Từng giây từng phút trôi qua, trong lòng chúng tôi nóng như lửa đốt. Chỉ cách có một cánh cửa thôi mà chả biết phía sau cánh cửa, ca phẫu thuật của con gái tôi có ổn không nữa. Vợ tôi thì vẫn cứ ngồi đờ đẫn chả nói năng gì. Tôi muốn an ủi em nhưng lại chả biết phải làm sao, chỉ biết nắm lấy bàn tay bé nhỏ đang run run của em để cho em biết rằng tôi đang ở bên em, sẽ cùng mẹ con em vượt qua những giây phút khó khăn của cuộc sống.
Cánh cửa phòng phẫu thuật cũng đã mở ra, giây phút ấy tim tôi đập thật nhanh, chúng tôi cùng chạy đến nhíu cả chân lại. Đội ngũ bác sĩ cùng đi ra, họ cùng nhau đẩy con gái tôi ra khỏi phòng phẫu thuật. Bác sĩ nói:
- Cô bé đã rất kiên cường, chúc mừng anh chị, ca phẫu thuật thành công. Bé sẽ nhanh chóng tỉnh lại. Thời gian tiếp theo. Anh chị hãy cố gắng lên, việc hồi phục giọng nói rất cần sự trợ giúp của cha mẹ.
- Cảm ơn bác sĩ.
Chúng tôi cùng đồng thanh nói. Nhìn con nằm trên giường bệnh với đống máy móc. Dù đau lòng nhưng chúng tôi đều hiểu. Để cuộc sống của con trở lại bình thường, gia đình tôi sẽ phải cùng trải qua những thử thách nối tiếp nhau. Mong rằng con có thể hợp tác. Không từ chối giao tiếp với bố mẹ nữa.
Nằm túc trực bên con mình, tới giây phút con tỉnh lại, ngắm nhìn đứa con bé bỏng của mình phải trải qua bao cửa ải. Biết đến khi nào con mới có được một cuộc sống như người bình thường. Một cuộc sống trọn vẹn. Chúng tôi cùng nắm tay con, ba bàn tay chụm lại là một. Mong cho sợi dây tình cảm sẽ truyền đạt lại cho con mọi điều chúng tôi muốn nói. Những lời yêu thương con cũng chẳng nghe được. Chỉ mong máu mủ, tình mẫu tử, phụ tử sẽ tiếp thêm động lực cho con.
Con mở mắt ra, ánh mắt nhìn vợ chồng tôi mỉm cười. Bàn tay yếu ớt ra hiệu cho chúng tôi hiểu rằng con yêu bố mẹ. Con đã nghe được âm thanh. Nó thật là thú vị. Tại thời điểm đó, chúng tôi thật sự hạnh phúc. Dẫu biết rằng phía trước còn nhiều thử thách, nhưng chỉ cần nỗ lực của con, nỗ lực của tôi, và của em. Nhất định con gái chúng tôi sẽ từng bước đi qua thử thách. Hành trình tìm lại âm thanh của con đã có bước khởi đầu. Con luôn ao ước được nghe và cảm nhận từng âm thanh. Tiếng gió thổi, tiếng chim hót, tiếng còi xe.. Ao ước ấy đã được thực hiện, và nó phải đánh đổi bằng những cơn đau đầu. Là một phần của di chứng sau phẫu thuật. Con phải bước đến giai đoạn điều chỉnh tâm lí, kết hợp với việc học nói. Bé vừa kết hợp nhận điều trị từ bác sĩ vừa kết hợp tương tác với bố mẹ. Vợ tôi sẽ vẽ tranh để tìm cảm hứng cho con có thể học nói. Bắt đầu từ những âm đơn giản. Hành trình này quả thật là rất dài.
Chuyện xảy ra với Thùy Linh con không nhắc tới nữa. Nhưng những cơn ác mộng vẫn bám lấy con. Con chưa hề có một giấc ngủ trọn vẹn kể từ khi xảy ra chuyện ngày hôm ấy. Có lần con ú ớ trong miệng thốt ra được hai chữ Thùy Linh. Nhưng khi vợ tôi nhắc đến chuyện hôm ấy, con đều lảng tránh. Bé chỉ có thể biết được một phần câu chuyện. Là bé bị bắt cóc, rồi bố mẹ bị trói lại. Con không thể hiểu chúng tôi đã nói chuyện gì. Tại sao Thùy Linh lại hại con bị bắt đi sau đó lại cứu con. Bé không biết về ân oán gia đình. Nếu bé không muốn nhắc đến. Tôi cũng muốn bé quên đi. Nhưng vợ tôi thì không. Em nói với tôi:
- Con bé phải sống với một cơ thể khiếm khuyết một phần suốt 7 năm. Chúng ta đã cố gắng chữa trị cho con bé được là một con người toàn vẹn. Vậy tại sao lại để cho bé phải sống với phần quá khứ bị khiếm khuyết. Con không dám đối mặt. Trong hình ảnh của nó chỉ có máu và nước mắt của ngày hôm đó. Có thể nó sẽ phải sống trong sự oán hận và tội lỗi. Oán hận người bạn thân duy nhất đã lừa mình, sau đó lại cảm thấy tội lỗi vì bạn ấy đã chết vì mình. Con không nói ra, mà cứ để nó trong lòng, nên hàng đêm nối ám ảnh tìm đến con trong giấc mơ. Nếu không để con đối mặt. Con sẽ phải chịu đựng điều này đeo bám cả đời. Em mong muốn một ngày nào đấy giấc ngủ trọn vẹn đến với con. Con có thể để người bạn ấy như một kỉ niệm trong tuổi thơ của mình. Không còn oán giận, không còn tội lỗi.
Tôi hiểu suy nghĩ của vợ, đối với em việc con đau khổ một thời gian để đối diện với mọi việc sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc để nỗi đau ấy gặm nhấm hàng đêm. Biết nguyên nhân gây ra bệnh của bé thì sẽ phải có phương pháp để chữa trị.
Mỗi lần bác sĩ đề cập tới sự việc ngày hôm ấy là một lần con gào thét đau khổ. Nước mắt tuôn ra như mưa. Đôi lúc tôi muốn bỏ cuộc. Tôi chỉ cần bác sĩ can thiệp cho con nghe được, nói được. Việc chữa trị tâm lý với con bây giờ như một cực hình. Đó là lần đầu tiên tôi cãi vợ kể từ khi yêu em.
- Anh xin em. Tha cho con bé đi. Ngày ngày nhìn con chịu đựng sự đả kích anh chịu không được.
- Vậy mỗi đêm anh nhìn con gặp ác mộng thì sao? Anh nghĩ thuốc an thần có thể giải quyết được mọi việc à. Anh có chịu được cuộc sống khi mình phụ thuộc vào một cái gì đó không? Giống như con gái của chúng ta ngày nào cũng phải dùng tới thuốc an thần. Anh đang nghĩ em ác độc lắm phải không. Em làm gì mà anh phải cầu xin em tha cho con chứ. - Vợ tôi tức giận nói với tôi.
- Anh biết, nhưng thà như nó đến từ giấc mơ rồi còn bé có thể ngủ tiếp. Không như bây giờ. Ngày ngày còn bé phải đối diện với sự hoảng loạn, sợ hãi. Mỗi lần như vậy anh lại thấy tội lỗi của mình không thể tha thứ.
- Chỉ khi nào con gái bình phục hoàn toàn thì chúng ta mới hết sống trong cảm giác tội lỗi. Anh hiểu chứ. - Vợ tôi nhìn sâu vào mắt tôi và gằn rõ từng chữ một.