Công viên cây cối xanh tươi, mát mắt. Đi bộ trong này mang lại cảm giác rất khoan khoái và dễ chịu. Chẳng mấy mà ba người đã đi tới bờ sông.
Bác gái bất ngờ nói:
“Cô bé, cháu cứ sang bên đó chơi đi, chúng ta ở đây chụp thực vật.”
“Dạ vâng ạ”
Đường Tư Kỳ tạm biệt hai bác rồi đi dọc theo con đê ước chừng một km kéo dài từ đất liền tới mặt sông. Càng đến gần, ngọn hải đăng càng phóng đại ra trước mắt.
Ban đầu cứ tưởng chỉ là một cái cột nho nhỏ thôi nhưng sang tận bên này mới thấy nó là cả một toà tháp kiên cố, to và rộng đến ngỡ ngàng. Nửa dưới chân tháp là bệ xi măng màu xám, thân trên phủ sơn trắng và phần đỉnh chóp cao nhất được tô màu đỏ, nhìn xa y hệt chiếc mũ, rất đáng yêu và bắt mắt.
Đường Tư Kỳ rút điện thoại, bấm tách tách vài “pô” rồi gửi cho Đậu Mễ.
Đậu Mễ phản hồi rất nhanh: [ Lợi hại nha. Không ngờ mày năng suất như vậy, nói đi là đi luôn! ]
Kỳ Kỳ: [ Tao mà lại, hehe ]
Đậu Mễ chia sẻ một liên kết rồi nhắn tiếp: [ Mày đọc cái này đi nè, đây chính là bài giới thiệu về ngọn hải đăng Tùng Khẩu. Đọc đi rồi mày sẽ biết vì sao tao lại đề cử mày đến đây ]
Đường Tư Kỳ nhấn mở liên kết, chăm chú đọc một hồi mới càng kính nể nơi này gấp bội. Thì ra từ thời nhà Minh, triều đình đã cho xây dựng một toà núi đất kèm đèn chiếu sáng tại đây. Có thể nói nó chính là ngọn hải đăng đầu tiên của Trung Hoa.
Hơn nữa, lúc Trịnh Hoà (1) dong thuyền ra khơi đi thám hiểm đã chọn nơi này làm điểm xuất phát đầu tiên. Khi đó ngọn hải đăng Tùng Khẩu đã được xây dựng hơn trăm năm, mãi đến năm 1988 chính phủ mới tiến hành cải tạo lại và giữ nguyên diện mạo cho đến ngày nay.
Thật không thể ngờ, một công trình nhỏ bé giản dị thế này lại chứa đựng dấu ấn lịch sử hàng trăm năm của ngành giao thông hàng hải Trung Quốc, quả là tuyệt vời ngoài sức tưởng tượng!
Đường Tư Kỳ đi vòng quanh ngắm nghía và chụp rất nhiều ảnh để dành làm tư liệu sáng tác sau này. Trước khi rời khỏi đây, cô không quên vào hệ thống Check-in
[ Chúc mừng người chơi đã thành công Check-in “Ngọn hải đăng Tùng Khẩu”. Xếp hạng: A. Hệ thống khen thưởng: + 24 giờ sinh mệnh, + 100 đồng vàng. Bảo khố: 577 đồng vàng. Thọ mệnh: 73 giờ đồng hồ. ]
Quả nhiên là cấp A. Đậu Mễ giới thiệu chỗ này cũng được quá ấy nhỉ. Nếu có thể tìm thêm một địa điểm cấp A nữa là hôm nay ấm rồi! Đường Tư Kỳ hưng phấn mở đồng hồ xem giờ rồi chợt tiu nghỉu như cái bánh đa nhúng nước.
Giờ đã là năm giờ chiều rồi, biết đi đâu tìm địa điểm bây giờ. Thẫn thờ men theo đê bảo hộ quay trở lại đất liền, vừa đi Đường Tư Kỳ vừa dùng điện thoại tra cứu những danh lam thắng cảnh quanh đây.
Thật không ngờ tra ra mới biết quanh khu Bảo Sơn này có không ít chỗ vui chơi, tỷ như công viên Gucun (2), núi Bảo Sơn hay Công viên điêu khắc thép (3) Tiếc là hôm nay thời gian tương đối trễ mà các địa điểm này nằm hơi xa thế nên tận đến khi ra khỏi Công viên đầm lầy quốc gia Đường Tư Kỳ vẫn chưa quyết định được sẽ đi nơi nào tiếp theo.
Cuối cùng cô quyết định bắt xe quay ngược lại khu Hoàng Phố rồi tính tiếp. Lúc đến đây đường xá khá thông thuận nhưng khi trở về đúng giờ tan tầm nên tắc đường gần chết.
Xe buýt cứ đi rồi lại dừng, dừng rồi lại đi, cuối cùng đứng chết chân tại chỗ, không sao nhúc nhích nổi. Hôm nay dạo quanh công viên, lại còn mò ra tận ngọn hải đăng ở giữa sông, Đường Tư Kỳ đã đi suýt soát hai mươi ngàn bước.
Giờ cô mệt lả, chân tay rã rời, bụng đói cồn cào thế nên cô quyết định xuống xe, tìm xem có cửa hàng nào ngon ngon vào đánh chén một bữa cho lại sức. May thay, vừa xuống khỏi xe buýt, Đường Tư Kỳ nhìn thấy ngay một cửa tiệm bánh trôi.
Hiện giờ ở Thượng Hải đã không còn nhiều cửa hàng chuyên môn bán bánh trôi như thế này. Nhìn cửa tiệm trước mặt đã ngả màu thời gian nhưng khách khứa ra vào tấp nập.
Trái ngược hẳn với những căn tiệm bên cạnh, rõ ràng là trang trí xa hoa bóng sáng nhưng ế thấy thương, chẳng có lấy một mống khách. Xuất phát từ tò mò, Đường Tư Kỳ liền tiến lại gần.
Đập vào mắt cô là bốn chữ “Bánh Trôi Bảo Sơn” được viết ngay ngắn dọc hai cột trụ trước cửa. Đường Tư Kỳ cũng xếp vào hàng nhưng rồi không nén nổi tò mò, cô liền bắt chuyện với bà chị đứng phía trước:
“Chị chị cho em hỏi, tiệm bánh trôi Bảo Sơn này ngon lắm hay sao mà đông người đợi mua vậy?”
Bà chị phía trước nhíu mày quay đầu:
“Em từ nơi khác đến à?”
Đường Tư Kỳ gật gật:
“Vâng…”
“Ồ, ra vậy”, bà chị liền nhiệt tình giải thích:
“Đến Bảo Sơn mà không ăn bánh trôi tiệm này thì chưa gọi là đến Bảo Sơn. Tiệm bánh trôi này nổi tiếng lâu đời rồi. Này ngày thường còn đỡ đấy, chứ phải lễ Tết thì có mà xếp hàng ba tiếng cũng chưa mua được bánh.”
“Trời, ghê dữ vậy sao?!”
Đường Tư Kỳ vừa lắng nghe bà chị kể sự tích lẫy lừng vừa đưa mắt quan sát xung quanh. Tiệm lắp đặt khu bếp mở để khách hàng dễ dàng quan sát. Phía bên trong, các cô nhân viên gần như hoạt động hết công suất, ai cũng thoăn thoắt bận rộn, người gói bánh, người đứng luộc, người xếp vào hộp…
Đường Tư Kỳ hiếu kỳ thắc mắc:
“Ủa ở đây còn bán cả bánh trôi sống nữa hả chị?”
Bà chị đứng trên nhiệt tình cung cấp thông tin:
“Ừ, tại mỗi lần mua khó khăn quá nên nhiều người mua luôn bánh sống về cấp đông. Khi nào muốn ăn chỉ việc bỏ vào nồi luộc, đỡ phải ra đây đứng xếp hàng chờ đợi mất thời gian.”
Chị gái vừa dứt lời thì một cô nhân viên xách năm hộp bánh trôi ra đưa cho một người phụ nữ trung niên đứng ở đầu hàng. Đường Tư Kỳ há hốc miệng khϊếp sợ. Chả trách nhân viên làm liên tục như con quay mà vẫn không kịp phục vụ.
Hoá ra mỗi người khách lại mua nhiều đến như vậy. Nhưng thôi kệ, dù gì cũng xếp vào hàng rồi, giờ bỏ đi tìm chỗ khác kể ra cũng ngại. Cố đợi vậy!
Bà chị đứng bên trên vẫn thao thao bất tuyệt:
“Ở đây món trứ danh là bánh trôi nhân mè, hương vị kinh điển đấy, nhất định phải thử. Ngoài ra nhân thịt viên cũng không thể bở lỡ. Em đã ăn thử bao giờ chưa, chị khoái nhất vị này đấy. Còn mẹ chị thì thích nhân mứt táo, bố chị lại chỉ ăn nhân rau tể thái. Thế nên ăn gì thì ăn cũng không được quên gói hai hộp mứt táo và rau tể thái về cho hai cụ.”
Đường Tư Kỳ bắt đầu hoang mang nhẹ, bánh trôi nhân thịt viên á, đến nghe cô còn chưa từng nghe qua chứ nói gì tới ăn thử. Lại còn mứt táo và rau tể thái nữa chứ, sao tiệm này toàn bán mấy loại nhân kỳ cục khác người vậy?! Liệu ăn vào có đau bụng tiêu chảy không trời?!
===
Chú thích:
(1)Trịnh Hòa (phồn thể: 鄭和; giản thể: 郑和; Hán ngữ bính âm: Zhèng Hé; Wade-Giles: Cheng Ho), tên khai sinh: Mã Tam Bảo (馬三寶 /马三宝; pinyin: Mǎ Sānbǎo tên Ả Rập: Hajji Mahmud Shams), 1371–1433, là nhà hàng hải và nhà thám hiểm người Trung Quốc nổi tiếng nhất. Ông chính là người đã chỉ huy các chuyến thám hiểm được gọi chung là các chuyến đi của "Tam Bảo Thái giám hạ tây dương" (三保太監下西洋) hay "Trịnh Hòa đến đại dương phía tây" từ năm 1405 đến năm 1433. Tạp chí Life xếp Trịnh Hòa đứng thứ 14 trong số những người quan trọng nhất trong thiên niên kỷ vừa qua. Ông là người Hồi.
(2)Công viên Gucun được biết đến là thế giới hoa anh đào nằm ở Thượng Hải , Trung Quốc . Điểm nổi bật của công viên này là không gian xanh rộng , không khí trong lành , phong cảnh đẹp , thơ mộng với những anh đào khoe sắc hồng .
(3)Công viên điêu khắc thép Thượng Hải tọa lạc tại số 101 đường Trường Giang Tây, quận Bảo Sơn, ra khỏi đường Songfa, tuyến tàu điện ngầm số 3 và đi bộ về phía tây, mất khoảng 40 phút là đến.