Bóng Hoàng Hôn

Chương 12

Lê Văn lắc đầu:

- Tôi không tin là Phượng lại nghĩ vậy. Con người Phượng là con người không có giai cấp, không mặc cảm. Phượng sống thực tế.

- Anh có biết là cha tôi chỉ là một thuộc cấp của cha anh không?

- Nhưng đó đâu có gì quan trọng. Mỗi con người có giá trị riêng của mình... Vả lại, chuyện người lớn, nào có liên can gì đến chúng ta?

Cơm đã được mang lên, cuộc nói chuyện tạm dừng cả hai bắt đầu ăn, nhưng câu chuyện ban nãy đã làm mất đi phần nào cái không khí vui vẻ giữa hai người.

- Thú thật nhận xét của Phượng ban nãy khá chính xác.

Ăn xong, Văn nói:

- Cha mẹ tôi là người thực dụng nhưng dù gì thì họ cũng là cha mẹ của tôi. Tôi yêu họ nên cũng chẳng muốn nghe ai nói xấu họ.

Trúc Phượng nhìn lên:

- Xin lỗi, ban nãy tôi hơi lỡ lời.

Rồi cả hai cùng cười. Trúc Phượng nói:

- Anh có biết không, hoàn cảnh gia đình của Bội Hoàng cũng rất giống anh.

- Vậy à? Ra sao?

Lê Văn tò mò, Trúc Phượng nói:

- Cha của Bội Hoàng là thương gia. Gần như suốt ngày ông ấy bận với công việc, nên không ngó ngàng gì đến con cái. Ông ấy cũng ít về nhà, thường xuyên ở lại xí nghiệp... Trong khi đó, mẹ của anh em Bội Quân, Bội Hoàng lại qua đời lúc cả hai còn rất nhỏ, một tay vυ' nuôi chăn sóc. Vì vậy có thể nói là anh em Bội Hoàng đã trưởng thành trong cô độc. Đó cũng là lý do giải thích tại sao cả hai lạnh lùng xa lánh... chứ thật ra tôi thấy Bội Hoàng cũng dễ thương đấy chứ.

- Thì ra là vậy. Lê Văn như hiểu ra - Chính Bội Quân cũng có vẻ khó chịu thế nào đấy.

- Khó chịu chưa hẳn là không tốt.

- Tại sao cô lại bênh vực hắn?

- Tôi không bênh vực ai cả. Phượng đỏ mặt nói - Tôi chỉ nhận xét một cách khách quan.

- Vậy à?

- Vâng, chẳng hạn như anh...

- Như tôi thì sao?

- Anh Bội Quân nói là anh và Bội Hoàng không thích hợp nhau.

- Ông ấy biết gì mà nhận xét? Cứ tưởng em gái mình là công chúa ngà ngọc chẳng ai xứng với cô ta cả à?

- Anh ấy không phải nói như vậy.

- Thế thì sao? Rõ ràng là coi thường người ta. Anh chàng tưởng mình là sinh viên năm thứ tư, nhà giàu học giỏi rồi muốn đánh giá người khác thế nào cũng được à?

Trúc Phượng chau mày:

- Làm gì giận dữ như vậy? Anh Bội Quân không ác ý vậy đâu.

- Thôi được xem như điều Phượng nói là đúng đi.

Ăn uống xong, cả hai không thảo luận thêm điều gì nữa. Hình như cả hai đều tránh tạo không khí căng thẳng. Khi bồi bàn đã dọn dẹp xong. Lê Văn chợt hỏi:

- Cô biết khiêu vũ không?

Phượng lắc đầu:

- Không.

- Nếu vậy hôm nào tôi dạy cô nhé?

- Thôi khỏi. Tôi thấy không cần thiết chuyện đó.

Rồi Phượng nói thêm:

- Anh thì cái gì cũng biết, nên Xuân Kỳ nói phải đề phòng anh vì anh là tay ăn chơi...

- Trúc Phượng. Phượng thì cái gì cũng được, nhưng lại hay bảo thủ... Biết nhiều thứ

không có nghĩa là tay chơi. Tôi muốn biết để như người khác thôi.

- Tại sao tôi lại không có cái tò mò đó?

- Không phải là cô không có, chỉ tại cái quan niệm đạo đức cổ hủ của Phượng đã đè nén, hạn chế nó.

- Vâng, nhưng tôi không thích sống buông thả. Cái gì cũng phải có mức độ.

- Khiêu vũ không có nghĩa là buông thả. Lê Văn nghiêm chỉnh nói - Đến vũ trường “Đêm Paris” không khiêu vũ thì xem người khác khiêu vũ cũng nào có gì đáng sợ đâu?

Phượng lắc đầu:

- Tôi thấy không hợp được với môi trường đó.

- Đến để biết thôi vậy.

Văn nói và trả tiền, rồi không đợi sự đồng ý của Phượng, Văn nắm tay Phượng kéo đi làm Phượng đỏ mặt.

- Đừng làm vậy. Tôi một mình đi được rồi.

Văn buông Phượng ra nói:

- Vậy đó có phải được không? Phượng này sống ở đời cái gì cũng nên biết. Thí dụ mình không thích thì cũng xem qua cho biết để khi chết không phải là con ma nhà quê.

Trúc Phượng lắc đầu:

- Anh lại nói nhiều khác hẳn con người dễ thương ban nãy. Đúng là anh có đến hai nhân cách.

Lê Văn nghe trách chỉ cười và từ lúc đó trên đường không nói năng gì nữa.

Hôm nay chủ nhật vũ trường mở cả ban ngày. Đứng nơi đầu thang máy, Phượng lại do dự:

- Lên đấy một chút thôi nhé, tôi không ưa những nơi ồn ào thế này.

Mặc dù là ban ngày, nhưng bên trong vũ trường vẫn tối om, chỉ có những ánh đèn màu.

- Cho hai chỗ ngồi, sát piste nhảy nhé.

Lê Văn dặn dò hầu bàn. Phượng hồi hộp đi sau lưng Văn. Cái không khí ở đây làm Phượng căng thẳng. Có thể vì tiếng nhạc nhưng cũng có thể vì thiếu ánh sáng khiến Phượng sợ lạc mất Văn.

Vừa ngồi xuống bàn. Văn nói:

- Sao? Thấy thế nào?

Phượng đáp:

- Tối như địa ngục, biết thế này đã không vô.

- Ồ sao nói vậy? Cái gì cũng phải qua cho biết.

Lê Văn cười nói. Và bây giờ thì Phượng bắt đầu làm quen được với ánh sáng lờ mờ. Phượng thấy chung quanh mình có một đám con gái ăn mặc gần như hở hang, trang điểm thật đậm đang quay cuồng bên những thanh niên trẻ ăn mặc lố lăng không kém. Họ giật giật theo tiếng nhạc như những người điên. Lê Văn giải thích:

- Đa số các cô đó là vũ nữ, còn mấy người kia mới đúng là dân chơi.

Phượng ngạc nhiên:

- Họ còn quá trẻ lấy tiền đâu chơi?

- Thì xin của cha mẹ, hoặc làm chuyện phạm pháp.

- Thế nhà nước không có cách nào giáo dục à?

- Làm sao bứng hết cỏ hoang được.

- Họ đang nhảy điệu gì mà lắc lư dữ vậy?

- Lambada đấy. Lê Văn cười nói - Cô có ý thử không?

- Thôi, thôi, thôi. Phượng co người lại một cách rất nhà quê - Tôi sợ lắm.

Lê Văn thú nhận:

- Tôi tuy biết khiêu vũ nhưng điệu này tôi cũng chưa thử qua.

Phượng quay lại:

- Anh có vẻ quen thuộc với nơi này quá, chắc thường ghé qua lắm phải không? Trẻ tuổi dư dả thời gian đương nhiên là phải đến đây tiêu khiển thôi.

- Phượng nghĩ như vậy à? - Lê Văn hỏi.

Bản nhạc chấm dứt đám đông trên piste nhảy trở về chỗ ngồi, tiếng ồn ào vang lên, rồi khói thuốc lá. Không khí trở nên ngột ngạt một cách khó chịu. Nhưng ngay lúc đó có bản Rumba nhẹ nhàng lại trỗi lên.

Văn không chờ ý kiến của Phượng đã kéo nàng đứng dậy. Trước mặt mọi người Phượng không thể phản ứng.

- Đây là điệu Rumba rất dễ, Phượng không biết nhảy cũng không sao, chỉ cần đi theo buớc chân của tôi.

Một cảm giác lạ lùng kỳ cục lôi cuốn. Lần đầu tiên Phượng đứng cạnh một người đàn ông, hơi bối rối một chút, hơi choáng váng một chút, nhưng cũng thật dễ chịu. Tiếng nhạc vang vang bên cạnh, Phượng di động theo nhịp chân của Văn. Ngọn đèn màu trên cao, màu cam chuyển sang xanh lam rồi tím. Khuôn mặt người trước mặt nhạt nhòa như hư thực. Phượng có cảm giác như nằm mơ.

- Phượng nhảy cũng được lắm đấy.

Văn nói, hơi thở của Văn nóng ấm làm Phượng giật mình, cảm giác là mình đứng quá gần Văn.

- Tôi thật sự không biết nhảy, chỉ bước theo lối dìu của anh thôi.

- Nhưng cái vóc dáng thon thả của Phượng rất thích hợp với khiêu vũ.

Văn nói làm Phượng đỏ mặt hỏi:

- Chúng mình còn ở đây bao lâu nữa?

Văn cười:

- Nếu Phượng thấy chẳng có gì trở ngại thì bao giờ mệt mình sẽ về.

- Không được còn bài vở ở nhà, tôi chưa làm xong bài.

Văn xoay Phượng một vòng.

- Đang vui mà nhắc chuyện bài vở làm gì? Lúc nào làm việc ra làm việc, lúc nào chơi ra chơi, phải phân biệt rành rẽ.

Phượng lắc đầu: