Nghiêm Lỗi hỏi: “Vậy rốt cuộc cô có muốn ly hôn hay không?”
Kiều Vi liếc nhìn anh, cảm thấy anh dường như rất chấp nhất với đáp án cuối cùng mà cô nói ra. Cô như lờ mờ nhận ra điều gì đó rồi: “Tôi không muốn ly hôn.”
Cô nhìn vào mắt anh rồi nói với anh: "Anh là một người đàn ông ưu tú, tôi muốn tiếp tục sống với anh."
Đó hẳn là lòng tự trọng của một người đàn ông nhỉ, Kiều Vi nghĩ. Bởi vì trong bức thư đó, nguyên chủ nói rằng khi sống chung với Nghiêm Lỗi, cô ấy cảm thấy không vui, không hạnh phúc, cô ấy muốn chấm dứt loại đau khổ này.
Cách kết thúc chính là tìm một người đàn ông khác.
Lòng tự trọng và sự tự tin của Nghiêm Lỗi chắc chắn đã chịu đả kích nặng nề lắm.
Vì thế, cô không dời mắt đi mà nhìn thẳng vào mắt Nghiêm Lỗi, thể hiện cho anh thấy sự chân thành của mình.
Khi cô nói anh là người đàn ông ưu tú, cũng không phải là đang nịnh bợ anh. Bởi vì cô đã đọc cuốn sách này rồi, với tư cách là nam chính, anh quả thực rất ưu tú. Chỉ cần quan sát anh hôm nay, cô cũng đã có thể phát hiện ra những đức tính tốt đẹp nơi anh rồi.
Cho nên, lời khen của cô là vô cùng chân thành.
Không ngờ, Nghiêm Lỗi lại nhìn đi chỗ khác, có vẻ hơi mất tự nhiên.
Đừng nói là người ở thời đại này, ngay cả ở thời đại kia của Kiều Vi, vẫn có rất nhiều người không biết cách tiếp nhận lời khen ngợi hay bày tỏ tình cảm của người khác như thế nào. Đây là một vấn đề phổ biến của người dân trong nước.
Anh mất tự nhiên hai giây, sau đó mới đưa mắt về lại: “Vậy tức là không đi nữa đúng không?”
Kiều Vi gật đầu khẳng định: “Đúng vậy!”
Nghiêm Lỗi rút lấy lá thư từ biệt trong tay cô, xé thành từng mảnh rồi ném vào thùng rác cạnh cửa.
"Vậy từ nay về sau cố sống cho tốt. Cô không cần lo lắng chuyện kinh tế trong nhà, tôi cũng không có yêu cầu gì khác với cô cả." Anh nói: "Chỉ cần cô quán xuyến nhà cửa, chăm sóc Tương Tương cho tốt là được."
Khi anh nói câu “Cô không cần lo lắng chuyện kinh tế trong nhà”, dường như là đã tìm về được tự tôn và sự tự tin của mình vậy.
Nhưng đúng là vậy thật, đãi ngộ của cán bộ trong quân đội tốt hơn công nhân rất nhiều. Quả thật là cho tới nay, kinh tế trong nhà đều phụ thuộc hết vào anh, và anh cũng thực sự đã cho vợ và con mình một cuộc sống vật chất sung túc trong cái thời đại này.
Là một người đàn ông truyền thống, anh quả thực có vốn liếng để mà tự hào.
Chỉ là điều mà anh mong muốn có khác gì với việc thuê một bảo mẫu đâu?
Nhưng anh cũng đã ổn định về mặt cảm xúc rồi, dường như anh không còn bất cứ kỳ vọng gì về tình cảm trong cuộc hôn nhân này nữa rồi.
Kiều Vi nhớ rằng trong cuốn tiểu thuyết này, Nghiêm Lỗi và nữ chính kết hôn trước rồi mới yêu đương sau. Thật ra, truyện được viết dưới góc nhìn của nữ chính, cũng không hề mô tả gì đến nội tâm của Nghiêm Lỗi cả.
Mà ngay cả dưới góc nhìn của nữ chính, miêu tả về Nghiêm Lỗi vẫn luôn là “khuôn mặt nghiêm nghị”, “vẻ mặt lạnh lùng” và “đôi mắt lãnh đạm”.
Một người mà lúc nào cũng lạnh lùng và lãnh đạm như vậy, có ý nghĩa gì chứ?
"Nếu hai chúng ta muốn tiếp tục chung sống với nhau thì tôi cảm thấy cả hai chúng ta đều phải thay đổi, nếu không thì cuộc hôn nhân này sẽ vẫn tiếp tục nảy sinh vấn đề thôi." Vì là vấn đề trong hôn nhân nên Kiều Vi cũng không trốn tráng mà thẳng thắn nói ra những lời trong lòng.
Nghiêm Lỗi nhướng mi nhìn cô: “Cô muốn thế nào?”
"Tôi muốn có công việc." Kiều Vi nói.
Theo tin tức mà cô biết thì quả thực tiền lương và phúc lợi của Nghiêm Lỗi rất tốt. Nếu xét tương quan thời đại này với đời sau mà nói, anh có thể đặt ngang với lớp quản lý cấp cao rồi, ví vụ như cấp P8 của công ty Ali chẳng hạn. Nhưng vậy thì sao nào, Kiều Vi vẫn chưa quen với việc ngả tay về phía người khác mà xin tiền.
Chủ yếu là cô không có cảm giác an toàn, không có một chút nào hết.
Mặc dù thời đại này, việc ly hôn rất khó khăn, Nghiêm Lỗi thoạt nhìn cũng không có vẻ gì là muốn ly hôn cả. Thế nhưng cơ sở kinh tế quyết định kiến trúc thượng tầng đó.
Nếu bị áp chế về mặt kinh tế, bản thân cũng tự nhiên mà đứng ở chiếu dưới luôn rồi.
Kiều Vi cũng không định làm nên một phen sự nghiệp to lớn gì, nhưng ít nhất cô cũng phải đảm bảo rằng mình sẽ không bởi vì khía cạnh kinh tế mà bị buộc phải khuất phục những vấn đề quan trọng.
Thật ra thì hồi trước cô cũng chưa bao giờ xin tiền cha mình lần nào cả, cô bán nhà và số tiền đó cũng đã đủ để chi trả tất cả chi phí chữa bệnh cho đến khi cô qua đời rồi. Nhưng đối phương hiển nhiên không hiểu rõ những chuyện này, sự thờ ơ lạnh nhạt của ông ấy với cô ít nhiều cũng có liên quan đến vấn đề tiền bạc.
Người ta có cũng không bằng tự mình có. Ở thời đại này, nếu bản thân tự kiếm được ra tiền thì có thể đứng thẳng lưng hơn nhiều.