Gần đây thôn Dương Gia đã có một tin tức lớn.
Người vô công rỗi nghề "nổi tiếng" cả thôn - Vu Kính Đình lập công.
Cơ quan thành phố trao cho anh giấy chứng nhận vinh dự, trang bìa đỏ rực, bên trong in một dòng chữ to bắt mắt:
Đồng chí Vu Kính Đình hăng hái xông pha vì việc nghĩa trong việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội, đặc biệt cấp giấy chứng nhận này.
Phía dưới là con dấu đỏ của Cục.
Vương Thúy Hoa mở giấy chứng nhận ra, bỏ vào khung kính treo lên, chỉ cần có người đến xem bói là có thể nhìn thấy.
Đi kèm giấy chứng nhận còn một khoảng tiền khổng lồ trị giá ba mươi hào do cơ quan thành phố trao tặng.
Mười tờ tiền giấy "đại đoàn kết" mới tinh được làm phẳng một cách tỉ mỉ và được đặt trong khung kính cùng với giấy chứng nhận.
Vu Kính Đình cảm thấy hành vi này quá ngu ngốc nên nghiêm túc phản đối.
Phản đối không có hiệu quả, mẹ và vợ anh đã bác bỏ.
Lòng hư vinh của bà Vương Thúy Hoa bành trướng, muốn khoe khoang, Vu Kính Đình câm lặng.
Chỉ còn hai tháng nữa là đến Tết rồi, nhà nào trong thôn cũng cần dùng tiền. Ba mươi hào không nhiều cũng không phải ít, treo tiền trong nhà chẳng phải là muốn triệu hồi lão yêu quái tới đây tác oai tác quái sao?
Người vợ có trình độ học vấn cao, có văn hóa của anh cũng góp vui theo. Không chỉ đồng ý cho mẹ chồng phơi giấy chứng nhận ra, ở trường cô còn lấy câu "Vu Kính Đình thôn Dương Gia là người tốt bị coi thường" làm đề, yêu cầu các bạn học lớp ba, bốn, năm viết bài văn.
Nhất thời, Vu Kính Đình trở thành "người nổi tiếng" của mười dặm tám thôn.
Bình thường anh nhàn rỗi không có việc gì làm đều tụ tập dưới gốc đại thụ ở cổng thôn hút thuốc chém gió cùng đám lưu manh. Bây giờ sở thích này đã bị ảnh hưởng.
Mới đứng đó, còn chưa kịp châm thuốc đã bị cô dì bà bác vây quanh như ngắm nhìn động vật quý hiếm.
Nhìn thì thôi, lại còn che miệng cười khanh khách. Cười đến mức Vu Kính Đình không hút nổi thuốc nữa.
Đi trên đường nếu gặp phải trẻ con lại càng không ổn - đây không phải là nguyên mẫu mà cô giáo yêu cầu viết bài văn sao?
Đám trẻ con nhìn không hề chớp mắt, Vu Kính Đình bước chân nào trước cũng được quan sát cẩn thận.
Anh mang theo ấm ức không tên về nhà, vào cửa đã nghe thấy mẹ anh lớn giọng tuyên dương "người tốt việc tốt" của anh với người khác.
Vu Kính Đình khẽ than đậu má, ngồi xổm trong sân hút thuốc xong, quyết định trở về phòng chọc vợ mập.
Tuệ Tử chuyển một cái bàn lên giường, phía trên chất đầy mấy đống vở bài tập, cầm bút chấm bài tỉ mỉ, Giảo Giảo ngồi đối diện cô.
Hai người đều nhét chân ở dưới bàn, đắp chăn lên.
"Cuối tuần không đi ăn hạt dưa, sửa cái đống này làm gì?" Vu Kính Đình cởi giày lên giường, vẻ mặt ghét bỏ : "Chữ bọn nhóc bây giờ xấu thật."
"Thứ hai em ra đề cho học sinh viết văn, hôm nay nhất định phải chấm xong."
"Nói cứ như chữ anh đẹp lắm ấy... Chị dâu, chị xem em viết có được không?" Giảo Giảo đưa bài văn qua.
Điểm ngữ văn của Giảo Giảo trước giờ luôn là 0, cô bé viết văn vừa tra từ điển vừa lật thơ Đường. Vương Thúy Hoa tới đây nhìn một cái, thốt lên khá lắm.
Hạt giống quắt queo nhà họ Vu đã được Tuệ Tử làm nảy mầm.
Sau khi Giảo Giảo được Tuệ Tử dẫn từ thành phố về không nói đến việc bỏ học nhảy đồng nữa, còn tích cực làm bài tập.
Tuệ Tử nhận bài văn của Giảo Giảo, đọc kĩ rồi gật gù.
Viết đúng là sinh động, dù sao cũng là anh ruột của cô bé, cơ mà câu này... Mặt Tuệ Tử nóng lên, dùng bút khoanh tròn lại.
"Viết cảm nhận về người phải cố nắm bắt đặc điểm chính của nhân vật, mặc dù cái này cũng có thể coi như là đặc điểm của anh ấy."
Tuệ Tử nhìn Vu Kính Đình, ánh mắt kia làm cho tên lưu manh cảm thấy bài văn của em gái anh có gì đó không đơn giản.
Vu Kính Đình híp mắt lại, đoạt lấy tờ giấy rồi đọc lên."
"Anh trai tôi... Ồ, viết về anh?" Có chút hứng thú, đọc đến câu Tuệ Tử khoanh tròn, ánh mắt nheo lại.
"Anh trai tôi là một người ham mê sắc đẹp, anh ấy nhìn thấy chị dâu sẽ không đi nổi, xương cốt mềm nhũn ra... Này!" Bày tay to vỗ quyển vở bài tập lên bàn: "Con nhóc này, mày học ở đâu đấy?"
Giảo Giảo rụt bả vai, cắn bút chì ấm ức nói:
"Nghe bình sách đó, đây là phản ứng của người trong giang hồ khi nhìn thấy mỹ nữ."
"Người trong giang hồ cái rắm! Đó là yêu râu xanh thấy gái... Mẹ nó!" Vu Kính Đình định xé vở, anh nào có tệ hại như con nhóc này viết?
Giảo Giảo la hét chói tai, nhào tới cướp vở bài tập, anh em "tình thương mến thương".
Giảo Giảo bị anh vò cho đầu tóc bù xù như tổ chim, tức giận đến bĩu môi khóc lóc, nhảy xuống giường chạy đi mách mẹ.
Vu Kính Đình chống nạnh, trên mu bàn tay có dấu răng của Giảo Giảo, vẻ mặt đắc ý vì thắng trận.
Tuệ Tử bỗng thấy thái dương của mình giật một phát, cảm thấy mình có thêm hai "đứa con ngoan".
Vu Kính Đình chơi bời lêu lổng, quả thực là rất sung sức.
Ở nhà không chọc tức Giảo Giảo thì bắt nạt gà, vịt, ngan, chó, mèo. Nếu thật sự không có việc gì làm lại chạy đến dính Tuệ Tử như sam, thỉnh thoảng còn muốn thò tay vào trong quần áo của cô sờ mó... Hừ, đồ đáng khinh!
Tuệ Tử đang âm thầm ghét bỏ anh, anh đưa tay ôm eo và đặt cằm lên vai cô.
"Ngày mai anh sẽ lên núi."
Tuệ Tử cau mày.
"Anh lên núi làm gì?"
"Bẫy thỏ." Vu Kính Đình đáp qua loa.
"Có an toàn không? Sẽ không gặp phải hổ, sói, gấu chứ?"
Khuôn mặt nhỏ nhắn lo lắng làm trái tim Vu Kính Đình ngứa ngáy.
"Gặp được gấu thì bắt về làm áo bông cho em." Anh cúi đầu định hôn cô một cái.
"Tuệ Tử đen mặt, cô đã mập lại còn mặc da gấu, định để tất cả chó trong thôn chạy theo cắn cô hả?
"Mẹ! Mẹ nhìn đi, anh lại muốn hôn chị dâu! Con viết đúng mà!"
Vương Thúy Hoa dẫn Giảo Giảo vào, Giảo Giảo chỉ vào Vu Kính Đình tố cáo.
Tuệ Tử vùng vẫy thoát khỏi vòng tay của Vu Kính Đình, vành tai cô đỏ rực lên.
Bị mẹ chồng nhìn thấy thật sự không phải là một trải nghiệm tốt.
"Hai ngày nay tuyết rơi, thích hợp để lên núi bẫy thỏ. Bà ngoại mày nói muốn ăn thỏ rừng."
"Đưa thỏ cho bà ngoại lại phải mang theo một ít cho bà nội, nếu không lại đến làm ầm ĩ." Giảo Giảo lẩm bẩm.
Bà nội của Vu Kính Đình sống cùng thôn với bà ngoại, đi qua nhà bà ngoại là có thể tạt qua nhà bà nội.
Bình thường bà nội sống cùng gia đình bác Hai của Vu Kính Đình ở thôn gần đó. Lúc kết hôn gặp mặt bà, Tuệ Tử đã có ấn tượng rất xấu về bà cụ.
Vào ngày cưới, bà ta muốn Tuệ Tử và Vu Kính Đình khấu đầu với bà ta, đám cưới trong thôn bây giờ đã có rất ít bề trên bắt phải khấu đầu, Tuệ Tử đứng đó suýt khóc. Cũng may là Vu Kính Đình nói chuyện cứng rắn bà ta mới miễn cưỡng đồng ý kính trà thay cho khấu đầu.
Thừa dịp Vu Kính Đình và Vương Thúy Hoa đang tiếp đãi người thân và bạn bè ở ngoài, bà ta đã đọc một bộ "gia quy" của nhà họ Vu cho Tuệ Tử đang ngồi trên giường.
Cần mẫn, tuân thủ nữ tắc, sinh con trai,...đọc một loạt các truyền thống ngu ngốc khiến Tuệ Tử vô cùng khó chịu.
Cả nhà đang trò chuyện thì ngoài sân có người hét lên:
"Vu Thiếc Căn, cái thằng khốn nạn, cút ra đây!"
Vu Kính Đình liếc mắt, gõ đầu Giảo Giảo một cái:
"Này thì nói nhảm, gọi lão yêu quái đến rồi kia kìa."