỹ ngồi im. Tư Quang chưa chịu thôi:
- Mình với nó bây giờ như hai thằng quại nhau, mình có quại trước thì nó mới không kịp trở tay, chứ chờ nó quại mình thì chỉ ăn cám.
- Nhưng mà...
Không có nhưng mà nhưng miếc gì hết, đánh nhau thì một sống một chết. Đã chết thì ai chết cũng như ai. Vừa qua, mấy ông cán bộ tróc lên trển đều bị phân khu đuổi về.
- Tao sang đó, đi tìm mấy Ổng mà cũng sinh xấu mặt. Người ta cứ tưởng mình tróc cứ chạy qua. Hôm rồi, vô viện, gặp mấy ông cán bộ phân khu. Địch đánh vô họ cùng bám cứ đánh đến cùng. Không chạy được mà. Nhưng hắn gϊếŧ của mình một thương binh, thì hắn cũng phải tiêu cả tiểu đội. Có vậy nó mới ớn. Mình sợ nó thì nó cũng phải sợ mình chứ. Trên giao đứng chân đâu thì phải đứng đó cho vững. Chẳng nói chi cả nước, chỉ nói trong một trân địa: cũng hầm trước, hầm sau, hầm bên phải, hầm bên trái. Thằng nào cũng tranh nhau phần ở giữa thì thằng nào ngồi hầm phía trước. Tao lên trển tao biết: ở đây thì bảo ở bên kia sông là an toàn, ở bên kia thì lại muốn lên vùng Ván Tám, Long Nguyên, vùng Ván Tám, Long Nguyên thì lại muốn sang bên kia sông Nha Thức. Còn so với ta bây giờ, thì mấy ông nằm sông nằm rạch dưới Nam Chi chắc lại thấy họ cực hơn. Cuộc chiến tranh này cùng trời cùng đất, gánh nặng chia đều ra cả nước, mỗi người môt chút. Một thằng bỏ chỗ là thằng khác phải è cổ ra mà gánh...
- Nhưng mà mình gánh nặng quá.
- Thì cũng phải có nơi năng nơi nhẹ, trên người ta đã cân nhắc cả. Bốn thằng khiêng một cái cây mà một thăng bỏ thì ba thằng kia không gãy chân cũng vẹo sườn.
Bảy Rỹ nói lảng sang chuyện khác:
- Trên đó cơ quan làm sao trụ được, nó cũng càn cũng ủi...
- Chẳng kém gì ta, cũng đổ quân, cũng ủi, cũng xe tăng biệt kích lèn, nó càn vào bệnh xá, phân khu, thằng nào không chạy kịp nằm chịu trận...
Từ sau hôm Bảy Hường hy sinh, cuộc càn ở khu vực Long Nguyên, Ván Tám tiếp tục càng ngày càng khốc liệt. Bệnh viện đã di chuyển. Thương binh lại dìu dắt nhau đi. Tư Quang được chứng kiến bao nhiêu cuộc cãi lộn giữa chiến sĩ ta với nhân viên bệnh viện. Chỗ nào cũng có địch, đơn vị nào thương binh cũng ùn lại, không đủ thuốc. Không có người phục vụ, không có người bảo vệ. Mà đưa qua sông Nha Thức không được, họ chỉ đưa về bệnh viện phân khu. Bệnh viện phân khu đang nuôi thương binh trên vai, nay đây mai đó. Ở trong cuộc, Tư Quang mới thương anh chị em phục vụ...
Tất nhiên là sau khi Bảy Hường hy sinh, những anh em thương binh do Bảy Hường nuôi được nhập vào bệnh viện. Nhưng những người đi lại túc tắc được như Tư Quang đều muốn về. Vậy là trong dịp móc được bộ phận tiền trạm của trung đoàn Mười sáu đi xuống, Tư Quang cố xin họ theo về tiểu đoàn Bảy, ở đó, anh gặp thằng Dực và thằng Re.