Nhìn đồng hồ gần bốn giờ. Uyển Nhi để đồng hồ báo thức bốn giờ ba mươi, tranh thủ thả lỏng để ngủ một chút cho tỉnh táo. Cô thức trước khi chuông báo, thấy đầu óc nhẹ nhõm hẳn. Đúng là giấc ngủ ngắn có tác dụng hồi phục nhanh.
Cô tắm sơ qua cho thoải mái, hâm lại phần mì lúc nãy Văn Nguyễn mua, ăn vội rồi thay chiếc váy sơ mi màu xanh nhạt thanh lịch, vừa thích hợp đi dạy vừa thích hợp buổi tối đánh đàn. Với tay cầm lấy chiếc túi đã chuẩn bị sẵn cho buổi chiều và tối, cô cầm điện thoại đặt xe đến nhà Lý Minh Trí theo địa chỉ mà Lê Đăng Khoa đã nhắn. Nhà Lý Minh Trí nằm ở quận 2, giờ này xe đông, từ nhà cô đến đó tầm hai mươi lăm phút, cô đi từ năm giờ để trừ hao kẹt xe.
Đến nơi, nhìn bên ngoài là một căn biệt thự sân vườn rộng lớn xanh mát có nhiều cây xanh bao quanh tường rào, cây lớn cây nhỏ, dây leo đủ loại. Uyển Nhi bấm chuông, lúc đó anh bảo vệ bước ra. Uyển Nhi thầm nhủ, nhà giàu có khác, nhà mà cũng có bảo vệ nữa.
Uyển Nhi nói với anh chàng này: “Tôi là Ngô Uyển Nhi, gia sư của bé.”
“Dạ, mời chị vào. Để tôi đưa chị vô nhà.”
Anh ấy đã được thông báo trước, vui vẻ mở cổng cho cô vào, xoay người đóng cổng, tự mình dẫn cô vào nhà.
Bước vào trong mới thấy được sự rộng lớn và đẹp đẽ của khu vườn lẫn căn nhà.
Lối đi được lát gạch thẻ, hai bên trồng cỏ xanh mướt, cỏ đậu phộng nở hoa vàng bé xinh, rất nhiều loại hoa đang khoe sắc, nguyệt quế, tường vi, thược dược, hồng leo, sử quân tử, hoa giấy, những cây lớn hơn thì có chuông vàng, sò đo đỏ, hợp hoan, và rất nhiều cây khác mà Uyển Nhi không biết tên. Dòng suối nhỏ chảy róc rách, dưới đó từng khóm thuỷ tiên nước rũ mình khoe sắc trắng, lười biếng ngắm nhìn đàn cá sặc sỡ đầy màu sắc tung tăng bơi lội.
Khu vườn được thiết kế đẹp, chăm chút kỹ lưỡng, mật độ cây và hoa vừa phải, đa dạng sắc hương mà vẫn thoáng đãng, đủ không gian cho mỗi loài cây khoe trọn vẹn vẻ đẹp của mình.
Căn nhà hai tầng xây dựng theo kiểu hiện đại, rất nhiều cửa sổ lớn bằng kính, bên trong treo rèm màu kem dịu mát. Hồ bơi ngoài trời có mái che nằm kề bên. Thấp thoáng phía sau là một gian nhà nhỏ nhỏ bé xinh khác, kiểu nhà phụ dành cho khách. Chung quanh được bao bằng hàng rào gỗ màu trắng thấp sát đất có tác dụng trang trí là chính. Tổng thể nhã nhặn, thanh lịch.
Nhìn về phía cửa lớn thấy cô Năm và An Nhiên đứng đó đợi. An Nhiên vừa nhìn thấy Uyển Nhi đã chạy tới nắm tay vui mừng:
“Cô Uyển Nhi tới rồi, con đợi cô từ chiều tới giờ luôn.”
Uyển Nhi quay sang gật đầu cảm ơn anh bảo vệ, rồi cười tươi xoa đầu An Nhiên:
“Cô trò mình bắt đầu lúc năm giờ bốn lăm mà. An Nhiên trông cô sớm vậy!”
Cô Năm đứng gần đó lên tiếng thay:
“Cô nói mãi là chiều cô giáo mới tới, mà bé trông suốt, còn nói sao hôm nay đồng hồ chạy chậm thế.”
Uyển Nhi bật cười: “Tâm trạng nôn nao giống cô nè. Ngày đầu nên thế thôi, mấy ngày sau cứ đúng giờ là cô xuất hiện.”
Hôm nay An Nhiên mặc một chiếc đầm tới đầu gối bằng vải hoa màu xanh da trời, tóc búi cao trông thật xinh. Uyển Nhi nghĩ, bé gái này, ăn mặc kiểu gì cũng xinh cả.
Vào trong nhà, cô Năm mời Uyển Nhi ngồi xuống sofa tại phòng khách. An Nhiên rất tự nhiên ngồi xuống cạnh cô, tay vẫn nắm Uyển Nhi không buông. Cô Năm mang nước ép táo và ít hoa quả ra. Uyển Nhi cười cảm ơn, nói với cô Năm:
“Con đến đây mỗi ngày, cô Năm không cần khách sáo, cho con ly nước lọc là được. Còn trái cây để giờ giải lao bé có đói thì ăn, lúc đó hẳn mang ra.”
Cô Năm cũng cười đáp lời: “Lúc giải lao có món khác. Không sao đâu, lo cho cô cũng là lo cho An Nhiên mà. Cậu chủ đã dặn kỹ lưỡng. Cô không cần ngại, cứ tự nhiên.”
Uyển Nhi chỉ còn biết dạ, cung kính không bằng tuân mệnh.
Lúc này điện thoại reo, cô Năm đến nghe máy, sau đó cô ấy đến gần Uyển Nhi, nói:
“Cậu chủ gọi về, muốn gặp cô giáo.”
Uyển Nhi gật đầu, đón lấy điện thoại từ tay cô Năm:
“Dạ Uyển Nhi nghe.”
“Là tôi, Lý Minh Trí.”
Im lặng vài giây để Uyển Nhi nhận ra đang nói chuyện với ai, Lý Minh Trí tiếp lời:
“Chào mừng cô đến làm gia sư cho An Nhiên. Tôi bận không về được. Có gì cần cô cứ nói cô Năm. Còn có chuyện gì cần trao đổi về An Nhiên thì nói với tôi. Cô Năm sẽ gửi cô số điện thoại cá nhân của tôi cho cô, cô nhắn lúc nào cũng được.”
“Dạ, tôi biết rồi.”
Uyển Nhi mỉm cười xác nhận, dù đối phương không nhìn thấy nhưng khi cười, người bên điện thoại có thể cảm nhận được, mẹ Uyển Nhi đã từng dạy cô như vậy.
“Còn về giờ học và giải lao, có thể linh động. Nếu An Nhiên muốn chơi lâu hơn mười phút cũng được, hoặc lúc đàn, vẽ muốn nghỉ giải lao thêm lần nữa cũng không sao, hoặc hôm nào bé mệt muốn chơi thôi cũng được. Cái chính là con bé được vui vẻ. Học hành thì lâu dài, không cần ép bé. Cô cũng đừng ngại chuyện đến chỉ chơi mà không học, cô đến chơi với bé, xem như là một buổi học rồi.”
Lý Minh Trí nói rất cụ thể quan điểm để Uyển Nhi nắm được.
Uyển Nhi nghe Lý Minh Trí nói mà nhẹ nhõm hẳn. Các bé tuổi nhỏ như vậy, kêu ngồi đàn, vẽ liên tục sẽ không chịu, sẽ tìm đủ mọi cách để “thoát thân”.
“À, dạ, tôi hiểu rồi. Mà tôi có cần báo cáo với anh sau mỗi buổi học không?”
Uyển Nhi hỏi Lý Minh Trí, nói chuyện với con người này không dễ, sẵn hỏi cho hết ý luôn.
Uyển Nhi nghe tiếng Lý Minh Trí bật cười, đáp lời:
“Không cần đâu, chỉ khi có gì đặc biệt hãy nói cho tôi biết. Chuyện hàng ngày, bé muốn kể gì sẽ tự nói với tôi.”
“Dạ, tôi hiểu rồi.”
Uyển Nhi trả lời, trong lòng cũng thầm hiểu, dù không cần cô báo cáo, An Nhiên sẽ tự kể cho ba nghe mọi chuyện.
“Nếu không cần hỏi gì nữa thì tôi cúp máy. Cô cứ thoải mái để tâm lý An Nhiên thoải mái theo.”
“Dạ, chào anh.”
Uyển Nhi chỉ biết gật đầu vâng dạ.
“Chào cô.”
Nói xong Lý Minh Trí cúp điện thoại, nhanh gọn, dứt khoát đúng tác phong của anh. Uyển Nhi trả lại điện thoại cho cô Năm.
Quay sang An Nhiên, cô hỏi bé:
“Chúng ta bắt đầu chơi đàn nhé. Con xem như cô đến chơi với con, chứ không phải học. Chúng ta chỉ chơi đàn, tập vẽ, đọc sách truyện. Sang tuần khi con đi học trên trường, có gì thắc mắc thì hỏi cô, con đồng ý không nè?”
“Dạ, đồng ý.”
An Nhiên vui vẻ gật đầu.
Uyển Nhi lấy từ trong túi ra quyển sách “Phương pháp hồng – Năm thứ nhất với đàn Piano” của tác giả Ernest Van De Velde, đây là quyển sách dạy đàn cơ bản cho người mới bắt đầu mà cô đã tìm mua sẵn cho An Nhiên.
“Chúng ta sẽ đọc nốt trên khuông nhạc, nhận biết nốt trên phím đàn, và tập mười ngón tay cho quen. Chỉ thế thôi.”
Uyển Nhi nêu nội dung cho An Nhiên nắm. Hai cô trò bước đến cây đàn piano đặt ở góc phòng khách. An Nhiên đã biết chữ cái và số đếm nên nhận nốt trên khuông nhạc khá nhanh. Uyển Nhi cho An Nhiên làm quen vị trí nốt trên phím đàn. Hai cô trò vừa học vừa chơi thật vui vẻ.