Xuyên Sách: Gả Cho Trạng Nguyên Lang Chán Đời

Chương 2: Gặp Mặt

Cát An An nghĩ nhiều quá rồi. Cát An chỉ đành gật đầu lia lịa, trịnh trọng thề rằng nàng sẽ “lấy đức làm trọng”, ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con… và cả “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”...

Đương nhiên, nàng cũng dặn dò Cát An An nhất định phải học tập thật tốt.

Biết cả hai đều sống tốt, mặc dù không nỡ nhưng cả hai vẫn phải chào tạm biệt nhau. Bọn họ không nhắc đến kiếp trước của mỗi người, chỉ âm thầm chúc phúc cho nhau.

Nhớ lại những gì trong mơ, Cát An thấy thật buồn cười.

Cuộc đời của Cát An trong cuốn tiểu thuyết “Trùng sinh hân nhiên cẩm tú” và của nàng – một người đến từ thế kỉ hai mươi mốt có vẻ đã chệch quỹ đạo ngay từ đầu.

Đúng vậy, nàng đã xuyên sách.

Còn Cát An An ở thế kỉ hai mươi mốt, hay cũng chính là nàng thì lại sinh ra trong một gia đình tri thức. Cha là giáo sư môn toán tại một trường đại học trong dự án 985, mẹ thì nghiên cứu cơ học phân tử. Một đôi vợ chồng tài giỏi như vậy mà lại có một cô con gái xinh đẹp nhưng học kém.

Thực ra nàng cũng rất cố gắng trên phương diện học tập, nhưng… nàng thực sự không học được. Nàng là ví dụ điển hình cho việc lúc học thì hiểu nhưng lúc đi thi thì làm sai hết.

Cha mẹ nàng đã cố gắng hết sức, khó khăn lắm mới giúp nàng vào được một trường đại học trung bình. Nàng tưởng cuối cùng mình đã được giải thoát, ai dè nàng lại phải học chuyên ngành Quan hệ công chúng.

Ai đó nói cho nàng biết là tại sao một chuyên ngành nghe thì chẳng có gì đặc sắc mà lại phải học toán cao cấp đi? Đã thế toán cao cấp còn là môn bắt buộc.

Trong bốn năm đại học, tám kì học, nàng thi lại môn toán cao cấp bốn lần mà vẫn chưa qua. Thầy giáo dạy toán cao cấp là học sinh của cha nàng, nàng muốn đi cửa sau nhưng lại sợ ảnh hưởng đến danh tiếng của cha, cuối cùng đột tử do mệt mỏi quá độ trên đường đi thi lại môn toán cao cấp lần thứ năm.

Còn về Cát An trong tiểu thuyết “Trùng sinh Hân Nhiên cẩm tú”, ngày nàng ấy ra đời cũng là ngày Cát Ngạn - tam ca của nàng ấy đỗ tú tài.

Điều này khiến hai vợ chồng Cát Trung Minh và Cát Mạnh Thị vui vô cùng. Cát An là con gái lớn, lại thêm cái “phúc” kia nên nàng ấy được cưng chiều hết mực. So với nữ chính Cát Hân Nhiên này thì đúng là khác một trời một vực.

Trên Cát An có ba người anh là Cát Thành, Cát Dụ và Cát Ngạn, bọn họ đều được đi học. Xét về mặt thiên phú thì chắc chắn Cát Ngạn là người giỏi nhất, đồng thời cũng là cha của nữ chính Cát Hân Nhiên.

Có điều mặc dù Cát Ngạn học giỏi nhưng ở Cát gia, hắn không phải đứa con được yêu thích nhất. Nói chính xác hơn thì hắn đã từng là con cưng của hai vợ chồng Cát gia, nhưng từ khi phật ý cha mẹ, khăng khăng đòi lấy Hoàng Nghiên Thư thì hắn không còn được yêu chiều nữa.

Hoàng thị, con gái thứ hai của chủ tiệm sách trấn Đông Khê từ nhỏ đã thích nhạc kịch, biết cách ăn nói, tướng mạo thanh tú chứ không quá xinh đẹp. Chẳng qua không biết nàng ta học đâu cái thói “nhíu mày”, rõ ràng rất khỏe mạnh nhưng lúc nào cũng xị mặt ra, hốc mắt rưng rưng nước, trông u sầu vô cùng.

Trong trấn, mặc dù gia cảnh Hoàng gia không tồi nhưng còn lâu mới được xếp vào hàng chủ tử.

Cát gia vừa làm ruộng vừa dạy học, nhà có cả trăm mẫu đất, lại có hai cửa hàng. Những thứ này đều do hai vợ chồng Cát gia nhịn ăn nhịn mặc mà tiết kiệm được.

Trong nhà có người theo con đường khoa cử nên Cát Mạnh thị cũng không dám dùng bừa bãi tiền dù chỉ một đồng. Mỗi ngày cứ rảnh là bà lại ngồi se kim luồn chỉ, ngoài ra trong nhà cũng không thuê người hầu hạ.

Hoàng thị gả đến Cát gia được nửa tháng sau thì bắt đầu lo việc nhà cùng với đại tẩu Chu thị và nhị tẩu Hồng thị. Dáng vẻ lúc nào cũng u sầu của nàng ta đã đẩy Cát Mạnh thị đến “nơi đầu ngọn sóng” trong thôn Táo Dư.

Con người Cát Mạnh thị từ nhỏ đã làm ở hàng thêu trong huyện Trì Lăng, tay chân nhanh nhẹn lại dẻo miệng nên rất được bà thợ thêu trong hàng thêu yêu mến. Bà có lòng muốn học, bà thợ thêu dù không muốn dạy những cũng không cấm bà. Ngày qua tháng lại rồi cũng truyền đạt lại cho bà tinh hoa của nghề thêu Tô Châu.

Năm mười sáu tuổi bà gả cho Cát Trung Minh, nhờ có tài nghệ và nhân duyên tích cóp được từ lúc làm ở hàng thêu, trong tay bà không bao giờ thiếu việc, từ đó cũng kiếm được rất nhiều tiền.