Nhật Ký Mang Thai Tuổi 17

Chương 20

Nghe xong tự dưng tôi thấy đỡ hồi hộp hẳn. Xem ra, người nhà Chan Chan cũng bình thường chứ không phải ông này bà nọ. Hẳn tôi bị nhiễm phim Hàn nhiều quá, cứ hay tưởng tượng ra chủ tịch tập đoàn, tổng giám đốc công ty nhất nhì nước bla bla đủ thứ. Dẫu sao tôi cũng thầm cám ơn về việc gia đình Chan Chan chẳng phải bề thế gì. Bởi, tôi chỉ là người bình thường, nếu nhà cậu ta giàu nứt vách đổ tường thì hai giai cấp, hai tầng lớp cách nhau quá xa sẽ khó mà hoà hợp.

“Mọi người ngồi đi, đứng mãi mỏi chân.” – Chan Chan giục.

Lòng nhẹ bớt phần nào nên năm người chúng tôi lần lượt ngồi vào ghế. Tuy vậy, rõ ràng không khí gia đình này vẫn khá nặng nề. Kiểu như một sự lạnh lẽo đang bao trùm… Đúng lúc mẹ Chan Chan cất giọng, là phụ nữ mà tiếng nói rõ to hơn đàn ông:

“Để cho dễ xưng hô, anh chị cứ gọi tôi là Trúc Hà, chồng tôi là Trung Tài, con gái lớn tôi tên Hoà Trâm, thằng thứ ba tên Dũng Văn, đứa con dâu tên Hồng Anh.”

Theo phép lịch sự, cha tôi cũng lần lượt giới thiệu tên từng người trong gia đình ra:

“Vâng anh Tài chị Hà, tôi tên Hữu Sang, vợ tôi tên Hoài Diễm, kế bên là Min Min con gái lớn của chúng tôi, hai cháu sinh đôi là Huy Hoàng và Quang Vinh.”

Tôi cùng hai thằng em đồng loạt cúi đầu chào hai bậc tiền bối. Lúc ngước mặt lên, tôi hơi giật mình khi thấy chú Trung Tài nhìn mình cùng nụ cười hiền hoà:

“Cháu là Min Min? Cháu có thể cho chú xem giấy báo kết quả mang thai?”

Gật đầu với vẻ lúng túng, tôi lấy nhanh tờ giấy kết quả ra đưa cho chú Trung Tài bằng cả hai tay. Ông mau chóng đón lấy rồi đeo kính vào xem qua mấy dòng chữ đánh máy trong đó. Vài giây sau, tôi và mọi người nhíu mày khi ông lấy kính hiển vi ra đặt lên con dấu đỏ của bệnh viện xem xét kỹ càng. Đừng bảo là ổng nghĩ tôi giả mạo giấy báo kết quả nha trời! Tôi mà đủ sức làm chuyện ấy ư?

Thở dài. Cất kính hiển vi và cả cặp kính cận, chú Trung Tài lập tức tặc lưỡi một cái rõ to:

“Là dấu thật. Vậy giấy báo kết quả này đúng. Chan Chan!”

Chan Chan tiến lại chỗ chú Trung Tài rồi bỗng nhiên thình lình ông đứng bật dậy đánh phát mạnh vào đầu con khiến tôi với gia đình hết hồn. Gì nữa vậy?

“Mất dạy! Mày làm con gái người ta mang thai rồi đẹp mặt chưa? Hư đốn!”

“Cha à, đang có khách đừng nên như vậy.” – Cô chị hai Hoà Trâm nói nhanh – “Chuyện đánh mắng để lát sau đi ạ, giờ ta cần nói vào vấn đề chính.”

Chú Trung Tài sửa cổ áo, nhìn con trai cay cú xong rồi ngồi trở lại vị trí, mỉm cười:

“Ừm, đây là lỗi của Chan Chan nhà tôi. Đáng lý, tôi nên quản giáo nó tốt hơn. Nhưng anh chị yên tâm, đêm qua khi nghe xong chuyện là tôi đã đánh thằng hư đốn này một trận. Anh chị cứ nhìn con mắt sưng vù của nó là biết.”

Chú Trung Tài đưa tay chỉ vào mắt bên phải của Chan Chan trong khi cậu ta xoa đầu vì cú đánh mạnh bạo ban nãy. Tôi trông thế mà hãi! Đời thuở nhà ai lại đi “phe” thành tích đánh con nhừ tử cho người ta thấy chứ. Coi bộ ông cha này rất thản nhiên trước việc thượng cẳng tay hạ cẳng chân với con cháu lắm. Tôi bắt đầu nuốt nước bọt.

Cha tôi định lên tiếng nói gì đó nhưng mẹ đã nhanh miệng ứng đáp trước, chắc bà sợ ông mất bình tĩnh phát ngôn những câu đυ.ng chạm gia chủ:

“Dạ anh quá lời, thật ra lỗi cũng không hẳn ở cháu Chan Chan. Nghe bạn con Min Min bảo, do hai đứa uống nhầm rượu nho nên mới xảy ra chuyện đáng tiếc này.”

“Nhưng Chan Chan là con trai, nói gì thì nói, lỗi phần lớn cũng từ cháu. Thế anh chị dự định giải quyết việc hai đứa ra sao?” – Cô Trúc Hà nhìn qua một lượt cha mẹ tôi.

Tôi nghe được âm thanh thở dài buồn rầu từ cha. Còn mẹ, nghĩ ngợi chốc lát rồi bảo:

“Thật sự, gia đình tôi cũng chưa biết phải làm thế nào. Min Min mới mười bảy tuổi, đang đi học mà giờ phải mang bầu thì khó khăn đến dường nào.”

Chú Trung Tài và cô Trúc Hà lần lượt đưa mắt nhìn nhau. Không gian căn phòng bất chợt lặng im đến ngột ngạt. Nhưng nó nhanh chóng bị phá vỡ bằng tiếng thở hắt từ anh ba của Chan Chan, Dũng Văn, cùng câu nói ra điều chán chường:

“Chuyện đã ra nông nỗi này thì đành để hai đứa nó lấy nhau thôi.”

Gì cơ? Tôi phải làm vợ cái tên Chan Chan hả? Điều kinh khủng là tôi sẽ về làm dâu gia đình kỳ quặc này ư? Không bao giờ! May thay, chị Hoà Trâm đã lên tiếng phản đối:

“Em chớ ăn nói linh tinh. Chan Chan và cô bé Min Min còn chưa mười tám tuổi mà kết hôn gì.”

Tôi thở phào! Chị ấy nói đúng ghê. Theo luật nhà nước Việt Nam: chưa đủ mười tám thì chưa thể lấy nhau. Thế nhưng tôi đã vui mừng quá sớm vì chị Hoà Trâm nhìn cha mẹ tôi bảo:

“Thưa cô chú, bây giờ em Min Min đã mang thai với Chan Chan, em trai cháu sẽ phải chịu trách nhiệm. Tuy hiện tại hai đứa chưa thể kết hôn nhưng chỉ cần sang năm lúc chúng đủ mười tám tuổi thì sẽ cho tổ chức hôn lễ.”

“Dạ?!” – Tôi và Chan Chan kêu to.

“Cháu tính thế này: Tạm thời để Min Min về nhà cháu ở, bắt đầu cuộc sống làm dâu.”

“Sao? Bắt con gái tôi về làm dâu khi mới mười bảy tuổi?” – Cha tôi cau mày ngạc nhiên.

“Thưa chú.” – Chị Hoà Trâm tiếp – “Đứa trẻ trong bụng em Min Min đã trở thành sợi dây ràng buộc em ấy với Chan Chan. Dù tất cả chúng ta đều không muốn nhưng cũng phải cho hai đứa kết hôn với nhau. Lý nào, bác muốn đứa bé sinh ra mồ côi cha hay mẹ sao? Cháu nhất định bắt Chan Chan chịu trách nhiệm… Như vậy thì đối với Min Min, chí ít em ấy sẽ không mang tiếng chữa hoang vì có sẵn một gia đình chồng chờ đợi.”

“Tôi không thể để con gái làm dâu ở tuổi đang đi học.” – Cha tôi đứng dậy – “Còn đứa trẻ trong bụng nó thì… phá đi là xong!”

Tôi tròn xoe mắt nhìn cha. Ông muốn tôi phá bỏ đứa con này à? Từ bỏ máu mủ của chính mình… Liệu, tôi làm được chăng? Rốt cuộc, thế nào mới nên làm còn thế nào thì không nên làm? Tôi bắt đầu rối bời ngổn ngang. Tức thì, Chan Chan cất tiếng phản đối:

“Chú, nếu phá thai sẽ không tốt cho Min Min.”

“Cậu im đi! Ngoài cách đó ra thì còn cách nào tốt hơn chứ?” – Cha tôi gần như gắt lên.

“Chan Chan nói đúng! Chú có hiểu hậu quả của việc phá thai không? Sẽ để lại rất nhiều hệ luỵ cho Min Min. Em ấy còn nhỏ, vấn đề tâm lý ảnh hưởng rất lớn cho cuộc sống sau này. Chú có thể chấp nhận đẩy con gái vào chỗ nguy hiểm thế ư?”

“Những hệ luỵ của việc phá thai không phải ai cũng gặp. Còn chuyện tâm lý, Min Min là đứa mạnh mẽ nên nhất định vượt qua.”

“Không!” – Chị Hoà Trâm lớn giọng – “Chú tuyệt đối không bao giờ hiểu được chấn thương tâm lý của những đứa trẻ đã phá thai!”

“Thế cháu thì hiểu à?” – Cha tôi mở trừng mắt, hỏi.

“Phải! Cháu hiểu! Rất hiểu là đằng khác!” – Dường như chị Hoà Trâm hơi xúc động.

Cuộc tranh cãi kết thúc khi cha tôi bắt gặp đôi mắt ươn ướt nhưng đầy kiên quyết của chị Hoà Trâm. Có lẽ ông cũng như tôi, lờ mờ đoán ra được một điều gì đó từ cô gái ba mươi ấy.