Những Mẩu Truyện Thanh Xuân

Chương 19

Cuộc sống luôn luôn có sự lựa chọn. Khi chúng ta quyết định lựa chọn một cái gì đó, thì những cái còn lại sẽ bị bỏ qua. Thiên Hạnh cũng đưa chúng tôi lên bàn cân của sự lựa chọn. Có nên làm phẫu thuật hay không? Với sự phát triển của xã hội, họ đã tìm ra phương pháp điều trị cho căn bệnh. Tôi biết nếu làm phẫu thuật cấy thính giác thân não, bé có thể nghe được, còn có lại được giọng nói. Bé hoàn toàn có thể giao tiếp như những đứa trẻ bình thường nhưng rủi ro quá lớn.

Tôi vẫn nhớ vợ tôi từng nói rằng: Nếu đứng trước những sự lựa chọn. Em sẽ lựa chọn điều tích cực. Đôi khi sự ngu ngốc và tốt bụng rất khó phân biệt. Giống như khi chúng ta ra đường gặp một người ăn xin, chúng ta cho họ tiền, sẽ có người nói chúng ta tốt bụng vì giúp đỡ người khó khăn nhưng có người lại nói chúng ta ngu ngốc vì bị họ lừa, họ còn giàu hơn cả mình. Với vợ tôi, em luôn suy nghĩ tích cực đó là: Có thể họ đang lừa chúng ta, nhưng cũng có thể đó là thật. Nếu như chúng ta không cho họ thì trong túi chúng ta vẫn còn vài đồng tiền lẻ. Nhưng nếu họ gặp khó khăn thật sự, thì vài đồng tiền lẻ ấy cũng có thể giúp đỡ được họ có một bữa cơm tử tế. Vì vậy, em gặp ai nhờ giúp đỡ. Trong khả năng của mình em cũng sẽ giúp.

Việc của Thiên Hạnh cũng vậy. Em phải đứng trước việc lựa chọn phẫu thuật hay không phẫu thuật. Trước đây em lựa chọn là không làm. Đối với việc cấy thính giác thân não cho một đứa trẻ là rất nguy hiểm. Em nghĩ rằng chỉ cần con tiếp nhận được ngôn ngữ khác, con vẫn giao tiếp được thì em sẽ không đánh đổi sự nguy hiểm, em rất sợ đứa trẻ vui tươi, luôn tích cực truyền cảm hứng tốt đẹp cho mọi người sẽ phải chịu những cơn đau bất chợt sau phẫu thuật, tệ hơn nữa, bé phải nằm một chỗ sống cuộc sống thực vật, hoặc xấu nhất bé phải rời xa chúng tôi mãi mãi.

Nhưng cuộc sống không như những điều chúng tôi mong muốn. Khi con bé cố gắng từng ngày để giao tiếp, nó đã hòa nhập với cuộc sống thì tai họa lại ập xuống. Con bé bây giờ ở trong tình trạng hoảng loạn, cả ngày nhốt mình trong phòng. Ngồi ôm lại những bức tranh từng vẽ cho Thùy Linh, nhìn lại những bức ảnh hai đứa cùng chụp lại. Những lần bé gào thét trong giấc ngủ, rồi bật dạy ôm đầu ú ớ không ra lời, nước mắt chảy đến kiệt sức. Bé cào cấu đánh đấm bản thân đến mức bác sĩ phải tiêm thuốc an thần cho con. Bé không tiếp nhận ký hiệu của mọi người. Không ai có thể động viên được bé. Vợ tôi cũng chả khá hơn, mỗi lần nhìn con là một lần em oán giận bản thân, tôi sợ cứ như vậy tôi sẽ mất cả vợ lẫn con. Lần này, bàn cân bé đặt chúng tôi lên đã thay đổi. Bé cần được chữa trị. Chúng tôi bắt buộc phải tìm âm thanh cho bé, như vậy bác sĩ tâm lý mới có thể điều trị cho con. Việc để con hoảng loạn như bây giờ còn khó hơn việc con phải đối mặt với rủi ro sau phẫu thuật. Mà phẫu thuật bé còn có hy vọng sẽ tiếp nhận được lời nói của chúng tôi, bác sĩ tâm lý cũng can thiệp được cho con thì con mới có cơ hội trở về cuộc sống bình thường được. Quyết định khó khăn đã được đưa ra. Chúng tôi đi tới một miền đất mới. Đội ngũ bác sĩ cũng đã sẵn sàng. Con gái chúng tôi được đưa vào phòng phẫu thuật. Bản thân tôi là một người đàn ông, tôi phải là trụ cột, là chỗ dựa cho mẹ con em.

Nhưng tôi lại là thằng vô dụng. Tôi không biết phân biệt đúng sai, tốt xấu, để người ta lợi dụng, làm liên lụy em. Là tôi đã làm em sinh bé thiếu tháng để bé bị di chứng, giờ cũng là tôi không bảo vệ mẹ con em để họ làm hại con mình. Nhưng sao ông trời lại thiên vị thằng tồi như tôi vậy? Tôi đẩy vợ con tôi lần lượt vào căn phòng phẫu thuật, còn mình thì nhởn nhơ ở ngoài. Là ông ấy thiên vị hay đang dùng cách đau khổ nhất để hành hạ tôi. Cảm giác đứng ngoài phòng phẫu thuật chờ đợi người thân ở bên trong không biết sẽ xảy ra chuyện gì thật khiến tôi như phát điên, tôi không muốn phải chịu đựng những giây phút như thế. Tôi bất lực khi chả thể làm gì cho những người mà tôi yêu thương nhất. Giá như tôi có thể thay bé chịu đựng những cơn đau này. Nhưng tại sao con mang hạnh phúc đến cho cha mà cha chỉ đem lại cho mẹ con con những điều bất hạnh.

Nhìn vợ tôi tiều tụy, gương mặt em bơ phờ, đôi mắt không rời cánh cửa phòng phẫu thuật dù chỉ là một giây. Trước khi phẫu thuật, em có vẽ cho con một bức tranh, nội dung bức tranh thể hiện ý muốn xin lỗi con, mẹ đã sai. Mẹ là một người mẹ xấu. Con bé nhìn bức tranh nhưng lại chả phản ứng gì. Nó giống như một mũi dao đâm xuyên trái tim em vậy. Vợ tôi không nói ra nhưng tôi hiểu em đang tự trách bản thân rất nhiều. Em trách mình làm ra việc ngốc nghếch. Có con, sinh con ra là điều chúng tôi chưa bao giờ và cũng không bao giờ hối hận. Nhưng em trách mình đã để con bé xuất hiện trong sự căm giận của tôi chứ không phải tình yêu. Lại càng trách mình đã không có đủ bản lĩnh để đối mặt với mọi chuyện. Em trách bản thân không giữ gìn sức khoẻ để có khối u lúc mang thai con, lại còn để bản thân bị kích động nên sinh con thiếu tháng. Sinh con ra rồi thì cuốn con vào những ân oán hận thù. Em là như vậy đấy, trong bất kể chuyện gì. Em cũng luôn đổi lỗi cho bản thân mình, nhất hết trách nhiệm về mình để tự dằn vặt ăn thân.