Phàm trong thiên hạ, giang sơn chuyển tay từ kẻ này sang kẻ khác, dẫu không phải chuyện sớm chiều, cũng chẳng phải điều dị biệt. Nội trong Trung Nguyên, vốn cũng chia năm xẻ bảy chẳng biết bao lần. Tam Quốc Ngụy Thục Ngô tranh bá, khi Tư Mã Viêm quy về một mối, lập ra nhà Tấn thì vì quá đỗi kinh sợ ngoại tộc mà để xảy ra nạn Bát Vương. Tấn sụp đổ, toàn cõi lại chia ra tới chục phe phái, thủ tiêu lẫn nhau lập ra không biết bao nhiêu tiểu quốc lắt nhắt. Các tộc người Hồ xâm nhập vào Trung Nguyên, các tiểu vương cũng mở cửa cho mà vào, trợ lực cho người Hán tự diệt người Hán. Để các tộc phương Bắc thâu tóm quyền lực trong Trung Nguyên, tội của Tư Mã Viêm ắt chẳng kém gì các vương thập lục quốc cõng rắn cắn gà nhà.
Ngay cả khi triều Đường cực thịnh, các tộc từ tận Hồi Hột xa xôi vẫn đâm được gốc rễ vào sâu bản triều. Vì lẽ đó nên khi đất nước chia năm xẻ bảy, rồi lại về một mối lần nữa, Tống triều hòa hoãn, bạc nhược sao có thể ngăn Bắc tộc lộng hành? Liêu triều lấy đất của nhà Tống phương Bắc, dẫu lấy tập tục người Trung Nguyên, nhưng nguồn cội vẫn là người Khiết Đan. Đất Trung Nguyên mất vào tay Khiết Đan từ tận thời Tấn, Tống triều chẳng thể nào thu hồi, thế là lại nhờ ngoại tộc Nữ Chân. Nữ Chân lật đổ triều Liêu, lập nên nhà Kim, tự gọi mình là chính tộc Trung Nguyên, âu cũng chỉ là vòng quay của thế sự.
Vì lẽ đó mà, chưa đầy một trăm năm sau, tới lượt Kim triều—tự xưng chính tộc Trung Nguyên—đứng trước bờ vực diệt vong trước người Hung Nô phương Bắc.
Mầm mống diệt vong đã hiển hiện từ thời Tuyên Tông. Năm 1215, Hung Nô bức bách tới tận kinh thành, vua phải bỏ Yến Kinh, dời đô về Biện Kinh; không bao lâu sau gần như toàn bộ Hà Bắc rơi vào tay người Mông. Hung Nô đánh tới đâu, Kim chủ chạy tới đó. Trấn Bắc tướng quân Minh An tay trắng xin hàng, đốt đuốc trong đêm dẫn Hung Nô đánh cả vào Trung Đô. Cả vua cả tôi, không chạy thì phản quốc, không chút phản kháng, quan dân đều nhục nhã ê chề. Phải tới khi Mông Cổ nội tình rối ren, ngưng việc tiến quân, sự tình mới tạm lắng.
Ở phía Nam, Tống triều khinh Kim chủ ra mặt. Tống chủ sai Trần Tường tới dâng sớ hạch tội Kim chủ làm mất ba châu Trung Nguyên vào tay ngoại tộc, ngưng nộp thuế, Kim chủ tức xua quân đánh cũng bị bọn Trần Tường, Mạnh Tông Chính đánh dẹp cả. Vốn vua có con trai thứ ba là Quang Tâm vương Thủ Tự nhã nhặn khôi ngô, được phò tá bởi mãnh tướng Hoàn Thừa Lân, nhưng Trang Hiến thái tử Hoàn Thủ Trung ghen ghét kiềm chế binh quyền, đuổi lên Tây An phòng Mông Cổ, lại cho bọn Ô Cổ Tóa bất tài cầm binh, thành ra đánh Trần Tường mười trận thua quá nửa.
Chiến sự ròng rã tám năm, Kim không phá nổi Tống, phải chiêu dụ cả đạo tặc Lý Toàn dẫn quân Hồng Áo mới đánh xuống được Dương Châu. Lý Toàn thân cao tám thước, tay cầm thương sắt trăm cân, sức khỏe dẫu vô địch nhưng lại là phường hữu dũng vô mưu, trúng kế mai phục bị quân Tống vằm thây thành trăm mảnh. Kim chủ từ đó cũng không dám thảo phạt nữa, chỉ biết ngày nào cũng tới lui cung cấm, than ngắn thở dài, biết ngày vong quốc chẳng còn xa.
Kim chủ mỗi lúc quá buồn rầu lại ngự điện Đoản Đức. Khi nào vua ngự điện, Thủ Trung cũng đi theo dìu dắt. Kim chủ lần nào chán đàn hát thì chơi cờ với Thủ Trung, chán cờ thì ngồi câu cá, chán câu cá thì chăm chim cảnh, tới khi nào Thủ Trung chán cảnh hầu hạ mới kiếm cớ đuổi đi. Thủ Trung đi rồi, vua mới dám đuổi bọn tùy tùng ra, thở dài, ngồi sụp xuống ghế tràng kỷ mà lẩm bẩm, “bọn nghịch tử này lúc nào mới thôi kề dao vào cổ ta!”
Thủ Trung vốn con trưởng, theo lệ thì truyền ngôi, nhưng vua biết y hạng nịnh hót, ngày nào cũng cùng hội Ô Cổ Kinh và Toàn Tuân, vốn là dân du mục, không màng chính sự mà chăm chăm ca kịch thâu đêm suốt sáng, chỉ khi nào có vua cha thì mới giả bộ hỏi han chuyện triều chính. Nhưng ngặt nỗi khi vua bỏ cả áo mũ mà chạy khỏi Yến Kinh, chính Toàn Tuân nắm ấn tín của vua điều hành đội Cấm quân, khi vua về Biện Kinh cũng không thèm trả. Từ đó quyền hành về tay vây cánh Thái tử bằng sạch.
Năm ngoái con trai út mà Kim chủ hết mực yêu thương là Chí vương Huyền Linh nhập cung thăm cha, đương dưng lại trúng độc chết. Vua kinh hãi, ngờ là Thủ Trung nhúng tay mà chẳng dám nói ra, chỉ biết cắn răng đợi tới lượt mình.
Con hoàng ly cầm vua ưng cũng vừa bệnh chết; Thủ Trung lệnh thay chim khác cho vua. Con chim sẻ mới của vua màu nâu bẩn, vừa thấp bé vừa gầy, trong l*иg không mấy động đậy, vua lấy rất làm sầu. Kim chủ ngồi đối mặt chim sẻ, thở dài đườn đượt mà than, “Nay ta bỏ chạy về Biện Kinh, chẳng biết bao lâu nữa phải rời đô, mà phường bất hiếu còn giam lỏng ta ở đây. Là vua mà tôi tớ không bảo được, có chết cũng không dám nhìn mặt tiên tổ. Nỗi nhục này biết ai gánh giúp ta.”
Bỗng dưng, chim sẻ nhảy vào sát l*иg, nói tiếng người lánh lót, “Mất nước là do thế địch vô song, là do ngươi nhu nhược, nhưng muốn phục quốc nhất định ngươi không thể ngu si nữa.”
Vua thất kinh ngã cả xuống đất.
“Vua không ra dáng vua. Mau đứng dậy xem nào,” con chim mới hắng giọng.
Vua mới bình tâm, phủi long bào đứng dậy, sụp lạy trước mặt chim. “Thần có mắt không thấy Thái Sơn, không biết Ngài là thần linh phương nào?”
“Ta chính là Hỗ Thanh Nghi, một tộc trưởng của Thái Tổ các ngươi đó. Cả đời ta chinh nam dẹp bắc, nay nước nhà tiên tổ nhà ngươi dày công xây dựng sắp mất. Số nhà Kim cũng đã tận rồi, việc vong quốc cũng khó tránh khỏi. Nhưng ta không cam lòng. Chi bằng khi tụ khí Hoàn gia chưa dập tắt, ta hiến kế cho ngươi. Đại cục có khi vẫn còn có thể cứu vãn.”
Vua hỏi làm sao có thể cứu nước.
Chim đáp, “Ngươi có mắt như mù. Mãnh hổ còn ở trên núi không vời xuống núi, hà cớ gì lại để bọn linh cẩu xiềng xích, nhìn mình hau háu như miếng đông pha nhục.”
“Mãnh hổ là ai?” Vua hỏi.
“Quang Tâm vương Thủ Tự là người hiền đức, có thể phủ dụ người tài. Thủ Tự về được Biện Kinh toàn vẹn thì may ra số nhà Kim chưa tận.”
Vua toan hỏi thêm, nhưng chim sẻ đã sổ l*иg bay mất.