Bán Duyên

Chương 17: Thi Hương

“Em đi đây…”

Văn Phúc bịn rịn chia tay Bá Khắc và mọi người, đi được mấy bước lại quay đầu lại, lưu luyến không thôi.

“Em đi thật đây…”

“… Biến!”

Bá Khắc nổi quạu, cò cưa cả buổi chưa đi được mấy bước. Văn Phúc nhìn y thật sâu, hít một hơi thật mạnh sau đó quay đầu chạy đi. Tín Lực vội vàng vẫy tay với mọi người rồi đuổi theo. Ra đến lũy tre đầu làng, thấy Văn Phúc đứng khóc thở không ra hơi, anh ta chép miệng, vỗ vai hắn an ủi.

“Đi nhanh thi cho tốt rồi về. Đi thi chứ có phải đi chết đâu mà khóc.”

Tín Lực là dân nhà võ, lời an ủi không được văn mỹ lắm, nhưng cũng giúp Văn Phúc nhận rõ tình hình. Hắn hít hít cái mũi đỏ ửng gật đầu, liếc nhìn phía sau một cái rồi quay đầu bước đi.

Hắn phải thi cho tốt, không thể phụ tấm lòng của Bá Khắc được.

Hai người đi bộ đến tỉnh Vọng, trên đường đi gặp đượng rất nhiều tử sĩ khác, kết nhóm cùng đi.

Sau khi lên đến trường thi, mọi người tìm quán trọ nghỉ ngơi, qua hai ngày tiếp theo thì đến điểm danh, soát người sau đó đi vào thi vòng đầu tiên.

Vòng đầu tiên thi ba ngày ba đêm liên tục, sau đó sẽ chờ năm ngày, nếu có tên trên yết bảng thì được vào vòng thi thứ hai.

“Văn Phúc, tên cậu ở đầu bảng kìa, được thi vòng hai rồi.”

Văn Phúc gật đầu thở phào nhẹ nhõm.

Vòng hai được cử hành vào một ngày tiếp theo sau ngày yết bảng vòng một, cứ dần dần cho đến hết vòng thứ tư.

Vòng thứ tư sẽ không có kết quả yết bảng ngay mà phải đợi hai tháng sau sẽ gửi công văn về huyện.

Mặc dù thi vòng thứ tư tận bảy ngày bảy đêm, Văn Phúc chỉ kịp ngủ đúng một ngày sau đó cấp tốc lên đường chạy về. Tín Lực than thở:

“Cái thằng này mày làm gì mà như chạy nạn thế hả, nghỉ thêm vài ngày nữa thì chết à? Mày xem mày gầy thành cái dạng gì kìa. Về ông bá hộ lại xót chết thôi.”

Văn Phúc mặc kệ anh ta lải nhải, chỉ cười cười đi về. Trên đường về gặp không ít học trò, có người thấp thỏm, có người cười tươi, có người thì ỉu xìu.

“Anh Lực ơi, đi nhanh lên đi.”

“Được rồi được rồi, mày có phải nhà nho không thế, đi còn khỏe hơn cả anh nữa.”

Đường về vắng vẻ hơn lúc đi rất nhiều, lúc về ngang qua huyện Đốc, hai người bắt gặp một người toàn thân đầy máu nằm bên vệ đường. Tín Lực rất sợ phiền phức, rất muốn dắt Văn Phúc đi qua cho nhanh, nhưng mà Văn Phúc lại không nỡ nhìn người khác chết trước mặt mình.

Vì thế hắn năn nỉ ỉ ôi, kêu Tín Lực cùng hắn đưa người đến gặp thầy lang. Tín Lực hết cách, thở dài:

“Mày với ông bá hộ giống hệt nhau.”

Đều dễ mềm lòng như thế. Anh ta cúi xuống khom người cõng người kia lên, tránh đi mấy chỗ thương nặng, cõng người lên trên lưng, hỏi thăm đường đến nhà thầy lang.

Người dân thấy hai người họ cõng một người máu me be bét đến hỏi đường, ai cũng lảng tránh. Cũng may có mấy mục đồng ngoan ngoãn chỉ đường cho họ.

Thầy lang nhìn thấy người bị thương nặng như vậy cũng giật mình, vội vàng kêu đưa người vào trong nhà. Vốn tưởng chỉ là bị ngã, đến lúc vạch áo xem vết thương thì thấy toàn là dấu vết bị chém, thầy lang sợ đến trắng mặt.

“Này, này, mấy cậu là ai? Sao người này trên người toàn vết đao chém thế vậy? Cậu ta là gì của mấy cậu?”

Văn Phúc gãi đầu:

“Dạ, không có quan hệ, chỉ thấy bị thương trên đường nên đưa tới.”

Thầy lang mặt nặng mày nhẹ quở trách:

“Thời buổi bây giờ làm người tốt coi chừng rước họa vào thân. Nhìn người này cũng chả phải cái dạng tốt lành gì.”

Tín Lực là người nóng tính, anh ta nói oang oang:

“Thầy lang, người là chúng tôi mang đến, tội chúng tôi chịu, ông cứ chạy chữa cho cậu ta là được.”

Thầy lang lầm bầm thêm mấy câu rồi cũng bắt tay vào chữa trị.

“Vết thương không nguy hiểm đến tính mạng, cậu ta bất tỉnh vì mất máu quá nhiều.”

Ông nói xong lau sạch người cậu ta, đắp thuốc cầm máu rồi bảo Tín Lực giúp đỡ người dậy để băng bó.

“Ư…”

Người đàn ông cau mày rên một tiếng đau đớn, nhưng không có tỉnh lại. Văn Phúc quan sát anh ta, hiểu vì sao thầy lang nói anh ta không phải là người tốt. Trên mặt người này, có một vết sẹo dài ngoằng từ thái dương bên phái đến má bên trái, gần như là cắt ngang nửa khuôn mặt.

Quả thật trông rất giống giặc cướp.

Sợ sau khi họ đi, thầy lang sẽ đem người quẳng ra ngoài, cho nên hai người họ ở nhà thấy lang thêm mấy ngày nữa, chờ người đàn ông kia hoàn toàn tỉnh táo lại mới để lại chút tiền cho thầy lang, chào từ biệt rồi đi về.

“Khoan đã!”

Người đàn ông tên Nhậm Sỹ gọi giật hai người lại, lần mò trong thắt lưng lấy ra một tấm kim loại in hoa văn rất kỳ quái, đưa cho Văn Phúc và Tín Lực, nói:

“Hiện giờ tôi không có thứ gì để đền ơn hai cậu, chỉ có vật này làm tin, sau này khi có biến cố xảy ra, thứ này có thể cứu các cậu một mạng.”

Văn Phúc và Tín Lực nhìn trái nhìn phải, không nhận ra ký hiệu trên tấm thẻ bài, muốn hỏi rõ hơn thì người đàn ông xua xua tay nói:

“Đi đi, về đi, mấy năm tới hạn chế đi ra ngoài. Nếu cần thì hãy tìm chỗ an toàn, đợi đến lúc đó thì đi trốn đi.”

Anh ta không nói thêm gì nữa đuổi hai người đi. Văn Phúc cũng vội trở về cho nên cũng không tìm hiểu thêm nữa, ra đến đầu làng chân hắn bỗng khựng lại, nhìn về phía Tín Lực.

“Anh Lực, chỉ có quy định lúc đi thi chỉ được đi bộ, chứ có quy định lúc về cũng phải thế đâu nhỉ?”

“… Hình như đúng thế thật.”

Thế là hai người thuê xe trâu đi về cho nhàn xác, dù sao trước lúc lên đường ông bá hộ cho họ nhiều tiền lắm.

Mấy ngày nay Bá Khắc cứ thấp thỏm chờ đợi, chốc chốc lại ngó ra cổng. Chiều tối hôm đó cuối cùng Văn Phúc cũng đuổi về đến nơi, nhưng thấy người ngợm mình bây giờ không khác gì nạn dân, hắn hỏi Tín Lực:

“Anh Lực, có chỗ nào tắm rửa trước không?”

“Hử? Sao thế?”

“Thì anh nhìn anh với em, có khác gì giặc cướp không? Tìm chỗ tắm rửa sạch sẽ xả xui rồi hãy về, nếu không có thứ bẩn thỉu gì đó bám theo về nhà thì cũng không hay.”

Tín Lực nghĩ cũng phải, cho nên anh ta dẫn Văn Phúc về nhà cũ của mình, tuy mấy tháng không về dọn dẹp nhưng cũng không ảnh hưởng gì.

“Mày ngắt lá bưởi, anh đi nhóm bếp.”

Chờ hai người tắm táp xong xuôi thì trăng cũng đã lên cao, vội vàng chạy về nhà bá hộ Khắc.

Gió đông thì lạnh nhưng lòng Văn Phúc lai nóng bừng bừng, giờ phút này hắn rất muốn ôm Bá Khắc vào lòng, hôn y thật sâu, hỏi Bá Khắc có nhớ hắn hay không.

Hắn nhớ Bá Khắc muốn điên lên rồi.