Con người sống thì phải nên sống thực tế một chút. Kiều Vi muốn có cảm giác an toàn, một là cô muốn có công việc để có thể tự mình kiếm ra tiền, hai là muốn biết rõ ràng tình hình tài chính trong nhà là như thế nào.
Còn chuyện Nghiêm Lỗi và cô có phát triển tình cảm với nhau được hay không thì chỉ là thứ yếu. Kiều Vi đã chứng kiến cuộc hôn nhân cả đời của cha mẹ mình, thế nên cô không hề có cái loại ảo tưởng màu hồng với hôn nhân như các cô gái trẻ khác.
Sau khi cất tiền và tem phiếu đi, Kiều Vi mới dọn dẹp nhà cửa một hồi, lau chùi quét tước.
Đã lâu rồi cô không quét tước dọn dẹp gì cả. Khi nằm trong phòng bệnh ở bệnh viện, không gian thuộc về cô chỉ là một chiếc giường và một cái tủ ở đầu giường. Cũng có vài người khác — bạn chung phòng bệnh hoặc là người nhà của họ, còn không vui khi cô kéo rèm quây giường lại, bởi vì bọn họ cảm thấy như vậy sẽ ảnh hưởng đến chuyện thông gió của phòng bệnh.
Bây giờ đây đã là nhà cô rồi, cô phải yêu quý nó mới được.
Sau khi quét dọn xong phòng ngủ của mình, thư phòng và phòng khách, cô mới đi vào phòng ngủ của Nghiêm Tương, phát hiện ra phòng của Nghiêm Tương thế mà lại ngăn nắp đến không ngờ.
Ngày mùa hè, trên giường đất được trải chiếu trúc, cái chính là chiếc chăn phủ giường hơi mỏng kìa. Chiếc chăn phủ kia đã gấp lại gọn gàng, tuy các góc chăn không được căn chỉnh quá chỉnh tề, nhưng đó là do Nghiêm Tương còn bé nên khó thao tacsm cô có thể nhìn ra được rằng thằng bé đã cố gắng hết sức.
Kiều Vi đi ra khỏi phòng, nhìn thấy Nghiêm Tương vẫn còn đang chơi ở chỗ râm mát trên mặt đất. Đứa nhỏ này thật an tĩnh, an tĩnh đến nỗi cứ như thể nó không tồn tại vậy.
Nghe thấy bước chân, Nghiêm Tương ngẩng đầu lên, mỉm cười với mẹ mình.
Nụ cười của cậu bé thật trong sáng.
Kiều Vi ngồi xổm xuống: “Con tự mình gấp chăn à?”
“Vâng!”
Kiều Vi sờ đầu của cậu bé: “Tương Tương làm tốt lắm.”
Cô lại nhớ ra, mới hỏi: “Buổi sáng ai mặc quần áo cho con vậy? Ba con hả?”
Cô dậy rất muộn, khi tỉnh dậy thì Nghiêm Tương cũng đã đang chơi một mình, quần áo đã mặc chỉnh tề. Kiều Vi nghĩ hẳn là do Nghiêm Lỗi đã mặc cho cậu bé nhỉ?
Nghiêm Tương lại ngẩng khuôn mặt nhỏ lên nói: “Tự con mặc.”
Rất kiêu ngạo.
Kiều Vi không biết một đứa trẻ ở độ tuổi này sẽ phát triển đến mức nào. Hình như là trẻ em đều sẽ bắt đầu học cách tự cài cúc rồi tự mặc quần áo khi vào mẫu giáo nhỉ? Cô đã từng xem những đoạn video rất dễ thương về mấy đứa trẻ mẫu giáo thi nhau cài cúc áo rồi.
Trong ấn tượng của cô, hình như trong quân khu có nhà giữ trẻ thì phải, nhưng những gia đình mà người vợ không đi làm như nhà họ Nghiêm, nhà họ Triệu thì đều không gửi con cái đến nhà trẻ, mà sẽ tự mình ở nhà trông con.
Các thành phố lớn có rất nhiều nhà máy, thường sẽ có rất nhiều gia đình mà vợ chồng đều là công nhân viên. Nhưng ở những địa phương nhỏ mà kinh tế không phát triển thì lại khác, cũng không ra đồng kiếm công điểm như những phụ nữ ở nông thôn mà ngược lại, có rất nhiều người vợ chỉ ở nhà làm nội trợ.
Gia đình quân nhân có vợ tùy quân đều là gia đình của các cán bộ quân đội, thu nhập của người chồng cũng rất khá, thế nên cũng sẽ không để ý nhiều đến việc vợ có kiếm được tiền lương hay không.
Cho nên khi Kiều Vi không đi làm ở nhà làm ở nhà nội trợ thì Nghiêm Lỗi cũng không cảm thấy có gì không ổn.
Trong sân có quần áo bẩn chưa giặt, Kiều Vi lại xoa xoa đầu Nghiêm Tương, khen ngợi cậu bé hai câu rồi đứng dậy đi giặt quần áo.
Hiện tại ở cái nhà này, Nghiêm Lỗi phụ trách kiếm tiền, thế nên Kiều Vi phải đảm đương việc nhà, cứ thế mà làm thôi.
Kiều Vi tìm được một cái chậu và một cái ván giặt đồ, cầm một chiếc ghế gấp ra ngồi ở bên cạnh cái bơm tay cạnh giếng để giặt quần áo. Giặt xong một chậu quần áo này, cánh tay và eo cô cũng rã rời luôn rồi.
Trước kia, cô chỉ thấy kiểu giặt quần áo bằng tay này ở trên phim truyền hình thôi, mà trên phim truyền hình người ta cũng diễn đến là nhẹ nhàng, nào biết lại tiêu tốn nhiều sức lực như thế cơ chứ.
Quần áo cũng miễn cưỡng xem như là giặt xong rồi, vắt thì cô vắt không nổi rồi đó. Dù sao thì sân nhà cô cũng là nền đất, thế là trực tiếp đem phơi luôn đám quần áo đang còn nhỏ nước tong tỏng này luôn.
Sau đó. Kiều Vi cứ thế trở về phòng mà nằm bò ra trên giường.
Nghiêm Tương đi vào trong phòng xem cô: “Mẹ ơi, mẹ làm sao vậy?”
“Phế đi rồi.” Kiều Vi hết hơn hết sức mà nói.
Nghiêm Tương: “?”
Kiều Vi thở dài: “Giặt quần áo mệt đến mức cánh tay không cử động nổi.”
“Vì sao mẹ không đợi cho ba về giặt?” Cậu bé chớp chớp đôi mắt to, lông mi phất phơ phất phơ.
“Hả?” Kiều Vi lập tức ngỏng cổ lên.