Cà Phê Cùng Tony

Chương 14: Tầm Của Toni

Đọc báo thấy mọi người hay nói tâm và tầm. Tâm thì hẻm biết là cái chi nên tạm thời Tony bàn về tầm. Tầm là gì thì cũng hẻm biết, nhưng Tony cũng hay bon chen ý kiến là người này thiếu tầm, trề môi nói tầm ông A cao hơn tầm ông B. Search trên google chữ “tầm” sẽ thấy một nửa trang nói về tầm nhìn và một nửa trang nói về cá tầm nhập lậu. Về tầm nhìn, do một phần là giáo dục thuộc lòng xưanay nên ở ta, hiếm ai tầm nhìn xa trên 10km, mà toàn là 2km trong sương mù, nên cái gì cũng mờ mờ ảo ảo. Với quan niệm tới đâu hay tới đó, nước tới chân thì nhảy, không nhảy kịp thì ướt quần nên tầm nhìn được đào tạo chỉ có vậy. Nhiều sinh viên chỉ biết ngày mai thi môn gì vào... tối hôm trước, do lúc đó mới lấy bài ra hạc. Thi xong hôm sau đánh chết cũng không nhớ hôm trước thi môn gì, giáo viên dạy mình là ai. Rồi cũng thành cử nhân thạc sĩ tiến sĩ, đứng vào đội ngũ trí thức. Nhưng như mình nè, trí thức gì không đọc nổi một quyển sách, thấy chữ nhiều là nhức đầu, ceng thẻng. Vì thiếu tầm nên mới có chuyện, con đường làm ra xong, khánh thành xong, sau đó mới nhớ là quên lắp cống thoát nước. Bèn lật lên để làm. Xong trải nhựa lại, vài tháng sau mới nhớ ối trời, quên đi ngầm cáp viễn thông rồi tụi mày ơi, lại lật lên để lắp. Tưởng được yên thân, vài tháng sau thì lại quên đi ngầm dây điện và lại lật lên để ngầm hóa mạng nhện... và cứ thế cứ thế... con đường nào cũng sóng sánh, lầy lội, bùn sình; con đường nào cũng có thể để đạo diễn Châu Thổ quay “Những nẻo đường phù sa”.

Giống các bác nông dân bữa giá tiêu lên trồng tiêu, bữa giá điều lên trồng điều, hết chặt tiêu lại trồng điều và ngược lại, các bạn trẻ của chúng ta hầu hết không có khái niệm định hướng nghề nghiệp. Thấy nghề nào hot là đăng ký học, năm nay đổ xô học kinh tế, năm sau đổ xô học bưu chính viễn thông, năm sau đổ xô học tiếng Nga, sau đó đổ xô học Pháp, rồi du khách Nhật qua đông thì đổ xô học tiếng Nhật. Đổ xô là động từ phổ biến cho tình trạng hiếu học ở ta. Nên kết quả là học văn chương ra làm xuất khẩu, học cơ khí tốt nghiệp làm ca sĩ, học múa thì ra làm giám đốc, học sư phạm ra bán bánh mì, học IT hay kiến trúc thì giờ thất nghiệp, học Harvard giờ về bán phân... Trừ các thầy cô giáo thế hệ cũ, các giáo viên bây giờ nói chung càng trẻ, càng ngây ngô về trí tuệ, vì 20 năm nay, hiếm hoi những bạn giỏi nhất cấp 3 thi vào sư phạm, hiếm hoi các bạn giỏi nhất đại học ở lại trường làm giảng viên. Bạn Tony là thợ giảng một trường kinh tế cho biết, một cái slide giảng hoài bao nhiêu năm, vì sáng dạy, chiều dạy, tối dạy... thời gian để ăn còn không có, nên giờ vẫn cứ ra rả dân số nước ta là 80 triệu người, tỷ giá trong môn tài chính vẫn là một đô ăn 12,000 đồng, hay có giảng viên môn điện tử vẫn thao thao định nghĩa “điện thoại là một thiết bị thu nhận tin hiệu âm thanh, chỉ dùng để nghe nói” trong khi học trò ngồi dưới đứa nào cũng 3G vèo vèo, đứa lo chát, đứa lo phây búc, đứa lo chơi game, ổng nói gì nói kệ ổng, toàn mấy cái cũ mèm, bấm google một phát ra ngay. Thế là ngây ngô dạy ngơ ngác, và tốt nghiệp xong thì tranh nhau đoạt giải trong game show “ai ngáo ngơ hơn”.

Và mình cũng vậy. Nên không dám trách đa đa, không dám chê ai không có tầm hay tầm ngắn tầm trung. Dù đã là một thạc sũy và chuẩn bị làm tiến sũy, tầm nhìn xa nhất của mình vẫn là mấy tiếng đồng hồ sau. Vẫn băn khoăn không biết trưa nay ăn gì, bún bò hay bún riêu, cơm bà Cả hay cơm ông Cả... Từ 8h vào công sở là suy nghĩ cho thực đơn buổi trưa, và sau 1h30 là băn khoăn về thực đơn buổi chiều. Làm chỉ để qua ngày đoạn tháng, không bị đuổi là được. Căng thẳng nhất là hôm nay hẻm biết lấy cái gì của cơ quan, bữa thì ăn cắp thời gian đi cafe, bữa thì ăn giấy (in tài liệu cá nhân đem về nhà đọc), bữa thì ăn điện thoại (lấy điện thoại cơ quan nấu cháo di động với bạn bè, tiền chùa mà). Hào hứng suốt ngày search trên mạng xem ca sĩ A đã sửa mũi chưa, diễn viên B khóa môi với thầy tu C được mấy phút? Rồi bộ phim nào mới ra, cửa hàng thời trang nào mới mở. Đầu óc căng thẳng và đầy lo toan... cho thí sinh X có thể bị loại khỏi chương trình giọng hát Việt tối nay trên tivi.

Tối nào cũng vậy, nếu không dán mắt vào tivi và lăm lăm cái di động để nhắn tin bình chọn chuyện hát hò thì sẽ đi lượn xe máy đi trà chanh chém gió, ngồi vỉa hè uống ly nước 10 ngàn và vung tay chém gió phần phật về tương lai đất nước. Hoặc vừa xem tivi vừa mở laptop, vừa ôm Iphone lên facebook. Sẽ nhảy vào còm men mắng ông D không có tầm nhìn, chửi bà E vì phát ngôn ngớ ngẩn, dè bỉu ông F nói sai về kinh tế vĩ mô, đăng status toàn chuyện lớn với những câu như tao chắc là Mỹ không quánh I rắc, tao chắc luôn là giá vàng tuần sau sẽ lên 2%, tao chắc luôn sẽ là aabb... cái có đứa nhảy vô tao chắc luôn sẽ là ccdd... nhưng ý kiến ngược lại thì sẽ dẫn đến tranh luận. Và tranh luận chưa đã thì hẹn đi cà phê offline để cãi tiếp, nói qua nói lại rồi điên tiết nhào tới quánh nhau mẻ đầu xói trán, mặt mũi đỏ gay đỏ gắt nói... mẹ... nó nói thế bố ai chịu được. Các đề tài tranh luận thường dẫn đến đánh nhau là “tao ăn thịt chó sao mày không ăn”, “bảo tồn giá trị văn minh lũy tre làng cho trí thức trong thời hội nhập” hay “nước Việt Nam ta - lớn hay nhỏ”.

***

P/S: Đến cái tiêu đề này, chữ Toni cũng phải là i ngắn chứ hẻm có nổi cái y dài. Tầm nhìn ngắn nên cái chi cũng ngắn.

Í, mà có cái cũng không đến nỗi...

Ngày 09/08/2013

TINH TƯỚNG

Cách đây 7-8 năm, có một bác tinh tướng vào Sài Gòn công tác. Trước đó, Tony ra Hà Nội gặp bác ấy và với trình độ “Nịnh” đạt mức thượng thừa, Tony làm bác ấy ngây ngây dại dại vì sướиɠ. Nịnh là phải để người khác sướиɠ, nhưng phải đầy kỹ thuật để không bị phô... Thế là khi bác ấy chuẩn bị vào SÀI GÒN, có ĐT kêu Tony “mày cho tài xế đánh con xe ra đón anh ở phi trường, nhớ đi sớm nhé vì anh đi hạng thương gia, không hành lý gì đâu, ra trước mọi người hết. Nhớ đúng giờ, anh nhắc lại này, hạng thương gia đấy nhé...”. Tony” vâng hạng thương gia thì em chỉ có ước mơ cả đời cũng không dám bước lên khoang ấy, nhất bác. Em tự hào về bác”. Bác ấy trong lòng hoan hỉ, liên tiếp cười rú lên từng hồi, vang rền cả sóng điện thoại...

Lúc đón được bác ấy thì sự cố xảy ra. Cậu tài xế gọi điện bảo là ổng đuổi em về anh à. Ổng bảo xe Kia ổng không đi đâu. (Hồi đó công ty có chiếc Kia Caren). Tony bảo thôi em về đi. Bác ấy gọi Tony mắng sa sả: “Mày nghĩ sao mà đón anh với con Kia ấy”, rồi cúp máy. Nghe đồn bác gọi điện ngay cho thằng X, thằng Y, thằng Z... để đánh con Mẹc hay con Cam rì ra đón. Toàn là các doanh nghiệp bán hàng cho bác ấy nên bác lúc nào cũng tự hào là “gọi phát ra ngay”. Nhưng bữa đó xui, thằng X tắt máy ngoài vùng phủ sóng, thằng Y xe đang đi miền Tây, thằng Z chắc đang tắm gội gì đó máy reng hoài mà không bắt. Đâu 30 phút sau, bác ấy gọi lại Tony “thôi mày cho xe qua đón đi, Kia cũng được”. Tony ghét nên nói ngay, “em rất tiếc bác ơi, tưởng bác không đi nên em cho đi bảo trì xe rồi, hai tiếng nữa mới xong, giờ sao bác nhỉ? Em phải làm sao?” Bác ấy giận dữ: “Trăng sao gì, giờ tao phải đi taxi về khách sạn thôi, chứ ngồi đây hai tiếng có mà chết à”.

Hôm sau mình đi cafe với bác ấy. Gặp được một chủ doanh nghiệp khác cùng ngành, cũng vừa vào SÀI GÒN công tác, sẵn tiện nên cafe luôn. Anh chủ doanh nghiệp này nhìn mình đầy vẻ khinh khỉnh, vì mình còn nhỏ quá, ăn mặc tầm thường chỉ có gương mặt thì tương đối thanh tú. “Chào anh, anh ở Hà Nội ở khu nào nhỉ?” - Tony đon đả làm quen. “Biệt thự Hồ Tây,” anh đáp. Câu đầu tiên anh ấy hỏi lại mình là: “Thế chú mày nhà cửa ở đâu, có ở Phú Mỹ Hưng không? Sài Gòn mà không Phú Mỹ Hưng thì vứt”. Mình nghĩ đến cái chung cư bé nhỏ của mình, nên mếu máo hỏi lại theo anh, em nên vứt đi đâu? Anh ấy phì cười? “Ối thằng này trả lời buồn cười vãi nhưng cũng là đứa khá”. Chuyện trò một chút thì anh ấy hỏi mình “Thế chú mày có biết chơi gôn không, trong này thấy chả ai biết chơi gôn cả, chán thế không biết.” Mình chỉnh ngay vì mình vốn khá ngoại ngữ: “Ý anh nói golf hả? Góp-phờ, anh phát âm theo em, góp-phờ, không phải gôn, phờ đọc nhẹ thôi, thế, thế...”. Anh ấy, chắc ngoại ngữ là thế yếu nên tinh tướng cũng giảm đi ít nhiều, xìu xuống, ngoan ngoãn phát âm theo như một cậu học trò. Thấy đối phương choáng nhẹ, Tony bồi thêm: “Cái đấy lâu rồi em không chơi nữa anh à, bây giờ mấy đứa cháu của em nó chơi, anh muốn chơi thì em bảo nó qua đón anh đi”. Anh ta mặt tái lại, nhưng cũng vớt vát: “Thế bây giờ đằng ấy... chơi... chơi... gì?” “À, bây giờ chúng em chơi Boomerang, phát âm theo em, búm-mơ-răng”. Anh tinh tướng phát âm theo, búm mơ dăng, môi răng rung bần bật vì sợ sai. Tony nạt nộ: “Phát âm phải cho đúng, răng không phải zăng”. “Thế cái đó thế nào, anh chơi được không?” Anh ấy hỏi, nước mắt lưng tròng. Tony bảo: “Được anh, nhà anh nếu có ít nhất 200 mét ngang thì chơi được, ném cái này đi, phải có không gian để ném. Em ở chung cư nên rộng, ném suốt ngày. Mốt quý tộc trên thế giới bây giờ đấy”

“200 mét cơ à…” Anh ta lẩm bẩm, “Biệt thự Hồ Tây của mình thì to vật vã, nhưng 200 mét ngang thì không tới”. Tony kết luận: “Vậy khỏi nghĩ đến uổng công anh à, anh chỉ chơi được ‘góp-phờ’ thôi”. Anh ấy vừa nhấp ly cafe, vừa lẩm bập tập phát âm: góp phờ, búm mơ zăng... Giờ thì mình mới có dịp nhìn kỹ. Giữa một quán cafe máy lạnh, một anh trung niên ăn mặc bảnh bao, với hàm răng vẩu (hô) nhẹ, xỉn màu tê-ra-xi-lin, giữa các kẽ răng có chút ít màu đen thuốc lào, khe khẽ tập phát âm tiếng Anh... đôi vai nấc rung lên rung xuống theo nhịp 2/4 do vừa khóc xong, ai cũng thấy dễ thương và đáng yêu đến lạ.

Ngày 14/08/2013

... Lĩnh

Khoảng hơn chục năm trước, Tony có đi làm cho một xí nghiệp giày XK. Bên Hàn Quốc cung cấp một loại keo dán đế, có chứa dung môi dễ bắt lửa, nên căn dặn công nhân tuyệt đối không được hút thuốc trong nhà xưởng. Nhưng vừa quay đi thì có cậu công nhân móc ra làm điếu vì thèm, thấy quản lý tới thì vội ném xuống sàn rồi lấy chân giẫm lên. Có lần vừa ném xuống, trúng vào lọ keo bị đổ, thế là cháybùng lên. Mời lên phòng kỷ luật thì gật gật gù gù dạ em hiểu, em hứa, em thề..., nhưng hôm sau vẫn chứng nào tật đấy. Tony phải đề xuất cho nghỉ việc vì chẳng mấy chốc mà nướng hết mấy trăm công nhân và biến xí nghiệp thành lò quay. Lúc đó có quánh có đập nó thì sự cũng đã rồi.

Giao thông ở ta là nơi bẻo dèn (biểu diễn) cái liều nhiều nhất. Xa lộ, cao tốc và thình lình những người băng qua đường, trèo lên dải phân cách dưới làn xe vun vυ't. Cầu vượt bộ hành chỉ dành cho vài cặp tình nhân leo lên đó để ngắm xe, cãi vả nhau để lao xuống tự tử cho dễ (giống phin Hàn). Hay những bạn thơ ngây đi ngược chiều hay đường cấm, vừa đạp xe vừa hát, vừa đạp xe vừa gặm bánh mì, nó tông một phát thì “câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng”... Những chiếc xe máy chạy cắt ngang đầu xe hơi cái rẹt, chỉ một phút lơ là của tài xế xe hơi là có thể leo lên nóc tủ suốt ngày ăn chuối xanh, ngắm gà khỏa thân, nhưng chỉ có người nước ngoài là thấy sợ, người Việt thấy bình thường với cảnh đó. Không ai hiểu sao có một quốc gia mà giao thông rối rắm phức tạp, nhiều loại phương tiện từ thô sơ đến siêu sang tranh nhau từng mét đường, còi bóp inh ỏi, la hét gầm gừ, ném vào nhau những ngôn từ xấu xí nhất của tiếng Việt và ánh mắt giận dữ khi va quẹt...? Nếu đυ.ng nhau, người đi xe đạp sẽ mắng người đi xe máy, người đi xe máy sẽ mắng người đi xe hơi. Cứ xe to hơn là có lỗi trước mắt và thường nhường nhịn thì là bỏ qua, nhưng nếu sừng cồ lại thì sẽ dẫn đến tranh chấp quyết liệt, thậm chí nói có mã tấu trong cốp xe tao nha mậy.

Có cái tự liều, như việc đi ngắm bão chụp hình, đứng càng sát chụp càng đẹp rồi bị sóng cuốn xuống biển, Long Vương hỏi vì sao con chết thì nói ủa ông không check status trên facebook hôm nay à? Hay nghe nổ cái đùng thì thay vì nằm xuống hay chạy đi, lại nhao nhao chen lấn nhau coi, sau đó nếu có nổ thêm một cái nữa thì chết sạch trơn. Chết trong ngơ ngác. Nhưng cũng có cái do người khác liều mà gây hại. Những sợi dây điện bùi nhùi dọc ngang trên phố, có thể sau một trận “chiều mưa giông tới” là rơi xuống đường, nếu không đứt thì cũng tòn teng móc cổ người chạy xe máy, còn nếu đứt thì rơi xuống vũng nước ở đường phố, nơi nước thoát không kịp và nước cũng là chất dẫn điện tốt. Nhưng phải có sự cố thì mạng nhện ấy mới được tháo bỏ, còn dọn dẹp gọn gàng trước để hạn chế tai nạn thì không làm vì nghĩ không ra. Những bếp ga mini rỉ sét loang lổ vẫn được sử dụng bơm ga tới bơm ga lui cả trăm cả ngàn lần, bật lửa tanh tách trên các bàn nhậu và xung quanh là hàng chục khuôn mặt đang hau háu ngắm nhìn cái lẩu. Sự cố xảy ra một cái héng, thì lên bệnh viện cho bác sĩ gắp lưỡi heo ra khỏi lưỡi người. Những câu như “đưa tao ăn cho, chết chóc gì” thường thấy khi phải đổ bỏ thức ăn bị ôi thiu, khoai tây lên mầm, bánh kẹo nhuộm màu công nghiệp... vì tiếc, ngộ độc rồi thì mới vừa khóc vừa ói nói dạ để em rút kinh nghiệm. Nhiều người Trung Quốc khi Tony đề cập đến thực phẩm có quá nhiều hóa chất của nước họ, họ trả lời tỉnh bơ “thì cũng sống là bao, 80 tuổi là cùng chứ gì...” như một cách bao biện rất phổ biến.

Chúng ta hay đổ tai nạn giao thông là do đường sá chật chội xuống cấp, nhưng đó chỉ là một phần. Ở Trung Quốc, hệ thống đường sá cực tốt, ở một số thành phố duyên hải thậm chí nhất nhì thế giới, nhưng tai nạn giao thông vẫn xảy ra nhiều, vì cái sự liều của người dân. Ở ngoại ô Tp.Thanh Đảo, có lần anh Lý đang lái xe hơi chạy trên đường thì phát hiện anh Chu đi xe máy ở chiều ngược lại, thế là anh Lý vội thắng (phanh) xe cái két, chắc chỉ để chào hỏi nỉ hạo ma cho vui. Mấy chiếc xe đang chạy phía sau xử lý không kịp, thế là tông đít xe anh Lý cái rầm. Đợi miết không thấy anh Lý xuống xe vung tay chửi bới như mọi khi, tới mở cửa thì mới thấy anh Lý đã chết trên vô lăng. Hóa ra anh Lý vừa lái xe một tay, còn một tay kia... móc cứt mũi - một thói quen rất đáng yêu ở châu Á - thì bị tông từ phía sau nên hai ngón tay (đang nằm trong mũi, bị lực quán tính) đâm thẳng vào sóng mũi lên tận mắt, ngộp thở, chết.

Và báo chí thống kê, trên khắp Trung Quốc, một năm có khoảng 600,000 công nhân chết vì làm việc quá sức và vì các lỗi ngáo ngơ, bất cẩn, liều mạng.

Ở đời, liều thì sẽ lĩnh.