Bóng Hoàng Hôn

Chương 9

- Không có. Chị tưởng là em đã đi chơi bóng rổ.

- Năm học này khá bận, có thì giờ đâu mà chơi bóng. Kỳ vừa gãi gãi đầu vừa nói - năm nay em cố tập trung học, để tạo căn bản cho sang năm.

Trúc Phượng kéo màn lại thay áo, nói vọng ra:

- Chi tin là em sẽ thành công.

- Nhưng mà...

- Sao? Có chuyện gì? Em cần tiền mua sách phải không?

- Không phải. Xuân Kỳ ngần ngừ một chút nói - Hôm qua đi học về, em thấy chị đi cạnh anh Lê Văn.

- Lê Văn? Trúc Phượng đỏ mặt - Em cũng biết anh ấy nữa à?

- Em biết, nhưng anh ấy thì lại không biết em. - Xuân Kỳ cười nói - Lúc còn học ở trung học, anh ấy là một nhân vật khá nổi tiếng nên lúc học cấp II em đã nghe tên anh ấy.

- Vậy hả? Trúc Phượng làm ra vẻ thản nhiên - vì năm nay anh ấy học chung với chị.

- Chị phải coi chừng anh ấy - Xuân Kỳ lại ngập ngừng một chút nói - Anh ấy là một con người đào hoa, đa tình. Ở ngay trung học đã có rất nhiều bạn gái.

- Vậy à? Trúc Phượng chau mày - thỉnh thoảng chị đi chung đường với Lê Văn thôi. Mà chị thấy thì ngoài cái tật hay giỡn hơi ồn ào ra, anh ấy có vẻ cũng thật thà, chớ đâu đến đỗi nào.

Thái độ Xuân Kỳ nghiêm nghị:

- Tại chị không biết, trong thời học trung học, anh Lê Văn nhờ đánh banh giỏi, hát hay, đẹp trai nữa, nên có hằng tá bạn gái... Có cô đã vì anh ấy mà đánh lộn nữa.

- Ghê gớm vậy à? Trúc Phượng cười - Nhưng em khỏi lo, chị có trái tim bằng đá hoa cương mà. Vả lại anh ấy bây giờ cũng đã có bồ rồi.

- Ai vậy chị?

Xuân Kỳ có vẻ tò mò, Phượng nói:

- Chị Bội Hoàng đấy!

Xuân Kỳ ngạc nhiên:

- Chị Hoàng à? Chị ấy là bạn rất thân của chị mà? Phải cảnh giác chị Hoàng mới được chị Phượng ạ.

Trúc Phượng thở dài:

- Em còn nhỏ em không biết, chứ cái chuyện đó làm sao khuyên được, không khéo người ta lại hiểu lầm.

Kỳ phản kháng:

- Chị biết năm nay em học lớp 11 rồi nghen. Em đâu phải con nít.

- Thôi được, em chị không còn là con nít, nhưng mà chị khuyên em, đừng lo chuyện người khác, không nên. Chuyện nhà không cũng mệt nghỉ rồi.

Xuân kỳ có vẻ nghe lời chị, nó quay lại với quyển vở. Còn Phượng thay áo xong, định bước xuống bếp phụ mẹ thì lại nghe Kỳ nói:

- Đàn ông con trai mà đẹp trai quá cũng phiền toái, chẳng hạn như anh Lê Văn...

- Tại sao em cứ nói chuyện Lê Văn hoài vậy...

- Vì em nghĩ... anh ấy là bạn trai của chị... Em thấy anh ấy cũng xứng với chị đấy chứ...

- Khỉ thật, cứ nói xàm!

Phượng nói, rồi đi ra ngoài. Bà Thục Trinh hỏi:

- Tui con nói gì đấy? Chuyện bạn trai con à?

- Dạ không phải, mà là chuyện bạn của Bội Hoàng.

Trúc Phượng đỏ mặt nói. Bà Thục Trinh thắc mắc:

- Bội Hoàng mà cũng có bạn trai ư? Cô ấy giống như đồ sứ chưng ở trong tủ kiếng ấy, để ngắm nhìn hay triển lãm tốt hơn là để xài.

- Sao mẹ lại nói vậy. Như vậy mới sang chứ?

- Đúng, sang thì có sang. Bà Thục Trinh nói, bà đã gặp Bội Hoàng một lần khi cô ấy ghé qua tìm Phượng - Cái cô đó mẹ thấy quí phái, nhưng lại cao ngạo, lạnh lùng, thích làm kẻ cả, nếu chọn làm bạn thì không sao, nhưng nếu chọn làm vợ, mẹ, sợ... phải khổ nhiều vì cô ấy.

Trúc Phượng không đồng ý:

- Mẹ nhận xét như vậy sợ không đúng đâu. Khi người ta đã yêu nhau rồi thì phải khác. Họ sẽ bao dung, tha thứ, rộng rãi đễ chấp nhận hết mọi khuyết điểm của người mình yêu.

Bà Thục Trinh nói:

- Con đã lý tưởng hóa tình yêu nhiều quá. Nhưng thực tế không phải vậy đâu, cũng có thế như lời con nói nhưng chỉ là lúc ban đầu, bao giờ đυ.ng rồi con khắc biết.

Trúc Phượng đứng dậy.

- Coi như mẹ đúng đi, nhưng mà hôm nay làm sao vậy. Chúng ta chỉ lo nói chuyện người khác không.

Bà Thục Trinh cười:

- Nếu con không muốn nói chuyện người khác thì nói chuyện của con đi?

- Con à? Trúc Phượng nhún vai - Con chưa có gì cả. Trái tim bằng đá hoa cương của con chẳng ai dám chui vào, họ sợ vỡ đầu.

Bà Thục Trinh lắc đầu:

- Con gái của mẹ lớn rồi mà chẳng biết lo gì cả.

Ngay lúc đó có tiếng động bên ngoài cổng. Có lẽ ông Khiêm đi làm về bà Thục Trinh đứng dậy, còn Trúc Phượng vội vã đi rót nước.

Bà Trinh đón chồng với nụ cười:

- Hôm nay cuối tuần, em có làm thêm thức ăn. Cái món thịt xào tương mà anh ưa đó.

- Vậy thì cảm ơn em.

Ông Bình Khiêm bước vào nhà. Vừa ngồi xuống ghế Trúc Phượng đã mang trà ra,

Ông Khiêm có vẻ ngạc nhiên:

- Hôm nay cuối tuần mà Trúc Phượng với Xuân Kỳ không có đứa nào đi đâu chơi à?

- Dạ không. Phượng nói - Em Kỳ của con đang học trong phòng.

Ông Khiêm gật đầu, hôm nay ông có vẻ khá vui.

- Tháng này cha được lãnh thêm tiền phụ trội. Bữa nay cả nhà ta lại có mặt đông đủ. Vậy để cha đưa cả nhà đi xem phim nhé?

Xuân Kỳ nghe nói chạy vội ra. Cậu ta dù gì cũng chỉ là một đứa bé mới lớn.

- Thật vậy hở cha? Nếu vậy thì hoan nghênh cả hai tay.

Ông Khiêm nhìn con trai cười. Một buổi xem phim đối với gia đình khác chẳng nghĩa lý gì, nhưng với nhà Phượng phải nói là một sự kiện lớn.

Ông Khiêm nói thêm:

- Xem xong phim, chúng ta sẽ đi ăn một bữa hủ tiếu mì nữa.

Hai chi em Phượng nhìn nhau kinh ngạc. Cha hôm nay có vẻ hào phóng quá.

Nhưng nghĩ lại, Phượng thấy tiếc tiền nên nói:

- Thôi khỏi, mình xem phim là đủ rồi cha ạ.

Xuân Kỳ cũng nói vào:

- Vả lại, hôm nay mẹ cũng có làm thêm thức ăn ngon. Ăn ngoài phí lắm.

Ông Khiêm cảm động nhìn con. Ông biết mình là người có phúc vợ hiền, con ngoan. Thế này thì nghèo nào có nghĩa lý gì? Và để giấu đi nỗi xúc động, ông đứng dậy đi vào phòng.

- Thôi được, tùy ý các con đấy. Còn phim thì mấy mẹ con lật báo ra xem chọn đi.

Thế là ba mẹ con xúm xít quanh tờ báo, bàn cãi một hồi, bà Thục Trinh chọn một cuốn phim xã hội nước ngoài. Bản thân bà Trinh thì không ưa xem phim lắm. Phượng biết mẹ chọn phim là vì các con, nên nói:

- Bạn con bảo phim này khá nặng nề, tình tiết lại không bằng phim tình cảm của mình mẹ ạ.

Xuân Kỳ góp ý:

- Con cũng thấy vậy. Đây cũng không phải là loai phim trong nước? Tình tiết vừa gần gũi hơn lại khỏi phải sắp hàng chờ đợi.

Cuối cùng, phim trong nước được chọn.

Lâu lắm rồi cả nhà mới được đi phố một lần. Con đường lúc nào cũng dập dìu người qua lạị đèn đuốc đủ màu sáng choang. Bà Thục Trinh thật vui, thật hạnh phúc. Bà đi giữa chồng con mà thấy kiêu hãnh.

Mua vé xong, thời gian còn rộng rãi nên ông Khiêm đề nghị cả nhà đến các tiệm bách hóa xem hàng. Hàng hóa đầy ắp, ở đây lại bán toàn hàng dành cho khách sang, nên gia đình Phượng chỉ ngắm hơn là có ý mua. Ông Khiêm thỉnh thoảng canh giờ, còn mười phút nữa đến giờ chiếu ông mới giục mọi người quay về rạp.

Trên đường đi, còn khoảng ngắn nữa đến rạp hát thì có tiếng gọi giật:

- Trúc Phượng! Trúc Phượng!

Phượng giật mình quay lại, thì ra là Lê Văn. Lê Văn cũng nhìn thấy Phượng đi với gia đình nên hỏi:

- Đây là hai bác phải không Phượng?

- Vâng. Và Phượng quay sang giới thiệu với cha mẹ - đây là anh Lê Văn...

Rồi Phượng quay lại Văn.

- Sao anh về sớm vậy? Còn Bội Hoàng đâu?

Lê Văn lắc đầu.

- Cô bỏ đi xong thì không khí trở nên tẻ nhạt. Cái thái độ lầm lầm lì lì của Bội Quân làm tôi không chịu nổi, nên dùng cơm xong là tôi về ngay... À... cả nhà đi xem phim à?