Ngày xưa ở Gia-định có một tên cướp lợi hại bị bắt và kết án tử hình. Trong ngục, hắn ta bảo người nhà đem hậu lễ đến chạy chọt với tên quan án để mong quan cố tìm cách cứu hắn thoát chết. Quan án nhận lời, đòi phải có đủ hai mươi nén bạc mới có thể lo lót xong. Người nhà tên cướp lo đủ số bạc. Nhưng sau khi nhận đủ bạc rồi, quan lại muốn ăn không một mình, không muốn chia với bọn quan đầu tỉnh và bọn quan trong bộ. Vì thế, cái đơn xin ân xá của tên cướp bị bộ bác, tên cướp vẫn bị đem ra pháp trường xử trảm. Còn quan án ta sau đó, để tránh mặt, bèn cố chạy chọt để được đổi về kinh làm lang trung bộ Hộ.
* * *
Một hôm, có một ông cử quê quán ở Gia-định sửa soạn về kinh thi hội. Nhưng nhà ông nghèo quá không biết lấy gì để chi tiêu dọc đường. Ông đi vay hết mọi nơi nhưng vẫn không đủ số. Sắp đến ngày phải ra đi, bỗng có một người khách tự dưng tìm đến làm quen, nói rằng mình cũng sắp trẩy kinh nên đến rủ ông cùng đi cho có bạn. Thấy ông cử than rằng mình chưa lo xong tiền ăn đường, người khách lạ ấy hứa sẽ chịu mọi phí tổn, quý hồ được cùng đi với ông là tốt rồi.
Sau ngày khởi hành, ông cứ dần dần thấy người bạn đồng hành của mình quả tốt bụng hơn ông tưởng. Mỗi lần đến một chặng nghỉ ở nhà trạm, ông thấy hắn chăm lo cho ông từ cơm nước cho đến chỗ ăn, chỗ ở, hơn cả một người hầu. Tiền nong hắn chịu tất, trái lại về phần hắn, chẳng thấy hắn lo liệu gì sốt. Không bao giờ hắn chịu ăn cùng mâm, nằm cùng chiếu với ông. Càng ngày ông cử càng thấy áy náy không yên. Từ chỗ chịu ơn đến ngạc nhiên, ông thấy không thể im lặng mãi, nên nhân lúc vượt qua một cái đèo, bèn hỏi:
– Bác lo lắng chỗ ăn chỗ trọ cho tôi thực là chu đáo. Tôi không biết cảm tạ thế nào cho xứng cả. Nhưng tại sao về phần bác, tôi chẳng thấy bao giờ bác bận tâm đến mình. Thế bác ăn ở đâu? ngủ ở đâu?
Nghe ông cử kêu lên như thế, người khách lạ nói tiếp:
– Không can gì. Tôi mang oán thì tôi cứ trả oán; còn bác chịu ơn thì cứ lo mà đền ơn. Chỉ cần bác giúp tôi khi đến kinh chỉ nhà tên đó cho tôi là đủ.
Khi hai người đến kinh bèn từ giã nhau. Một người tìm vào khu trường thi để sắp đặt chỗ trọ, còn con ma thì tìm đến nhà viên án sát để nghĩ cách báo thù.
Thoạt đầu hắn làm cho đứa con quan án phát điên. Thằng bé trạc mười bốn, mười lăm tuổi, đang hiền lành lễ phép, bỗng dưng sinh ra hung hăng dữ tợn, hoa chân múa tay, miệng nói nhảm nhí gây gổ với mọi người.
Cơn điên bốc mạnh, thằng bé cầm con dao múa lên rồi chạy khắp nơi, cuối cùng làm bị thương một đứa bé khác và đâm chết một người đi đường. Thân nhân người chết khôn xiết đau đớn, vội mang xác đến nhà cha mẹ đứa bé bắt đền mạng. Quan án phải bỏ ra một lúc rất nhiều tiền không những để sắm hòm ván, thuê chôn cất và đền cho thân nhân người bất hạnh, mà còn dùng đút lót cho quan nha sở tại để họ khỏi sinh sự lôi thôi. Trong khi đó, quan phái người nhà tìm bắt con về để tìm thầy chạy thuốc. Nhưng bao nhiêu thuốc men uống vào đều vô hiệu. Quan án lại mời một thầy phù thủy cao tay đến để trị tà bắt quỷ. Nhưng sau ba ngày ba đêm chứng điên của thằng bé vẫn không thuyên giảm chút nào. Thầy thú thực rằng vì tà ma quá mạnh không thể trấn áp được. Quan án tuy tiêu tốn đã nhiều công của, vẫn không nản lòng, hứa sẽ thưởng một số tiền lớn cho người nào chữa được con mình lành bệnh.
Cho đến ngày trường thi treo bảng, ông cử Gia-định mới biết mình “trượt vỏ chuối”. Đang khổ vì tứ cố vô thân, không biết xoay đâu tiền ăn đường, thì bỗng gặp lại người khách lạ. Hắn bảo ông:
– Bây giờ là lúc bác có thể trả ơn cho thầy học của bác được rồi đấy. Tôi ra đây lúc đầu định vật chết con nó báo thù chơi, nhưng sau nghĩ lại thấy tội của nó chỉ đáng làm cho con nó điên khùng một dạo là đủ. Bây giờ bác đến đấy trả ơn cho người ta, lại vừa có thể kiếm một số tiền lộ phí. Còn tôi, tôi phải vội về trước.
Ông cử liền tìm đến nhà thầy học cũ. Quan án vì trong nhà đang có chuyện bối rối, không muốn tiếp người học trò của mình, bèn bảo người nhà ra nói dối là mình đi vắng. Nhưng ông cử vội đáp:
– Tôi đến đây là vì công tử con thầy đấy!
Nghe nói thế, quan vội sai mời ông vào.
Ông cử giả thác rằng mình có một phương thuốc bí truyền có thể chữa chạy những bệnh điên cuồng rất hiệu nghiệm. Cách chữa của ông rất giản dị: hàng ngày ông đến trước con bệnh, mặc cho nó gào thét múa may, ông thong thả ngâm lên những bài phú cổ. Ông cứ kiên nhẫn làm như vậy suốt ba ngày. Bệnh của đứa bé lui đi trông thấy. Cuối cùng, khi thấy thằng bé đã hết điên, ông cắt cho nó những chén thuốc bổ. Quan án vô cùng mừng rỡ, ca ngợi không tiếc lời tài thuốc của người học trò cũ, và trước khi người ấy ra về, mang tặng hai mươi nén bạc để đền công đã chữa cho đứa con mình.