Tam Thi Ngữ

Chương 1: Hồn đè quan tài

Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, từ nhỏ tôi sống cùng ông nội. Trong nhà chỉ có hai phòng ngủ, ba mẹ một phòng, tôi và ông nội ngủ một phòng. Cuộc sống cứ duy trì như vậy cho đến ngày tôi vào đại học.

Khi tôi vào đại học được một năm thì ông nội đột ngột qua đời, không có dấu hiệu báo trước, chỉ đơn giản là đi ngủ một giấc sau đó không bao giờ tỉnh lại. Thời điểm tôi chạy từ trường học về đã là sang ngày hôm sau, linh đường của ông nội đã được dựng lên tại nhà chính. Tất cả mọi thứ được an bài ngăn nắp trật tự.

Sau khi về đến nhà chuyện đầu tiên tôi làm là đi tới muốn xem mặt ông nội lần cuối. Người lớn trong nhà đem nắp quan tài mở ra, tôi nhìn thấy ông nội nằm an tĩnh ở đó, cả khuôn mặt đã tái nhợt, nhưng môi dưới vẫn hé mở, hình như có điều gì muốn nói.

Tôi liền hỏi bác cả, ông nội vẫn luôn mở miệng có phải còn di nguyện chưa nói hết hay không? Bác cả nghe tôi nói xong liền trừng mắt dạy dỗ tôi một hồi, còn quát tôi không được nói lung tung.

Tôi hoàn toàn không biết bác vì sao lại đột nhiên nổi giận, ngại chỗ đông người không tiện gặng hỏi, tôi chỉ đành im lặng.

Bác hai trở về muộn hơn so với tôi. Lúc bác ấy trở về đã là chín giờ tối. Bác làm cảnh sát ở một tỉnh khác, công việc bộn bề không thể xin nghỉ sớm hơn. Người trở về việc đầu tiên là nhìn mặt người đã chết, tôi cũng đi theo bác ấy nhìn nhìn, lại phát hiện ông nội vẫn mở miệng, không chỉ vậy tôi còn mơ hồ cảm thấy miệng ông mở còn to hơn lúc tôi trở về.

Bác hai hẳn cũng chú ý tới điểm này, tôi nghe bác ấy nói chuyện với bác cả “miệng cha sao lại mở như vậy? Có cách nào khép lại hay không?”.

Bác cả nhấc mắt, nhìn xung quanh. Thấy không ai để ý tới mới nhỏ giọng nói “Đã thử mọi cách rồi nhưng đều không được”.

Bác hai nghĩ nửa ngày, đi qua lấy một chiếc khăn lông nhúng vào nước ấm đắp lên má ông nội, định để cho các cơ trên mặt giãn ra khiến miệng ông từ từ khép lại. Khăn lông được đổi tới đổi lui vài lần, sau đó bác hai lấy tay thử khép miệng ông nội lại. Không nghĩ tới biện pháp này thế mà lại dùng được, miệng từ từ khép lại nhưng oái oăm thay miệng lại bị méo.

Ông nội tôi lúc sống cũng chưa bao giờ độc miệng với ai, sau khi chết sao lại méo miệng được? Chẳng lẽ ông thật sự có di nguyện chưa được hoàn thành?

Một phòng người chen chúc chứng kiến cảnh này, ai cũng khóc rống lên

.

Chờ khi tiếng khóc đã vơi đi, mọi người đều đã bình tĩnh lại, bác hai lại hỏi, “Trong miệng có để bạc vào không?” (Đây là truyền thống ở nơi tôi, sau khi chết phải để bạc vào trong miệng).

Mẹ tôi nói “Có thả”. Lúc ấy không ai tìm thấy bạc mà ông nội chuẩn bị từ trước nên mẹ tôi liền lấy đôi hoa tai bạc của mình đặt vào trong miệng ông.

Ròng rã mấy ngày, bác cả và bác hai lần lượt thay phiên nhau túc trực bên quan tài của ông. Chỉ có ba tôi một mực quỳ gối, mặc cho mọi người khuyên ngăn.

Ông nội tôi có ba người con trai, ba tôi là con út, tình cảm với ông nội cũng rất tốt đẹp. Lúc còn sống ông nội tôi không đi đâu chỉ thích ở nhà cùng chúng tôi. Mọi việc chăm sóc ông nội đều do một tay ba tôi làm. Mọi người cũng biết tình cảm của ba tôi và ông nội sâu đậm nên cũng không khuyên ngăn nữa.

Ông nội được đặt tại nhà tròn năm ngày, sang ngày thì sáu thì đưa lên núi.

Trước khi đi thầy phong thuỷ làm lễ mở nắp quan tài để gia đình nhìn ông nội một lần cuối, đại ý tiễn đưa ông đi đoạn đường cuối cùng. Khi đó mới năm giờ, trời hãy còn tờ mờ chưa sáng hẳn. Lúc mở nắp quan ra người thân xung quanh đồng loạt hít vào một ngụm khí lạnh.

Sắc mặt ông nội xanh mét, miệng không hề khép lại. Tôi thấy so với ngày hôm trước miệng ông mở càng to hơn. Kích cỡ này so với miệng người bình thường là to hơn rất nhiều, đến nỗi cằm ông suýt nữa đã dán vào ngực.

Tất cả mọi người đều bị hình ảnh này doạ sợ. Ngay cả thầy phong thuỷ cũng không có biện pháp gì, ông ấy nói bản thân chưa từng thấy qua chuyện như vậy. Lát sau còn hỏi bác cả làm sao bây giờ?

Bác cả, bác hai, và ba tôi, ba anh em thương lượng một hồi cuối cùng vẫn giữ nguyên kế hoạch ban đầu, nâng quan lên núi.

Tới nâng quan cho ông nội đều là các thanh niên trai tráng trong thôn, ở đây nhà ai có thân nhân qua đời đều tìm bọn họ giúp đỡ. Bởi vì nơi đây có tục lệ một khi quan tài đã được nâng lên không được nghỉ giữa đường cho nên cần một mạch đi lên núi. Vì vậy người nâng quan yêu cầu là người cao lớn khỏe mạnh. ( Nơi đó của chúng ta không dùng thủ tục hỏa táng, toàn bộ là thổ táng)

Thầy phong thuỷ tiến hành làm lễ, bốn người trai tráng đứng ở bốn phía quan tài, lần lượt xỏ dây thừng rồi l*иg cây gậy gỗ vào giữa sau đó đặt lên vai. Đợi thầy phong thuỷ ra lệnh một tiếng lập tức có người đứng bên cạnh cầm pháo hoa chuẩn bị châm lửa.

Thầy phong thuỷ cầm lên cái kiếm gỗ đào, ở trên pháp đàn chém mạnh xuống một kiếm, miệng hô to “Khởi quan!”

Người cầm pháo dùng lửa châm một cái, pháo hoa bắn ra kêu bùm bùm. Bốn người trai tráng nâng quan hét to một tiếng “Khởi”, chỉ nghe tiếng dây thừng kêu lên kẽo kẹt, bốn người ngồi xổm lấy đà nhưng qua một lúc vẫn không thẳng chân đứng dậy được.

Quan tài không nâng lên được!

Sắc mặt ba tôi lập tức biến đổi, phía người nâng đã chuẩn bị gửi gắm chút tiền, vậy mà không nghĩ tới bọn họ lại làm không được việc. Nhưng sự tình cấp bách ba tôi cũng không tiện trách móc, lập tức đi chuẩn bị thêm bốn bao lì xì định đưa tới tiếp cho bọn họ.

Nhưng không nghĩ tới bốn người kia nhất quyết không nhận. Một người trong đó còn dõng dạc nói ông cụ ở trong thôn này là một trưởng bối, tất cả mọi người đều rất kính trọng, không có chuyện bọn họ bỏ qua sự kính trọng ấy mà không chịu dùng hết sức nâng quan tài. Nhưng vấn đề là quan tài này quá nặng, cho dù có cho thêm bao lì xì bọn họ cũng không nâng lên được.

Ba tôi bất đắc dĩ đành đem bao lì xì cất ngược lại trong túi, nhưng trên mặt lại là gấp đến muốn chết.

Trong đội ngũ tiễn đưa linh cữu có không ít thanh niên trai trẻ, bọn họ nghe thấy quan tài vì nặng quá nâng lên không được liền chủ động xin giúp đỡ. Vì thế mọi người lại quấn thêm một cái dây thừng, cũng thêm cả một cái gậy, lặp lại trình tự một lần nữa.

Nhưng sau lúc pháo hoa vang lên, quan tài vẫn không một chút xê dịch.

Lần này tất cả đều phát hoảng , trong đám đông cũng bắt đầu xuất hiện những âm thanh xì xầm. Nói rằng ông nội tôi chắc chắn có tâm nguyện gì đó còn chưa bỏ xuống được.

Ba tôi lo lắng mọi người trong thôn đồn thổi linh tinh vì vậy cùng bác cả đón lấy hai đầu gậy, hai anh em họ cùng nâng.

Tám người, tận tám người nhưng vẫn không nâng được.

Tôi nghe thấy thầy phong thuỷ kia hô lên một tiếng. Ban đầu ông ta cũng nghĩ do người nâng quan chưa dùng hết sức lực, nhưng hiện tại sắc mặt ông ta đột nhiên thay đổi.

Tôi thấy ông ta chạy tới bên cạnh ba và hai bác, hỏi ông cụ trước khi mất có phải có tâm nguyện gì đó chưa làm được hay không.

Ba tôi và hai bác đều nói không có, bình thường ông vẫn ăn ngon ngủ kĩ, không có tâm nguyện gì chưa làm xong cả.

Ba người họ lại suy nghĩ một hồi lại hướng về phía người nâng nói chuyện lần nữa. Nhưng sáu người này dùng bao nhiêu sức lực vẫn không nâng lên được. Cuối cùng ba tôi quỳ gối trước quan tài, vừa dập đầu vừa nói “Cha, nếu cha còn điều gì muốn dặn dò buổi tối hãy tới báo mộng cho con. Hôm nay cha không chịu rời đi chúng con không yên lòng”. Bác cả, bác hai, cả tôi cũng quỳ xuống. Phía sau con cháu trong dòng họ ba đời thấy vậy cũng đồng loạt quỳ theo. Tiếng khóc vang lên, bi thương nhuộm cả một mảng.

Sự tình nói đến cũng thấy thật là lạ. Sau màn quỳ lạy này, quan tài lúc trước tám người nâng không được bây giờ sáu người nâng liền lên.

Ba tôi lo lắng sự tình thay đổi, chạy thật nhanh về phía trước đưa đoàn người lên núi.

Dọc đường đi tôi thấy ba ngay cả thở mạnh cũng không dám, hai mắt nhìn chằm chằm vào quan tài, như là sợ ông nội đổi ý không chịu đi nữa!

Rất may quan tài thuận lợi được đưa vào lòng đất, cũng không phát sinh thêm bất cứ chuyện gì.

Mồ mả đắp xong, người lớn yêu cầu đám con cháu đời thứ ba như chúng tôi về trước, không được ở lại nơi đó. Nghe nói đây là tập tục từ lâu truyền xuống. Tôi theo đám anh chị họ trở về nhà. Giữa nhà linh đường vẫn còn, nhưng ông nội thì đã ra đi mãi mãi. Trong lòng tôi khó chịu, đầu mũi chua xót, nước mắt cũng không nhịn được mà lăn dài.

Mẹ tôi nhìn thấy tôi đứng đó khóc, lập tức kéo tôi sang một bên dạy dỗ một trận, bà nói rằng đưa tang ngày đầu tiên không được khóc. Tôi không rõ ý bà là gì, nhưng vẫn cố kìm nén lại. Mãi sau này mẹ tôi mới nói với tôi, ngày đầu đưa tang nếu khóc người chết sẽ thương tâm lưu luyến không chịu rời đi.

Đêm xuống, tôi ngủ trong căn phòng lúc trước, cảm giác như ông vẫn luôn ở bên cạnh mình. Trước kia cứ đến mùa hè, khi đi ngủ ông nội luôn cầm cây quạt quạt cho tôi ngủ, nhưng từ giờ về sau những ngày tháng như vậy sẽ không còn nữa. Nghĩ đến ông nội nước mắt tôi lại muốn trào xuống, nhưng bên tai vẫn văng vẳng lời mẹ nói, tôi lại nhịn không được khóc. Nếu ông nội luyến tiếc tôi mà không rời đi thì làm sao bây giờ?

Lúc bản thân đang dần chìm vào giấc ngủ, tôi nhìn thấy ông nội mình đi tới, nằm xuống bên cạnh tôi, hệt như lúc trước vậy. Ông nội nằm nghiêng người, cánh tay đưa qua đưa lại như đang quạt gió, nhưng kì lạ là trong tay ông không cầm quạt. Tôi dụi dụi mắt cho tỉnh mới cẩn thận nhìn lại ông. Lúc này ông đang mở miệng thật to, sắc mặt xanh mét, trên người còn mặc một thân áo liệm, là bộ quần áo ngày hôm nay đã hạn táng theo ông.

Sau đó tôi nhìn thấy miệng ông nội khẽ giật.

“A!!!!!” Tôi sợ hãi đến mức hét lên, ngay lập tức mở to mắt ra. Thật may, đây chỉ là một giấc mộng.

Bên ngoài cửa sổ trời còn chưa sáng hẳn. Tôi duỗi tay sờ sờ gối bên cạnh tìm di động định xem mấy giờ rồi. Nhưng di động đâu không thấy, lại sờ thấy một khuôn mặt lạnh băng. Tôi từ từ quay đầu lại, nương theo ánh sáng mỏng manh bên ngoài chiếu vào, tôi nhìn thấy rõ ràng đó là khuôn mặt ông nội với cái miệng đang há to. Mà tay của tôi, vừa khéo đặt bên trong miệng ông…