Tình Đầu, Tình Cuối, Các Mối Tình

Chương 64: Ba Trăm Bốn Mươi Bốn Mét Trên Giây - 344M/S (4)

Chapter III

Mẹ, cây đàn violon. Chuông gió. Thầm lặng.



Không rõ do ngẫu nhiên hay cố ý, tôi được mẹ đặt cho cái tên Rê. Lúc ấy, tôi chưa biết bà yêu âm nhạc say đắm. Để rồi tôi cũng được bà truyền thụ cho tình yêu về những bản giao hưởng, những nốt nhạc cùng với cây violon.

Tôi thật sự thích chữ “Rê”. Mẹ tôi yêu bản giao hưởng số chín của Beethoven, Rê thứ, tôi cũng vậy. Đó là tác phẩm cuối cùng và vĩ đại nhất mà nhà soạn nhạc bất hạnh ấy để lại cho thời đại.

Điều khiến tôi kinh ngạc lẫn khâm phục là lúc sáng tác bản giao hưởng này, Beethoven đã hoàn toàn bị điếc. Tôi vẫn thường xuyên hỏi mình rằng: Nếu bị điếc thì sao ông ấy có thể viết ra một tác phẩm kinh điển như vậy? Và cũng từ giây phút đó, tôi bắt đầu yêu Beethoven.

Mẹ yêu âm nhạc, yêu tôi. Tôi yêu âm nhạc, yêu mẹ. Chỉ có điều, những người trong gia đình không ai yêu âm nhạc và cũng không ai yêu mẹ và tôi. Tôi chẳng rõ lý do vì sao nhưng tôi đã sớm hiểu điều ấy từ lúc tôi còn rất nhỏ khi mà ông bà ngoại, mấy dì, anh em họ nhìn mẹ và tôi bằng ánh mắt ghét bỏ.

Tôi có hỏi về thái độ đáng sợ của tất cả người thân trong nhà thì mẹ không nói, lặng lẽ mỉm cười rồi kéo tôi vào lòng, đặt lên tay tôi chiếc đàn violon. Nhiều lần giống vậy khiến tôi dần dần hiểu ra, bà muốn dùng âm nhạc để tôi quên đi câu hỏi không bao giờ được trả lời kia.

Tôi dễ dàng nhận thấy rằng mình khác những đứa trẻ đồng trang lứa. Ở chỗ, tôi không có cha. Mấy anh em họ tôi đều có cha nhưng tại sao tôi không có? Nhận thức non nớt của một đứa trẻ giúp tôi hiểu, gia đình trọn vẹn là phải có cha lẫn mẹ.

Tôi vẫn thường hỏi mẹ: “Mẹ ơi, cha con là ai?” và rất nhiều lần mẹ nhìn tôi trả lời duy nhất một câu: “Cha con, là đây!” vừa nói bà vừa cầm violon lên, trao nó cho tôi. Tôi chỉ biết tròn xoe mắt nhìn mẹ để rồi tôi giật mình khi thấy phản chiếu từ đáy mắt trìu mến của bà là nỗi đau vô hạn cùng dòng nước long lanh…

Kể từ giây phút ấy, tôi không bao giờ hỏi mẹ về cha nữa.

Vì là con gái nên tôi rất giống mẹ. Có thể nói là giống như đúc. Tôi, bản sao của mẹ. Tôi còn giống mẹ ở chỗ, niềm đam mê mãnh liệt dành cho âm nhạc. Thế nhưng, chỉ duy nhất một điều tôi khác bà, tôi chơi violon rất tệ.

Mẹ tôi, nghệ sĩ đàn violon giỏi. Còn tôi, như người khác hay nói, chẳng hề có năng khiếu. Dù vậy mẹ vẫn yêu tôi. Không thất vọng, không buồn bã bà chỉ âm thầm dạy tôi chơi violon.

Tuổi thơ tôi gắn liền với những buổi chiều nhạt nắng, với chiếc ghế gỗ sơn trắng gần bờ hồ và trên đó là những bản giao hưởng, với hình ảnh mẹ cùng tôi chơi violon. Đấy là phần ký ức tuyệt diệu nhất trong tôi.

Tuổi thơ tôi còn có cả mồ hôi của mẹ mỗi lần dạy đi dạy lại một đoạn nhạc cho con gái, cả lúc bà mỉm cười khi thấy nó đã kéo thành thạo cây vĩ.

Thật đẹp! Nắng, gió, âm nhạc, mẹ, cây đàn violon. Tất cả những điều đó đã làm nên tuổi thơ vĩnh cửu của tôi.

Vốn dĩ mọi thứ vẫn diễn ra tốt đẹp thế nhưng lại vẫn chính những con người ích kỷ ấy đã tạo ra vết chàm không thể xoá được trong con người tôi.

Có một lần, chẳng hiểu sao ông bà ngoại lại bắt nhốt mẹ tôi vào nhà kho. Họ khoá cửa và cứ vậy bỏ đi để mặc tiếng khóc lẫn van xin của mẹ. Mẹ gào thét gọi tên tôi… vì khi ấy tôi bị viêm tai phát sốt nằm trên giường.

Mẹ tôi hiểu, nếu không có bà thì sẽ chẳng ai mang đứa con gái tội nghiệp đang bệnh nặng đến khu trạm xá. Và đúng như thế, đêm đó, tất cả những con người có chung dòng máu với tôi kia vẫn ngủ ngon trong khi mẹ tôi không ngừng khóc và tôi thì tưởng chừng đã chẳng thể qua khỏi bởi cơn sốt kinh khủng lần ấy.

Tôi được mẹ đưa đến khu trạm xá vào buổi sáng sớm. Tôi không biết bác sĩ nói gì với mẹ chỉ biết rằng lúc mở mắt ra thì đã thấy bà ngồi bên cạnh giường nhìn tôi với đôi mắt tê dại, đau đớn.

Chứng viêm tai cùng với cơn sốt cao đã khiến đầu óc tôi không còn bình thường như trước. Não tôi chậm phát triển đi. Tôi phải mất nhiều thời gian mới có thể hiểu người khác truyền tải điều gì cũng như diễn đạt điều mình muốn nói. Con đường đến với âm nhạc của tôi càng khó khăn hơn!

Mẹ không bỏ rơi tôi. Bà yêu tôi hơn xưa, nhẫn nại hơn xưa bởi giờ đây để học một đoạn nhạc ngắn tôi gần như bỏ ra một tháng mới chơi được. Nhờ lời khuyên bảo của mẹ, tôi quyết tâm dùng những giai điệu để diễn tả cảm xúc của mình.

Tôi gắn bó với violon rất nhiều năm như thế và nhờ mẹ, nhờ âm nhạc mà tôi có thể vững vàng vượt qua giai đoạn bất hạnh nhất của tuổi thơ.

Để đến ngày kia, tuổi thơ tôi lần nữa bị vấp ngã bởi biến cố lớn. Đó là sự thay đổi nghiệt ngã nhất trong suốt cuộc đời tôi.

Ngày mẹ mất, tôi đã cố gắng hết sức để chơi cho bà nghe, lần cuối, bản giao hưởng Định Mệnh của Beethoven. Đây là tác phẩm Beethoven sáng tác khi ông mắc bệnh nặng, nó mang âm hưởng ca ngợϊ ȶìиᏂ yêu cuộc sống, cuộc chiến của con người chống lại định mệnh.

Khi đó, tôi rất khó khăn để cất tiếng dù bản thân rất muốn nói: “Mẹ ơi! Đừng bỏ con! Làm ơn đừng bỏ con!”. Hôm ấy, tôi cầm violon và chơi một bản nhạc rất tệ. Tôi chưa thể đàn được bản giao hưởng số năm này. Nó quá khó với tôi…

Tôi kéo cây vĩ, mắt đẫm nước, bờ môi thì mấp máy những từ không thể thành lời. Tôi cứ chơi mặc âm thanh của các sợi nylon chạm vào nhau nghe tệ hại, mặc bản thân đang đau đớn, mặc mẹ nằm trên giường bệnh lặng lẽ ra đi.

Mẹ, âm nhạc, đó là hai thế giới không thể thiếu với tôi. Nhưng giờ đây, tôi sụp đổ bởi một nửa tâm hồn đã bị gϊếŧ chết.

Tôi ngồi bất động trên ghế gỗ sơn màu trắng gần ngay bờ hồ, bên cạnh cây violon im lìm, lặng thinh. Mắt nhìn đăm đăm vào khoảng không phía trước, tư thế đó của tôi kéo dài hàng giờ liền. Lần đầu tiên trên những trang giấy đẹp đẽ của tuổi thơ tôi, không còn hiện hữu hình bóng mẹ.

Tim đau, khó chịu, l*иg ngực tưng tức nhưng tôi không khóc, có điều gì ngăn cản tôi. Tôi chẳng biết nên bộc lộ cảm xúc lúc này của mình ra sao…

Và rồi, tôi cầm violon lên, đến bên bờ hồ. Tôi nhắm mắt, bắt đầu chơi đàn. Tôi không thể bày tỏ xúc cảm của mình vì tôi là đứa trẻ bất thường thế nên tôi dùng âm nhạc để bộc lộ chúng. Những đau đớn cùng cực đang xé nát cơ thể mình.

Tôi đàn violon một cách điên cuồng, để bản thân thăng hoa cùng những nốt nhạc, để mọi thống khổ theo đó thoát ra. Khóc! Tôi đã có thể khóc! Mỗi lần kéo cây vĩ là mỗi lần tôi nhớ về mẹ và nước mắt rơi liên tục, rất nhiều đến nỗi tôi không còn đủ khả năng giữ chúng nữa.

Qua làn nước mắt tôi thấy bóng mình soi tỏ dưới mặt hồ trong vắt, tĩnh lặng. Vào khoảnh khắc kỳ diệu ấy, tôi thấy hình ảnh mẹ ẩn hiện trong tôi.

Tôi sẽ chơi nhạc, sẽ tiếp tục sống trên những cung đàn. Tôi tuyệt đối không ngừng lại vì muốn suốt đời này, mình không bao giờ rời xa cây đàn violon.

Tôi sẽ đàn, mãi mãi và bởi vì chỉ khi đàn tôi mới thật sự giống mẹ!

Sau khi mẹ mất, tôi rời khỏi nhà, mang theo cây violon, mang theo mẹ, mang theo tình yêu âm nhạc đến nơi khác. Một nơi mà mình có thể sống, có thể chơi đàn. Cuối cùng, tôi tìm đến cô nhi viện này. Tôi được các mẹ cho sống ở đây, khi đó tôi chưa đầy mười tuổi.

Tôi vẫn giữ cái tên Rê. Mọi người đối xử với tôi rất tốt, dần dần tinh thần tôi đỡ hơn. Tôi có thể nói và hiểu được người khác. Tôi sống hạnh phúc dù không có mẹ bên cạnh.

Vào mỗi buổi trưa, sau khi kết thúc bữa ăn, việc làm đầu tiên là tôi chạy một mạch đến phòng nhạc, đóng cửa lại rồi cầm đàn violon lên, nhắm mắt… Tôi nhớ đến mẹ trong khi tay phải kéo cây vĩ. Mỉm cười.

Trong buổi chiều mưa một năm sau, bốn mẹ đột nhiên mang về một cô bé toàn thân ướt sũng nước và sốt. Điều khiến tôi vui mừng là cô bé ấy cũng thích đàn violon giống tôi chẳng những thế còn chơi rất hay. Lúc hỏi việc đặt tên, cô bé đã chơi bản giao hưởng số ba Eroica, xong đáp rằng: “Tên con là Mi.”

Tôi và Mi trở thành đôi bạn thân vì cả hai có niềm đam mê. Mi đã dạy tôi chơi đàn. Chúng tôi gắn bó với nhau như hình với bóng suốt hai năm.

Năm hai chúng tôi mười hai tuổi thì cậu ấy bất ngờ xuất hiện, Đô. Tôi có cảm tình với Đô ngay lần đầu tiên gặp, nhất là lúc trông thấy cậu ấy đứng khóc khi nghe bản giao hưởng Định Mệnh do Mi đàn.

Một lần nữa, không rõ do ngẫu nhiên hay cố ý, số phận đã gắn kết ba chúng tôi lại với nhau.

Đô cũng giống như Mi, dù chỉ mới bắt đầu đàn violon nhưng cậu ấy đã hơn hẳn tôi vì nhờ có năng khiếu. Trong ba người, tôi là đứa chơi kém nhất nhưng tôi không buồn vì điều này, ngược lại, tôi luôn tự nhủ bản thân phải hết sức cố gắng để có thể đuổi kịp họ.

Tôi thích những buổi trưa được Đô và Mi chỉ dẫn đàn các bản giao hưởng khó. Vì biết tôi chậm hiểu nên cả hai rất nhẫn nại, kiên trì giúp tôi. Tôi vui sướиɠ mỗi lần họ mỉm cười mãn nguyện, vui sướиɠ khi mình đàn thành thạo một đoạn nhạc dài nào đó. Khoảng thời gian ấy thật tuyệt vời hệt như lúc tôi còn bên mẹ.

Ba năm lần lượt qua đi, tất cả cứ ngỡ sẽ như thuở ban đầu cho đến ngày kia, cái ngày tôi nhận ra bản thân thích Đô. Dù tôi vẫn mãi là người bất thường nhưng tôi có thể hiểu cảm giác mình dành cho Đô đã khác xưa. Nó không đơn thuần giống tình bạn nữa…

Tôi thích ngắm nhìn Đô nhiều hơn, thích được ở cạnh cậu ấy, thích những lúc Mi lười biếng và chỉ cậu ấy dạy tôi chơi đàn trong phòng. Tôi thích mọi thứ liên quan đến Đô.

Lúc tôi biết mình thích Đô cũng là lúc tôi không thể đến gần cậu ấy được nữa…

Hôm đó, tôi cùng Đô vào nhà sách. Lựa chọn rất lâu ở quầy hàng lưu niệm, Đô chợt hỏi tôi về một chiếc nơ bướm màu xanh rất đẹp. Tôi gật đầu liên tục và Đô liền cười khẽ tiếp theo cậu ấy mua nó.

Tôi quan sát thấy Đô nhờ người ở quầy thu ngân gói chiếc nơ thành món quà. Khi đó, tôi nghĩ cậu ấy sẽ tặng tôi vào ngày sinh nhật sắp tới. Tôi rất vui, lòng rộn ràng chờ đợi đến giây phút mở quà của Đô.

Thế nhưng, thứ mà tôi nhận được sau lớp giấy gói bóng loáng nọ không phải chiếc nơ màu xanh mà là cái chuông gió bằng gỗ nhỏ. Tôi hụt hẫng và hơi thất vọng.

Tôi không biết Đô sẽ tặng chiếc nơ kia cho ai. Mãi đến sinh nhật của Mi thì tôi đã có câu trả lời… Đứng nhìn Mi mỉm cười với Đô, trên mái tóc đen có buộc chiếc nơ xanh, lòng tôi buồn kinh khủng.

Tôi trở về phòng, đưa mắt nhìn cái chuông gió treo trên khung cửa sổ. Nó im lìm. Chuông sẽ chẳng thể ngân lên khúc nhạc nếu không có gió. Tôi cầm lấy đàn, nhắm mắt và chơi một bản nhạc không tên… Chính xác, nó chỉ là cảm xúc của tôi. Tôi vẫn dùng violon để diễn tả điều muốn nói.

Nước mắt rơi nhẹ nhàng lên thân đàn. Tình cảm tôi dành cho Đô nhiều đến mức đã hoá thành lệ.

Đúng lúc, gió bắt đầu thổi và bên tai tôi, ngoài những nốt nhạc phát ra từ cây violon còn có giai điệu leng keng của cái chuông…

Chuông gió chỉ cất lên khúc nhạc khi có gió và sẽ không ai hiểu được ý nghĩa đằng sau các thanh điệu đơn độc ấy.

Tôi không muốn làm tan vỡ tình bạn mà chúng tôi đã có với nhau suốt ba năm hạnh phúc vì vậy tôi quyết định để hình ảnh Đô tận sâu trong trái tim mình.

Tôi vẫn sẽ yêu Đô, vẫn sẽ yêu Mi như những ngày xưa bởi với tôi cả hai đều quan trọng. Tiếp tục chơi đàn cùng Đô và Mi, tôi mỉm cười thật sự khi cả ba bên nhau.

Tôi nhớ mãi buổi trưa của cái ngày Mi tiết lộ cho tôi với Đô biết vận tốc âm thanh trong không khí là 344m/s. Quả thật kỳ diệu! Nhưng điều làm tôi sung sướиɠ hơn bao giờ hết chính là lời hứa của ba chúng tôi.

Cả ba sẽ cố gắng trở thành những người chơi đàn giỏi rồi thành lập nhóm nhạc giao hưởng để một ngày nào đó, chúng tôi sẽ cùng chơi bản giao hưởng Định Mệnh.

Thế nhưng, cái ngày tôi hằng mong đợi đó lại chẳng bao giờ thành hiện thực vì sự ra đi đột ngột của Mi. Mi rời khỏi cô nhi viện rồi không quay về nữa. Điều ấy trở thành biến cố mà tôi lẫn Đô đều không hề mong muốn. Cả hai chúng tôi đã mất đi một người bạn vô cùng quan trọng. Tất cả đổi thay.

Tôi. Đô. Mi. Ước mơ. Cung đàn. Những bản giao hưởng. Mọi thứ vuột khỏi tầm với của một lời hứa.