Nếu không có những người thương binh được đẩy đi trong những chiếc xe nhỏ, không có cái đám đông kia trong đó nổi bật lên những bộ đồng phục của quân đội Đồng minh thì Lêa ngỡ là mình đang đi nghỉ hè. Đã gần một tháng nay nàng sống cuộc sống lười nhác và hội hè bên cạnh người thương binh "của mình".
Ngài Gioocgiơ Mac Clintooc, đại tá trong quân đội Hoàng gia Anh, là một ngươi lêclăng độc đáo, thích Uytxki hơn nước trà, thích những con bài tây hơn những bản đồ tham mưu (Một lối chơi chữ không thể dịch nguyên văn; tác giả dùng từ đồng âm khác nghĩa: carte là con bài, - carte cũng là bản đồ), hút những điếu xì gà to tướng. Luôn luôn hài hước, dũng cảm tới mức ngu ngốc và chạy theo gấu váy chẳng khác một viên trung úy cận vệ - theo lối nói của bạn bè ông ta - và hơn nữa lại rất giàu có. Đấy là người đàn ông mà Lêa được xem như có nhiệm vụ chăm sóc. Bị thương ở Đi-năng trong đợt tấn công vùng Acđen, ông ta đã tận mắt chứng kiến cái chết nên chỉ muốn tận hưởng những ngày còn lại. Vừa mới nhúc nhắc được nhờ đôi nạng, ông ta đã làm cho cuộc sống của Lêa như một cơn lốc: nào tiệc rượu, hội hè, nào vũ hội, picnic, nào đi biển, thám hiểm vùng quê. ông ta muốn luôn luôn có nàng bên cạnh, bảo rằng vừa thấy nàng là ông đã biết cuộc đời mình sẽ bị đảo lộn tung lên vì cái cô bé người Pháp kia với mái tóc biếng chải, cái miệng run rẩy, đôi mắt kiêu hãnh và lo âu, thân hình mà ông đoán là tuyệt mỹ dưới bộ đồng phục cắt may vụng về. Bỏ ra mấy nắm bảng Anh, ông ta yêu cầu bố trí cho nàng một căn buồng bên cạnh buồng mình ở khách sạn Magiextic.
Mệt mỏi nên những ngày đầu, Mac Clintooc ngủ li bì. Tối ngày thứ năm, ông ta đòi xuống phòng ăn khách sạn. Ông sững sờ khi thấy Lêa ngồi trước mặt trong bộ đồng phục với chiếc áo ngoài tuyệt vời, cavát thắt cẩn thận, đôi giày da đánh bóng.
- Cô không có quần áo nào khác? - Ông ta hỏi nàng, vẻ không lấy gì làm thích thú nhưng giọng nói làm cho Lêa lúc đầu thấy vui vui...
Nàng đỏ mặt và cảm thấy mình xấu xí.
- Tôi không có quần áo nào khác. Nếu làm ông xấu hổ thì tôi có thể ăn tối trong phòng tôi.
- Tôi xin lỗi cô, tôi không hề muốn làm cô phật lòng. Cô trang phục như vậy tuyệt lắm,... nhưng... có phần đơn điệu.
Ngày hôm sau, Lêa thấy "đổ bộ" xuống khách sạn đám thợ may và thợ giày hãng Croadet. Lúc đầu nàng khước từ, nhưng rồi nhượng bộ trước tấm áo dài mặc tối, tấm thì bằng mutxơlin màu đen, tấm thì bằng vải mỏng màu xanh lá cây, và những đôi giày Italia tuyệt vời bằng da "thật" sang trọng hết chỗ nói. Vì buổi tối còn mát trời ông ta yêu cầu nàng bận một chiếc áo choàng bằng lông chồn trắng.
Ngày hôm sau nữa, Lêa đi theo Clintooc đến dự một buổi chiêu đãi do Câu lạc bộ Mỹ tổ chức. Ông ta kiêu hãnh về thành công của mình. Người ta tíu tít mời nàng sâm banh, nước cam, nước chanh, bánh ngọt, kem, trái cây. Lêa cười nói, duyên dáng như một cô gái vô tự lự được chiều chuộng.
Vào đầu tháng Ba, sau khi nhận được thư từ Luân Đôn, Gioocgiơ Mac Clintooc báo cho Lêa biết ông ta được triệu về Anh. Lêa khẩn khoản ông đưa nàng đi theo; bằng bất cứ giá nào, nàng cũng không muốn trở lại Amiêng.
- Ông vẫn cần tới tôi đấy. - Nàng bảo.
- Bây giờ, tôi luôn luôn cần tới cô. - Ông ta nói với một vẻ nghiêm túc khác thường.
- Ông nói đúng lắm. - Nàng đáp một cách nông nổi.
Ông vừa mỉm cười vừa nêu lên những khó khăn về mặt thủ tục hành chính. Tranh thủ được sự đồng ý của tổ chức Chữ thập đỏ Pháp ở Cannơ, và sau đó ở Pari, không phải là chuyện đơn giản. Lệnh công tác của Lêa mang rất nhiều con dấu.
Mặc dù những vụ ném bom và báo động thường xảy ra, mặc dù nỗi sợ hãi do các pháo đài bay V1 và V2 gây nên, tuần lễ Lêa sống ở Luân Đôn cũng sôi động không kém ở Cannơ. Các chàng trai, các cô gái, mà người lớn tuổi nhất không quá ba mươi, lao vào khiêu vũ, những trò tán tỉnh, những tiệc rượu với một nỗi thèm khát cuồng nhiệt như thể để bù lại thời gian đã để mất, và lãng quên trong ly rượu, trong khói thuốc cuộc chiến tranh vẫn chưa kết thúc.
Vào một hôm, trong bữa ăn sáng, Lêa nhận được thư của Machiax gửi tới Pháp qua Thụy Sĩ và do Lôrơ gửi tiếp từ Pari.
Nàng cố hình dung Machiax trong bộ quân phục S.S. mà không sao được. Nàng cảm thấy là ngay từ đầu một sự hiểu lầm đã biến một chàng trai vui tính và dễ thương thành một con thú sẵn sàng làm tất cả. Nhưng liệu như thế có phi lý hơn sự có mặt của bản thân nàng trong một khách sạn sang trọng ngày trước với những ô kính cửa sổ thay thế bằng giấy dầu không? Bỗng có tiếng gõ cửa.
- Thế nào, có tin nhà phải không? - Gioogiơ Mac Clintooc vừa bước vào vừa hỏi.
Một nụ cười rầu rĩ hiện lên trên gương mặt cô gái.
- Cô làm sao vậy?... Có việc gì không ổn phải không?
- Không, không, không có gì hết.
- Vậy mời cô đứng lên! Chúng ta đi.
- Chúng ta đi đâu?
- Đi sang Đức.
- Sang Đức!...
- Yes ( Tiế ng Anh: Vâng), tôi phải đến Quân đoàn 2.
- Nhưng ông chỉ vừa mới bình phục?
- Một anh bạn thầy thuốc bảo tôi có thể phục vụ được. Tôi không muốn ở lại đây trong khi bè bạn đang bị chết chóc.
- Thế còn tôi? Rồi tôi làm gì? Tôi ở đây, bình thản chờ cho chiến tranh chấm dứt, hay trở về Amiêng hoặc các bàn giấy ở Amiêng?
- Hoàn toàn không, cô đi với tôi.
- Tôi đi với...
- Phải, một người bạn tôi là... cô gọi thế nào nhỉ?... là chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Anh...
- Dĩ nhiên rồi, ông có nhiều bạn.
- Yes, như thế có khi có ích. Tôi bảo ông ta là cô rất am hiểu xe cộ và thành thục trong việc cứu chữa thương binh.
- Chính ông nói ra điều đó, vậy ông ta không bắt tôi phải làm thử thì hay hơn.
- Bà phụ trách các cô lái xe cứu thương ở đây là bạn bà đờ Payerinhôp. Vài ngày nữa, cô sẽ nhận được lệnh công tác tạm thời ở cơ quan Chữ thập đỏ của chúng tôi.
Lêa tung hê hết chăn màn và chạy lại hôn lên má ông người Anh.
- Ông Gioogiơ, ông thật tuyệt. Làm sao ông đoán được tôi muốn sang Đức?
- Thì từ khi chúng ta tới đây, tôi chỉ nghe cô nói có thế.
Một tuần lễ sau, Lêa nhận được lệnh công tác dưới quyền thiếu tướng quân y Hugơ, Glin Hugơ, phụ trách quân y trong Quân đoàn Anh số 2. Trong đêm mồng 5 tháng Tư, nàng xuống máy bay ở gần Đuyxbua cách mặt trận năm chục cây số.