Giọt Thương

Chương 6.

Tên truyện: Giọt thươngTác giả: Kha Nguyên

Chương 6

Đám đông bật cười trước giọng hài hước và đáo để của Uyên.

Kết quả nằm ngoài dự tính khiến bà Dịu trở tay không kịp. Bà ta sốt ruột khi thấy bà chủ nhà lúng túng tay chân, không biết phản đòn lại Uyên. Bà ta huých mạnh vào người bà chủ nhà, nôn nóng thúc giục.

“Cô ta chỉ mạnh miệng dọa nạt thôi. Hợp đồng thuê nhà thì lấy đâu ra dấu đỏ chứ. Bà đừng có để cô ta dắt mũi.”

Uyên bình tĩnh đốp lại từng lời. “Hợp đồng là mỗi bên giữ một bản. Dấu đỏ và chữ ký có hiệu lực pháp luật hay không thì chúng ta ra công an là biết. Đúng là tôi bận rộn kiếm tiền nuôi con nhưng tôi vẫn dư sức sắp xếp được thời gian lên công an trình báo việc vi phạm hợp đồng thuê trọ.”

Hợp đồng vốn bất công cho khách thuê trọ. Hiếm có nơi bắt đóng tiền nhà nửa năm, lại còn tiền vi phạm hợp đồng nhiều gấp ba lần tiền thuê nhà. Nếu không phải nơi này nằm giữa trường mầm non của Tú Vi và quán bún chả của Uyên thì cô cũng không cắn răng thuê trọ đâu.

Mặt bà chủ nhà xanh như tàu lá chuối, hoảng loạn túm áo bà bạn già, nhỏ giọng đề xuất.

“Hay… bà bỏ ra mười hai triệu đền cho cô ta đi.”

Bà Dịu giật mạnh lại vạt áo, cáu kỉnh mắng.

“Bà nói đùa à? Nhà của bà, sao tôi phải bỏ tiền túi đền cho bà chứ?”

Sự tráo trở của bà Dịu làm bà chủ nhà choáng váng. Bà ta lắp bắp. “Nhưng nhưng… chủ ý đuổi cô ta ra khỏi nhà là của bà mà. Bà ghét con dâu nên muốn phá rối nó, không cho nó sống yên ổn… Tôi quý bà, coi bà là bạn nên mới…”

“Bà im đi! Tôi nói như vậy bao giờ hả?”

Con ngõ trước nơi thuê trọ chỉ là ngõ nhỏ, không có nhiều xe cộ chạy qua, không gian khá yên tĩnh. Vậy nên cuộc nói chuyện của hai người bạn già đều lọt vào tai người vây xem. Nhiều người che miệng bàn tán, xem thường quan hệ bạn bè của bà chủ nhà và bà Dịu.

Nụ cười nở trên môi Uyên làm lộ ra má lúm đồng tiền duyên dáng. Cô không hứng thú phí phạm thời gian với người dưng, cô chủ động lùi một bước. Cô nói.

“Tôi không muốn tiếp tục sống ở đây, không muốn phải nhìn thấy hai con người có nhân cách xấu xí. Tôi đồng ý chuyển đi sau khi tìm được phòng thuê.”

“Đến khi tìm được phòng thuê? Một tuần? Một tháng hay hai tháng? Ai biết cô ở lì đến bao giờ chứ.” Con số mười hai triệu vi phạm hợp đồng làm đầu óc bà chủ nhà hoảng loạn, lời nói ra chỉ khiến người nghe thêm chán ghét.

“Trong một tuần, dù chưa tìm được phòng trọ thì tôi cũng rời đi. Dĩ nhiên, bà phải hoàn trả tôi hai tháng tiền thuê nhà còn thừa. Tôi sẽ không bắt bà phải đền tiền vi phạm hợp đồng. Bà chủ cứ giữ lại mười hai triệu để sửa nhân cách đi. Hoặc bà tìm thầy cao tay cắt đứt sợi dây tình bạn rẻ mạt của hai người cũng là ý kiến hay đấy.”

Người vây xem cười ồ lên. Mặt hai người phụ nữ lớn tuổi trắng bệch vì nhục nhã.

Trước khi Uyên đi vào ngôi nhà năm tầng, cô bỏ lại những lời thấm thía.

“Bà chủ, tôi có câu này tặng bà. Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người tuy cạn ai đo vơi đầy. Bà chơi với dao, coi chừng có ngày đứt tay đấy.”

Rồi cô nhìn thẳng vào mắt bà Dịu.

“Còn bà. Tôi và con trai bà đang trong án kiện ly hôn. Bà vui lòng không đi rêu rao khắp nơi tôi là con dâu của bà. Bởi vì, chỉ vài ngày nữa, tôi với gia đình bà sẽ là người dưng. Bảy năm làm dâu nhà bà, những gì tôi nhận được từ bà là sự ghẻ lạnh, coi thường và sự chà đạp tàn nhẫn lên tình cảm chân thật của tôi. Vậy nên, bà không xứng để tôi giữ gìn mối quan hệ từng quen biết.”

Cánh cổng sắt của ngôi nhà năm tầng đóng sập khi Uyên dắt xe vào sân, cắt đứt tiếng nghiến răng hậm hực của bà Dịu. “Làm như báu lắm đấy!”

Hết chuyện quán ăn bị mất đi một nhân viên thạo việc, đến chuyện phòng trọ bị chủ nhà đòi, cuộc sống biến đổi liên tục, không cho Uyên được nghỉ ngơi, được an ổn giây phút nào.

Bởi vì sáng sớm cô phải đi chợ mua thịt tươi mới để tẩm ướp quạt chả từ bốn rưỡi sáng nên sau khi dọn hàng vào buổi chiều, cô sẽ tranh thủ chợp mắt một lúc trước giờ đón con tan học. Hiện tại giờ phút nghỉ ngơi bị Uyên tận dụng vào việc đi tìm phòng trọ.

Gia đình đơn thân một mẹ một con, yêu cầu phòng trọ không cần cao sang, rộng lớn. Điều đầu tiên là phòng thuê phải gần trường mầm non của Tú Vi hoặc gần quán bún chả. Điều thứ hai là an ninh trật tự phải bình yên, không có các tệ nạn xã hội.

Dựa theo thông tin cho thuê phòng trọ, Uyên đến vài chung cư mini loại nhỏ và phòng trọ nhà cấp bốn kiểu cũ để xem phòng. Nơi phù hợp yêu cầu thì giá cả cao, nơi có tiền thuê thích hợp lại không an toàn. Ai cũng nghĩ một bà chủ quán ăn sẽ không thiếu vài triệu thuê nhà nhưng chỉ có Uyên mới hiểu tình huống bất đắc dĩ của bản thân.

Tiền thuê mặt bằng kinh doanh quán bún chả là sáu triệu một tháng. Cách đây một tuần, cô mới đóng tiền quán ăn một năm. Thuê phòng trọ để ở thường phải đặt cọc một tháng và thanh toán ba tháng tiền thuê trong lần đầu. Thật sự thời điểm này, tiền trong người Uyên đúng là không đủ để tìm phòng trọ có điều kiện tốt.

Cô đi tìm phòng trọ hết ba ngày trong sự mệt mỏi và sốt ruột.

Ngày thứ tư, Uyên đến vài địa chỉ cho thuê trọ trên phố Chùa Láng.

Uyên đi qua phố Chùa Láng rất nhiều lần nhưng không rành các ngõ nhỏ quanh đây. Cô dừng xe hỏi đường bà chủ bán bánh chuối vỉa hè gần cổng Chùa Láng.

Bà chủ tốt bụng vung tay hướng dẫn đường đi nhiệt tình. Cô nhìn theo tay bà chủ, đúng lúc thấy cách khoảng năm mươi mét phía trước có một đứa trẻ mặc áo rộng thùng thình dài tới gối ngã dúi trên vỉa hè. Bao tải gai bị kéo lê phía sau tuột khỏi tay đứa bé, vài chai nhựa lăn lông lốc trên đường. Xe máy chạy ngang qua chèn lên dúm dó.

Xe cộ trên đường vẫn điềm nhiên phóng vụt qua vội vã, lác đác vài người đi bộ không đoái hoài đến thân hình bé nhỏ nằm im lìm trên đất. Chiếc mũ tai bèo trùm kín đầu, không rõ sống c.hết của đứa bé.

Bà chủ bán bánh chuối nhận ra sự chú ý của Uyên đang đặt ở đâu, liền vỗ vai cô. “Đừng lo chuyện bao đồng. Bây giờ lừa đảo nhan nhản trên đường, trẻ con chưa chắc đã là người thành thật đâu.”

Nắng gắt gỏng trên đầu, mặt đường nóng hầm hập tỏa hơi nóng ngột ngạt, không khí ngoài đường oi bức đến khó thở, đặc biệt là ba giờ chiều. Uyên nhìn chằm chằm đứa bé, lời cô nói với bà chủ bán bánh chuối cũng là tự thuyết phục chính mình.

“Người lớn có sức khỏe tốt như cháu còn thấy mệt dưới trời nắng chang chang này, nói chi một đứa trẻ nhỏ gầy. Có thể cháu nó say nắng đấy.”

“Ôi dào. Đấy là cô nghĩ, chứ chắc gì nó say nắng thật.”

Bà bán bánh chuối chắt lưỡi, tiếp tục ép từng quả chuối, thả vào chậu bột màu vàng nghệ.

“Đấy, cô cứ đi theo hướng tôi chỉ là tới nơi. Nhà trọ quanh khu trường tiểu học Láng Thượng đông lắm. Dân tứ xứ đổ về thuê cũng nhiều. Phòng trọ đắt rẻ đủ thể loại, tha hồ lựa chọn.”

Uyên cảm ơn bà chủ bán bánh chuối rồi vội vàng chạy xe máy đến bên cạnh cô bé vẫn nằm úp sấp trên vỉa hè. Cô đỡ cô bé vào lòng, kiểm tra cơ thể. Toàn thân cô bé đỏ bừng, nóng và khô. Mặt và cổ không hề có mồ hôi dù thời tiết nóng nực. Các biểu hiện say nắng rất rõ ràng.

Hành vi tốt bụng của Uyên làm động lòng một cô gái giống như sinh viên đi ngang qua. Hai người khiêng cô bé vào bóng râm vay mượn của cây xanh gần khu đền bên cạnh chùa Láng.

Uyên bấm nhân trung giúp cô bé tỉnh lại.

Cô bé lờ đờ mở mắt ra. Triệu chứng chóng mặt, hoa mắt và choáng váng khiến cô bé mông lung nhìn hai người lớn đang vây quanh. Cổ họng khô khốc làm cô bé không thể trả lời câu hỏi của Uyên.

“Cháu sao rồi? Có đau ở đâu không?”

Mặt cô bé vẫn đờ đẫn như chưa hiểu chuyện gì đang diễn ra.

Uyên nhanh chóng cởi chiếc áo sơ mi to quá khổ trên người cô bé ra. Cô vội nói với cô gái tốt bụng ngồi bên cạnh.

“Em trông em ấy một chút nhé. Chị chạy ra mua cốc nước mía.”

Cô gái không hiểu ý định của Uyên, lúng túng thế chỗ Uyên làm điểm tựa cho cô bé.

Uyên chạy đến quán nước mía kiêm trông giữ xe cho khách đến viếng Chùa Láng. Trong khi bác chủ quán quay nước mía, Uyên ôm theo túi đá chạy trở về dưới bóng râm.

Thời điểm cô quay về thì thấy cô bé đang trúc trắc giãy giụa tránh khỏi tay cô gái tốt bụng. Cô vội hỏi.

“Sao vậy? Có chuyện gì à?”

“Con bé cứ đòi rời đi này chị. Em bảo nó đang bị say nắng đừng có dại dột chạy ra bêu nắng nữa mà nó cứ vùng vẫy làm như em là mẹ mìn muốn bắt nó không bằng.” Cô gái nói liến thoắng, không có nhịp nghỉ khiến Uyên biết cô bé con đã làm cô gái tốt bụng này chật vật vì phải trông trẻ.

Uyên nhanh nhẹn áp túi nước đá vào cổ cô bé.

Cô bé giật nảy người, suýt ngã úp mặt xuống đất.

“Đừng sợ. Cháu bị say nắng nên cô phải làm mát cho cháu.” Uyên vừa giải thích vừa di chuyển túi đá quanh ba vị trí nách, cổ và lưng. Cô không quen thân cô bé nên không dám chườm mắt vào vị trí bẹn riêng tư.

Khóe mắt Uyên bắt gặp cô gái tốt bụng đang mở balo đeo trên vai, lôi gói giấy ướt ra lau mồ hôi, liền thúc giục. “Em cho chị xin vài tờ giấy ướt đi.”

“Để làm gì ạ?”

“Chị muốn đổ nước đá vào giấy ướt để lau tay chân cho cô bé. Chúng ta phải giảm nhanh nhiệt độ trên cơ thể của cô bé.”

Cô gái tốt bụng rất nhiệt tình hỗ trợ.

Uyên vừa chườm mát cơ thể nóng hừng hực trong lòng vừa giải thích. “Cháu đừng sợ. Cô và chị gái này không có ác ý đâu. Cháu bị say nắng, ngất xỉu trên đường. Là chúng ta đưa cháu vào bóng râm tránh nắng đấy.”

Đứa trẻ có vẻ thông minh hơn tuổi, nó hiểu hết ý tốt của Uyên. Các động tác phản kháng hay thái độ sợ hãi cũng biến mất. Đúng là đầu nó choáng váng, chân tay không còn chút sức lực nào. Chút sức lực để nó vùng vằng với chị gái kia đã rút cạn sức của nó. Nó ngoan ngoãn ngồi yên, để mặc hai người lạ giúp nó thoát khỏi cơn váng vất khó hiểu.

Không tới năm phút, cơ thể đứa trẻ đã được làm mát. Các triệu chứng bị say nắng biến mất. Nụ cười ngại ngùng nở rộ trên gương mặt gầy guộc của đứa trẻ. Vẻ cảnh giác đã biến mất hoàn toàn. Nó nói.

“Cháu cảm ơn hai cô ạ.”

“Chị mới hai mươi tuổi, gọi chị thôi.” Cô gái tốt bụng nguýt dài, giả vờ phật ý.

Uyên bật cười, vuốt nhẹ tóc đứa trẻ và nói. “Cháu đợi cô một phút nhé.”

Cô quay lại với hai cốc nước mía trên tay. Cô đưa cho cô gái tốt bụng và đứa trẻ. “Cháu uống cốc nước này đi.”

Đứa trẻ cảnh giác, không nhận nước. Uyên cười hiền, động viên nó mãi, nó mới rụt rè cảm ơn và nhận cốc nước mía.

Uyên thích thái độ lễ phép và sự hiểu chuyện của đứa trẻ. Bây giờ cô mới có thời gian nhìn kỹ hơn ngoại hình của nó.

Đứa trẻ cao hơn con gái Uyên một cái đầu, chắc khoảng tám, chín tuổi. Ngoại trừ đường nét rõ ràng và sắc nét trên mặt thì ngoại hình của cô bé lam lũ như mọi đứa trẻ lang thang hay đi nhặt đồng nát.

Quần áo cũ mèm, sờn chỉ. Áo sơ mi kẻ của người lớn được dùng như áo chống nắng. Bên trong là quần cộc áo cộc, chân đi dép lê màu xanh. Chân tay cô bé gầy nhẳng như cành củi khô, da khô ráp vì rám nắng, tóc hoe vàng xơ xác.

Cô gái tốt bụng có chuyện gấp nên rời đi trước. Chỉ là bèo nước gặp nhau nhưng sự tốt bụng của cô gái chính là điểm sáng hiếm hoi trong xã hội thờ ơ, mặc ai nấy sống này.

Đứa trẻ vẫy tay với chị gái không biết tên, mắt nó cong cong tia cảm ơn rất trong sáng.

Nó cười với Uyên. “Cháu cảm ơn cô. Cháu cũng đi đây ạ.”

Uyên không hỏi địa chỉ hay hoàn cảnh của cô bé. Bởi vì, cô hiểu rõ câu nói “Ốc không mang nổi mình ốc lại còn mang cọc cho rêu”. Tận mắt nhìn thấy một đứa trẻ nhỏ xíu ngất trên đường, cô sẽ không lãnh đạm quay đi, nhưng cô chỉ có thể giúp đứa bé tỉnh táo, tiếp thêm chút sức lực nhỏ để đứa bé tiếp tục đi tiếp về phía trước, chứ cô không thể đèo bòng hay lo chuyện bao đồng sâu hơn.

Quãng đường tìm nhà tiếp theo trở nên thuận lợi hơn những ngày trước. Có lẽ ông trời nhìn vào lòng tốt nhỏ xíu của Uyên để trả lại cô những gì tương ứng. Cũng có thể ông trời đột ngột sáng mắt, bớt bắt nạt người trần mắt thịt.

Nhà trọ hợp với mong muốn về diện tích phòng thuê cùng an ninh khu vực của Uyên, nằm ở con ngõ nhỏ phía sau Chùa Láng. Đường đi vào nhà cho thuê trọ khá ngoằn nghèo và nhỏ hẹp. Dây điện treo trên cao dày cộp và gần sát mặt đường. Các tòa nhà hai bên ngõ thi nhau đua tầng hai ra ngoài, che hết ánh sáng mặt trời chiếu xuống con ngõ.

Theo lời chủ nhà, căn nhà được xây trên đất ruộng. Chủ nhà muốn chuyển thành đất đất thổ cư để làm sổ đỏ nhưng không thành công. Nhà cũ, xây dựng lén lút, khiến căn nhà vừa nhỏ vừa không khang trang như mong muốn.

Nhà rộng sáu mươi mét vuông, mỗi tầng có hai phòng, nhà vệ sinh dùng chung từng tầng. Sân rộng đến bốn mươi mét vuông. Mặt đất lởm chởm sỏi đá, có tường bao quanh. Tường bằng xi măng, rêu bám mốc xanh. Trên bờ tường cắm rất nhiều mảnh sành để phòng trộm. Nơi cổng sắt có một cây hoa giấy màu trắng, thân cây to bằng đùi người lớn. Cành lá hoa giấy sum suê, che phủ cánh cổng sắt, tạo thành bóng râm mát rượi.

Phòng thuê trên tầng hai đã được một hộ gia đình nhiều người thuê. Hai phòng ở tầng một vẫn để trống.

Bởi vì nhà lâu năm, bên trong không có sẵn nội thất đồ đạc như giường tủ, điều hòa nên giá thuê khá rẻ. Một triệu bảy một phòng. Đặt cọc một tháng, lần đóng tiền đầu tiên phải nộp ba tháng tiền nhà. Từ tháng thứ bốn là đóng tiền từng tháng.

Uyên tính toán tiền trong thẻ ngân hàng, thành thật xin bác chủ nhà cho cô đóng tạm hai tháng tiền nhà. Sang tháng thứ ba, cô sẽ đóng luôn tiền nhà của tháng thứ bốn.

Bác chủ nhà hỏi tình huống của Uyên, xác định số lượng người sẽ ở cùng cô, cuối cùng đưa ra một yêu cầu ngoài sức tưởng tượng của cô.

“Bác có thể cho cháu đặt tiền cọc và đóng tiền nhà tháng một nhưng cháu phải thuê luôn hai phòng ở tầng một.”

“Thuê luôn hai phòng ạ? Ôi, nhà cháu có mỗi hai mẹ con, làm sao ở hết được. Cháu đi làm tối ngày, con cháu cũng đi mẫu giáo, có mấy khi ở nhà đâu bác.”

“Bác cũng thật tình chia sẻ với cháu về tình huống của bác. Một tuần sau bác sẽ bay sang Hàn Quốc sống với gia đình con gái. Ngày kia bác lên máy bay vào Sài Gòn thăm bà chị rồi bay thẳng sang Hàn luôn. Trước khi bác đi, một là bác muốn ký hợp đồng thuê phòng, chốt danh sách người thuê trọ, hai là không tìm được khách thuê luôn hai phòng ở tầng một thì bác để trống, không cho ai thuê nữa.”

“Bác định cư ở Hàn Quốc với con cái luôn à? Vậy khách thuê trọ nộp tiền nhà hàng tháng thế nào vậy?”

“Tiền thuê trọ chuyển vào tài khoản của cháu bác. Nhà con bé ở Nguyễn Chí Thanh, đôi ba tháng nó tạt qua đây một lần. Bác rất kén chọn khách thuê, không phải ai cũng trao đổi thật lòng như với cháu đâu. Bác cho thuê là tin tưởng, giao nhà cửa cho khách. Cháu nhìn đi.” Bác chủ nhà khua tay một vòng quanh sân. “Sân to rộng thế này, muốn trồng rau sạch để ăn hay nuôi vài con gà cũng được. Bác không ở đây, cũng không khắt khe khó tính, chỉ cần khách thuê trọ giữ gìn vệ sinh, không dính dáng đến tệ nạn xã hội, không mang thành phần vớ vẩn về quậy tung nhà lên là được. Cháu có đi tìm cái phố Chùa Láng này cũng không tìm được chỗ thuê nào vừa rẻ vừa rộng rãi, tự do như nhà bác đâu. Ví dụ đâu xa, cháu đi ra ngay đầu ngõ thôi, mấy nhà cao bảy chín tầng đều cho thuê phòng với giá hai triệu rưỡi, chưa tính tiền điện nước nhé.”

Ngay khi nhìn thấy khoảng sân rộng, Uyên đã nghĩ đến việc trồng rau sạch trong thùng xốp hoặc nuôi vài ba con gà mái để lấy trứng cho Tú Vi ăn. Cô không nghĩ đến ý tưởng thoáng qua lại trùng hợp gợi ý của bác chủ nhà.

Tuy vậy, gia đình đơn thân hai mẹ con sống trong hai căn phòng rộng gần ba mươi mét vuông, thật sự rất phí.

Lông mày Uyên chau lại, đầu óc nảy số liên tục. Cô nhìn lên trên tầng hai.

Bác chủ nhà đoán ra thắc mắc của cô, nhanh nhảu giải thích. “Hộ gia đình trên tầng hai là ba thế hệ sống với nhau. Họ có cửa hàng quần áo trên đường Kim Mã nên đi làm từ sáng sớm đến chín mười giờ tối mới về. Trẻ con học bán trú cả ngày. Họ hầu như không nấu nướng ăn cơm ở nhà nên khoảng sân rộng lớn này chỉ có một mình cháu sử dụng thôi, không sợ bị chia phần hay xích mích đâu.”

Bác chủ nhà nói hết nước hết cái làm Uyên không nỡ nói lời từ chối. Cô đã có dự tính bản thân thuê hai phòng ở tầng một rồi cho người khác thuê lại một phòng. Không cần ăn chênh lệch thuê nhà, chỉ cần có người san sẻ một nửa tiền thuê nhà là được.

Quan trọng là cô cần xoay sở một số tiền lớn để đặt cọc hai phòng thuê. Uyên hẹn bác chủ nhà sẽ có câu trả lời vào chín giờ sáng ngày mai.

Bác chủ nhà nhìn ra yêu thích của Uyên dành cho khoảng sân bỏ trống, vui vẻ đồng ý đợi quyết định của cô.

Uyên nhìn đồng hồ, nhận ra sắp đến giờ tan học của Tú Vi. Từ đây đến ngõ Pháo Đài Láng chỉ mất ba bốn phút chạy xe máy, rất thuận lợi đưa đón con gái. Cô tạm biệt bác chủ nhà rồi vội vàng rời đi. Cô muốn tranh thủ sau khi đón con gái sẽ vòng vèo quanh đây để tìm hiểu chợ cóc buôn bán xung quanh con ngõ.

Mải nghĩ ngợi, Uyên không chú ý giảm tốc độ xe khi vòng ra đoạn ngõ có một chiếc ao lớn tên Ao Phủ.

“Coi chừng!”

“Chạy chậm thôi cô kia! Muốn đâ.m c.hết người à?”

“Đi xe không có mắt à?”

Tiếng quát lớn từ một hàng trà đá vỉa hè bên rìa ao cùng lúc một đứa bé nhỏ gầy bị bánh xe máy của Uyên quẹt vào, ngã ngửa ra sau.

Một chiếc xe máy lao vυ't tới, chủ xe hét ầm lên theo phản xạ, kịp thời bẻ lái gắt gao. Bánh xe máy chỉ còn cách vài centimet là chẹt ngang bàn tay nhỏ bé của đứa trẻ ngã ngồi trên đất.

Chủ nhân chiếc xe máy quay đầu văng tục rồi lao vυ't đi như sợ bị vạ lây.

Tim Uyên đập thình thịch vì sợ hãi. Tuy cô phanh xe kịp lúc nhưng bánh xe vẫn chẹt ngang bao tải gai căng phồng của đứa trẻ!