Hồi Đáo Lê Triều

Chương 18: Đại Tiểu Thư Gặp Nạn

Sau khi trận đánh kết thúc, Lê Tuấn lệnh cho Nguyễn Đức Trung về hoàng thành trước để chuẩn bị cho lễ nhập cung của Thu Đào, chính tay chàng viết một bức chiếu thư rồi niêm phong lại, dặn dò Nguyễn Đức Trung phải giao tận tay cho Đào Biểu tuyên đọc trước văn võ bá quan tại điện Thái Hòa, lúc hoàng cung đón đại quân của ông trở về.

Giao chiếu thư vào tay Nguyễn Đức Trung, Lê Tuấn không quên căn dặn:

- Nàng chẳng qua tuổi trẻ ham chơi, nay xem như lấy công cứu được Phan Tường để chuộc lỗi, mong Nguyễn Đại Nhân đừng trách phạt nàng!

Nguyễn Đức Trung hai tay nâng chiếu thư vội vàng quỳ xuống tạ ơn:

- Nữ nhi trẻ dại dám trà trộn vào quân ngũ, may nhờ Hoàng Thương khoan hồng đại lượng không trách tội. Thần khấu tạ long ân của Hoàng Thượng!

Chàng đỡ Nguyễn Đức Trung dậy, phân phó mọi việc xong đâu đấy thì ra lệnh cho Lê Hạo và Nghi Dân cùng ở lại để lo liệu việc thu phục tàn binh của Bí Cai, hẹn sẽ trở về sau nửa tháng.

Ngày đầu thu.

Buổi sáng sớm tiết trời mát mẻ, những tán cây bên đường đang chuyển dần sang sắc vàng lãng mạn.

Gió thổi nhẹ nhàng từng cơn, thỉnh thoảng lại tinh nghịch cuốn phăng những cánh hoa dại yếu ớt tung lên trời rồi lả lướt gieo chúng xuống khắp mặt đất.

Năm cánh cổng thành Nam Môn đã ẩn hiện trước mắt, đoàn quân toàn thắng trở về mang theo sĩ khí ngút trời, lá cờ chữ Lê bay phấp phới trên đầu các chiến sĩ.

Sau cánh cổng Nam Môn là con đường chính dẫn đến điện Thái Hòa, bá quan văn võ sớm đã xếp hàng ngay ngắn để chào đón các công thần. Tuyên Từ Thái Hậu mặc triều phục sắc vàng rực rỡ ngồi trên ghế phụng chờ đến giờ làm đại lễ chào đón ba quân.

Nguyễn Đức Trung trịnh trọng bước đến trước mặt Đào Biểu, hai tay dâng chiếu chỉ cho ông ta theo đúng lời vua đã căn dặn. Sau khi Đào Biểu đón chiếu chỉ và chầm chậm mở ra, toàn thể văn võ bá quan quỳ xuống nghe tuyên đọc:

"Phụng thiên thừa mệnh, Hoàng Đế chiếu rằng

Trẫm lần này thân chinh dẹp Bồn Man, nhờ hồng phúc của trời nên được các bậc trung thần hết lòng phụng sự, đại công cáo thành.

Điện Tiền Chỉ Huy Sứ Nguyễn Đức Trung có công hộ giá, cứu được dũng tướng của Trẫm, nay ban nghìn lượng vàng, thăng ba cấp bổng lộc.

Đại tiểu thư Nguyễn Thị Thu Đào là con gái của đại công thần, ngày mười tháng mười cho vời vào cung học lễ nghi, sang Xuân sắc lập tam giai Chiêu Nghi.

Đại lễ tưởng thưởng ba quân đợi Trẫm trở về sẽ định đoạt.

Khâm chỉ!"

Nguyễn Đức Trung nghe thánh chỉ là hiểu ngay Hoàng Thượng muốn che đậy tội trạng trà trộn vào quân ngũ của Thu Đào nên đẩy cái công cứu được Phan Tường sang cho mình, lại còn bốn chữ "tam giai Chiêu Nghi" đập vào tai làm ông quá đỗi ngạc nhiên và vui mừng, Nguyễn Đức Trung khẽ ngước đầu nhìn lên, đôi mắt sáng lên không giấu nỗi niềm hân hoan tột cùng. Tuyên Từ Thái Hậu nghe xong chiếu chỉ khẽ nhíu mày một cái, bà ném ánh nhìn nghi ngại về phía Nguyễn Đức Trung đang khấu đầu tạ ơn, lòng thầm nghĩ không biết là do con gái của ông ta có bản lĩnh thật, hay chỉ may mắn là nhờ công trạng của cha mà được cùng hưởng vinh sủng đây?

- Đợi ngươi vào cung học lễ nghi ta sẽ từ từ quan sát vậy! – Tuyên Từ Thái Hậu nghĩ đến Thu Đào và tự nhủ.

* * *

Phủ Điện Tiền Chỉ Huy Sứ hôm nay vui như Tết. Nguyễn Đức Trung tuy không hài lòng vì đứa con gái tính khí nghịch ngợm nhưng ông lại không thể phủ nhận cả dòng họ lại đang sắp nhờ vào Thu Đào mà được hưởng vinh hoa phú quý dài lâu, mặt khác lại được Lê Tuấn căn dặn không trách phạt nàng, nên ông chỉ giả vờ nghiêm nghị giáo huấn vài câu cho có lệ rồi tập trung lo việc trang hoàng phủ đệ tươm tất chờ ngày Hoàng Thượng ngự giá ghé qua đón Chiêu Nghi về cung. Nguyễn phu nhân là người vui mừng nhất, bà liên tục dặn dò hạ nhân chăm sóc Thu Đào thật cẩn thận, hết hái hoa pha nước cho nàng tắm gội dưỡng da tóc, lại bảo hạ nhân đi khắp nơi trong kinh thành tìm những cửa hiệu buôn vải tốt nhất mà mua về may xiêm y mới cho nàng. Xuân Mai cũng vậy, từ lúc biết tin Thu Đào sẽ là Chiêu Nghi của Hoàng Thượng, nàng ta không còn rủ rê Thu Đào đi đá cầu chạy nhảy khắp nơi nữa, mà lúc nào cũng nhắc nhở nàng tránh nắng, thoa thuốc cho vết thương trên trán mau liền sẹo, rồi lại cứ nửa ngày là mang canh sâm, tổ yến đến. Thu Đào ngán ngẩm đến nổi phải kêu lên:

- Em định vỗ cho ta béo như lợn, để Hoàng Thượng thấy ta là bỏ chạy ngay đúng không?

Xuân Mai khúc khích cười đáp:

- Tiểu thư hơi gầy thì có, cô tròn trịa lên một chút sẽ càng xinh đẹp bội phần!

Thu Đào hết cách chỉ biết ngẫng mặt lên trời mà than trách cho số phận của mình. Ở thời đại này, ai nấy đều nghĩ được làm người phụ nữ của Hoàng Thượng là niềm vui to lớn, duy chỉ nàng biết rõ nếu lấy Nhân Tông thì sớm thôi sẽ thành quả phụ, tệ hơn nữa là bị thích sát theo cũng chưa biết chừng. Hơn nữa, trong lòng nàng nào có thiết tha địa vị Chiêu Nghi hoặc mảy may nghĩ đến Hoàng Thượng chưa từng quen biết kia bao giờ, một Lê Hạo luôn cho nàng cảm giác tiếc nuối, xa vời không với tới, một Lê Tuấn ấm áp gần gũi, luôn khiến nàng nhớ mong là đã quá mệt mỏi, quá khó để xác định được tình cảm trong lòng rồi!

Nghĩ đến hai chàng trai ấy, nàng lại thấy lòng như lửa đốt, ngóng trông từng phút chờ đến khi Lê Hạo trở về Huy Văn Tự để hỏi thăm tin tức. Rồi Thu Đào tự hỏi lòng mình rốt cuộc nàng đang lo lắng cho ai? Lo lắng điều gì? Vì chẳng phải sớm hay muộn nàng cũng sẽ tìm ra giá nến hoa đào và trở về năm 2022 hay sao? Lúc ấy mọi thứ ở nơi này sẽ chẳng còn liên quan gì đến nàng nữa! Phải rồi, chỉ cần nàng trở về thời hiện đại, thì mọi chuyện sẽ cứ thế trôi theo tạo hóa xoay vần, ai bị đoạt ngôi, ai sẽ là minh quân vang danh nghìn đời đi nữa.. tất cả, đều chẳng có liên quan gì với Trà My cả!

Hơi thở trượt dài theo dòng suy nghĩ, nàng bất giác cười méo xệch khi nhận ra mình đã quá nhập vai thành tiểu thư Thu Đào mà quên đi bản thân mình cần làm nhất chính là nhanh chóng tìm cách quay về.

* * *

Không tìm được giá nên hoa đào tức là tạm thời chưa thể về được, mà chưa thể về được thì đành phải tiếp tục làm đại tiểu thư Thu Đào, nhưng làm đại tiểu thư chán quá nên muốn trở về thời hiện đại càng nhanh càng tốt, mà muốn trở về thì phải tìm ra giá nến hoa đào.. Cái vòng tròn bế tắc này không biết sẽ đeo bám Thu Đào đến bao giờ!

Kể từ lúc hay tin mình sẽ phải vào cung học lễ nghi để trở thành Chiêu Nghi, Thu Đào mượn cớ bái Phật tạ ơn để ngày nào cũng đến Huy Văn Tự, nàng chỉ còn thiếu mỗi việc xới tung từng tất đất của nhà chùa lên mà tìm, nhưng cái giá nến hoa đào ấy cứ như thể chưa từng tồn tại vậy, chẳng thể nào tìm ra chút manh mối gì.

Thêm mười ngày nữa đã trôi qua, vết thương trên trán nay gần như đã lành hẳn. Làn da trẻ trung của thân xác mười lăm tuổi này quả thật là có sức sống, hồi phục lại vẫn là lớp da trắng mịn không tì vết!

Tuy lấy lại được vẻ mặt xinh đẹp nhưng Thu Đào lại chẳng thấy vui mấy, mà ngược lại đây là khoảng thời gian nàng cảm thấy tù túng buồn bã nhất từ lúc trở về thời đại này, nàng cảm thấy cô đơn một mình không ai bầu bạn, bên cạnh chỉ có mỗi Xuân Mai luôn ân cần hầu hạ, cùng nàng đi khắp các ngõ ngách của Huy Văn Tự, hoặc xuống phố dạo chơi những buổi chợ phiên. Khi đã đi chơi khắp nơi trong kinh thành, cũng có những ngày nàng không ra khỏi phủ đệ, chỉ ngoan ngoãn tập đá cầu ở hoa viên hậu viện. Và cũng lắm khi xui xẻo bị Nguyễn phu nhân bắt ngồi trong thư phòng cùng với Thu Hằng đọc những sách lễ tiết quy củ trong cung, mà đối với một người "mù chữ" như nàng thì quả thật kinh khủng.

Hôm nay lại là một ngày xui xẻo của nàng đây!

Từ sáng sớm, trong cung đã phái người mang đến một quyển sách dày hơn cả chiếc gối của Thu Đào, nghe bảo đấy là bộ quy định về chế phục (*) của các cấp bậc cung tần trong hậu cung của Hoàng Thượng, nàng cần phải đọc để biết cách ăn mặc phù hợp, hoặc thông qua y phục mà phán đoán địa vị của những người mình gặp sau này.

Do bị hạn chế về mặt chữ nghĩa, Nguyễn phu nhân đã giao cho Kim Nương ngày ngày đọc sách cho Thu Đào nghe, vừa đọc vừa giảng giải khi cần thiết. Theo lời kể của Xuân Mai, Kim Nương trước kia từng là tỳ nữ thân cận của Ngô phu nhân lúc còn là Tiệp Dư của Thái Tông, sau khi mẹ con Ngô phu nhân đến Huy Văn Tự sinh sống bà phải theo chủ rời cung, nhưng lại không tiện ở nơi cửa chùa nên Ngô phu nhân đã gửi gắm bà cho phủ Điện Tiền. Vì vậy, Kim Nương rất có kiến thức và kinh nghiệm thực tế về lễ nghi cung đình, để bà dạy dỗ Thu Đào chính là giao việc người rồi!

Thu Đào ngồi chống cằm trên bàn, đầu óc cứ theo giọng đọc đều đều của Kim Nương mà năm lần bảy lượt rơi vào mộng mị, chốc chốc nàng bị giật mình vì những câu hỏi của Thu Hằng dành cho Kim Nương khi nghe đến đoạn khó hiểu, đôi lúc Thu Hằng còn cầm bút ghi chép lại cẩn thận nữa. Nhìn thái độ siêng năng chăm chỉ của em gái, Thu Đào thấy nàng ta mới đúng là ra dáng một Chiêu Nghi đoan trang quý phái, hơn bản thân mình vạn lần!

Kết thúc buổi học, Kim Nương vừa ra khỏi thư phòng thì Thu Đào liền lên tiếng tỏ ý thán phục muội muội:

- Nhị tiểu thư nhà ta siêng năng lại thông minh như vậy, phải chi muội thay ta làm Chiêu Nghi được thì tốt biết mấy!

Thu Hằng vẫn cầm bút chăm chú ghi ghi chép chép, ra chiều không quan tâm lắm đến lời khen của Thu Đào. Mãi một lúc sau nàng ta mới đặt bút xuống nghiên, mắt vẫn chăm chú vào những con chữ chứ không nhìn sang tỷ tỷ, rồi nói giọng kiêu hãnh:

- Muội cũng như tỷ, không để tâm đến danh vị Chiêu Nghi ấy đâu!

Đoạn Thu Hằng cười bí hiểm nói tiếp:

- Làm một vương phi cũng cần phải thông thạo nghi lễ cung đình mà!

Thu Đào cảm thấy thẹn thùng do trót lỡ lời với muội muội, vì đâu phải ai cũng tham lam danh vọng, với Thu Hằng thì ắt hẳn việc được gả cho Lê Hạo làm một vương phi mới là tốt nhất.

- Muội nói phải! Chiêu Nghi thì đã sao? Phải gả cho một người mình không có tình cảm cũng chẳng có ý nghĩa gì! – Thu Đào lại chống tay lên cằm chán nản trả lời.

Thu Hằng lúc này mới chú ý đến dáng điệu sầu não của Thu Đào, nàng cũng hiểu trong lòng Thu Đào vốn không hề có Hoàng Thượng, bất giác Thu Hằng thấy thương hại tỷ tỷ nên nhẹ nhàng đến bên cạnh nắm lấy bàn tay Thu Đào vỗ vỗ ra chiều an ủi chứ không nói thêm điều gì.

- Yên tâm, ta không sao đâu! – Thu Đào cũng trìu mến nắm lấy tay muội muội trấn an.

* * *

Rốt cuộc triều đình cũng đưa tin Hoàng Thượng đã hồi cung.

Nhà vua mở yến tiệc thiết đãi ba quân tướng sĩ suốt ba ngày ba đêm, cửa cung lúc nào cũng tấp nập người qua lại. Nguyễn Đức Trung cũng bận bịu suốt ngày, ông vào cung từ sáng tinh mơ, đến tối mịt mới trở về phủ.

Riêng Thu Đào khi biết tin toàn quân đã về thành thì rất đỗi vui mừng, trong suốt ba ngày hoàng cung thiết yến, mỗi ngày hai lần vào buổi sáng và chiều Thu Đào đều đến tìm Lê Hạo nhưng không gặp được, Ngô phu nhân luôn trả lời rằng chàng bận việc triều chính trong cung chưa trở về. Nàng cứ một lần rồi một lần thất vọng ra về, lòng như lửa đốt vì muốn biết tin tức về Lê Tuấn. Thu Đào đấm ngực tự trách:

- Mình thật là vô dụng, quen biết chàng bấy lâu nay mà cũng không hỏi được khi cần tìm chàng thì phải làm thế nào! Chẳng lẽ bây giờ lại đi hỏi cha về một nam nhân khác thì xấu hổ chết mất!

Trong lúc bế tắc không tìm ra cách nào để trở về thời đại thuộc về mình, ở chốn này chỉ có Lê Hạo và Lê Tuấn là hai người rất quan trọng đối với nàng, một người nàng xem là Sỹ Thành từng rất yêu thương, một người mang lại cảm giác bình yên giữa nơi xa lạ, thế mà đã gần một tháng trời không được gặp mặt, không có tin tức gì..

Thu Đào như chú chim lạc đàn, bơ vơ và lạc lỏng.

Hoàng thành Thăng Long tiết trời trở lạnh, hương hoa sữa phiêu diêu trong từng cơn gió thoáng qua bất chợt, những nhánh hoa lộc vừng rủ xuống như hàng nghìn chùm pháo đỏ bay phất phơ trên mặt hồ trong xanh. Hôm nay lại là một ngày có chợ phiên, từ sáng sớm Thu Đào đã lôi Xuân Mai ra khỏi phủ để cùng nàng dạo chơi. Thu Đào cũng như bao lần khác, nàng đi đằng trước Xuân Mai hết xem cái này đến ngắm cái kia, tiện tay thì cầm hai ba món đồ chơi hoặc bánh kẹo cho vào giỏ xách, Xuân Mai cứ thế đi theo trả tiền. Mỗi lần đại tiểu thư đi chợ phiên về là gia nhân trong phủ ai nấy đều có đồ ăn thức uống, vải vóc, áo quần nhiều như là một tháng nhận bổng lộc. Cũng vì thế Thu Đào được tất cả mọi người trong phủ vô cùng quý mến.

Chợ phiên hôm nay Thu Đào cảm giác hơi khác thường ngày, những món hàng bày bán đa số là đồ gốm sứ nhìn rất lạ mắt, khác hẳn với phong cách gốm sứ Đại Việt mà vài tháng nay nàng vẫn trông thấy, còn có những loại tơ lụa nhiều màu sắc bắt mắt, hoa văn tinh xảo hiếm thấy. Thỉnh thoảng đâu đó nàng còn nghe được giọng của những thương buôn nói tiếng Trung Hoa nhưng có vẻ hơi khác với loại tiếng Hoa phổ thông đã được học, nghe bảy chữ được, ba chữ mất, hiểu cũng bập bõm. Nàng thì thầm với Xuân Mai:

- Thì ra tiếng Trung Quốc cổ là như vậy! Cũng không hoàn toàn giống với thời hiện đại, nghe cũng không hiểu hết được!

Xuân Mai tròn mắt hỏi lại:

- "Trung Quốc" gì chứ! Đây là tiếng của người Minh Triều, mọi năm lúc vào Thu họ hay sang đây buôn vải với dân Đại Việt ta, em nghe nói phương Bắc khí hậu lạnh giá, vải vóc của họ mặc vào ấm lại mềm nên bán rất chạy, nhưng giá thành rất đắc, nô tì như chúng em chưa bao giờ được mặc thử hết!

Thu Đào nghe xong rất thích thú, liền kéo Xuân Mai sà ngay vào một gian hàng bán vải mà sờ mó xem thử. Hai cô gái tíu ta tíu tít bình phẩm về chất liệu và màu sắc của chúng, Thu Đào còn ướm hẳn lên người xem có hợp hay không mỗi lúc nhìn thấy hoa văn ưng ý. Họ mãi mê chọn lựa nên không để ý gã chủ gian hàng lén nháy mắt một cái với một tên đồng bọn đứng lẫn khuất trong đám đông sau lưng Thu Đào. Gã đồng bọn nhận được hiệu lệnh liền giả vờ xem hàng để tiến đến, lợi dụng đám đông áp sát vào hai cô gái, nhanh tay cắt phăng túi tiền Xuân Mai treo ở thắt lưng lúc nào thần không hay quỷ không biết.

Khi đã chọn xong vài xấp vải, Thu Đào bảo Xuân Mai lấy túi tiền ra trả thì cả hai mới hốt hoảng nhận ra tiền đã không còn nữa. Xuân Mai sờ soạng khắp người mình rồi hốt hoảng kêu lên:

- Chết rồi! Túi tiền của em đâu mất rồi!

- Cái gì? Rơi mất rồi à? – Thu Đào hoang mang hỏi.

Sau một hồi lục lọi khắp người và chiếc giỏ mang theo, cả hai xuôi xị nét mặt, chấp nhận rằng tiền đã mất hết cả. Thu Đào lấm lét nhìn lão chủ gian hàng xin lỗi:

- Bọn ta.. làm rơi mất túi tiền! Thật xin lỗi, ta không mua nữa!

Lúc này lão chủ hàng cười khẩy một cái rồi lật bài ngửa, giọng lơ lớ nói tiếng Việt không thạo nhưng rất hung hăng, tỏ rõ sự lưu manh của lão:

- Cái gì, ngươi lật tung hết cả gian hàng của ta, giờ nói một tiếng không mua là xong sao! Ta hỏi lại lần nữa, mua hay không?

- Nhưng bây giờ ta đã đánh rơi hết tiền, thật xin lỗi..

Lão chủ hàng gạt phăng đi:

- Không có xin lỗi gì hết, một là ngươi trả tiền, hai là ta sẽ bắt các ngươi làm nô tì để bù lỗ!

Xuân Mai tức giận cãi lại:

- To gan! Ông dám bắt tiểu thư nhà ta làm nô tì, chán sống rồi đúng không, đúng là mắt chó không biết thái sơn..

Xuân Mai chưa nói hết câu thì một toáng người có đến hơn chục tên hùng hổ kéo đến ngay sau cái khoát tay ra hiệu của lão chủ hàng. Chúng nhanh chóng khống chế hai cô gái, bẻ ngược hai tay ra sau lưng mặc cho Xuân Mai và Thu Đào chống cự đòi thả ra. Một tên râu ria lởm chởm, da đen, đôi mắt tròng trắng lo hơn tròng đen lại có vân đỏ dữ tợn xuất hiện, hắn rẻ đám đông sang hai bên, phách lối bước ra trước mặt Thu Đào nói lớn:

- Kẻ nào dám phá rối địa bàng của ta đấy!

- Hoàng Đại ca! – Lão chủ gian hàng và đám lâu la đồng loạt cúi chào hắn.

Lê Đắc Hoàng là một gã lưu manh khét tiếng cả kinh thành. Hắn chính là hậu thuẫn cho đám thương buôn Bắc triều lộng hành buôn gian bán lận, thường hay mượn cớ ức hϊếp dân đen để thu tiền bảo kê, lắm khi còn vô cớ bắt bớ nhiều cô gái bán sang phương Bắc làm bô bộc cho những gia đình trọc phú hay tệ hơn là vào các kỹ viện. Sỡ dĩ Lê Đắc Hoàng lộng hành được như thế là dựa vào em trai của hắn – Lê Đắc Ninh vốn là một thủ lĩnh đội thị vệ trong hoàng thành, thuộc Ngự Tiền Vệ của Nguyễn Đức Trung, giữ nhiệm vụ tuần tra trong và ngoài hoàng cung, cùng với đội Cẩm Y Vệ đảm bảo an ninh cho nội thành Thăng Long.

Thu Đào đoán tình thế có vẻ không ổn, bèn hạ giọng:

- Cùng lắm bọn ta sẽ trả tiền, các ngươi làm gì mà phải bắt bớ bọn ta như thế!

Lê Đắc Hoàng khoanh tay trước ngực hống hách nói:

- Mỹ nhân! Nể tình nàng xinh đẹp ta sẽ nhẹ tay. Tiền tất nhiên sẽ phải trả, nhưng tì nữ của nàng dám chửi bới thương buôn, làm ảnh hưởng giao thương của kinh thành, nàng phải đền bù thêm mới đúng!

Thu Đào vì muốn yên chuyện, vả lại hiện nay nàng đường đường là vị tiểu thư danh giá chẳng thiếu gì tiền, nên mạnh dạn hứa:

- Được! Ngươi muốn bao nhiêu ta cũng trả, mau thả bọn ta ra!

Lê Đắc Hoàng lại cười khẩy:

- Chẳng phải túi tiền nàng bị mất rồi sao? Nàng lấy gì trả?

- Bọn ta về nhà mang tiền đến là được chứ gì! – Thu Đào đáp.

- Nàng nghĩ bọn ta ngu chắc! Không khéo nàng trốn mất, hoặc giả nàng lừa dắt bọn ta về sào huyệt, cả hội nhà nàng đánh đuổi thì bọn ta chỉ có mất trắng! Như thế này vậy, nàng ở lại đây làm tin, ả tì nữ của nàng về nhà mang đến đây ba trăm quan tiền!

- Cái gì! Ba trăm quan tiền? Đúng là quân ăn cướp! – Xuân Mai tức tối chửi đỏng!

- Không trả thì theo bọn ta về nhà làm nô bộc mà gán nợ! – Gã chủ hàng cũng lớn giọng mắng lại.

Thu Đào biết đã rơi vào tay những phường du đảng liền bảo Xuân Mai im lặng và về nhà lấy tiền. Nhưng Xuân Mai làm sao dám bỏ lại vị tiểu thư vô cùng quý giá của Điện Tiền Phủ lại, không khéo thì bay đầu cả dòng tộc vì dám làm tổn hại đến Chiêu Nghi tương lai của Hoàng Thượng, nàng khổ sở van nài chúng:

- Xin các ngươi, muốn giữ làm tin thì hãy giữ ta, để cho tiểu thư được về nhà lấy tiền!

Bọn chúng nghe xong liền phá lên cười, Lê Đắc Hoàng giọng bỡn cợt mà rằng:

- Giữ ả nô tì không đáng một xu như ngươi để làm gì? Nhà họ lại chịu bỏ ba trăm quan ra chuộc tên hạ nhân như ngươi à! Để tiểu thư nhà ngươi lại đây! Mau đi về lấy tiền!

Mặc cho Xuân Mai tội nghiệp khóc lóc van xin, chúng vẫn không đồng ý thả Thu Đào. Biết rơi vào thế khó, dây dưa thêm chỉ phí mất thời gian, Thu Đào bèn an ủi Xuân Mai một lúc, hứa sẽ tự biết chăm sóc bản thân, nàng còn giải thích thêm rằng bọn chúng cũng chỉ cần tiền mà thôi, khuyên Xuân Mai hãy nhanh chóng về phủ cầu cứu, có tiền rồi ắt nàng sẽ được thả.

Chứng kiến hai cô gái bị bọn lưu manh ức hϊếp từ nãy đến giờ nhưng không một ai dám lên tiếng giúp đỡ, họ chỉ biết lấm lét trộm nhìn, cùng lắm là nán lại xem một lúc rồi cũng chỉ đành lắc đầu thở dài bỏ đi. Vì ai nấy đều biết rõ hai cô gái tội nghiệp lại sập bẫy bọn người của Lê Đắc Hoàng như biết bao nạn nhân khác, nhưng do nể sợ thế lực của em trai hắn nên chẳng ai dám ra tay tương trợ.

Xuân Mai sau một hồi phân vân, rốt cuộc cũng đành nghe theo lời Thu Đào mà một mình về phủ lấy thêm tiền, đi được vài ba bước nàng ta lại quay đầu nhìn Thu Đào với ánh mắt hoang mang đến tội nghiệp. Biết không còn cách khác, Xuân Mai cảnh cáo chúng một câu trước khi bỏ đi:

- Đây là đại tiểu thư của phủ Điện Tiền Chỉ Huy Sứ, các ngươi dám động đến một sợi tóc của tiểu thư thì hãy chờ chết đi!

Lê Đắc Hoàng vốn là kẻ thất học không hiểu biết chuyện quan chức, lại luôn hống hách tự cao vì người em trai được làm thủ lĩnh thị vệ ngự tiền, trong mắt hắn chẳng có ai quyền cao chức trọng bằng em trai Lê Đắc Ninh cả. Vì vậy hắn còn cười lớn thách thức lại Xuân Mai:

- Con nhà quan to thế cơ à! Ta sợ quá đi mất!

Rồi cả bọn phá lên cười ngạo nghễ.

Trước sự ngông cuồng của chúng, Thu Đào rất hoảng sợ mặc dù luôn cố tỏ ra bình tĩnh. Nhìn theo bóng Xuân Mai đang tất tả chạy vội vàng về phủ, Thu Đào thấy quả tim trong ngực lại đánh trống liên hồi, mồ hôi vả ra như tắm.

- Xuân Mai! Ta sợ lắm! Em mau trở lại nhé! – Thu Đào cắn môi thầm cần khẩn.

* * * Hết chương 18 ----

Chú thích:

1. (*) Chế phục: Quy định về áo mũ trong hoàng cung thời phong kiến.