Hình như con trai người nào cũng có giai đoạn khó ở, chẳng có chút “vui vẻ”, mà nhiều khi còn bất cần đời. Hồi mười một mười hai tuổi, Arthur vẫn còn là cậu bé ngoan đạo, nhưng nay thay đổi quá chóng vánh, trở thành đứa trẻ khiến mẹ đau đầu.
Anh ủng hộ cách mạng, cho rằng công xã Paris là một chính quyền tốt; anh nuôi tóc dài, để quả đầu bù xù như tổ quạ, thậm chí còn bắt đầu hút thuốc! Nên nói tục hay vô duyên vô cớ mắng chửi lại càng bình thường.
Có lẽ nghĩ, nếu làm thế thì sẽ tỏ ra mình “trưởng thành” chăng? Có lẽ anh cho rằng những chàng trai thời thượng ở Paris đều có tính cách như vậy?
Không thể xác định được chính xác những suy nghĩ bên trong anh lúc này, đây là trạng thái chỉ có thể hiểu mà không thể diễn đạt bằng lời, Vitalie có thể hiểu anh, cũng rất ghen tị với anh – con trai thì có thể làm ra những chuyện như thế này cả ngày, còn con gái thì không thể! Ví dụ, cô không thể tùy tiện rời nhà khi mới 16, 17 được. Nếu cô dám rời quê mà không có sự đồng hành của người nhà thì đừng mơ quay về nữa. Mọi người chắc chắn sẽ đồn thổi là cô bỏ trốn cùng người ta, ngay cả khi hoàn toàn không có ‘người ta’ nào cả; trinh tiết của cô sẽ bị hồ nghi, mẹ cô có thể bị chọc giận tức chết.
Arthur không thích làng Roche, cũng không thích Charleville, nhất là khi anh đã đến Paris thì càng không thích cuộc sống ở trấn nhỏ heo hút này. Anh cùng với mấy người bạn thường xuyên tụ tập ở ngôi làng hay trấn nhỏ ở gần Charleville. Bà Rimbaud cho rằng anh đi chơi, nhưng không có cách nào nghiêm khắc ép buộc anh, chỉ có thể không cho anh tiền để anh chịu đầu hàng.
Anh ăn cơm qua đêm ở nhà bạn, vui vẻ ba hoa những lời tràn ngập sự cuồng vọng của thiếu niên.
Đồng thời anh cũng viết rất nhiều thơ ca và văn xuôi. Arthur là một tác giả chăm chỉ, đầy mãnh liệt ham muốn sáng tác.
Không lâu sau khi anh trở lại Charleville, Paris truyền tới tin tức thành lập công xã Paris*, Arthur và bạn kích động tới nỗi đứng ngoài quảng trường Charleville hô hào “trật tự bị đả đảo!”, cảm thấy nước Pháp đã có hy vọng!
(*Công xã Paris chính thức thành lập ngày 28 tháng 3 năm 1871.)
Vitalie cũng đọc báo, có thể nói công xã Paris là chính quyền của giai cấp vô sản đầu tiên trên thế giới, nhưng vì từ khi thành lập đã non yếu nên cô không xem trọng.
Arthur lại khờ dại cho rằng, công xã Paris có tương lai! Anh lại muốn đến Paris nữa rồi.
Trường Charleville sẽ bắt đầu dạy học lại bình thường vào đầu tháng 4, nhưng Arthur không muốn đi học nữa. Thế nên anh tất phải tìm việc, hoặc là giả vờ đang tìm việc, nếu không mẹ đã không dễ dàng bỏ qua cho anh.
Anh vốn làm việc vài ngày ở “báo Tiến bộ Ardennes” có bạn là chủ biên, phụ trách phân loại thư từ độc giả. Đó là công việc rất được, nhưng không may là 5 ngày sau, tờ báo bị buộc phải ngừng xuất bản, thế nên Arthur rất phẫn nộ.
“Đám quan liêu hèn hạ ngu xuẩn!” Anh mắng.
Nếu đã ghi rõ là “báo Tiến bộ” thì tức nghiêng về phía công xã Paris, chuyện diễn ra ở cách xa Paris, dĩ nhiên chính quyền bên dưới sẽ không thích. Thực chất công xã Paris chỉ “quản lý” Paris ở bề ngoài, không có thẩm quyền đối với các tỉnh bên dưới, thế là bắt đầu gấp rút đưa ra chính lệnh mới.
Vitalie cũng chẳng thấy lạ, “Cơ sở của công xã Paris không ổn định, thất bại chỉ là vấn đề sớm muộn.”
“Em đừng có bi quan như thế.”
“Anh thì lạc quan quá rồi.”
“Sao em lại nghĩ sẽ thất bại?”
Bà Rimbaud nghiêm nghị nói: “Ăn cơm.” Bà không thích đề tài này.
Vitalie làm mặt quỷ với Arthur.
***
Đến tối, Arthur chủ động pha nước rửa chân, Vitalie cầm khăn lau chân và tất mới đến cho anh.
“Nhìn đi, đây là em tự đan đó.” Cô lấy làm đắc ý. Phương pháp chiết xuất sợi hóa học chưa được phát minh trong thời đại này, cho nên nguyên liệu dệt đều là sợi thiên nhiên, sợi để đan tất về cơ bản là sợi bông và sợi len. Mùa hè đi tất bông, mùa đông đi tất len
lày. Cô chọn sợi len màu tự nhiên đan cho anh một đôi tất vừa dày vừa mềm.
Nhiệt độ tháng 4 đúng là ỡm ờ, nói lạnh thì không hẳn, mà bảo nóng cũng chẳng phải.
“Cám ơn.” Arthur nhận lấy đôi tất.
“Đi bây giờ chắc sẽ nóng, đợi mấy hôm nữa em sẽ đan cho anh đôi tất bông.” Đan tất là chuyện của bà Rimbaud, cô mới theo học gần đây, vì rất hăng hái nên cũng đan hết cho các anh và em gái.
“Mẹ vẫn để em làm nhiều việc nhà à?”
“Ừm.” Cô gật đầu, “Hết cách rồi, Isabelle còn nhỏ, cũng không làm được gì.”
“Sao em không về trường dòng?”
“Không muốn đi, các xơ chẳng dạy được gì cả.” Cô rầu rĩ, “Em muốn tới trường Charleville, nhưng bây giờ bọn họ vẫn chỉ nhận nam sinh.”
Arthur suy nghĩ, “Em muốn đi thật à?”
“Ừ. Em đọc sách vở của anh không hiểu, em muốn học hệ thống ở trường hơn.”
“Em cũng đến tuổi rồi, nhưng mà… mẹ có cho em đi không?”
“Em học ở Charleville, buổi chiều có thể về nhà, em nghĩ chỉ cần em có thể đi học thì bà sẽ không từ chối đâu.”
Đúng thế.
“Để anh hỏi thầy với hiệu trưởng xem sao.”
“Nhưng bọn họ muốn anh về học mà?”
Arthur ủ rũ, “Thực ra anh cũng không học được tri thức mới ở trường, không bằng đi học đại học luôn, nhưng đúng là học đại học quá đắt.”
“Em thấy anh không cần phải học đại học đâu.” Mới trước đây anh còn nói không cần phải đi học đại học mà.
“Nếu có thể đến Paris học đại học thì hay quá, nhưng…” Có thể học đại học ở Paris là chuyện rất thời thượng, tuy không nhất định phải học đại học, song nếu có thể ở lại Paris nhiều năm thì đúng là chuyện tốt.
“Một năm học đại học cần ít nhất bao nhiêu franc?”
Arthur không có khái niệm trong chuyện này, “Chắc một năm cần cỡ 1.500 franc?”
“Đó là sinh hoạt phí à? Còn học phí thì sao?”
“Không biết.”
Vitalie cười lớn: có lẽ anh chưa bao giờ suy nghĩ đến vấn đề “tiền bạc”.
“Đây là vấn đề toán học. Giả dụ một ngày ở Paris anh phải tiêu một đồng rưỡi franc mới đủ sống, không đến mức đói chết, như thế một năm anh phải ở Paris chín tháng, một tháng tiêu 45 franc, 9 tháng là 405 franc. Nhưng thực tế anh cần thêm vào các chi phí khác, tiền thuốc men là 50 franc, tiền xe đi lại là 50 franc, tiền tiêu vặt thì làm tròn 100 franc, như thế chi phí sinh hoạt và xã giao cơ bản nhất của anh là 600 franc, 4 năm 2.400 franc, chưa kể học phí.
Hiện tại một năm phí sinh hoạt của nhà ta là 1.500 franc, tiền thuê nhà không tính, có lẽ mẹ có thể cho anh 300 franc mỗi năm để trang trải sinh hoạt phí, em cũng có thể thêm cho anh 100 đến 150 franc. Nếu anh lại đến Paris thì có thể hỏi thăm xem học phí đại học như thế nào, nếu có học bổng thì anh có thể xin học bổng. Nếu không có học bổng, chúng ta đành phải đi tìm đại úy Rimbaud đòi tiền nuôi dưỡng.”
Arthur Rimbaud im lặng. Em gái tính nhẩm rất giỏi, cô cũng tính toán cho anh thấy vấn đề thực tế nhất: đi đến đâu cũng không thể xa rời tiền bạc, đúng là ghê gớm!
Trước khi trốn nhà anh chưa bao giờ ý thức được tiền bạc quan trọng, vì bà Rimbaud không nói cho anh biết những chuyện này, chỉ bảo anh học hành cho giỏi, hiện tại xem ra, cái nhìn về cuộc sống của anh quá thiếu thốn rồi.
***
Ngày hôm sau, Vitalie được cậu Felix đến đón đi.
Arthur không đến làng Roche với em gái, trong ngày hôm đó, anh lại rời khỏi Charleville để đi Paris.
Lần này anh không xin tiền Vitalie nữa. Anh không đem theo một xu nào trong người, không thể đi tàu; mà tuyến tàu đi Paris cũng đang bị dừng, thế là, anh quyết tâm đi bộ đến Paris.
***
Làng Roche.
Nhà Cuif là một tòa nhà hai tầng giản dị, trong ngoài không bắt mắt.
Vitalie ở căn phòng phía nam trên tầng hai.
Nhà ở làng quê nào có đồ trang trí, nhưng không biết cậu tìm đâu ra được một tấm thảm Thổ Nhĩ Kỳ mà trải lát sàn trong phòng cô. Tấm thảm khá cũ, có nhiều chỗ bị mòn, lộ cả phần thân vải.
Cậu Felix không kết hôn, nhưng em trai của bà Rimbaud là Charles đã kết hôn, có một người con ốm yếu, cũng tên là Charles.
Charles Nhỏ lớn hơn Arthur mấy tháng, sinh vào tháng 6 năm 1854, sắp 17 tuổi rồi mà vẫn là một chàng trai nông thôn gầy gò. Anh có đi học nhưng không có hứng thú với việc học, chỉ dừng lại ở trình độ đọc hiểu sách báo.
Mấy năm sau khi cha anh rời nhà, mẹ của anh cũng rời khỏi thôn Roche, Charles Nhỏ là đứa trẻ tội nghiệp cha không thương mẹ không yêu.
Cậu Charles là người nghiện rượu, quanh năm thường xuyên làm việc linh tinh ở bên ngoài, thỉnh thoảng đi ngang qua Charleville hay làng Roche thì sẽ tới thăm gia đình chị gái và con trai mình. Bà Rimbaud rất ghét ông em nát rượu này, vừa gặp mặt là chỉ muốn mắng ông, mà cậu Charles cũng không ưa gặp bà, chỉ lén đi gặp hai đứa cháu ngoại.
Nhà Cuif sống nhờ vào việc thu địa tô*, cậu Felix sẽ không làm việc nhà nông, cũng chưa bao giờ ra đồng, anh họ Charles đã không biết làm nông mà cũng không biết làm việc nhà nốt. Trong nhà thuê một người phụ nữ cùng làng dọn dẹp, Vitalie cũng chẳng cần làm lụng ở nhà cậu, nên ở đây cô thấy thoải mái hơn so với khi ở nhà.
(*Địa tô là phần sản phẩm thặng dư mà những người sản xuất nông nghiệp tạo ra và nộp cho người chủ sở hữu ruộng đất.)
***
Cô nói đến chuyện đại úy Rimbaud với cậu, ông Felix có vẻ do dự.
“Mẹ cháu không thích khơi chuyện về cha cháu, bà ấy có biết việc này không?”
“Bà ấy không biết. Có điều việc này cũng không cần bà ấy đồng ý. Cháu là con của ông ta, cháu có quyền đòi tiền nuôi dưỡng của bọn cháu. Ông ta cũng không phải tới mức không có 1 đồng franc nào, ông ta có nhà cửa yên ổn, lại còn nuôi tình nhân với con riêng, mà đáng lẽ số tiền đó nên đưa cho mẹ.”
Felix rót một cốc rượu, “Hồi trước do cậu không ở nhà, cậu mà ở nhà thì tuyệt đối sẽ không để nó cưới một sĩ quan! Bản thân cậu cũng từng ở trong quân đội, sĩ quan luôn phải thay đổi nơi đóng quân, chắc chắn ông ta sẽ không ở mãi Ardennes.” Ông nhìn cháu gái ngoại nhỏ tuổi của mình, lại chê bai, “Nhìn xem, sao cháu vẫn gầy còm thế hả! Lần này cháu ở lại đây nhiều vào, ở lại một tháng luôn đi, dù sao cháu cũng không cần về trường dòng. Cậu nghe nói các xơ không cho cháu ăn no?”
“Vâng. Các xơ nói, con gái không cần ăn quá no, ăn no 7 phần là đủ.” Cô có ý kiến rất lớn về chuyện này! Trường dòng vẫn thu học phí và phí ăn ở như thường, thế mà các xơ lại cắt xén thức ăn, thỉnh thoảng có khách quý tới thăm thì mới cho các cô ăn no. Bà Rimbaud chỉ có thể đưa cô đến các trường dòng phổ thông, chứ bà không gánh nổi chi phí cho trường dòng cao cấp.