Tam Hỉ Lâm Môn

Chương 1

Tôi chào đời vào tháng sáu, năm Thái Sơ thứ tư.

Dì Ba bảo, lúc tôi ra đời, trong phủ có ba chuyện vui. Việc thứ nhất là cha tôi cuối cùng cũng được thuyên chuyển từ Khai Dương đến Biện Châu, tuy còn cách kinh thành rất xa, nhưng vẫn tốt hơn việc phải quanh quẩn ở nẻo thâm sơn cùng cốc biết bao nhiêu lần. Việc thứ hai là anh Cả tôi thi đậu, dẫu rằng không xếp đầu bảng nhưng vẫn rất đáng tự hào. Việc thứ ba là việc em Năm ra đời.

Em Năm của tôi do dì Tư sanh hạ, dì Ba từng bảo tôi thế này: “Chẳng biết mệnh nàng ta đen hay bạc, liều mạng sanh ra cục vàng cục bạc ấy thì ích lợi chi đâu, chả hưởng phúc được mấy đã phải toi đời rồi.”

Ban đầu dì còn cười cợt chế giễu, sau đó lại ôm lấy tôi than thở: “Nhưng rốt cuộc cũng làm lão gia được nở mày nở mặt, cô Năm đó nhất định được sống một đời vinh hoa phú quý, lão gia cũng sẽ vương vấn nàng ta suốt đời. Nếu nàng ta ở dưới suối vàng có hay, cũng được thỏa lòng thỏa dạ, chỉ thiệt thòi cho cậu Tư của dì thôi…”

Hai người dì vốn là chị em ruột, cùng được lão gia nạp vào phủ, cùng mang thai cách nhau chỉ mấy ngày. Tôi chào đời trước em Năm chưa đến nửa khắc, bà mụ ôm tôi ra ngoài, cười tủm tỉm báo tin: “Bẩm, đại nhân tốt phước quá, là một bé trai.” Trong lời nói không hề đề cập đến hai từ “Tiết” và “Thao”, vậy chính là người thường mà đâu đâu cũng có. Nghe kể lại rằng, cha tôi vừa hay, chẳng buồn nhìn đến nữa, lập tức quay người bỏ đi.

Chưa đến nửa nén hương sau, chỗ dì Tư náo động, là Thao.

Cha tôi dĩ nhiên rất vui mừng, vội vã biên thư cho nhà họ Thẩm ở kinh thành. Tin mừng lan nhanh, ngay cả lão thái phu nhân cũng chấn động, vội vã phái người đến, còn mời vài vị trưởng bối giúp em Năm chọn cái tên “Ngọc Đàn”. Tên này lấy ý từ câu:

“Sơn song du ngọc nữ,

Giản hộ đối quỳnh phong.

Nham đỉnh tường song phượng,

Đàm tâm đảo Cửu Long.”

(Bài thơ “Du Cửu Long đàm” của Võ Tắc Thiên.)

Ý tứ quá rõ ràng, chính là mong mỏi em Năm được gả vào chốn cao sang rạng rỡ.

So lại thì, nơi tôi ở dĩ nhiên cô liêu quạnh quẽ hơn nhiều. Những người trước đây hầu hạ dì Ba đều bị sai đến chỗ em Năm. Nếu không vì lão thái phu nhân không muốn thuê người hầu thô vụng ở nông thôn, nên phái mười mấy người từ kinh thành đến hầu hạ em, thì chắc ngay đến sữa tôi cũng chưa được mớm cho.

.

Trước khi lên ba, tôi chưa biết cái gì gọi là Tiết, cái gì gọi là Thao, cho đến khi thầy giáo trong phủ giảng: “Trời là Tiết, đất là Thao. Tiết Thao hòa hợp như trời đất giao hòa.”

Người đời được chia làm ba loại.

Loại thứ nhất là phàm phu tục tử, loại thứ hai là Tiết, thể chất thuần Dương, đều là vương hầu tướng lĩnh, trời định bất phàm. Thao thì hòa hợp với Tiết, thể chất thuần Âm, bất kể là nam hay nữ đều có thể sinh con. So với Tiết thì Thao hiếm có hơn nhiều, quý không chỉ vì hiếm gặp, quan trọng là nếu hai người đó kết hợp thì con cái sẽ có nhiều khả năng là Tiết và Thao. Nếu gia tộc muốn hưng thịnh, dĩ nhiên việc Tiết Thao kết duyên là điều bắt buộc.

Trong kinh thành, ngoài bốn gia tộc Lý, Tần, Từ, Tạ, còn có bảy dòng họ Triệu, Tề, Vương, Lâm, Trương, Hạ, Thẩm. Cha tôi là con người thϊếp của quan Thẩm Tự khanh đứng đầu Thái thường tự, vì không phải Tiết Thao nên không được coi trọng trong một nơi hưng thịnh như nhà họ Thẩm. Thực tế thì chưa bàn đến họ Thẩm tại Khai Dương, dù họ Thẩm trong kinh thành suốt bốn thế hệ qua có khoảng ba trăm người, thì số Tiết Thao vẫn không đủ đếm trên đầu ngón tay. Giờ đây khi so sánh trong bảy dòng họ, họ Thẩm như bị lép vế. Em Năm ra đời không chỉ là hy vọng của cha tôi, còn là hy vọng của cả nhà họ Thẩm.

Quả thực, chỉ chưa đầy vài tháng sau, cha tôi đã được chuyển từ Khai Dương đến Biện Châu, chức quan thăng hai cấp, sau đó anh Cả tôi cũng đỗ đạt, có thể nói là tam hỉ lâm môn. Ngày thôi nôi em Năm, cả nhà ăn mừng. Ngày đó, dì Ba ôm tôi ra mắt lão gia và mẹ Cả, lúc này cha mới nhớ đến tôi, bèn đặt tên “Kính Đình”. Tên này cũng hay, dì Ba mừng lắm, bèn bảo với người ngoài tôi là cậu Tư, cũng gọi tôi là Tam Hỉ.

“Tên này hên lắm đấy, dì cũng mong cậu Tư gặp may mắn, sau này thăng tiến rỡ ràng, bõ công dì vì cậu mà chịu tủi hờn.”

Cha tôi xuất thân từ phủ lớn họ Thẩm, trong phủ lắm quy nhiều củ, chiếu theo gia quy, chỉ có mẹ Cả mới là mẹ tôi, có một dạo nọ tôi lỡ miệng gọi dì Ba là mẹ, thế là hại dì bị vυ' hầu bên mẹ Cả vả miệng. Vợ lẽ là hầu, vợ Cả là chủ, nhưng tôi biết mẹ Cả ấm ức trong bụng, vì dì Tư sanh em Năm được một thời gian thì từ trần, nên làm lòng thương tiếc của cha tôi với dì càng sâu đậm, lại có lời đồn đãi hoang đường, bảo dì Tư bị mẹ Cả hãm hại vì tranh giành vị thế trong nhà. Dì Tư ốm yếu lại hạ sanh được Thao, địa vị mẹ Cả ắt bị đe dọa, giờ người em đã qua đời, người chị còn lại đây, dĩ nhiên mẹ Cả không vừa mắt dì Ba rồi.