Việc đầu tiên khi vị vua trẻ lên ngai là sát nhập toàn bộ huyện Bình Châu vào kinh thành, đồng thời, xây dựng lại Lâm gia thành nhà thờ tổ họ Lâm, để tưởng nhớ công ơn nuôi dưỡng của gia tộc Lâm gia năm nào.
Sau đó, lại dời di thể hoàng hậu từ động sâu về Hoàng lăng chôn cất, thiết lập nơi thờ phụng tổ tiên lại cho hoàng gia.
Lại xây thêm khu tĩnh dưỡng cho hoàng đế đời trước là phụ hoàng Hạ Kim.
Nhìn chung những việc một người con nên làm, vị vua trẻ này đều hoàn thành chu tất.
Nhà vua còn miễn thuế ba năm cho toàn thể người dân trên toàn lãnh thổ, bao gồm các địa phương vừa xác nhập của các nước Nam Tần, Đông Thục, Tây Hán trước đây. Vì vậy cũng nhận thêm nhiều thiện cảm của người dân ở những xứ sở này.
Nhà vua lại mở rộng chế độ thi cử. Tuyển chọn thế hệ anh tài trong dân gian, thành lập bộ máy chính quyền quân chủ tập quyền đầu tiên trong lịch sử.
Lại ra chính sách cải tổ đê điều, khuyến nông, giúp người dân an cư lạc nghiệp, khắc phục hậu quả chiến tranh.
Công đức của vị vua trẻ ngày càng được nhân dân đón nhận, ca ngợi và yêu mến. Không chỉ Bình Châu mới hình thành câu hát mà trong dân gian đâu đâu cũng lưu truyền những huyền thoại liên quan đến đức vua.
Thế nhưng có một huyền thoại lạ lắm!
Tương truyền ngày Hạ Quang điện hạ đăng cơ, bầu trời cũng trở nên xanh hơn. Trên tầng không còn xuất hiện một vị tiên nữ đến chúc mừng, ban phép phủ một hàng hoa hồng màu đỏ làm thành con đường đưa lối cho tân hoàng.
Cũng có người nói, trong bữa tiệc mừng công thắng trận, trên đài cao, bỗng xuất hiện một cô gái đẹp như tiên nga, mặc trang phục đỏ thẳm múa giữa hàng ngàn cánh hoa cũng mang sắc đỏ tươi làm lễ chúc phúc cho điện hạ... Cô gái đó lướt trên những cánh hoa, nhẹ nhàng như cơn gió... Khi điệu múa vừa kết thúc, nàng cũng từ từ biến mất, để cho vị hoàng đế trẻ phải ngẩn ngơ hồi lâu, quên cả việc thiết triều.
Vân vân và vân vân...
Dù rất nhiều phiên bản, nhưng phiên bản nào cũng có bóng hình của một cô gái và loài hoa màu đỏ kia ... Nhưng rốt cuộc cô gái đó ở đâu, có thật hay không thì không ai biết cả.
Có người nói, đó là ảo ảnh về bà hoàng hậu xấu số bị chôn trong động mấy mươi năm kia. Cũng chính là mẹ ruột của tân hoàng.
Cũng có ý kiến cô gái đó có thể là người thương của vị hoàng đế trẻ này. Vì nỗi nhớ tương tư mà bệ hạ đổi tên niên hiệu quốc gia thành Thương cũng không chừng...
Nói tóm lại, lời đồn bay tứ phía. Dân gian mỗi người lưu truyền một câu chuyện làm cho đời sống tinh thần của người dân giai đoạn này cũng trở nên phong phú vô cùng.
Còn chính chủ ư?
Vẫn miệt mài chông đèn phê duyệt tấu chương và nghĩ cách viết thư gửi cho người nào đó.
Nhưng người nào đó vẫn mãi bặt vô âm tín.
Bệ hạ hối hận rồi. Hối hận vì ngày đó để nàng lên núi làm đạo cô. Cứ nghĩ rằng nàng lên đó để lánh nạn thôi. Xong trận chiến có thể rước nàng về.
Nào ngờ, nàng lọt vào mắt xanh của Vô Ưu đại sư, trở thành một trong những đệ tử chân truyền của vị đạo sĩ lừng danh nhất thời đại này.
Bây giờ, số lượng người muốn gặp nàng có thể xếp hàng dài xuyên hết mấy lần nước Hạ cũ. Thế này thì hoàng đế trẻ tuổi biết phải làm thế nào đây?
Màn đêm tĩnh lặng, gương mặt vị vua trẻ càng thêm âu sầu. Mày chau lại. Đôi mi dài chớp chớp trên đôi mắt ưu tư. Cánh mũi cao nghiêng nghiêng in bóng theo ngọn đèn. Bờ môi mím chặt. Đôi tay cũng ngưng viết, để hờ trên khoảng không mông lung...
Trai đẹp mà buồn thì cũng tạo nên phong cảnh riêng. Nếu cô nàng nào đó thấy được cảnh này, liệu rằng có muốn trốn thầy bay đến để an ủi người ta không?
Không ai biết được. Nhưng có một điều chắc chắn rằng đêm nay đang có một người mất ngủ vì nhớ nàng!