Nhiều vùng của nước ta nổi tiếng vì gái đẹp. Ở miền Nam, hai vùng được nhiều người cho là nhiều gái đẹp nhất là vùng Gò Công của xứ Tiền Giang và Nha Mân của xứ Đồng Tháp. Nếu như vùng Gò Công góp hai nhan sắc cho triều Nguyễn là bà Từ Dũ mẹ của vua Tự Đức (Dũ chứ không phải Vũ đâu nha Tí, mày cứ tưởng tao quánh chính tả sai là bắt lỗi) và bà Phương Nam hoàng hậu, vợ vua Bảo Đại. Nha Mân thì không có những tấm nhan sắc leo lên bậc mẫu nghi thiên hạ như vậy, nhưng gái đẹp thì vượt trội hơn về số lượng. Tương truyền, ngày xưa vua Gia Long Nguyễn Ánh chạy loạn vì bị quân Tây Sơn rượt đuổi, có bỏ lại mấy trăm bà ở Nha Mân, rồi Gia Long ra Phú Quốc, sang Xiêm. Mấy trăm cung tần mỹ nữ, đủ mọi vùng miền cả nước, suốt ngày ngồi đan áo chờ chúa công trở về. Nhưng mấy năm trôi qua vẫn cứ ngồi ngóng miết, mỏi mòn không thấy bóng chúa về, thôi thì bèn tổ chức lấy chồng cho xong, rồi còn kịp đẻ con đẻ cái chứ vượt quá 33 tuổi thì khó khăn trong việc làm giấy khai sinh cho các cháu. Dù mấy ông chồng chỉ là trai quê miệt vườn, chỉ biết cặm cụi mần ăn trong guộng trong gẫy nhưng do gen của mẹ đẹp nên con đứa nào đứa nấy nhìn sáng bừng, đặc biệt là con gái. Nên trở nên nổi tiếng,” nem Cao Lãnh, gái Nha Mân”. Các nhà giàu khắp miền Tây, từ miệt Cà Mau Năm Căn đến tận miền núi Tri Tôn, thậm chí là nhà giàu bên Cambuchia... năm nào cũng đi Nha Mân, tìm con dâu cho con trai của mình, gọi là đi dọ dâu. Thấy nhà nào đẻ con gái là cả mấy đám nhào vô đặt cọc, không có gửi tiền mà gửi lúa, gọi là lúa dâu, tức gửi lúa cho nàng dâu vừa đang bú sữa mẹ, ăn chóng lớn rồi về nhà chồng. Nên nhà nào quất lần chục cô con gái thì cứ tha hồ sướиɠ, ông cha ngồi nhậu xỉn từ mờ sáng, bà mẹ thoải mái quánh tứ sắc và đi nhiều chiện với hàng xóm, khỏi mần ăn chi cho mất công.
Gái Nha Mân lớn lên nhan sắc mặn mòi, lại dễ thương lễ phép lúc nào cũng dạ thưa, nghe mát ruột mát gan dù bà mẹ chồng khó tính đến đâu đi nữa. Cũng không có lý luận hay ý kiến ý cò gì, nhà chồng mà nói nặng thì chỉ khóc và ra sau nhà, ngồi bệt xuống đất, bứt cỏ nhìn xa xăm, nước mắt ngắn dài... rồi vô nói chồng ơi, lúc buồn vầy em nhớ quê em lắm, em nhớ tía em, nhớ má em..., nhưng em đã đi lấy chồng là theo chồng, đắng cay sao em cũng chịu. Vừa nói vừa gục đầu, vừa mím môi đến bật máu, tóc mây mấy cọng lòa xòa xuống gương mặt trắng hồng, vai rung lên mấy cái, nhìn thấy thương. Cái thôi, nhà chồng cũng không nỡ nào chửi nữa. Thời phong kiến hay Pháp thuộc, 14-15 tuổi là gái Nha Mân đã tạm biệt quê để đi lấy chồng, có cô đang nhảy dây hay chơi ô quan với bạn ở gốc dừa thì đứa em ra kêu chị Hai ơi vô đi lấy chồng kìa, xong cái cô đứng lên, phủi đít, nói với đám bạn thôi tụi mầy ở lại vui nghen, tao vô nhà thay đồ đi lấy chồng đây.
ủa cái này sao giống đoạn anh Tổng nhức đầu thay đồ đi Mỹ vậy ta. Thôi bữa nào viết tiếp giờ có độ đi quánh bida và nhậu rồi, bye.
Ngày 17/07/2013
Thương lắm, nẩu!
Phú Yên là vùng đất mà mình thích nhất ở Nam Trung Bộ. Chiều chiều nắng sắp tắt, ngồi trên mấy phiến đá sát biển ở Gành Đá Dĩa, với những viên đá được mài mòn và xếp hàng bởi bàn tay của tạo hóa, rất giống Causeway ở quận Antrim, Bắc Ai len, di sản thế giới nổi tiếng dân châu Âu ai cũng muốn một lần tới thăm. Nếu ai không có dịp đi Causeway thì đi Gành Đá Dĩa cũng được. Phú Yên đẹp. Vẻ đẹp ngỡ ngàng của núi và biển, đặc biệt là núi Thạch Bi, hay còn gọi là núi Đá Bia vì trên đỉnh núi có một tảng đá nhìn giống như bia đá. Có người bảo đó là cột mốc ranh giới Đại Việt và Chăm Pa sau khi Lê Thánh Tôn đích thân cầm quân đánh Chiêm Thành. Có người khẳng định đó chính là cột đồng Giao Chỉ với lời nguyền Mã Viện năm xưa, nhưng cũng có người cho là không phải vì thời đó khu vực này vẫn thuộc nước khác không phải Giao Chỉ. Người Chăm gọi đây là núi Cùi Bắp, vì nhìn lên trông giống cùi bắp... Nói chung là nhiều truyền thuyết, nhiều câu chuyện xung quanh ngọn núi nổi tiếng này, nhưng ai ở Phú Yên mà chẳng biết câu ca dao “Chiều chiều mây phủ Đá Bia, Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng” hay là một lời trách thân, trách phận nghe thiệt dễ thương trong bài dân ca cùng tên.
Phú Yên còn đẹp, đẹp vì có núi Nhạn với bài hát tha thiết của Anh Bằng, “Anh còn nợ em, chim về núi Nhạn, trời mờ hơi sương”... Phú Yên còn đẹp với dòng sông Ba, hay còn gọi là Đà Rằng, bồi đắp một châu thổ phù sa màu mỡ, là vùng trồng lúa lớn nhất trong các tỉnh Nam Trung Bộ, và là thị trường bán phân chủ yếu của anh Tổng ở khu vực miền Trung. Phú Yên đẹp và đồ ăn thì ngon, ngon đến mức khiến mình khóc hai lần. Anh Tổng vốn dễ thương, thấy đồ ăn ngon là khóc. Một lần ăn cơm gà trong một hẻm nhỏ ở thị xã Tuy Hòa, hồi đó còn là thị xã, chưa lên thành phố. Cơm gạo địa phương nấu với nước luộc gà. Miếng thịt gà vàng ươm, cơm dẻo, ngọt ăn kèm hành chua ngâm, ăn cành hông vẫn muốn ăn tiếp, vì no quá ăn không được nữa nên tức, khóc. Lần thứ hai là người bạn đãi món bò hay trâu gì đó phơi một nắng, ăn mới muối ớt có giã con kiến gì trên núi, con kiến này giống con kiến vàng bò trên mấy cây xoài, nhưng cái bụng nó có chứa một loại tinh dầu cay, thơm, khi giã với muối rồi chấm miếng bò một nắng này ăn, thì thôi... không nói nữa, sợ ướt bàn phím.
Người Nam Trung Bộ, từ Bình Định trở vô với Phan Thiết, có kiểu phát âm nghe là lạ mà dễ thương vô cùng. Nghe riết ghiền luôn. Âm a nghe hơi giống âm e, âm ao thì hơi giống âm eo, còn âm an thì giống âm en kiểu Nam Bộ. Dân vùng quê thì phát âm nặng hơn dân phố. Nhưng ai cũng ăn nói thiệt thà chất phác. Sáng nào Tony cũng dậy thiệt sớm, thấy các bà các mẹ, da đen thui, quảy gánh bún cá đi tới chỗ dọn hàng cũng ngay trên lề đường, thường lựa một bóng râm nào đó ngồi cho đỡ nắng, hàm răng cười trắng bóng, hỏi bún cé hông em thì Tony quất luôn ba tô. Và ăn xong cứ ngồi nhìn các bà hoài, thấy thích, thấy thương. Hay mấy anh xe ôm mà ngoài đó gọi là xe thồ cũng vậy, dễ thương và nhiệt tình đến độ lỡ ai dừng xe lại hỏi đường, không biết đường cũng ú ớ chỉ cho bằng được. Nên nếu hỏi trúng ai mà lao ra đường, đứng vung tay chỉ trỏ có vẻ chắc chắn ghê lắm thì đi theo, còn thấy ai mà ú ớ suy nghĩ một lúc rồi chỉ, thì nên hỏi thêm một anh xe thồ nữa nha, có khi anh mới này sẽ chỉ đi ngược lại... Hồi ra quảy chơi, mới sáng sớm, bạn Tony tới khách sạn mình đang ở rủ đi cà phê sáng, cô tiếp tân gọi lên: “Anh ơi, anh có bẹn tới tìm nè. Ảnh nói rủ anh đi uống trè đẹo”. Mình nghe một phút thì hiểu là trà đạo, liền xỏ quần dài lao xuống cầu thang rồi vun vυ't đi trè đẹo với đám bẹn dở thương không chịu nẩu.
Nước mình nó dài mà ốm nhách, từ vùng này qua vùng khác, thời xa xưa núi sông nó cách nó ngăn nên giao thông trắc trở, các vùng ít giao lưu với nhau, dân trong vùng tự nói với nhau rồi phát âm nó chệch đi ít nhiều, thành thổ ngữ hay phương ngữ. Nhưng nghe dân vùng nào nói thấy cũng đáng yêu. Nắm nguyên tắc phát âm một lúc là nghe hiểu hết, càng nghe càng thấy thú vị, càng thấy càng thương người mình. À trở lại vụ ở Phú Yên, Tony có chị bạn người Hà Nội, vào Phú Yên mở rì sọt (resort), ngày khai trương thôi tưng bừng khách khứa. Chị ấy muốn biết ơn các anh công nhân địa phương đã vất vả trong cả hai năm trời trên công trường xây dựng, nên bữa khánh thành mới mời một anh lên phát biểu. Anh này phát biểu xong, cả rì sọt lăn ra cười, còn mấy quan khách ở Hà Nội vào hay Sài Gòn ra thì tái mặt. Biết ảnh nói sao hông, chúc chị và công ty mình, khai trương rì sọt, làm ăn tấn tài tấn lộc, mã đéo thành công!
Trầu quâu chắc chết!
Ngày 22/07/2013
Con nuôi
Anh Tổng biên tập Tony Tèo là một người háo danh. Bằng chứng là khi không đi lập cái page Tony Buổi Sáng (TBS) này, viết nhăng viết cụi, viết nhảm viết nhí, ai khen thì vui, ai chê thì không hài lòng, giận. Tuy nhiên, chỉ dừng lại ở mức độ tự giận, tự bứt cây bứt lá cho đỡ tức chứ không có đi search trên google rồi cãi chày cối lại cho bằng được, hay mỉa mai ai khác quan điểm với mình. Hồi nhỏ còn ngây dại sân si thì anh Tổng cũng vậy, nhưng giờ cao tuổi rồi, sân si người ta nói chết...
Còn thêm cái bệnh tham phú phụ bần. Thấy ai giàu có hay quyền lực là bu vô chơi. Tụi nó đuổi cũng mon men ra xa một hồi thì bu lại. Chơi cho bằng được. Còn mấy đứa nghèo hay hạc dở là gạt ra, quánh đập không thương tiếc. Và cầu tiến kiểu cơm gạo. Ví dụ hạc chủ yếu là ở trường A, sau đó hạc thêm ở trường B mà nghĩ là trường B ngon hơn, thì sẽ ghi trên facebook hay sơ yếu lý lịch là em tốt nghiệp trường B, dù trường B mình chỉ tham gia một khóa học lấy cái đíp lôm ma (diploma) hay chỉ là cái xơ tí phi kệt (certificate). Mà cũng không biết phiên âm này đúng không nữa, bà cô dạy Anh văn lớp 7 đọc là xơ tí phi két, lên lớp 10 ông thầy nói sai bắt đọc là xơ tí phi cay, lên đại hạc bà cô người Huế kêu là sờ tí phi kệt, cổ nói mấy đứa yên tâm đi, phạt âm theo cô là đυ.ng. Cô tốt nghiệp Cô le đờ Đông Ba, trường Tây hẳn hoi, chắc đúng...
Xã hội giờ nó vậy, xếp loại người như xếp loại tôm đông lạnh xuất khẩu. Nói thằng này đại hạc hơn đứa này cao đẳng. Đứa này cao đẳng hơn đứa kia chỉ mới xong lớp 12. Ngay cả đại hạc với nhau cũng chia tốp trên tốp dưới, tốt nghiệp trường tốp trên này chắc chắn là có trí tuệ hơn đứa hạc trường tốp dưới kia. Nhưng thang đo xếp loại này là gì, chủ yếu do dăm bài toán lý hóa sinh nhảm nhí nó xếp loại trong hai ngày thi cử. Hạc hành là cả quá trình chứ sao kiểm tra có hai bữa mà biết nó giỏi hay dở? Lỡ bữa thi đó nó bị bệnh thì sao, cơ thể đầu óc sẽ không minh mẫn nên không làm bài được, bị trượt, tự nhiên bị quánh xuống tôm loại 2, không xuất khẩu được là sao? Hay bữa đó nó không hiểu, không làm được mấy bài toán đố đó nhưng sau này nó tự hạc, nó vẫn hiểu biết và làm được nhiều việc, vẫn thành đạt như thường.
Chúng ta nhiều lúc nhìn ngó chuyện trình độ hạc vấn quá mức. Thật ra trình độ hạc vấn nó không liên quan gì đến trình độ văn hóa và ngược lại. Trong khi, con người đối xử với nhau đâu phải là phản ứng trung hòa mà phải là nhân chính. Cái chỉ số thông minh IQ không là gì so với cái EQ, tức chỉ số cảm xúc, vì con người với con người sống, làm việc với nhau không phải cứ rõ ràng hai cộng hai bằng 4, càng không phải made in Japan thì tốt hơn Made in China, cứ không phải tốt nghiệp trường B thì là đứa tử tế...
Ngoài ghi cho được trình độ hạc vấn để tăng danh, anh Tổng cũng ham quan hệ ghê lắm. Suốt ngày cũng khăn gói đi tìm cha nuôi, mẹ nuôi. Mốt bây giờ nó thế. Người nổi tiếng phải có ai đó nuôi chứ tự mình lớn lên không được. Phải lên báo bữa chụp với cha nuôi tỷ phú X trên thảm đỏ, bữa thì ăn trưa với mẹ nuôi triệu phú Y, bữa thì đi mua sắm với anh nuôi, em nuôi, chị nuôi, thím nuôi, mợ nuôi, cậu nuôi, bác nuôi, ông nuôi, bà nuôi... Trừ anh nuôi thì vào doanh trại bộ đội tìm là có, các nuôi khác phải săn lùng. Vất vả lắm. Với lợi thế các sinh ngữ lưu loát của mình, Tony đã thực hiện thành công chiến dịch săn nuôi mấy năm nay, hiện đã sưu tầm được một ba nuôi người Hàn Quốc, một chị nuôi người Hồng Công, một em nuôi người Pháp. Hiện còn thiếu một mẹ nuôi. Mà phải nổi tiếng, triệu phú hay gì gì đó chứ không thể mẹ nuôi là bà Natapong nào đó xắn quần ngồi xắt chuối nấu cám heo ở Cambodia được dù bà ấy có dễ thương và yêu thương mình đến đâu đi nữa.
Mấy bữa rày không viết bài. Bận. Biết đi đâu hem? Đi tham dự triển lãm du thuyền ở Dubai. Tiền đâu mua, chủ yếu đi tìm mẹ nuôi. Chu cha cái hội chợ nó lớn. Tây Tàu gì cũng toàn giàu có, ăn vận sang trọng, nước hoa đắt tiền sực nức. Lọt thỏm trong đó có anh Tổng, dáng vẻ liêu xiêu, trên tay cầm hộp card. Gặp bà Tây nào cũng nhào tới how are you rồi khen đẹp, khen trẻ, cười nói huyên thuyên. Thấy bà nào châu Á nào thì cũng lao tới gập đầu cung kính nỉ hào ma rồi lập tức xua hán dụy. Nhưng hai ngày rồi mà vẫn không đề cập được với bất cứ bà nào chuyện you want to become my foster mother or not (dịch: bà muốn làm mẹ nuôi của tôi không), vì bà nào cũng nói hai câu với mình là đứng dậy bỏ đi. Hẻm biết sao...
Sáng nay từ hotel, anh Tổng lại y phục lộng lẫy lao ra hội chợ tiếp tục tìm mẹ nuôi. Vừa gặp một bà Pháp đang ngồi cà phê, vừa đến, mình chưa kịp bonjour thì bà đứng lên nói ngay là có phải mày muốn tìm mẹ nuôi không. Mình mừng rỡ gật đầu, ủa sao bà biết hay vậy. Bà nói nhìn cái mặt hớt hơ hớt hải là biết, sáng giờ mày là đứa châu Á thứ 4 tới ép tao thành mẹ nuôi nè. Bà nói bà từng rất giàu có nhưng giờ phá sản rồi, nợ nần chồng chất, bà đến đây để ký bán cái du thuyền bị ngân hàng tịch biên và cũng có ý tìm... con nuôi.
Thôi chạy chạy. Tiền đâu nuôi bả.
Ngày 01/08/2013
Lời thề Hypocrates
Hôm trước, một đệ tử đến tạm biệt anh Tony và tạm biệt Sài Gòn, về Đắc Nông để làm việc. Cậu ấy vừa tốt nghiệp đại học y khoa Tp.HCM, và về quê chứ không bám trụ Sài Gòn như các bạn trong lớp. Nó nói em thi vào y khoa, thật ra là không đủ điểm nếu không được ưu tiên miền núi, nên em phải về anh à, chính cái chữ “miền núi” đó đã giúp em có một cơ hội vào giảng đường. Rồi sau vài năm nữa, nếu muốn học tiếp thì có thể em lên lại Sài gòn, thì cũng không muộn anh há. Mình nói ừa, thanh niên còn trẻ, cứ trải nghiệm, ở trên đó, em còn có thể trực tiếp chẩn đoán mổ xẻ, chẳng mấy chốc mà kinh nghiệm làm việc còn hơn các bạn ở đây, khi ra trường chuyên môn chỉ dừng lại ở việc pha trà rót nước cho các cây đa cây đề. Sống trên đời biết ơn nghĩa như em là đáng quý, lòng biết ơn là cái giúp con người khác các động vật khác, em hãy kiêu hãnh để ngẩng đầu với chính em. Chia tay, mình tặng nó cuốn sách You Can Win mà mình rất ưa thích, và dặn dò, dù gì đi nữa, phàm đã chọn nghề y cao quý, thì đừng quên lời thề Hypocrates nghen em.
Sinh viên y khoa khi tốt nghiệp, đều phải tuyên thệ, còn gọi là lời thề Hypocrates, ông tổ của ngành y phương Tây. Coi như lời hứa danh dự của nghề. Mà tiếng Việt mình cũng hay, có hai nghề mà người ta gọi là bác, là bác sĩ và bác tài... đơn giản vì giống nhau ở chỗ, đều nắm sinh mạng của người khác trong tay. Nên khi hành nghề phải tuyên thệ, vì một phút chốc nào đó, chất con nổi dậy lấn át chất người, sẽ vì mình hay vì tiền mà đánh đổi mạng sống của người khác.
Nói đến nghề y mới nhớ, hồi còn ở quê, ở đầu thị trấn có một bác sĩ, tên An. Lúc đó còn học tiểu học, có lần sáng ngủ dậy, mình bị sốt cao rồi ói. Bà dì chạy ra vườn hái lá chùm ruột giã rồi đắp trên trán cho mát, nhưng một hồi sau thì tình hình cũng không khả quan hơn, sốt còn cao hơn nữa, mặt mũi xanh lè. Má mình phải nghỉ dạy, lật đật đạp xe đèo con chạy ra thị trấn, ghé nhà bác sĩ An nhờ khám. Xuống xe, mình đi loạng choạng vào sân nhà ổng và có ói một ít vào bồn hoa, thật ra cũng chỉ toàn nước thôi chứ có ăn uống gì. Ổng đi ra, đứng trên thềm cao, mặt mũi khó chịu nói sao chị lại để cháu ói vào bồn hoa, hai mẹ con đi đâu có việc gì. Má có la mình, nói sao con lại ói vào đó, rồi đứng khép nép nhìn lên, ánh mắt van lơn, nói bác sĩ ơi giúp giùm con chị, nó bịnh đột ngột quá. Mà bữa nay nhà chị không có tiền, chị chưa tới kỳ lãnh lương nên khi nào lãnh chị sẽ mang ra liền. Thấy ổng chần chừ nên má mình cũng tỏ ra khá lanh lợi khi đề cập là có quen cô Hay, cô Thạnh, cô X, cô Y... tức các cô giáo cùng dạy trong trường Ninh Quang nhưng ở thị trấn gần nhà ổng, để ổng yên tâm là không bị xù. Nhưng ổng nhìn nhìn hai mẹ con, nhìn chiếc xe đạp mini cà tàng rồi phán, thôi chị đi chở cháu đi chỗ khác đi, tui đang bận. Mình vẫn ngồi dưới đất và ói. Má mình năn nỉ nói bác sĩ coi cháu giùm một chút có sao không, làm ơn làm phước giùm chị, chị mang ơn suốt đời. Ổng nhìn cái bồn hoa và tức giận bỏ vào nhà, đóng cửa lại. Má đứng khóc như mưa trước nhà làm mình khóc theo, con nít mà, thấy mẹ khóc là hay khóc theo. Rồi sau đó hai mẹ con ra bệnh viện huyện, ở bên kia cầu Dinh, có ông y sĩ gì đó lấy viên thuốc màu vàng đắng nghét cho mình uống hạ sốt, nằm nghỉ một lúc thì về. Mình nhỏ xíu, đội cái mũ vải rộng thùng thình của chị Hai, ngồi phía sau xe đạp như con cóc, vịn chặt cái yên xe vì sợ té. Lúc đạp xe đi về ngang qua nhà ông, mình có ngoái nhìn vào. Coi cái chỗ lúc nãy ói đã có ai dọn chưa, thấy sợ hãi vì cái tội ói vào bồn hoa nhà bác sĩ...
Đối diện với nhà bác sĩ An là nhà thầy Thực, dạy Anh văn cho mình năm lớp 6. Thầy dạy rất vui nhộn nên học trò theo đông. Giờ thầy đã về hưu nên cùng với các thầy cô khác đứng ra thành lập quỹ học bổng khuyến học, cũng được đông đảo những người ở địa phương hay gốc Ninh Hòa đang sinh sống ở phương xa ủng hộ. Các thầy các cô lặn lội chạy xe đi khắp nơi từ trên xã miền núi đến xã miền biển để tìm đối tượng cần trao. Anh Dương Tấn Nhựt, làm việc ở viện sinh học Đà Lạt, một người anh rất thân với mình, nói em về quê đi Tony à, ngày 2/9 năm nào cũng có lễ phát học bổng, và bao giờ cũng trong nước mắt, vì có những hoàn cảnh mà mình ngồi tưởng tượng cũng không hiểu tại sao có những con người cơ cực đến như vậy. Chỉ dừng lại ở quy mô rất nhỏ, không ồn ào nhưng quỹ của các thầy là một mảng màu đẹp mỗi khi nhớ về Ninh Hòa, nơi người ta biết chia sẻ động viên nhau, nơi tình người vẫn còn chan chứa lắm...
Và trên khắp đất nước hình chữ S này, không khó để bắt gặp hình ảnh những người mẹ gầy gò, quần đen và chiếc áo sơ mi đã sờn, đội nón lá, gồng mình đạp xe chở những cậu bé, cô bé nhỏ xíu như cái kẹo ngồi đằng sau ba-ga để đến trường với một niềm tin tươi sáng, rằng thế hệ người Việt tiếp theo sẽ không khổ cực như cha mẹ chúng.
Hồi xưa mà có cái quỹ học bổng này thì thể nào Tony cũng được vì đẹp trai và học giỏi...
(Tiếp tục ói, dù không bị bệnh...)