Y đến hậu viện nơi Lư Duệ và Văn Trinh đang chơi, thấy Nhan mẫu thêu đôi uyên ương rất đẹp liền buột miệng: “Thím, người thêu mấy món đồ này để đem lên trấn trên bán à? "
Nhan mẫu giật mình, "Ừ."
Lư Hủ: "Dù sao mỗi ngày con đều đi lên huyện, hay là để con đem tới tiệm thêu trong huyện bán thử nhé? Có lẽ giá cả trong huyện cao hơn trong trấn."
Nguyên Mạn Nương sực nhớ lại, quả đúng như thế thật! "Thập Nương, ngươi đưa Hủ Nhi bán thử xem?"
Nhan mẫu không biết Lư Hủ bán ốc trong huyện như thế nào, sợ y phải mở gian hàng rồi lại tìm tiệm thêu thì rất phiền phức, về nhà sẽ muộn, liền hỏi: "Có làm phiền con không?"
Lư Hủ: "Có gì mà phiền chứ? Mỗi ngày con đều phải đi dọc theo phố vài lần, thêm mấy tấm thêu cũng không chiếm bao nhiêu chỗ."
Lúc này Nhan mẫu mới yên tâm, "Chỉ cần đừng dưới 80 văn thì cứ bán, ta còn giữ lại một vài tấm, để ta cho con xem."
Lư Hủ: "Được!"
Nguyên Mạn Nương cũng lấy một vài tấm thêu đưa cho Lư Hủ.
Tay nghề thêu thùa của cô không tốt bằng Nhan mẫu, vì vậy chỉ có thể sửa chữa một số mẫu hoa lá nho nhỏ. Bởi thế Nguyên Mạn Nương vừa mừng cho Nhan mẫu nhưng cũng có chút mủi lòng buồn bã.
Cũng đồng thời là bán đồ thêu trong thị trấn nhưng đồ thêu của Nhan mẫu có thể bán được 80 văn, còn đồ thêu của cô chỉ bán được 30 văn.
Tam nãi nãi nhà bên ra chợ bán bánh bao, nghe nói hai rổ không đủ nên giờ phải đẩy xe đi bán, hiện đang dọn dẹp nhà cửa định mở một cửa hàng bánh bao tại nhà.
Còn cô ngay cả hấp bánh bao cũng không nên thân, thế nên Lư Hủ phải bỏ tiền ra để mua ăn, nấu ăn cũng không ngon bằng Lư Hủ.
Càng nghĩ cô càng đau lòng. Đêm đến, Nguyên Mạn Nương ru con ngủ rồi lén lau nước mắt một mình.
Lư Hủ hoàn toàn không nhận ra Nguyên Mạn Nương có gì đó không ổn. Buổi sáng nhìn thấy tâm trạng cô không được tốt thì cứ nghĩ là dạo này cô đã quá mệt mỏi vì chăm sóc con cái và ruộng vườn, lại còn tranh thủ thời gian để khâu giày cho y. Mấy việc này không việc nào là dễ dàng cả.
Lư Hủ cho rằng mình và nguyên thân Lư Hủ không giống nhau. Có câu “Gia hòa vạn sự hưng” (*) thân là chủ gia đình, y nhất định phải quan tâm đến mỗi người trong nhà. Bởi thế trước khi ra cửa, y làm ra vẻ đạo mạo dặn dò Nguyên Mạn Nương, “Nếu không thoải mái thì nương cứ nghỉ ngơi cho khỏe, sức khỏe là quan trọng nhất.”
(*) Gia hòa vạn sự hưng được hiểu là gia đình có hòa thuận thì mọi hành động, việc làm, sự việc diễn ra sẽ đều thuận buồm xuôi gió và tất nhiên kết quả thu được tất yếu sẽ là sự thịnh vượng.
Nguyên Mạn Nương càng hoang mang, khϊếp sợ và buồn bã hơn —— con trai cả cho rằng cô là người vô dụng nhất trong nhà sao?
Lại thấy Nguyên Mạn Nương rơm rớm nước mắt, Lư Hủ âm thầm thở dài, mẹ kế thật đúng là dễ cảm động, dễ dỗ, chỉ có cái là rất thích khóc lóc sướt mướt...
Y cũng chẳng có cách nào.
Đi thôi.
Y lặng lẽ gọi Lư Chu lại dặn dò, "Ngươi lớn rồi, phải biết chăm sóc muội muội và đệ đệ, không thể để nương vất vả, biết không?"
Lư Chu trịnh trọng gật đầu.
Lư Hủ hài lòng nói: "Trở về mua đường cho ngươi ăn."
Lư Chu muốn lên tiếng lại do dự. Nhóc lớn rồi, nhóc không ăn đường đâu. Nhưng nghĩ đến đường mang về chủ yếu là toàn ca ca và Tịch Nguyệt ăn, Lư Chu lại nuốt xuống lời nói, "Ca ca nhớ trở về sớm."
Lư Hủ nghĩ thầm, còn phải xem vận may như thế nào nữa. Nghĩ nghĩ, y cũng không nhiều lời, vẫy tay với Lư Chu rồi đẩy chiếc xe nhỏ của mình, tiếp tục trèo đèo lội suối.
Phiên chợ sáng vẫn như thường lệ, doanh số tăng nhẹ đều đều. Đến buổi trưa, Lư Hủ đóng sạp hàng, dùng ốc đồng đổi một ít quả mơ bị dập còn sót lại của sạp hoa quả bên cạnh.
Y muốn đổi quả đào cơ, nhưng người ta lại không chịu.
Ở đây, đào đắt hơn mơ, thứ nhất là ngọt, thứ hai là đẹp và mang ý nghĩa tốt lành.
Mơ thì rẻ, quả chỉ be bé nhưng hạt lại rất to, nhìn khá chua, nhưng dù sao cũng là một loại trái cây.
Trên núi không còn quả dại nào. Hai ngày trước Hàn Lộ dẫn mấy cô em gái rảo khắp sườn núi tìm quả dại, nhưng đều không tìm được.
Lư Hủ nhìn đống quả mơ, chọn lựa thêm vài trái nữa.
Không ăn được thì có thể nấu mứt hoặc sấy khô, tranh thủ trước giờ ăn cơm thì nhón một ít nhấm nháp cũng được, tóm lại là không được lãng phí.
Như thường lệ, Lư Hủ đến trước cửa quán rượu bán ốc cả buổi trưa, sau đó để lại 30 phần cho chưởng quầy rồi đẩy xe đến phố tây.
Khách trong hiệu sách không nhiều, thường xuyên tới đều là khách quen, nhìn thấy Lư Hủ, chưởng quầy mở miệng trước, "Ta còn tưởng rằng ngươi không tới."
Lư Hủ đậu xe ở cửa, cầm bảy phông chữ của Nhan Quân Tề đưa cho chưởng quầy, "Sao lại không tới? Đệ đệ ta đã viết sẵn bảy chữ, ngươi xem một chút đi."
Chưởng quầy có chút kinh ngạc, liền cầm lấy xem qua một lượt, "Đều là đệ đệ ngươi viết?"
Lư Hủ: "Đúng vậy!"
Chưởng quầy gật đầu lia lịa, sau đó vuốt chòm râu nhìn kỹ, "Chữ viết không tệ, rất đoan chính."
Lư Hủ: "Chép sách là thích hợp nhất!"
Chưởng quầy chọn ba mẫu, suy nghĩ một chút rồi đặt xuống một mẫu, còn lại hai mẫu chữ viết thẳng thớm đoan chính nhất. Một mẫu nhìn như khắc, một mẫu nhìn qua biết ngay là viết tay, rất khó chọn.
Lư Hủ không vội nên bảo ông từ từ xem, còn y nhìn tên sách trên giá, muốn xem có trong danh sách của Nhan Quân Tề hay không.
Đang lật xem từng trang thì đứa trẻ y gặp lần trước lại xuất hiện.
Lần này không chỉ có cậu ta mà còn có mấy đứa nhỏ mặc y phục thư sinh giống nhau.
"Lại là ngươi! Đến mua sách cho đệ đệ ngươi à?" Đứa nhỏ biết Lư Hủ trước đó, vừa nhìn thấy Lư Hủ lập tức đi tới, nhìn y lật sách liền nói: "Quyển này chán lắm, mua quyển này này, có chú thích tốt hơn."
Lư Hủ nghe vậy mở cuốn sách có chú giải mà cậu ta giới thiệu, phát hiện trên đó viết rất nhiều chú thích. Chú thích khá khó hiểu nhưng y cũng có thể hiểu được một chút.
Lư Hủ lập tức hỏi tiểu nhị, "Quyển có chú thích thì bao nhiêu?"
Tiểu nhị nói: “Bốn lượng”.
Lư Hủ: "..."
Y lặng lẽ đặt nó xuống.
Tiểu nhị quá hiểu trường hợp này, thong thả nói thêm: “Vốn chỉ có hai lượng.”
Lư Hủ chửi thầm, hai lượng không đắt à?
Với giá thị trường hiện tại, hai lượng có thể mua được 40 cân gạo trắng, nhiều hơn cả một thạch.
(*) Thạch là đơn vị đo lường ngày xưa. 1 thạch = 4 quân, 1 quân = 30 cân, 1 cân = 16 lạng. 1 cân = 0.6 Kilogram Người ta thường nói "kẻ tám lạng, người nửa cân" là vì nửa cân chính là 8 lạng.
“Thạch chưởng quầy, ông đang nhìn cái gì vậy?” Mấy đứa trẻ lại đi tới trước mặt chưởng quầy.
Chưởng quầy cười đưa hai tờ giấy cho bọn họ, "Các vị thiếu gia, xem giúp ta, sao chép nên dùng loại chữ nào?"
Lư Hủ nghe vậy, nhấc chân nghiêng người tìm chỗ có thể nhìn thấy chữ, đứng đó vểnh tai lên chờ khen.