Vì đang có bố ở đây nên tôi được thể tâng Duy lên luôn:
-Vâng, anh lại còn nói “có vẻ”, chồng em tử tế số một đấy anh ạ.
Anh tôi bỉu môi một cái:
-Mẹ nói cấm có sai bao giờ, mày cứ mở miệng cái là bênh bênh.
Hôm đó anh đàn cho tôi nghe mấy bản nhạc, có bài tôi biết, có bài hình như chưa nghe bao giờ, nhưng vì nghe rất cuốn nên cứ im lặng gật gù nghe, đến khi anh đàn xong thì cái Nhi đã đứng bên cạnh tự bao giờ, ngày trước hầu như ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau, sau này tôi lấy chồng xa rồi thì nó cứ hễ nghe tin tôi tới thăm anh lại chạy tót sang nói nói với tôi dăm ba câu.
Nó đứng bên cạnh tôi háo hức hỏi:
-Hay không? Mày thấy hay không?
Nhìn thấy vẻ mặt đang hồi hộp như con nít đợi được khen của nó tôi bật cười:
-Anh tao đàn đương nhiên phải hay, ngày trước mà thi vào nhạc viện thì có khi giờ này mày đã quen mặt anh tao trên tivi rồi đó.
Nhi nhìn tôi ngạc nhiên một chút rồi nhăn nhó:
-Tao có hỏi mày anh Toàn đàn thế nào đâu? Tao đang hỏi về bài nhạc anh ấy tự viết cơ mà?
Đến lượt tôi lại trố mắt ngạc nhiên, không ngờ anh tôi còn có ngày viết nhạc nữa, hèn gì lúc nãy tôi nghe thấy giai điệu rất lạ, có lẽ đó là là cách để anh tôi mỗi ngày tự xoa dịu bản thân mình, là cách để anh tôi giãi bày những ngày tháng đơn độc khi phải giam mình trong bốn bức tường lạnh lẽo trong khi ngoài kia là thế giới bao la anh từng vũng vẫy.
Nhi ghé sát tai tôi hồ hởi:
-Mày cứ đợi đấy, nhạc của anh mày sắp ra mắt rồi đấy, có khi mày sắp có anh trai là nhạc sỹ nổi tiếng rồi đấy con ạ.
Tôi ứa nước mắt khi nghe lời Nhi nói, tôi chẳng cần anh trở thành người nào đó nổi tiếng, tôi chỉ cần anh tìm được nơi để thỏa mãn những xúc cảm trong lòng như thế này, anh tôi, tôi tự hào về anh tôi biết bao nhiêu.
Ngồi thêm một lúc thì Nhi phải đi, trước khi đi nó rủ rê:
-Hay chiều nay mày tranh thủ ra ngoài một lúc đi, phía trước cổng bệnh viện có một quán ốc ngon lắm, để tao rủ thêm anh Nam, lâu lắm rồi chẳng được hú hí gì cả.
Tôi cũng muốn gặp Nhi và anh Nam nhưng vì lâu lâu mới vào với anh nên không nỡ, đang định lên tiếng từ chối thì anh tôi giục:
-Đi đi, ra ăn với bạn cho vui, anh ở một mình không sao đâu.
Nhi kéo tay tôi lay lay:
-Đi, mày ở đây không khéo lại làm tụt cảm hứng sáng tác của anh Toàn mất.
Rồi nó chế thêm:
-Người ta nói không sai bao giờ, ăn ở đâu không quan trọng, quan trọng là ăn cùng ai, lâu lắm rồi không có chiến hữu tao ăn cái gì cũng như đang nhai rơm.
Tôi biết nó chỉ hót cho vui thế thôi chứ nhai rơm thì làm sao mà béo tốt thế được nhưng vì cũng nhớ những ngày ba anh em chà lết từ công viên này đến vỉa hè nọ để buôn dưa lê nên đánh vào mông nó một cái:
-Được rồi, xem như vì thương tình mà tao đồng ý nhá, chầu này cho mày mời thoải mái.
Nhi vừa đi vừa bỉu môi quay lại:
-Đúng là cái keo kiệt nó ngấm từ trong m.áu, lấy chồng đại gia mà tính toán với bạn cả dăm ba con ốc.
Đợi tới lúc Nhi tan làm thì tôi theo nó đi ra cổng bệnh viện, tới nơi đã thấy anh Nam ngồi ở đó, đồ ăn cũng kêu sẵn hết trên bàn, anh Nam lật đật giục:
-Anh kêu trước luôn để khỏi phải đợi, quán này bình thường vào giờ này đông lắm, ăn nhanh thôi để An còn vào với anh Toàn.
Anh Nam lúc nào cũng chu đáo thế, cái Nhi trả treo:
-Anh cứ lo xa, cái Nhi nó có vào đó thì cũng chỉ đứng vướng víu thế thôi chứ làm được cái gì? Hôm nọ đúng đêm em trực có mấy lần em chạy sang thấy nó đang ngủ ngon lành chứ đâu.
Anh Nam bênh:
-Ừ, thì ngủ được là tốt chứ sao, trời thương đấy.
Hôm đó anh Nam không cho Nhi kêu rượu như mọi lần nữa, ba chúng tôi chỉ vừa ăn vừa tỉ tê chuyện trò, lâu lắm rồi không tụ tập nên có cơ man nào là chuyện để nói, cái Nhi dụ dỗ:
-Đâu, mày kể cho tao nghe nhà chồng mày thế nào? À mà thôi, kể về chồng mày thôi? Ngon không?
Tôi đỏ mặt lên tiếng nạt nó, ở đây còn anh Nam nữa chứ có phải mình tôi với nó đâu mà nó nói điên nói khùng gì không biết, nó cười ngặt ngà ngặt nghẽo:
-Gay, gay đấy, chẳng biết con mắt mày mọc ở trên trán hay sao mà ngày đó mày nhìn ra anh ta là gay.
Tôi chống chế:
-Ừ thì tao nhầm.
-Nhầm gì ? Hay lần đầu tiên gặp mày thấy anh ta ngon trai quá mà tán tỉnh không được nên đâm ra tức tối rồi bịa chuyện như thế?
Tôi thò chân đạp cho nó một cái, đúng là bạn tôi, không có chuyện gì trên đời mà nó không nghĩ ra được. Mà dù Duy có gay hay không gay thì thời hạn của chúng tôi cũng chỉ có từng đó, chi bằng cứ như Nhi nói, không phải gay thì tôi cũng có hai năm được hưởng thụ trai ngon nhỉ, dù sao cũng còn trẻ trung gì nữa đâu, ai biết sau này tôi có lấy chồng nữa không hay lại chui về ở với bố mẹ, tôi có muốn làm trinh nữ đến hết đời như vậy đâu.
Anh Nam thấy Nhi chuẩn bị nói gì đó nữa thì can ra:
-Thôi, thôi, không phải thì thôi em lo ăn đi rồi còn về. À An này, chồng em mở cửa hàng nước hoa à? Hôm nọ anh thấy anh ấy loay hoay chỗ cửa hàng bên đường 5 ấy.
Tôi giật mình một cái khi nghe lời anh Nam nói, sao tôi chưa nghe Duy nhắc tới bao giờ, cũng không nghe ai trong nhà nói tới cả? Có khi nào Duy vì cái cửa hàng nước hoa này mà cãi nhau với bố chồng không nhỉ?
Tôi cũng chỉ thắc mắc trong lòng thế thôi chứ hỏi cũng chẳng biết hỏi ai, mà Duy không muốn nói thì thôi tôi cũng sẽ không hỏi.
Theo đúng hẹn thì chiều chủ nhật Duy sẽ tới rước tôi nhưng đợi mãi tới chập tối vẫn không thấy hắn đâu cả, gọi điện thì không được, đang không biết phải làm sao thì anh Dũng gọi điện tới, giọng anh vội vã:
-An hả em, xuống dưới cổng bệnh viện đi anh đưa em về.
Lúc tới đây chúng tôi đã nói dối là cùng đi chơi, giờ không biết sao anh Dũng lại biết tôi đang ở bệnh viện, tôi lúng túng:
-Em.. sao anh lại tới đây?
Anh Dũng không trả lời mà nhắc lại:
-Ra cổng đi, anh đang đứng ở đây, em đừng đợi Duy nữa, nó không tới đón em được đâu.
Lúc ngồi lên xe rồi tôi mới quay sang hỏi anh Dũng :
-Sao anh biết em đang ở bệnh viện ạ ?
-Vì Duy đang ở nhà.
-Vậy… vậy là anh Duy nhờ anh tới đón em phải không ?
Anh Dũng không trả lời tôi mà chỉ nhỏ giọng hỏi :
-Em muốn ăn gì anh đưa em đi ?
Tôi lắc đầu :
-Không ạ, anh cho em về đi, dù sao em cũng nên giải thích với bố mẹ một câu.
Anh Dũng không nói gì thêm nhưng hình như cũng không có ý định chở tôi về còn tôi thì tự nhiên nóng ruột muốn về nên giục:
-Anh cho em về đi, em không muốn ăn gì cả.
Khi vừa bước vào tới cửa thì trong nhà có tiếng bố chồng tôi nạt rất to:
-Mày. Mày dám? Từ nhỏ tới giờ lúc nào mày cũng là đứa ngỗ ngược? Mày xem mày đã làm ra loại chuyện gì?
Duy đứng ở bên cạnh, giọng bình tĩnh hỏi ngược lại:
-Bố nghĩ là con đang làm ra loại chuyện gì ?
Bố chồng tôi tức giận vơ luôn ấm trà trên bàn ném xuống đất vỡ tan tành:
-Mày còn hỏi tao? Từ nhỏ tao đã cấm mày rồi, hoa với hòe gì? Mày muốn làm tao tức chết phải không?
Lúc đó cả mẹ chồng tôi và cô Hoa đều đang đứng bên cạnh nhưng vì bố chồng nổi giận nên không ai dám lên tiếng, chỉ có anh Dũng chạy vội từ ngoài sân vào can:
-Bố, bố đừng thế nữa.
Rồi anh quay sang Duy nhỏ giọng:
-Em về phòng đi, An, em đưa Duy về phòng giúp anh.
Tôi bước lại gần Duy định kéo tay Duy về phòng thì Duy hất ra rồi quay sang nói tiếp với bố chồng, thái độ vẫn điềm tĩnh không có gì thay đổi:
-Bố, từ nhỏ tới giờ bố đã bao giờ hỏi con muốn gì, con thích gì hay chưa? Bố đã bao giờ hỏi con muốn trở thành người như thế nào chưa? Lúc nào bố cũng áp đặt con, lúc nào bố cũng dùng anh Dũng làm tấm gương để con học theo. Bố, con là con, anh Dũng là anh Dũng, con không thể trở thành phiên bản của anh Dũng được bố hiểu không?
Anh Dũng đứng vào giữa Duy và bố chồng tiếp tục can:
-Em thôi đi, bố đang giận em đừng nói nữa, có gì đợi bố bình tĩnh rồi nói tiếp.
-Sao phải thôi? Sao em phải thôi? Bất cứ lúc nào anh cũng bảo em hãy thôi đi, em cũng có lập trường của mình, sao anh không để em nói mà cứ bắt em phải phải im?
Anh Dũng thở dài:
-Không phải anh không cho em trình bày lập trường của mình mà là anh kêu em hãy nhịn bố một chút, đợi sau khi cả hai bố con bình tĩnh rồi nói chuyện tiếp.
Duy nhún vai một cái:
– Sau đó là khi nào ? Chẳng khi nào cả, bố chẳng bao giờ thèm nghe em nói, vì hào quang của anh quá sáng nên trong mắt bố em không hề tồn tại, bố vốn không xem em là con.
Anh Dũng sững sờ một lát rồi vội ngăn Duy lại:
-Duy.
Bố chồng tôi đang có vẻ nguôi nguôi nghe Duy nói thế thì tức giận đập xuống bàn một cái, mặt ông đỏ lên:
-Cản nó làm gì? Cứ để cho nó nói hết xem cái gọi là lập trường của nó như thế nào? Làm một thằng đàn ông mà không dẹp nỗi mấy cái đam mê vớ vẩn kia thì còn làm được tích sự gì? Ba mươi mấy tuổi đầu tối ngày chúi mũi vào hoa với hòe.
Duy mạnh tay đẩy luôn anh Dũng sang một bên để bước lại sát bố chồng, tôi thấy Duy rõ ràng đang rất kiềm chế, dù hai bàn tay gân guốc đang nắm chặt lại kia khẽ run run nhưng giọng nói vẫn vô cùng bình tĩnh:
-Giờ thì con đã hiểu vì sao ngày xưa mẹ lại rời bỏ bố, chẳng lẽ với bố, đam mê của người khác vớ vẩn đến thế sao?
Bố chồng tôi không nhịn được nữa, ông vung tay đánh “bốp” một cái vào mặt Duy:
-Mất dạy.
Ông đánh mạnh đến mức thân hình cao lớn rắn rỏi kia lảo đảo một lúc rồi mới đứng vững lại được.
Duy đưa ánh mắt sắc lạnh nhìn bố chồng tôi một cái rồi lao nhanh ra ngoài phóng xe đi đâu mất.
Tôi sững lại mất mấy giây rồi chạy theo định cản Duy lại thì bố chồng tôi nói:
-Không cần cản nó, con có cản cũng cản không nổi đâu.
Đúng là tôi cản không nổi thật, vì cả anh Dũng, cả mẹ chồng và cô Hoa cũng chạy ra theo nhưng thứ để lại trong sân chỉ còn lại là một vệt khói đen của chiếc xe vừa lao nhanh như gió vυ't qua.
Tôi cứ đi đi lại lại trong phòng, lòng thật sự nặng nề hơn bao giờ hết, rốt cuộc Duy có đáng trách không nhỉ? Từng lời nói của Duy lúc nãy cứ văng vẳng trong đầu, cả người mẹ nào đó mà Duy nhắc tới nữa, chẳng lẽ Duy đáng thương hơn những gì tôi biết?
Đợi mãi tới khuya vẫn không thấy Duy về, bên ngoài trời thì mưa tầm tã, tôi chạy xuống gõ cửa phòng cô Hoa vì lúc đó tôi nghĩ biết đâu cô Hoa biết nơi Duy đang ở bây giờ. Cô Hoa cũng chưa ngủ, vừa nghe thấy tiếng tôi cô vội vàng đi ra mở cửa, tôi không vòng vo mà hỏi một lèo:
-Cô có biết Duy đang ở đâu không ạ? Cô biết phải không ạ? Cô nói cho cháu với.
Mắt cô Hoa hình như hơi ươn ướt, cô kéo tay tôi vào trong rồi đóng cửa lại:
-Có lẽ cậu Duy đang ở căn nhà nhỏ ở ngoại ô, mấy năm trước cậu Duy có mua một căn nhà ở đó.
Tôi lật đật:
-Ở đâu ạ? Cô cho cháu xin địa chỉ với.
Cô Hoa ngập ngừng:
-Từ đây tới đó hơi xa, hơn nữa lại đang mưa thế này…
Bây giờ không chỉ trời đang mưa mà còn khuya nữa, tôi đi tới đó làm gì nhỉ? Hơn nữa có thể sự xuất hiện của tôi vào lúc này với Duy mà nói là điều không cần thiết, thế nhưng không hiểu sao tôi nhìn thấy được sự đau lòng trong ánh mắt Duy, thấy được sự đơn độc của Duy trong gia đình mình, thấy được cả sự khao khát có một bầu trời riêng của Duy ngay từ đêm đó, đêm hắn như con thú dữ quằn quại trên người tôi.
Nghĩ tới đó trái tim tôi tự nhiên nhói lên một cái, tôi kiên trì hỏi tiếp:
-Vậy mẹ chồng cháu bây giờ không phải là mẹ ruột của anh Duy hả cô?
Cô Hoa kéo áo lên chầm chậm lau giọt nước mắt đang chực rơi ra:
-Bà chủ bây giờ không phải mẹ đẻ, mẹ đẻ của câu Dũng và cậu Duy bỏ lại con trai cho ông chủ để đi theo người đàn ông khác từ khi cậu Duy mới chỉ là cậu nhóc mấy tuổi.
Cô Hoa lặng một chút rồi nói tiếp:
-Cô đã làm ở đây từ hồi cậu Duy mới sinh ra, nhà ông chủ ai cũng đối xử rất tốt với cô nên sau này vừa vì tình nghĩa vừa vì thương cậu Duy nên cô cứ ở mãi đây, mới đó mà cũng hơn nửa cuộc đời rồi.
Tôi ngập ngừng:
-Nhưng cháu thấy mẹ chồng cháu là người tốt, cả anh Dũng cũng rất thương mẹ, còn Duy sao lại có vẻ lạnh lùng như vậy ạ?
-Ừ, bà chủ là người tốt lắm, ngày xưa vốn là thư ký của ông chủ, sau này vì thương ông chủ gà trống nuôi con nên tình nguyện đến ở cùng để chăm sóc, thậm chí vì không muốn hai anh em cậu Dũng tủi thân mà còn chấp nhận không có một đứa con cho riêng mình, chỉ tại ngày mẹ đẻ bỏ đi thì cậu Duy còn nhỏ quá, ông chủ không muốn cậu ấy đau lòng nên không giải thích rõ, lại cũng vì muốn quên đi nỗi đau mà lao vào làm ăn không còn thời gian dành cho các con, sau này muốn giải thích chuyện ngày đó thì không còn kịp nữa, khoảng cách của hai bố con cứ ngày một lớn, còn cậu Dũng thì đã đủ lớn để phân biệt đúng sai rồi.
-…
-Ngày đó bà chủ vốn học về pha chế nước hoa đâu từ ngày còn trẻ, ông chủ thì chiều vợ, trong vườn trồng biết cơ man nào là hoa, ông còn mở cho bà một cửa hàng nhỏ có phòng pha chế để cho vợ thoải mái mày mò tìm hiểu, chẳng biết sao năm cậu Duy lên tám tuổi thì bà nói muốn chia tay, không cần của cải, hai thằng con cũng không cần đưa theo đứa nào, hành lý của bà chỉ toàn là nước hoa, bà bỏ sang nước ngoài cùng một người đàn ông trẻ, nghe đâu là học viên tới học pha chế nước hoa ở cửa hàng.