Alpha Xuyên Về Cổ Đại Vẫn Phải Diễn

Chương 3: Tướng gia trấn thủ biên cương

Năm ấy trong hội hoa đăng, tiểu thư Nhạc Nhã một mình đi dạo phố đêm. Giữa dòng người nhộn nhịp, giữa đèn hoa rực rỡ, nàng vẫn vô cùng nổi bật khiến mọi người đều lén lút ngắm nhìn. Những văn nhân thi sĩ khi ấy thấy nàng đã phải thốt lên ngợi nàng hết lời.

"Một đôi mắt ngọc lung linh, ánh mắt đen lấp lánh như sao đêm ngày hạ. Lúc ấy, nàng đi dưới ánh trăng, bước lên từng bậc thang của chiếc cầu đá cổ vòm in một vòng cung dưới mặt nước.

Khi ấy sen mùa hạ nở rộ chen nhau vươn mình dưới mặt nước khiến mỗi bước chân nàng nhẹ nhàng như lướt trên từng cánh sen, đạp lên từng mảnh trăng sáng.

Dáng người mảnh mai, tà áo lụa mỏng nhẹ lay phản chiếu một ít ánh sáng từ trăng trên cao, sao dưới nước, tất cả hình ảnh ấy như đang chìm vào ánh sáng hư ảo.

Một mái tóc dài thướt tha, nhẹ nhàng theo làn gió khẽ đung đưa, tay nàng cầm quạt tròn thêu hoa đào cánh mỏng che đi một nửa nụ cười nhưng cũng đủ điên đảo chúng sinh. Miệng cười hiền dịu dàng như nước mùa xuân, nhưng mắt cười lại là chút buồn của gió mùa thu, khiến tâm kẻ sĩ thổn thức si tình."

Bản thoại đó còn viết rằng Nhã Nhạc tiểu thư như tiên nữ từ họa bích trong thi cổ bước ra. Mỗi bước nàng đi đều khiến người ngước nhìn, thì thầm tán thưởng, tuy nàng không kiêu ngạo, nhưng lại khiến người khác cảm giác nàng tựa hồ như tiên nữ, như xa như gần khiến phàm nhân trần tục không dám chạm đến.

Điều đó từng khiến Nhạc tiểu thư âu sầu.

Nhìn Y Nguyệt ngây thơ tươi vui cùng tình lang cũng khiến nàng ao ước, chỉ là ao ước này có phần không rõ ràng, mơ hồ như tầng sương mỏng phủ lên trái tim nàng, che mờ đi đôi mắt nàng.

Nhạc Nhã trở nên ao ước, mộng tưởng và ngày càng khao khát được như Y Nguyệt, có thể bên người mình yêu xây nên một mối tình vĩnh kết đồng tâm như trong bản tiểu thuyết thi tình mà nàng từng đọc.

Nhưng nàng biết điều ấy là mộng ảo xa vời. Vậy người trong giấc mộng của nàng khi nào mới xuất hiện đây?

Nhạc gia quan tướng danh môn bề thế, một thư sinh nghèo há vọng tưởng đương kim tiểu thư. Tuy chàng thư sinh ấy một lòng chỉ mong muốn ở bên cạnh tiểu nha hoàn nhỏ bé tầm thường, nhưng điều đó cũng thật khó khăn.

Chàng có tài hoa, chỉ cần thi đỗ đạt chàng sẽ có thể chuộc Y Nguyệt trở về bên mình.

Nhạc Nhã lúc đầu nghe lời thố lộ của Y Nguyệt nàng đã ngưỡng mộ tài hoa ấy, một tấm chân tình của kẻ thư sinh ấy. Nàng cảm thán cho một mối tình trắc trở, chấp nhận làm cầu nối se duyên cho hai người, nhưng dần dà nàng cảm thấy rất kỳ lạ.

Ngay từ lần đầu gặp gỡ, cái cảm giác kỳ lạ lại bắt đầu mọc mầm trong cảm xúc của nàng.

Mỗi lần nhìn ánh mắt của Lý thư sinh kia nhìn Y Nguyệt nàng lại cảm thấy chán ghét, thậm chí kinh tởm. Nàng siết chặt móng tay sâu trong da thịt giấu dưới lụa mềm của tay áo. Nàng là tiểu thư danh giá sao lại để cảm xúc thấp hèn chi phối. Rốt cuộc chính nàng cũng không thể hiểu được tâm tư của chính mình.

Chỉ là hôm nay trong mộng ảo thoáng qua trong gió nàng dường như đã nghe được có người gọi tên mình.

Âm thanh ấy nghẹn ngào, đau đớn, khiến lòng nàng thổn thức đến kỳ lạ.

...

An Việt Quốc tuy không phải là một quốc gia rộng lớn, nhưng lại là đất nước sở hữu một địa thế thiên thời địa lợi.

Một dãi vùng phía đông giáp với đường biển dài rộng thẳng tắp mà bọn man di phía Bắc nhỏ dãi thèm muốn.

Phía Tây lại trải dài một dãi Thiên Sơn Địa như một tòa thành vững chãi đã trăm năm qua vẫn sừng sững bảo hộ người dân An Việt Quốc.

Một đất nước tài phú khiến người thèm khát, mà Bắc Vân Quốc- một trong bốn nước lớn lại nằm ở sát biên giới An Việt Quốc, bao đời đều muốn xâm chiếm thâu tóm bờ cõi quốc gia nhỏ bé cạnh mình này.

Tiếc rằng tuy An Việt Quốc là quốc gia nhỏ nhưng lại có bốn đội quân chủ lực giữ vững biên cương, dù là biển đảo hay rừng núi, các đường có thể tiến đánh vào An Việt Quốc đều được bọc hậu rất vững vàng kiên cố.

Nhất là biên giới Khuynh Châu lại được Nhạc gia giữ vững nhiều lần, bọn ngoại bang Bắc Vân Quốc mỗi lần cho quân đến quấy rối đều bị đánh cho tan nát trở về.

Nhưng chiến tranh biên giới tuy nhỏ lẻ lại liên tục khiến cho quốc khố cũng hao tổn rất nhiều, mà đế vương hiện tại đã lớn tuổi, tuổi già chỉ muốn an nhàn đến nhu nhược, nhiều lần nghị hòa với Bắc Vân Quốc, dâng đi không biết bao nhiêu mỹ nữ tài vật của đất nước.

Trong triều hai thế lực chiến-hòa đối kháng nhau.

Nhạc gia võ tướng đương triều, thân là lão tướng quốc gia hai triều Nhạc Thành cũng không ngừng cầu xin hoàng đế chủ chiến, đánh mạnh một lần cho bọn ngoại bang biết mà sợ hãi không dám béng mảng đến biên giới nước mình nữa.

Tiếc rằng hoàng đế bạc nhược, gần như bị Thái hậu cùng bọn xuẩn quan chiều hư trở nên hèn nhát nào dám tham chiến. Lão hoàng đế còn nghe lời bọn nhược thần đẩy lão Nhạc tướng ra biên cương cầm chừng mỗi ngày với bọn sói man di đó. Những người lính nơi biên cương mỗi giờ khắc đều mang mạng sống ôm lấy tầng tấc đất giữ gìn bờ cõi.

Nhạc lão tướng thân chinh chiến trường quanh năm, trong nhà sinh được ba thiếu gia và một tiểu thư. Các thiếu gia từ năm mười bốn mười lăm tuổi đã phải theo lão cha ra chốn sa trường, trong phủ tại kinh thành cũng chỉ còn lại đàn bà con gái và lũ gia đinh.