Huyết Anh Ngải

Chương 1

Những tia nắng đầu tiên bắt đầu xuyên qua lớp sương mù dày đặc soi rõ khung cảnh của một buổi chợ phiên vùng cao Tây Bắc. Gà mới gáy rạng đông nhưng người dân bản làng đã tấp nập chuẩn bị hàng hoá để kịp đến chợ đúng giờ. Chợ phiên ở đây một tháng chỉ họp hai lần nên không khí nhộn nhịp và đông vui không kém những buổi chợ dưới xuôi.

Tuyết Dung và Thuỳ Anh là hai cô gái sinh viên của một trường đại học ở Hà Nội, cả hai đã có mặt ở phiên chợ này từ lúc 8 giờ sáng. Nguyên nhân khiến cả hai lặn lội tới đây phần vì để thỏa mãn đôi chân không thể ngồi yên và sở thích chụp ảnh du lịch, phần là phải hoàn thành nốt bài luận về văn hoá và đời sống người dân trên các phiên chợ vùng cao. Rõ ràng những thông tin này họ hoàn toàn có thể tìm kiếm trên internet nhưng cả hai đều nghĩ chuyến đi thực tế lần này không chỉ có thể giúp họ hoàn thành tốt bài luận mà còn là cơ hội giải khuây sau những giờ học tập mệt mỏi.

Tuyết Dung và Thùy Anh đi tham quan khắp khu chợ. Có thể thấy dọc hai bên đường đi quanh chợ bày bán rất nhiều mặt hàng do bà con dân tộc mang đến để trao đổi, buôn bán. Những cây giống, can rượu hay đôi ba cuộn vải được đặt trong gùi, trong giần,... Những bà những mẹ cười vui vẻ chào mời khách mua hàng. Làn da họ sạm đen, nhăn nheo họa lên nụ cười thuần hậu, chất phác. Không khí ở chợ phiên ngập tràn trong màu sắc của những bộ trang phục thổ cẩm giữa bức tranh hùng vĩ của núi rừng đại ngàn Tây Bắc. Tuyết Dung và Thuỳ Anh vừa chụp cho mình những tấm ảnh ưng ý nhất vừa có cơ hội ghi chép lại những nét đặc sắc trong trang phục lẫn văn hoá của nơi đây.

Dừng chân ở một gian hàng bán đồ trang sức bằng bạc của bà con dân tộc, Thuỳ Anh bị vẻ lấp lánh của những chiếc lắc tay, vòng cổ hấp dẫn.

“Tuyết Dung, lại đây xem!”- Thuỳ Anh vừa ngó vào gian hàng vừa vẫy tay gọi Tuyết Dung lại.

“Gì thế? Trang sức à? Thôi, không có thời gian đâu, tranh thủ đi quanh chợ tìm hiểu thêm vài trò chơi ở chợ phiên nữa rồi về thôi.”- Tuyết Dung nói.

“Kìa, chả mấy khi mới được lên đây. Nào, vào đây chọn cho tao cái lắc tay nào.”- Thuỳ Anh kéo Tuyết Dung vào xem.

Cả hai nhìn chiếc bàn nhỏ bày đầy đủ các loại trang sức mà hoa cả mắt, nhẫn, lắc tay, vòng cổ cho đến những sợi dây bạc với đủ kiểu dáng khác nhau. Tuyết Dung đang định chọn cho mình một món đồ để đem về làm kỷ niệm, bỗng cô cảm thấy ớn lạnh, cảm giác này giống như bị ai đó nhìn trộm với ý tứ không tốt. Cô quay sang trái, sang phải để xác nhận xem linh cảm của mình có đúng không. Nhưng khu chợ vẫn nhộn nhịp và tấp nập người qua kẻ lại, có muốn biết ai đang nhìn trộm mình cũng khó. Chợt, Tuyết Dung nhìn sang một góc nơi cuối chợ thì thấy một người mặc trang phục thổ cẩm không rõ của dân tộc nào, đang bày bán độc nhất một cái thúng chỉ chứa mấy nhành cây khô. Người này cứ thi thoảng liếc sang nhìn cô, đến khi Tuyết Dung quay lại thì gã lại nhìn sang chỗ khác. Mặc kệ Thuỳ Anh đang mê mẩn với đống trang sức, Tuyết Dung tò mò đến chỗ người kia.

Người này đội một cái nón rách, lại mặc trang phục thổ cẩm, nhìn qua rất khó đoán được là người dân tộc nào. Đến gần Tuyết Dung mới biết là một người đàn ông trung tuổi có một vết sẹo dài trên má kéo lên tận mắt, thấy Tuyết Dung tới gần, gã lên tiếng:

“Cần gì?”

Hình như gã không phải người Kinh chính gốc, giọng nói lơ lớ cùng câu hỏi cộc lốc khiến Tuyết Dung khó chịu, cô hỏi vặn lại:

“Thế ở đây ông bán gì?”

Gã đàn ông trả lời:

“Danh phận, tình yêu, sự nghiệp, hạnh phúc…”

Tuyết Dung suýt bật cười, rõ ràng là một gã điên. May mà cô lại đây một mình, Thuỳ Anh mà biết chuyện chắc sẽ cười cô mất. Tuyết Dung toan đứng dậy rời đi, bỗng gã đàn ông gọi với theo:

“Nhâm Ngọ, chập tối 13 tháng 7 âm lịch.”

Tuyết Dung đứng khựng lại, cô kinh ngạc nhìn gã đàn ông kia. Rõ ràng Tuyết Dung không hề quen biết gã vậy mà gã biết chính xác ngày sinh tháng đẻ của cô. Chưa đợi Tuyết Dung lên tiếng, gã nói tiếp:

“Tôi nhìn cô khí sắc không tốt, chắc trong gia đình vừa xảy ra tang sự. Thêm nữa cô hay gặp vận rủi, gần đây cô mới bị một tai nạn làm chảy máu phải không?”

Tuyết Dung cau mày, đúng là tháng trước căn bệnh ung thư đã cướp đi người ông mà cô yêu quý. Và cũng cách đây mấy ngày, một lần trượt chân trong nhà tắm đã khiến cái móc áo bằng sắt kéo toạc một đường dài trên cánh tay Tuyết Dung làm cô phải đi khâu ba mũi. Bán tín bán nghi, cô lại gần chỗ gã ngập ngừng hỏi:

“Ông… ông là thầy bói?”

Gã đàn ông lắc đầu:

“Tôi không phải là thầy bà gì cả, chỉ là kẻ bán hàng rong biết chút ít nhân tướng thôi. Tôi thấy cô là nữ mang mệnh thuần âm lại sinh vào ngày giờ Thất Sát, đối với mệnh thân là điều không tốt nên có ý nhắc nhở cô một chút.”

Gã ta chỉ nói vài ba câu ngắn ngủi nhưng Tuyết Dung khá mê tín, cô cảm thấy gã đàn ông kỳ quặc này không giống những thể loại lừa đảo khác. Vẫn còn đôi chút nghi ngờ, cô hỏi lại:

“Ông chỉ đơn giản là muốn nhắc nhở tôi thế thôi sao?”