Trời vừa rạng sáng, mặt trời còn chưa ló dạng khỏi ngọn núi, Nguyên Mạn Nương đã gõ cửa đánh thức Lư Hủ.
Muốn đi huyện thì phải lên trấn trên bắt thuyền, nếu tranh thủ đi sớm, đến sớm thì có lẽ sẽ bán xong hết sớm để trở về nhà.
Lư Hủ đem tiền bán được lần trước chia ra thành mấy phần. Cho Tịch Nguyệt một văn, Lư Chu một văn, về phần y giữ lại 50 văn, 30 văn để trả tiền đi thuyền, còn 20 văn để dự phòng, phần còn lại thì đưa hết cho Nguyên Mạn Nương.
Ăn sáng xong xuôi Nguyên Mạn Nương tiễn Lư Hủ ra cửa, Lư Hủ đi ngang qua Nhan gia, đứng bên cửa sổ nhìn vào, quả nhiên Nhan Quân Tề đã dậy từ sớm đang học bài. Y gọi to một tiếng, "Quân Tề, ta đi đây, giúp ta chăm sóc đệ đệ, muội muội của ta."
Nhan Quân Tề đẩy cửa sổ ra, Lư Hủ vẫy tay với cậu, nắm lấy dây sọt rồi sải bước về phía bến tàu.
Cứ đối mặt đón ánh mặt trời, càng đi xa thì bầu trời sẽ càng sáng.
Từ Uống Mã trấn đến huyện thành phải đi hai lượt đi về, một lượt mất 15 văn. Huyện Quan Dương nằm phía thượng nguồn của Uống Mã trấn, do đó lượt đi ngược dòng nhà thuyền sẽ thu thêm 5 văn tiền cho một sọt hàng hóa, còn lượt về nếu mang hàng hóa cũng sẽ không thu tiền.
Trước đây Nguyên Mạn Nương cũng đã từng đến huyện để mua hàng Tết, nhưng lúc đi nàng chẳng phải trả một đồng nào, bởi thế quên béng chuyện phải đưa thêm tiền cho nhà thuyền. Lư Hủ giao xong 20 văn cảm thấy trong lòng nhói đau.
Y phải chừa lại 15 văn để trở về, vì vậy chỉ còn lại 15 văn.
Buổi sáng người đi huyện phần lớn đều là người bán, Lư Hủ nhìn thấy một ông lão gánh một sọt dâu tằm thì có chút thèm ăn. Thế nhưng hỏi ra thì dâu tằm khá mắc, một cân những 40 văn, gần bằng tiền mua thịt, muốn ăn cũng ăn không nổi.
Dưới đám dâu là đủ loại rau dại được xếp ngay ngắn, tất cả đều được bó gọn gàng, trông non tươi mọng nước hơn so với những loại mà đám người Nguyên Mạn Nương hái.
Để hái được một sọt rau dại như thế này cũng phải mất cả ngày trời.
Ngoài ra, còn có những người bán trứng, gà sống, vịt, thỏ, tất cả bọn chúng đều bị trói chân, trói cánh, nằm chen chúc nhau dưới khoang thuyền.
Thuyền đầy người thì trời cũng vừa sáng hoàn toàn. Con thuyền lắc lư chậm rãi lội ngược dòng, từ Uống Mã trấn đến huyện Quan Dương mất hơn một canh giờ.
Thuyền đi về phía tây ngang qua Lư gia thôn. Lư Hủ nhìn thấy Nguyên Mạn Nương dẫn theo Tịch Nguyệt đang giặt quần áo bên bờ sông. Tịch Nguyệt tinh mắt nhìn thấy Lư Hủ, gọi lớn.
Lư Hủ vẫy tay với bọn họ, "Ca ca trở lại mua kẹo cho các ngươi!"
Con thuyền rẽ vào một góc ở phía tây của Lư gia thôn, dần dần rời đi.
Lư Hủ ngồi quay lưng về phía mặt trời, khoanh tay đánh một giấc cho đỡ buồn ngủ. Xa xa về phía trước, hai bên bờ sông đều là núi non, cách huyện còn rất lâu.
Vừa đến huyện, xộc vào mũi Lư Hủ là mùi cá tanh nồng nặc.
Huyện Quan Dương chỉ có một bến tàu. Vận chuyển hàng hóa, chở người, bán cá, tất cả đều tập hợp ở đây. Quan phủ đã phân chia khu vực, bán cá ở một nơi, dỡ hàng ở một nơi, tàu chở khách thì ở giữa. Khi có ít tàu khách, hai bên sẽ chiếm lấn chiếm vào giữa, nhưng ngày thường sẽ có quan binh canh gác nên không có vẻ hỗn loạn là mấy.
Lư Hủ xuống thuyền nhìn xung quanh. Giá cá ở đây ngang với trong trấn, nhưng cá so với trong trấn thì lớn hơn nhiều, phần lớn đều còn sống, được bỏ trong thùng gỗ. Loại đã chết thì rẻ hơn từ 3 đến 5 văn tiền. Những người không dư dả muốn ăn cá rẻ sẽ ngồi đợi một lúc bên sạp cá để chờ cá chết. Người nào giàu thì ngược lại, không tươi không mua, nhất định phải chọn con còn sống tươi roi rói nhảy nhót tung tăng, một miếng vảy cũng không thể thiếu, sau đó bảo tiểu nhị bỏ vào thùng gửi về nhà.
Lư Hủ nhìn đến say mê.
Hàng hóa bên kia chủ yếu là ngũ cốc.
Phía bắc đang có chiến tranh, một nửa số lương thực thu hoạch từ đông chí nam trong huyện của họ đều phải đi qua Quan Dương. Do có bến tàu và kẻ đến người đi tấp nập nên người dân ở Quan Dương được xem là giàu có trong toàn bộ châu phủ.
Lư Hủ xếp hàng cùng những người bán rau tiến vào thành. Nếu không phải trọng tội bị triều đình truy nã thì thị vệ chỉ đơn giản kiểm tra một chút là có thể vào thành. Nói chung chỉ kiểm tra xem người vào thành có mang theo hung khí và dụng cụ cắt gọt hay không, đồng thời hỏi mục đích vào thành, nếu giọng không phải là người địa phương sẽ bị hỏi là đến từ đâu.
Đến lượt Lư Hủ, thị vệ tùy tiện vỗ vài cái khám xét y, như thường lệ hỏi: “Ngươi vào thành làm gì?” Vừa nói vừa vén miếng vải bố trùm trên sọt lên.
Lư Hủ dỡ sọt xuống, cầm hai túi ốc xào đưa cho hai thị vệ, "Ta vào thành để bán đồ ăn vặt nhà làm, quân gia, mời các ngài nếm thử."
Thanh niên thị vệ nhìn người lớn tuổi hơn, đợi người lớn tuổi gật đầu, hắn mới cầm lấy bỏ một con vào miệng, "Mùi vị cũng được, ăn ngon."
Người lớn hơn nói: "Ngươi bán nông sản, giao 1 văn rồi vào đi."
Lư Hủ cảm ơn, trả tiền rồi khiêng sọt vào thành.
Vào thành bán nông sản chỉ thu 1 văn tiền, nhưng nếu là thương gia thì phải căn cứ vào số lượng mà tính, ít nhất là 5 văn, tùy thuộc vào thị vệ nói như thế nào.