Sau khi đã suy nghĩ thấu đáo, bà Lan Anh gọi điện hẹn Lý Minh Trí nói chuyện. Anh vừa tắm táp xong, định ngủ một giấc bù cho mấy ngày mệt mỏi thức trông Uyển Nhi ở bệnh viện. Anh vừa nghe máy vừa ngáp dài:
“Dạ mẹ!”
“Mẹ nói chuyện với con được không?”
“Giờ con hơi mệt, để con ngủ một chút. Buổi tối gặp nhau ở thư phòng nha mẹ.”
“Được, con ngủ cho lại sức đi.” Bà vì chuyện mẹ của An Nhiên, mà quên mất con trai mình, lúc nãy trở về trông rất mệt mỏi. Bà thầm trách mình: “Đúng là già rồi, không nghĩ được nhiều vấn đề cùng lúc được.”
Buổi tối, ngồi thưởng trà trong thư phòng, bà nhìn Lý Minh Trí hỏi:
“Mẹ thấy con và An Nhiên khá gần gũi cô gia sư cũ của An Nhiên. Con quen biết hay có ai giới thiệu cô ấy cho con vậy?”
Lý Minh Trí không ngờ mẹ lại hỏi vấn đề này, nghĩ lại có lẽ bà lo lắng cho An Nhiên. Anh thành thật nói:
“Cũng tình cờ thôi mẹ. Mẹ có nhìn thấy bức tranh treo ở phòng khách không? Nhờ bức tranh đó mà con biết đến Ngô Uyển Nhi.”
Nghĩ đến Uyển Nhi, lòng Lý Minh Trí chợt thấy ấm áp, gương mặt nở nụ cười mà bản thân anh không nhận ra, còn bà Lan Anh thì nhìn thấu tất cả. Anh kể:
“Hơn một năm trước, con tài trợ cho buổi triển lãm tranh. Ban tổ chức chọn một số bức gửi con xem. An Nhiên thích bức tranh này. Con và Lê Đăng Khoa đến gặp tác giả tìm hiểu, thì biết Ngô Uyển Nhi, cô ấy là tác giả của bức tranh. Sau đó, lại được nghe cô ấy đàn. À, có dịp mẹ nghe cô ấy đàn, sẽ hiểu được một phần con người cô ấy. Người ta hay nói tiếng đàn thay tiếng lòng mà.”
Bà Lan Anh chơi dương cầm từ nhỏ, nghe con trai nói như vậy, bà gật đầu đồng ý. Lý Minh Trí kể tiếp:
“Lê Đăng Khoa đề nghị chọn cô ấy làm gia sư cho An Nhiên. Cậu ấy đã điều tra lai lịch cô ấy kỹ lưỡng trước khi con gặp mặt.”
Gương mặt bà Lan Anh tỏ ý muốn biết cụ thể: “Cô ấy xuất thân thế nào?”
Lý Minh Trí kể chi tiết: “Ba Uyển Nhi là hoạ sĩ, mẹ là giáo viên Ngữ văn. Cô ấy là con một, suốt thời đi học là học sinh ưu tú của trường, giỏi toàn diện, tham gia nhiều hoạt động đoàn thể, thiện nguyện. Cuộc sống êm đềm bình dị. Nhưng từ năm mười tám tuổi thì xảy ra nhiều biến cố. Ba mẹ bị tai nạn, nằm liệt nửa năm thì mất, khuynh gia bại sản. Cô ây sống cùng người chị nuôi là trẻ mồ côi, một năm sau thì người chị này phát bệnh ung thư gan. Một mình Uyển Nhi lo chạy chữa, cuộc sống vô cùng vất vả. Sau khi người chị qua đời. Cô ấy mới ôn thi và đỗ vào trường Mỹ thuật, tiếp nối ước mơ dang dở. Uyển Nhi vừa học vừa làm thêm, đi đánh đàn dạy vẽ bán tranh các kiểu để tự nuôi sống. Con vì nể phục tài năng và nghị lực của cô ấy nên chọn làm gia sư cho An Nhiên.”
Ngừng một chút, ánh mắt Lý Minh Trí ánh lên niềm tự hào, tiếp lời: “An Nhiên mến cô ấy từ lần gặp đầu tiên. À không, có lẽ là từ lúc nhìn thấy bức tranh. Nhờ tình thương của cô ấy mà An Nhiên vượt qua được một số trở ngại tâm lý. Như bây giờ mẹ thấy, An Nhiên có thể hoà hợp với tất cả mọi người.”
Nghe đến đây, bà Lan Anh cảm thán trong lòng: “Đây chính là linh cảm giữa mẹ con với nhau.”
Bà nhìn Lý Minh Trí hỏi: “Vậy tại sao khoảng thời gian trước, con lại đề phòng cô ấy, rồi cho cô ấy nghỉ việc. Con phát hiện ra chuyện gì sao?”
Nghe mẹ nhắc lại chuyện này, Lý Minh Trí thoáng chùng xuống: “Là con hồ đồ, quá đa nghi, đã làm tổn thương cô ấy.”
Anh thuật lại chuyện của Dương Phước An, chuyện Uyển Nhi muốn hoàn thành di nguyện của cô gái này nên lầm tưởng An Nhiên là con của Dương Phước An. Khiến cho anh hiểu lầm rằng Uyển Nhi có mưu đồ với An Nhiên và gia đình. Vì lo lắng cho sự an toàn của An Nhiên, cũng vì anh quá cảm tính, chưa điều tra kỹ đã kết tội Uyển Nhi.
“Giờ con đã hiểu rõ, nên muốn chuộc lỗi. Con định sau khi Uyển Nhi khỏi bệnh, sẽ năn nỉ cô ấy trở lại làm gia sư cho An Nhiên. Về phần Tú Văn, đành có lỗi với em ấy.” Lý Minh Trí kết luận.
Bà Lan Anh nghe chuyện nhầm lẫn giữa Uyển Nhi và Dương Phước An, nhíu mày suy nghĩ, thầm nghĩ sẽ đi xác minh lại chuyện này. Ngước nhìn Lý Minh Trí, bà hỏi lần nữa:
“Con chắc chắn những thông tin con điều tra được hoàn toàn là sự thật chứ?”
Lý Minh Trí gật đầu khẳng định: “Con chắc chắn. Lê Đăng Khoa đã điều tra hai lần. Lần sau con cũng tham gia, chắc chắn không nhầm lẫn được. Chỉ có điều trong hai năm xảy ra biến cố của gia đình, thông tin về Uyển Nhi khá ít. Con nghĩ cô ấy phải bươn chải mưu sinh, lại chăm sóc người bệnh, có thể chỉ làm các công việc phụ bán thời gian, thay đổi chỗ ở liên tục, không đăng ký tạm trú nên không tra ra được.”
Bà Lan Anh thì hiểu rõ tại sao thông tin hai năm này lại không có. Phan Văn Chương làm việc quá chu đáo, đến Lý Minh Trí mà cũng không tra ra được gì. Qua những gì con trai kể, bà có thể khẳng định, cô gái Ngô Uyển Nhi này là một cô gái có nhân cách tốt. Còn vì sao Uyển Nhi lại gặp Phan Văn Chương, anh ta đóng vai trò gì trong những chuyện xảy ra sau đó. Bà sẽ từ từ làm rõ.
Bất giác bà rùng mình: “Mình là người tiếp tay cho bi kịch của Ngô Uyển Nhi sao?”
Rồi bà tự trấn an mình: “Không, mọi chuyện xảy ra trước khi có An Nhiên, mình không hề hay biết. Mình chỉ làm những điều mà một người mẹ, một người bà phải làm mà thôi.”
Trong lòng bà hối hận vì ngày xưa đã vội vàng tin lời của Phan Văn Chương, mà không điều tra kỹ về mẹ của An Nhiên. Nếu bà không võ đoán, thì bảy năm nay, An Nhiên đâu phải thiếu vắng tình thương của mẹ ruột, đến mức gặp vấn đề về tâm lý như thế. Cũng may hiện giờ cháu bà đã khoẻ mạnh bình thường. Và ông trời thương xót, gia đình họ cũng có cơ hội đoàn tụ rồi.
Bà định bụng sẽ gặp Phan Văn Chương rồi điều tra rõ ngọn ngành chuyện năm xưa, mới nói cho cả nhà Lý Minh Trí biết.