Trên đường phố nhộn nhịp, một con chó kêu ăng ẳng vùng chạy ra khỏi hàng thịt. Ông chủ béo tốt của hàng thịt miệng thì chửi, tay thì cầm gậy đuổi đánh phía sau. Cả người đi đường lẫn những hộ buôn bán trên con phố bỗng chốc đều nháo nhào bởi một con chó đang chạy trối chết.
Ở đầu kia của con phố, một người đàn ông trung niên mặt cười hiền hậu, tay dắt một “cậu bé”. Ông vuốt chòm râu ngắn dưới cằm rồi chỉ về phía con chó hoang đang bỏ chạy và cất tiếng hỏi: “Nhân Nhi, con biết đó là gì không?”
“Thưa cha, là con chó ạ!” “Cậu bé” tầm năm, sáu tuổi mặt mũi khôi ngô, ngoan ngoãn trả lời câu hỏi của cha mình.
“Sai rồi, thứ đó phải gọi là súc sinh. Nó trộm thịt của người ta, bây giờ bị đuổi đánh, đây là quả báo đáng phải nhận.” Người đàn ông cười càng thêm hiền từ, còn vỗ nhẹ đầu “cậu bé”, lại ôn tồn nói: “Ăn trộm là hành vi cực kỳ đáng xấu hổ, nhất là trẻ con lấy trộm đồ của cha mẹ thì lại càng đáng chết hơn, còn không bằng phường súc sinh, và sẽ phải nhận quả báo vô cùng khủng khϊếp.”
“Sẽ phải nhận quả báo vô cùng khủng khϊếp đấy…”
Lục Kiếm Nhân nhìn con chó đang tháo chạy khắp nơi đã bị ăn liên tiếp mấy gậy, thấy nó tru lên mấy tiếng thảm thiết rồi chui qua cái lỗ nhỏ ở góc tường chuồn ra ngoài, trông có vẻ rất đau đớn, lại nghe những lời cha mình vừa nói thì bỗng toát mồ hôi lạnh.
Sau đó, ông chủ hàng thịt thở phì phò trở về quầy, đường phố lại trở lại như cũ. “Cậu bé” nuốt nước bọt, nói: “Cha ơi, hôm qua con vào thư phòng cha chơi, kết quả là có một vật rơi vào trong túi của con, nhưng hôm nay con mới phát hiện ra. Khi về nhà, Nhân Nhi sẽ trả lại cho cha ngay.”
“Ừ, ngoan lắm.” Người cha gật đầu, lại vuốt râu, nói :“Cha còn đang nghĩ bảo sao lại không thấy cái chặn giấy bằng ngọc hình con ngựa đâu. Nó được làm từ ngọc bích quý giá, mất bao nhiêu tâm huyết mới có được đấy! Giờ tìm thấy là tốt rồi.”
“Con biết rồi, thưa cha.” “Cậu bé” lập tức đáp lại cha mình bằng nụ cười của một đứa con ngoan: “Nhân Nhi sẽ không làm súc sinh đâu ạ.”
Người cha liền gật đầu hài lòng.
“Nhưng cha ơi…” “Cậu bé” nhấp môi, ngập ngừng nói tiếp: “Cái chặn giấy bằng ngọc hình con ngựa có hơi… khác lúc ban đầu ạ.” Khi đó, Lục Kiếm Nhân chỉ cảm thấy cái chặn giấy ấy vừa to vừa chắc, có thể dùng để đập hạt dẻ.
“Hơi khác à! Ha ha ha.” Người đàn ông ngồi xổm xuống trước mặt con mình, ánh mắt toát ra sự “thân thiết” khác thường: “Nào, con nói thật cho cha biết, cái chặn giấy bằng ngọc hình con ngựa hiếm có khó tìm, tốn bao tâm huyết mới có được đó có gì khác so với ban đầu?”
“Cậu bé” rõ ràng là đã khϊếp vía trước “nụ cười” của ông, song vẫn cố gắng nói với giọng thật ngoan: “Dạ thưa cha, đại khái thì vẫn như cũ, chỉ có… cái đầu ngựa đã bị mất, và phần đế bị … khuyết, khuyết mất một góc ạ.” Đó là do “cậu” làm gãy lúc đập hạt dẻ.
Người cha hít sâu một hơi, sau đó lại nở nụ cười hiền từ, thân thiện đến mức khiến người ta rợn tóc gáy.
“Con ranh xỉ than này, suốt ngày mặc quần áo của con trai rồi đi quậy phá. Từ lúc biết chạy đã đi đánh nhau khắp từ đầu phố đến cuối phố.” Người cha búng nhẹ vào má phải của cô con gái nhà mình, khiến cô bé đau đến nhăn cả mặt.
“Hai năm nay lại càng ghê gớm hơn, nào là xưng hùng xưng bá cầm trịch đám trẻ con của ba con phố gần đây, còn không quên lấy đồ trong nhà ra khoe mẽ, thể hiện cái uy của thủ lĩnh cơ đấy.” Lục Văn Thu lại nhéo má trái của cô bé thêm cái nữa, khiến cô bé phải mếu máo xin tha.
“Trốn à, con mà còn trốn nữa, cha sẽ nhốt con vào thư phòng, thay cho cái chặn giấy bằng ngọc đấy.” Lục Văn Thu cảnh cáo Lục Kiếm Nhân đang rụt đầu rụt cổ, nghiêng mặt sang một bên, hòng tránh những cái nhéo của ông.
Nếu bị nhốt vào thư phòng thì sẽ không được ra ngoài chơi, trong khi cô bé đã hẹn chiến một trận với “trùm sò tào phớ” (thủ lĩnh của đám trẻ con những nhà bán tào phớ) của thành Nam vào ngày mai. Hai bên còn in dấu tay bằng mực đỏ, lập “cam kết chó”, ai không đến sẽ là con chó hèn. Mà, Lục Kiếm Nhân từ bé đã muốn làm một người đầy nghĩa khí, còn lâu mới làm con chó nhát gan thất tín. Cô bé bèn ngoan ngoãn giơ thẳng đầu, chấp nhận “những cái búng trừng phạt” của cha mình.
“Lục Văn Thu ta có đứa con gái như con, thật không biết là phúc hay là họa. Con nhãi xỉ than!” Cuối cùng, ông búng một cái vào mũi Lục Kiếm Nhân khiến cô bé chốc chốc lại ôm má, chốc chốc lại che mũi vì đau.
Từ nhỏ đến giờ, chỉ cần Lục Kiếm Nhân ra ngoài chơi thì rất hiếm khi về nhà trong tình trạng người ngợm sạch sẽ, mà lúc nào cũng lấm lem đất cát. Vì vậy, câu cửa miệng của Lục Văn Thu mỗi khi mắng con gái của mình luôn là “con nhóc xỉ than”.
***
Rằm tháng Bảy là ngày lễ lớn để cúng bái cầu siêu cho người đã khuất. Và, ngày này lại càng long trọng hơn đối với nhà họ Lục. Đồ cúng phải bày kín mấy chiếc bàn lớn, khóa lễ diễn ra ba ngày liên tục. Cả gia đình từ trên xuống dưới đều tham gia lễ tế để tưởng nhớ tổ tiên và thể hiện sự thành kính đối với các vị thánh thần.
“Nhân Nhi, con có biết đó là gì không?” Lục Văn Thu chỉ về phía món đồ cúng hoành tráng trên bàn thờ và hỏi Lục Kiếm Nhân.
“Thưa cha, là lợn ạ!” Một con lợn đực siêu to đã được làm thịt và nấu chín, miệng ngậm một quả quýt, xung quanh là các loại ngũ cốc tượng trưng cho mùa màng bội thu, chiếm hết hơn phân nửa cái bàn dài.
“Sai rồi, nó được gọi là đồ ăn hại.” Lục Văn Thu vuốt râu, mỉm cười tao nhã: “Chỉ biết ăn ngủ với chơi, không biết phép tắc, không biết đến thời gian. Cái ngữ cứ sống như vậy cho đến hết đời thì đều là đồ ăn hại. Làm người mà nếu ngay cả việc tưởng nhớ tổ tiên cũng không đúng giờ, luôn viện đủ cớ bao biện cho mình trước mặt cha mẹ, thì cũng chẳng khác gì đồ ăn hại. Tổ tiên không thích đồ ăn hại, cha cũng không thích. Ngữ ăn hại này phần lớn sẽ không có kết cục tốt đẹp đâu.”
Sẽ không có kết cục tốt đẹp!
Nghe xong, Lục Kiếm Nhân chớp mắt lia lịa cho đến khi bàn tay Lục Văn Thu vỗ lên đầu cô bé.
“Nhân Nhi sẽ không từ bỏ quyền làm người để làm đồ ăn hại đâu nhỉ!”
Ông nở nụ cười yêu thương, ngập tràn sự dịu dàng và ấm áp của bậc cha hiền, duy có ánh mắt sắc là toát lên vẻ cảnh cáo.
“Cha ơi, Nhân Nhi biết rồi ạ, lễ cúng ngày mai Nhân Nhi sẽ đến đúng giờ.”Lục Kiếm Nhân mỉm cười ngoan ngoãn với cha mình.
Mỗi lần cúng bái các cụ tổ tiên, cô bé thường hay ngủ quên. Rằm tháng Bảy năm ngoái được ba ngày thì cô bé đã dậy muộn mất hai ngày. Năm nay, mới ngày đầu tiên mà cô bé đã ngủ quên. Hai ngày còn lại, cha cô bé đã lên kế hoạch chỉnh đốn con gái nhà mình.
Lục Văn Thu gật đầu hài lòng: “Ừ, con người ấy mà, nếu không nghe lời dạy bảo thì cũng không cần phải làm người nữa.”
“Cha, Nhân Nhi thích làm người, con sẽ không làm đồ ăn hại đâu.”
Trước nụ cười đáng sợ của cha mình, Lục Kiếm Nhân cam đoan với ông bằng một nụ cười nhe răng, tỏ vẻ biết điều.
Ngày hôm sau.
Dưới ánh nắng chói chang, giữa tiếng tụng kinh gõ mõ điếc cả tai, Lục Kiếm Nhân cảm thấy đầu ong ong, cả người cứng ngắc đến độ không thể cử động, cái miệng cũng tê cứng, muốn kêu lên nhưng lại chẳng thể phát ra tiếng, cứ thế từ từ mở mắt ra.
“Ú… ớ…”
Cô bé phát hiện mình đang bị trói gô trên bàn thờ theo đúng kiểu của con lợn cúng, miệng ngậm quả quýt, với ngũ cốc rắc xung quanh. Lúc này, cô bé đã thay thế vị trí của con lợn quay dâng cúng tổ tiên trên bàn.
“Chậc, chậc, con không muốn làm người lại cứ thích làm đồ ăn hại cơ. Cha biết nói gì được bây giờ?” Lục Văn Thu đi tới trước mặt Lục Kiếm Nhân, vừa vê râu vừa lắc đầu cảm khái.
“Ông ơi, trời nóng thế này, ông làm như vậy thật quá đáng. Con bé Nhân Nhi chỉ ngủ say không dậy kịp lễ cúng buổi sáng, thì để buổi chiều tham gia là được mà.” Bà chủ gia đình nhà họ Lục là Mã Tiểu Vân xót con gái, vội cầm chiếc khăn lụa quạt cho Lục Kiếm Nhân.
“Nuông chiều sẽ chỉ tổ khiến đồ ăn hại ranh con trở thành đồ ăn hại lớn mà thôi. Huống hồ, bà trông, cứ trói gô nó như này thì có khác gì đâu?” Lục Văn Thu nhếch miệng cười mỉa: “Bị trói thành con lợn cúng mà nó vẫn còn ngủ chảy nước miếng được đến giữa trưa mới tỉnh lại, thì việc là người hay lợn đối với nó có khác gì nhau không? Chao ôi.”
Sáng sớm ngày ra đã bị khiêng ra trói gô lại, vậy mà Lục Kiếm Nhân vẫn ngủ say như chết, ngủ thẳng một mạch cho đến khóa lễ thứ hai mới tỉnh dậy.
“Nhưng nếu cứ để Nhân Nhi trên bàn thờ giữa lúc nắng to, nắng gắt thế này, con bé sẽ cảm nắng rồi ốm mất thôi.” Tấm lòng người mẹ của Mã Tiểu Vân khiến bà không thể đồng tình với việc này: “Con gái chúng ta là người chứ không phải là lợn quay.”
“Hừ! Lợn quay cúng xong còn có thể chặt ra mời hàng xóm láng giềng và thân thích, chứ con nhãi xỉ than kia thì có thể làm gì?” Lục Văn Thu lạnh lùng liếc xéo cô con gái vẫn đang ra sức kêu ú ớ, và cất tiếng gọi một cô con gái khác của nhà mình tới: “Nghiên Nhi.”
“Dạ thưa cha.” Một cô bé lớn hơn Lục Kiếm Nhân một chút liền đi tới.
“Thỉnh thoảng vẩy cho em gái con ít nước, đừng để nó ngoẻo là được.”
“Vâng, con biết rồi ạ.”
“Không thích làm người cho tử tế lại chỉ muốn làm lợn, đúng thật là con nhãi xỉ than ăn hại.”
Lục Văn Thu khịt mũi, lắc đầu với cô con gái trên bàn đồ cúng, đoạn chắp tay sau lưng rời đi.
“Ông ơi.”
Mã Tiểu Vân đành phải sai người làm đi lấy đá vụn trong hầm băng để hạ nhiệt cho con gái mình, sau đó đi chuẩn bị trà nước cho các sư thầy đến cúng.
“Tiểu Ngũ à! Xem tỉ tốt với muội chưa, tỉ không chỉ vẩy mà còn tưới rất nhiều nước cho muội đây này.”
Người con thứ tư của nhà họ Lục là Lục Hi Nghiên lấy một thùng nước rồi múc từng gáo tưới lên người em gái mình.
Lục Kiếm Nhân trừng mắt nhìn Lục Hi Nghiên, biết tỏng chị gái nhà mình đây là đang trả thù cô bé vì cái tội cướp mất của chuối tiêu của nàng ấy tối qua. Đây chỉ là lễ cúng tổ tiên mà thôi, có cần phải nghiêm trọng như vậy không? Lục Văn Thu ai đời lại bắt cô bé làm con lợn cúng. Hừ, lợn chết không biết ăn thì phải!
Lục Kiếm Nhân há to miệng, khoe sức mạnh của hàm răng, ngoạm một phát hơn nửa quả quýt, rồi cố nuốt cả vỏ lẫn thịt quả xuống bụng, trước sự kinh ngạc của Lục Hi Nghiên.
“Lợn người hiển linh rồi, đáng sợ quá! Mọi sự như ý, cát tường thuận lợi. Xui xẻo hãy biến đi.”
Thấy em gái mình đã ăn mất quả quýt tượng trưng cho điềm lành, Lục Hi Nghiên lập tức nhấc luôn thùng nước trong tay lên, trút ào ào xuống người Lục Kiếm Nhân, sau đó còn gõ chiếc gáo đang cầm trên tay vào đầu cô bé, lại chắp tay xin tổ tiên tha thứ.
Vì thế, Lục Kiếm Nhân nằm trên bàn đồ cúng đã ngất xỉu sau khi bị trúng một gáo vào đầu, cuối cùng cũng yên tĩnh làm “lợn người” cả một ngày, hoàn thành trọng trách cúng tế tổ tiên.
Kể từ năm đó, Lục Kiếm Nhân đã tạo nên mối duyên khó gỡ với những dịp cúng tế tổ tiên nhà mình.