ĐOẠN 20
Nghe Thục Anh nói, trong tôi thoáng chốc dâng lên một loại cảm giác khó chịu. Đã từng rất nhiều lần tôi nghĩ đến viễn cảnh phải sống chung nhà với một người phụ nữ khi mà người ấy lại có mối quan hệ rất tốt với bố con Duy, chưa kể Thục Anh còn là người mà mẹ anh kì vọng trở thành con dâu.
Thật lòng, tôi không muốn Thục Anh ở đây, vì nếu có cô ấy, khoảng cách giữa mẹ con tôi sẽ càng xa hơn, và nếu phải chứng kiến Duy và cô ấy có những cử chỉ thân thiết thì lòng tôi sẽ đau nhiều lắm. Nhưng tôi lại không có quyền quyết định việc Thục Anh đi hay ở, chỉ biết đứng lặng yên đợi chờ câu trả lời của Duy.
May sao, anh đã từ chối:
- Em về đi, ở lại đây không tiện cho em đâu.
- Có gì mà không tiện ạ? Nhà anh rộng như vậy, có thêm bao nhiêu người nữa cũng được đấy chứ. Anh cho em ở lại ít hôm đi, đợi khi bố mẹ em hết giận, không phản đối công việc của em nữa thì em sẽ về.
- Việc em ở đây, nếu truyền ra ngoài sẽ ảnh hưởng đến danh dự của em, mất công mọi người lại đồn đoán, phóng đại sự thật.
- Em không sợ ảnh hưởng, em sớm đã xác định…
Không rõ Thục Anh muốn nói gì nhưng cô ấy còn chưa nói hết câu đã bị Duy cắt ngang:
- Cô chú không giận em lâu được, em bỏ nhà đi họ sẽ lo lắng đấy. Về nhà lựa lời nói chuyện với bố mẹ đi.
- Em không về đâu, nếu anh nhất quyết từ chối, chắc là em phải đi lang thang mất.
- Em có thể qua nhà bạn em.
- Chẳng lẽ anh tiếc một chỗ ngủ với em vậy sao? Anh cũng biết em ở Mỹ 7 năm, bạn bè ngày trước giờ còn mấy đứa nữa đâu, đứa thì lấy chồng, đứa thì ông chung với người yêu, em không muốn phiền đến chúng nó.
Không muốn làm phiền bạn mình nên lựa chọn tốt nhất của cô ấy chính là nơi này phải không? Cũng đúng thôi, sớm muộn gì Thục Anh rất có thể sẽ trở thành bà chủ ở đây, việc cô ấy phiền đến Duy vẫn tốt hơn là phiền đến người khác mà.
Tôi hơi thấy làm lạ khi Duy từ chối cho Thục Anh ở lại, vì nếu đem so với Hà thì đáng lẽ ra cô ấy mới là người được chào đón hơn cả. Vậy mà mặc cho Thục Anh xin xỏ, anh lại thẳng thừng từ chối chứ không hề dễ tính đồng ý như hôm tôi xin cho cái Hà.
Là vì anh nghĩ cho danh dự của Thục Anh sao?
Nhưng Thục Anh cũng chẳng dễ gì từ bỏ ý định của mình, cô ấy nói không được Duy liền nhờ đến sự giúp đỡ của con gái tôi. Thục Anh bày ra vẻ mặt đáng thương nhìn Tuệ Nghi:
- Tuệ Nghi à, con nói với bố giúp cô một tiếng đi. Cô muốn ở lại đây với con.
Tuệ Nghi gật gật đầu, chạy đến bên bố, bàn tay bé xíu của con nắm lấy những ngón tay của Duy, khẽ đung đưa rồi bảo:
- Bố ơi, bố cho cô Thục Anh ở nhà mình đi ạ. Con muốn cô Thục Anh kể chuyện cho nghe mỗi tối.
- Không được, cô ấy phải về nhà của mình.
- Đi mà bố. Có cô Thục Anh rồi con sẽ không làm phiền khi bố làm việc nữa đâu.
Nói một hồi lâu, thậm chí Tuệ Nghi con rưng rưng nước mắt thuyết phục bố giúp Thục Anh, cuối cùng thì Duy cũng không thể cưỡng lại trước sự làm nũng của con bé, đàng phải miễn cưỡng gật đầu, đồng ý cho Thục Anh ở lại.
Từ giây phút Thục Anh đặt chân đến đây, Tuệ Nghi chỉ biết đến mỗi cô ấy, ngay cả bố Duy cũng bị con bé ngó lơ. Trong lúc ăn cơm, Tuệ Nghi còn tự mình sắp xếp chỗ ngồi cho mọi người, Duy ngồi ở đầu bàn, con bé và Thục Anh ngồi cùng nhau bên phía tay phải của anh, còn tôi ngồi bên trái một mình một chỗ.
Suốt cả bữa con bé chỉ nói chuyện với bố và Thục Anh, mà không hề để ý gì đến tôi. Trước cảnh đó, tôi có cảm giác như họ mới là một gia đình, còn tôi chỉ là người dư thừa, có cũng được, không có thì Tuệ Nghi cũng chẳng buồn bận tâm.
Thục Anh là bác sĩ tâm lý, ắt hẳn sẽ thấu hiểu và biết cách có được tình cảm của người khác, nhất là một đứa trẻ đã từng gắn bó với cô ấy trong hai năm qua. Còn tôi, dù là mẹ con bé, nhưng vì hoàn cảnh chia cắt, con bé lại chưa từng muốn tiếp nhận tôi, nên dù tôi có cố gắng thế nào thì trong thâm tâm con, tôi chẳng khác nào người dưng nước lã. Tôi không biết mình phải đợi đến bao giờ thì Tuệ Nghi mới gọi tôi một tiếng “mẹ” đúng nghĩa, dành cho tôi tình yêu như con bé dành cho bố nó.
Tâm trạng tôi rất tệ nhưng không thể nói với Duy, đi làm thì cứ thất tha thất thểu như người mất hồn, không sao tập trung vào việc gì, ngay cả nướng bánh cũng làm cháy.
Hà thấy thế mới quan tâm hỏi:
- Sao mặt mày buồn thiu vậy? Có chuyện gì à, kể em nghe xem nào?
Tôi không thích nhiều chuyện nên tính im lặng không tâm sự với Hà, nhưng nghĩ lại, nếu cứ giữ muộn phiền trong lòng mà không chia sẻ với ai, lâu ngày sẽ tích tụ khiến tôi càng thêm bí bách. Vậy nên, tôi thở dài một tiếng, ảo não nói:
- Có nhớ chị từng nhắc đến cô gái tên Thục Anh rất được lòng con gái chị không?
- Có. Sao thế?
- Cô ấy đang sống chung một nhà với bọn chị.
Nghe vậy, Hà bất ngờ nhìn tôi, con bé hỏi lại:
- Ý chị là… cô ta dọn qua sống chung với ông Duy rồi á? Ông ấy quyết định lấy nó theo ý bố mẹ rồi à?
- Không. Thục Anh kêu là bố mẹ ép đến Công ty của anh họ làm việc, nhưng cô ấy không thích nên cãi nhau với bố mẹ rồi bỏ nhà đi. Có nói là ở nhờ một thời gian, đợi khi bố mẹ hết giận, đồng ý cho cô ấy tiếp tục với đam mê của mình thì sẽ về.
- Rồi ông Duy cũng đồng ý luôn hả, không phản đối hay đắn đo gì à? Khách sạn thì đầy ra đó, chẳng lẽ cô ta không đủ tiền thuê phòng?
- Cũng có từ chối nhưng sau khi Tuệ Nghi thuyết phục thì ổng lại cho cô ấy ở. Mà cũng dễ hiểu thôi, mày là bạn chị mà vữa rồi còn được ở nhờ, đây cô ấy là khách quý, có mối quan hệ tốt với hai bố con Duy thì phải khác rồi.
- Em với nó khác nha. Em là bạn chị, còn nó là tình địch của chị. Chả lẽ ông Duy không nghĩ đến cảm giác của chị à? Rồi đến bao giờ bố mẹ nó hết giận? Nó lí do vãi cả ra, muốn ở gần ông Duy thì nói toẹt ra, bày đặt lí do lí trấu.
Duy cần gì phải để ý đến cảm giác của tôi, đến cả việc Tuệ Nghi xa cách tôi, anh còn chẳng quan tâm hay giúp tôi gắn kết với con bé nữa là…
Tôi thở dài thêm tiếng nữa rồi bảo:
- Tuệ Nghi quấn Thục Anh lắm, từ hôm qua đến giờ cứ luôn miệng gọi “cô Thục Anh” thôi, đi bên nhau như hình với bóng ấy, con bé còn chẳng thèm để mắt đến chị tí nào. Từ ngày chị về đến nay chưa từng được ngủ chung với con một lần, vậy mà Thục Anh vừa đến, Tuệ Nghi liền bảo cô ấy ở lại phòng mình.
- Con nhỏ đó sao nó được Tuệ Nghi yêu thích thế?
- Sau khi chị và Duy ly hôn thì Tuệ Nghi bị trầm cảm, Thục Anh là bác sĩ tâm lý của con bé, ở bên con bé trong suốt hai năm không có chị. Trong kí ức Tuệ Nghi sớm đã quên đi chị, chỉ biết đến mỗi cô Thục Anh thôi.
Cùng là phụ nữ, lại là bạn của tôi, Hà rất cảm thông và hiểu được nỗi lòng tôi lúc này. Con bé vỗ nhẹ vào vai tôi hai cái như an ủi, nó nói:
- Khổ thân chị. Con gái đã không nhớ ra mình thì chớ, đằng này còn thân thiết với người khác hơn cả mình.
- Ừ. Buồn lắm.
- Sao chị không nói với anh Duy. Chứ nếu cứ để cô ta tiếp xúc gần với con bé, lâu ngày tình cảm sẽ càng gắn bó hơn đấy, trẻ con thì đơn thuần, dễ ý lại vào người mình có cảm tình lắm. Cái cô Thục Anh kia vừa là người thấu hiểu tâm lý trẻ con, vừa có tình cảm với anh Duy, chắc chắn sẽ lợi dụng Tuệ Nghi để có được tình yêu của anh ấy.
- Duy yêu ai cũng không đến lượt chị quản, bọn chị đã chia tay rồi mà. Vả lại, chị thấy tình cảm Thục Anh dành cho Tuệ Nghi rất đơn thuần, sẽ không có chuyện lợi dụng con bé. Kể cho có lợi dụng thì Duy sẽ phát hiện ra ngay, anh ấy nhạy bén lắm.
- Sao chị dám chắc cô ta đối tốt với con gái chị là thật.
- Ánh mắt cô ấy nhìn con bé cho chị biết điều đó. Con người ta dù giả tạo đến đâu thì đôi mắt không thể giả được, cửa sổ tâm hồn mà.
- Xin chị. Nó mà ranh ma thì cái gì cũng giả được hết, giống như diễn viên đóng phim đó, nhiều người diễn xuất sắc đến chân thật từng tiểu tiết luôn.
Tiếp xúc với Thục Anh không nhiều, nên chẳng dám khẳng định cô ấy là người tốt hoàn toàn, nhưng lần nào gặp gỡ, tôi đều âm thầm quan sát và đánh giá. Thấy cô ấy không có biểu hiện gì lạ, hay thái độ ghen tỵ gì với tôi mà ngược lại con giữ khoảng cách rất chừng mực, khách sáo nên tôi không hề nảy sinh cảm giác nghi ngờ hay đề phòng gì cả.
- Chị nghĩ Thục Anh là người tốt, mình đừng nghĩ xấu cho cô ấy thì hơn.
- Ừ. Tốt. Tốt cho bà xem cũng không biết chừng.
- Đừng nhắc đến họ nữa. Chúng ta làm mẻ bánh khác đi, chiều chị đem về cho Tuệ Nghi mấy loại, từ hôm nở tiệm đến giờ chưa làm cho con bé ăn cái nào cả.
- Vâng.
Tâm sự với Hà một lúc mà lòng tôi chẳng vơi đi được bao nhiêu muộn phiền, nhưng rồi vẫn phải buộc mình gạt họ ra khỏi tâm trí, không nhớ đến những lần Duy dịu giọng nói chuyện với Thục Anh, hay là những lần anh nở nụ cười nhẹ nhàng dành cho cô ấy nữa.
Tiệm bánh mới mở nên lượng khách hàng đến mua rất ít, có khi cả ngày mới có 5 – 6 người đến mua. Hôm nay thì xui hơn, từ sáng đến 3 giờ chiều mới có vị khách đầu tiên, éo le một nỗi là người này lại là người quen cũ.
Khi tôi đang cúi người xếp bánh vào tủ kính thì người đó cất tiếng nói:
- Cô gái. Bán cho tôi hai chiếc Taramisu.
Nghe giọng nói quen quen tôi đã thoáng giật mình rồi, những nghĩ đến việc Long đang làm việc ở Sài Gòn, sẽ không có chuyện anh ra Hà Nội mà còn trùng hợp hỏi mua bánh của cửa tôi chúng tôi, chắc là giọng nói người này giống anh ấy mà thôi. Nhưng khi tôi ngẩng đầu lên nhìn khách thì không khỏi ngớ ra, người ở trước mắt tôi lúc này lại chính là Long, anh ấy trông thấy tôi cũng không tránh khỏi ngỡ ngàng, vội nói:
- Trúc. Tại sao em lại ở đây?