Ai Tông Mạt Quốc

Chương 2: Ôn Quốc Công Chúa

Chim vừa rời tổ chưa bao lâu, Thủ Trung đã quay lại điện. Y thấy l*иg trống trơn bèn hỏi, “Hoàng thượng vừa thả chim ra sao?”

“Chim có cánh là để bay, hà cớ nhốt trong cũi.”

Thủ Trung mới đáp, “Chim có cánh nhưng cũng gãy cánh, giống như vậy có bay đâu cũng chết. Chi bằng ngoan ngoãn ở trong cũi, an hưởng cuộc đời an yên, nhàn cư hưởng thái bình.”

“Thiên hạ loạn lạc, đi đâu để hưởng thái bình?”

“Chuyện ngoài kia, chim trong l*иg cả đời cũng đâu bao giờ biết?”

Tuyên Tông hiểu ý Thủ Trung, trong lòng rầu rĩ nhưng không nói thêm lời nào. Thủ Trung dẫn vua về nội điện, rồi hớt hải chạy sang điện Nam Phòng để ăn tiệc với Ô Cổ Kinh. Thư cấp báo của tướng giữ ải Hoàn Nhan Hợp gửi về, báo quân Mông Cổ đã hành quân tới gần Thiểm Tây, Trung cũng không đọc, giấu nhẹm các quan viên trong triều vì sợ mất cuộc vui.

Tuyên Tông sức khỏe vốn đã yếu dần, thường xuyên mắc bệnh cảm, mới truyền cho con gái út là Ôn quốc công chúa Hoàn Dĩ An tới chăm sóc. Ai tới chầu vua cũng bị gia nhân của Thủ Trung dò hỏi lí do muốn gặp, chỉ riêng với công chúa, Thủ Trung nghĩ là phận đàn bà, không có gì phải đề phòng, nên không dò hỏi gì cả.

Lần này vua cho triệu con gái tới, dặn con chỉ mang theo người thân tín nhất. Dĩ An tới cùng một cung nữ mang tên La Mạc Huệ vốn đã chăm sóc nàng từ tấm bé, quan hệ khăng khít. Khi Mạc Huệ lấy nước rửa lưng cho vua, vua mới dùng ánh mắt hỏi dò công chúa, đại ý người này có tin tưởng được không. Công chúa gật đầu, vua mới nói, “Hôm nay trẫm gọi con đến đây, thực ra là có đại sự muốn bàn.”

Công chúa cúi đầu, hỏi vua rằng việc gì.

Vua ôm lấy vai công chúa mà rằng, “Ta nay như cá trong bể, muốn nhảy khỏi bể cũng chết khô trên cạn. Trước anh con Thủ Tự còn trong cung, ta dại dột nghe lời Thủ Trung đuổi nó lên biên ải. Giờ biên cương đang nhiễu nhương, chuyện trong cung tới thời cấp bách nhưng không ai biết. Tâm phúc trong triều hoặc Thủ Trung đã thủ tiêu, hoặc cho từ quan hết rồi. Chỉ còn Vương Diệu là bô lão, Thủ Trung nó không dám đυ.ng, nhưng nó cũng đề phòng cẩn mật lắm, không cho ra khỏi kinh đô. Nên trẫm đã viết mật chỉ này, nếu con không ngại khó khăn, thì con hãy đem giúp trẫm tới anh trai con.”

Công chúa đáp nhỏ, “Phụ thân đã dặn, nhi thần không dám trái lời. Nhưng bốn cổng Cấm quân đều canh phòng cẩn mật, ra vào phải có lý do chính đáng. Nhi thần muốn đi xem hoa cũng phải xin phép quan nội chính. Nếu nhi thần có ra khỏi thành, không bị giữ lại tại cổng thì hoàng huynh cũng xua quân đi bắt phải về.”

“Con gái ta gan dạ chẳng kém một ai. Anh trai con trước giờ không tiếp xúc với con, sẽ lơ là không phòng bị. Ngoài cổng Tây thành có Lăng Mỗ hầu Vương Xán, con trai Vương Diệu, đóng cách đó năm mươi dặm, rèn đội Trung Hiếu Binh, bọn Toàn Tuân khống chế không nổi mới phải sai đóng trại ở xa. Con tới được đó, đưa ấn tín này cho Xán, hắn ta nhất định sẽ tin lời,” nói rồi, Tuyên Tông mới lấy từ dưới gối một tổ vật; một viên ngọc bích khảm ba con hạc cổ quấn vào nhau.

“Nhi thần đi rồi, hoàng huynh biết chuyện ắt sẽ bắt nhốt cha. Nhi thần sợ có chuyện không hay.”

“Trẫm sống thế này chẳng khác gì chết. Thủ Trung vô đạo, nhưng gϊếŧ cha cướp ngôi nó nào đã dám. Con tới được Tây An suôn sẻ, vời anh con về đây, cũng sẽ là đại phúc của họ nhà ta, con cũng sẽ được rạng rỡ với tiên tổ vậy. Giang sơn này trăm sự vạn sự nhờ con.”

Ôn quốc công chúa mới tuổi mười lăm nhưng đã lanh lợi, ăn nói đĩnh đạc. Dung nhan nàng thanh tú, hai má bầu bĩnh, mắt sáng như ngọc, đôi mày tơ như lá liễu. Nàng lại được vua cha chiều chuộng, cho ăn học chẳng kém gì các hoàng tử, nên tình cảm với Tuyên Tông sâu nặng. Chuyện mạt quốc chưa biết tới đâu, nhưng tính mạng vua cha như treo trước thòng lọng thì rõ ràng lắm. Công chúa mắt ngấn lệ, không biết nói lời nào cho phải. Vua cũng khóc, ôm con mà rằng, “Đừng lo cho trẫm. Chúng nó không dám làm gì ta đâu.”

La Mạc Huệ phải khuyên nhủ mãi công chúa mới thôi khóc. Dĩ An cất ấn tín và mật thư vào trong chiếc túi vải đeo bên mình, lau mặt ráo hoảnh rồi mới bước ra, cười nói với lính gác cổng như không có chuyện gì xảy ra. Về tới tư phòng, Dĩ An mới hốt hoảng vò đầu bứt tai, đi qua đi lại, gõ chân xuống mặt đất tanh tách. “Ta phải làm gì bây giờ? Việc lớn như thế này, ta chưa bao giờ làm.” Rồi quay ra nhìn Mạc Huệ. “A di nhập cung từ hồi tổ phụ của ta còn sống, hẳn phải biết nhiều con đường xuất cung ít người qua lại. Liệu có đường nào có thể giúp ta an toàn ra khỏi thành không?”

La Mạc Huệ đáp, “Công chúa trước giờ đều hay tự ý ra ngoài, không phải để ngao du thì cũng đi săn bắn. Cớ sao lần này phải tìm đường khác mà đi? Chi bằng ta cứ bước ra khỏi thành môn như bình thường, vậy là ít sinh nghi nhất. Thần và công chúa giả đò đi săn, mỗi người một ngựa, nếu Thái tử có sai người đuổi thì ta cũng chạy được.”

Công chúa ngẫm là phải, y lời mà làm. Sáng hôm sau, nàng giấu mật thư trong giày da thuộc, Mạc Huệ khoét một lỗ dưới đáy ống đựng tên, nhét ấn tín vào trong rồi lấy vải khâu giấu đi. Hai người bước ra khỏi Tây thành môn từ tờ mờ sáng, gặp các quan viên đều dừng ngựa, cười nói chào hỏi, với lính canh cũng bắt chuyện như thường, không ai mảy may nghi ngờ. Khi bước khỏi nội môn, viên quan gác cổng nhận ra công chúa, cung kính chào hỏi rồi nói, “Nay trong kinh thành có yến tiệc, hạ thần đứng đây đón quan khách chỉ thấy người đi vào thành, chứ không thấy ai đi ra.”

Công chúa đáp, “Yến tiệc tuần nào Ô Thừa tướng chẳng cho tổ chức. Mùa này sơn dương về nhiều, tháng trước ta đã không đi săn, giờ không thể bỏ lỡ được.”

Viên quan nói, “Công chúa nói phải. Nhưng Toàn thượng thư đã có lệnh, ai ra khỏi nội môn đều phải có giấy thông hành.”

“Trước giờ ta chưa bao giờ nghe tới luật này.”

“Bẩm, Thái tử mới ban lệnh từ đầu tháng.”

Công chúa khoanh tay trước ngực, lắc đầu. “Tự ngươi nghĩ mà xem. Cứ cách nhật lại có yến tiệc, quan viên vào ra phải trăm nhân khẩu. Người nào là thân tín của Toàn thượng thư đều ra vào, không bẩm báo với ai, tới Hoàng thượng còn không hay biết. Vậy cớ sao ta từ trong ra ngoài lại phải có giấy thông hành? Hay ý nhà ngươi là ta không đáng tin bằng quan viên từ Hứa Xương hay Bộc Dương?”

Viên quan lắp bắp, gãi tai không biết đáp sao, mới bẩm, “Công chúa nói phải. Nhưng là chỉ thị của Toàn thượng thư, thần chỉ biết làm theo chứ không dám trái lời.”

“Vậy thì chỉ thị của ta là hãy cho ta qua cổng. Nếu ngươi có gặp rắc rối gì thì cứ bảo Toàn Tuân tìm tới ta.”

Viên quan hết lí, đành phải cho công chúa qua. Dĩ An và La Mạc Huệ cười thầm trong bụng, biết rằng qua được nội môn thì đường ra ngoài thành sẽ dễ dàng hơn hẳn, liền dong ngựa thong thả đi. Nhưng đi chưa được chục bước thì có tiếng gọi với lại từ phía trong, “Xin công chúa chớ vội!”

Công chúa tay nắm chặt cương ngựa, biết giọng nói khàn đặc đó chẳng mang lại gì ngoài rắc rối. Quay lại thì thấy kẻ vừa gọi mình chính là Toàn Tuân.