Thiên Tài Bên Trái, Kẻ Điên Bên Phải

Chương 11: Mãi mãi, mãi mãi

Trong một lần điều tra sơ bộ trước quá trình trị liệu, theo thói quen tôi đến tìm người nhà bệnh nhân để tìm hiểu tình trạng bệnh hiện tại. Gia đình chưa kể hết tôi đã nhận ra đây là kiểu bệnh nhân đau đầu nhất. Với trình độ y học hiện nay, tình trạng bệnh đó gần như không có cách giải quyết, chỉ có thể trông chờ vào vận may, rất đáng buồn.

Sau một lúc nói chuyện phiếm với bà lão, tôi cảm thấy đầu óc bà khá tỉnh táo, tinh thần cũng khá tốt, chỉ là có lúc nói chuyện không đầu không đuôi.

Tôi: “Dì dạo này khí sắc tốt hơn nhiều rồi.”

Bà cười: “Đến tuổi này rồi, không còn đẹp nữa, khí sắc không tốt thì thành bà phù thuỷ à? Ha ha.”

Tôi: “Bệnh năm ngoái của chú... đỡ hơn chưa?”

Bà: “Đỡ nhiều rồi, đợt nằm bệnh viện đấy làm dì lo quá. Dì tuổi cao, cơ thể không còn khoẻ nữa, chịu không nổi vất vả, nhưng cũng không bỏ mặc ông ấy được. Cũng may giờ không còn vấn đề gì nữa, ông ấy hồi phục nhiều rồi. Nhưng ông ấy vẫn thường xuyên cảm thấy khó thở, đang nằm nghỉ trong phòng đấy.”

Tôi liếc căn phòng trống trơn: “Không sao, Văn Đào (con trưởng của bệnh nhân) bận, bảo cháu đến thăm dì thay cậu ấy, tiện mang đồ qua.”

Bà: “Dì biết tụi trẻ các cháu giờ bận nhiều việc, cuộc sống lúc nào cũng áp lực. Nhưng mấy đứa nhà dì gần đây rất chăm về nhà, chắc không yên tâm hai ông bà già. Thật ra mọi việc đều ổn, các cháu cứ lo việc của mình, rảnh qua chơi là chú và dì vui rồi.”

Tôi: “Dì, cháu hỏi dì một việc, dì nhớ thời gian này năm ngoái dì đang làm gì không?”

Bà lão tự lẩm bẩm, cau mày suy nghĩ.

Bà nhìn tôi hoài nghi: “Năm ngoái? Tầm này? Hình như đón chú xuất viện... Nhưng những việc sau đó dì không nhớ...”

Tôi: “Năm ngoái tháng mấy chú xuất viện ạ?”

Bà: “Đầu tháng năm...”

Đầu tháng năm theo người nhà bệnh nhân nói là thời điểm bố họ qua đời.

Lời kể của người nhà bệnh nhân mấy ngày trước: “Bố tôi mất năm ngoái, chúng tôi ai cũng buồn, nhất là mẹ tôi. Mấy lần chúng tôi còn tưởng mẹ sẽ đi theo bố vì khóc quá nhiều... Một năm trở lại đây, mấy anh chị em chúng tôi thường xuyên đưa các cháu đến chơi với bà, nhưng mẹ tôi vẫn không đỡ hơn, toàn cứ nhắc tới là mắt lại đỏ... Mấy hôm trước về nhà, mở cửa ra thấy mẹ tôi khí sắc rất tốt, tôi vui lắm, nhưng vừa vào nhà tôi sợ quá. Di ảnh của bố tôi bị dẹp đi, cốc trà bố hay dùng lại được bày ra, mẹ còn bảo tôi ngồi nói chuyện với bố để mẹ đi nấu cơm. Chúng tôi nhìn khắp nhà, trong nhà chỉ có một mình mẹ tôi, nhưng dù chúng tôi nói thế nào mẹ cũng làm như không nghe thấy... Lúc ăn cơm, mẹ tôi bày thừa ra một bộ bát đũa, gắp thức ăn bỏ vào bát đấy suốt, rồi còn nói chuyện với chỗ trống đó... Tôi đã hỏi rất nhiều người, họ đều nói vong hồn bố tôi quay về ám mẹ tôi, nhưng chúng tôi không tin. Bố mẹ tôi trước giờ tình cảm rất tốt, ngày xưa cùng nhau đi du học, cùng nhau về nước, rồi cùng bị chỉ trích... tuy bình thường cũng có lúc cãi nhau, nhưng không hề có mâu thuẫn gì lớn, đã bao nhiêu năm như vậy... Tôi nghĩ do mẹ tôi không chấp nhận được hiện thực, thần kinh có chút...”

Vậy là, được sự nhờ vả của người nhà bệnh nhân, tôi đến nhà bà.

Tôi: “Đúng vậy, khoảng thời gian này năm ngoái, tháng Sáu, dì không nhớ đã làm gì à?”

Bà nghĩ một lúc, đột nhiên nhớ ra: “Đúng rồi! Dì nhớ rồi, năm ngoái là kỷ niệm 40 năm ngày cưới của dì và chú, hai vợ chồng còn định rủ đồng nghiệp cũ tổ chức một buổi tụ họp nhỏ, tiếc là sức khoẻ ông ấy yếu quá, không tổ chức nữa.”

Tôi: “Vậy dì có gọi điện cho đồng nghiệp cũ thông báo huỷ họp mặt không?”

Bà: “Dì còn tâm trí nào nữa đâu, dì bận chăm sóc ông ấy mà, nên dì dặn con trai trưởng gọi điện. Dì không nhớ nổi nữa! Một năm này dì chỉ lo chăm sóc chú, ngày nào cũng như ngày nào, thành ra không nhớ được nhiều chuyện nữa, dì đang nghĩ sao đột nhiên trí nhớ lại kém vậy...”

Tôi nặng nề nhìn bà, không biết nên mở lời thế nào. Cách bài trí trong nhà đều dành cho hai người: ghế, dép, kính lão...

Bà nhẹ nhàng nhìn tôi: “Dì không sao, mấy năm nay sức khoẻ dì rất tốt, giờ chăm sóc ông ấy cũng coi như trả tình trả nghĩa. Hồi đó đi du học, dì không quen khí hậu, đều là chú chăm sóc dì, lúc đó dì cảm động lắm, không ngờ giờ ông ấy lại đòi nợ. Ha ha ha.”

Nói chuyện một lúc lâu, bà vẫn cho rằng chồng mình còn sống, tôi định nói rõ nhưng lại không có thời điểm thích hợp, cũng không nhẫn tâm mở lời. Sau đó bà chia sẻ năm này kỷ niệm 41 năm ngày cưới, bà không định mời khách nữa, chỉ tổ chức trong nhà với nhau.

Tôi: “Dì ơi, gần đây ban đêm dì ngủ có ngon không?”

Bà: “Cũng được, gần đây dì ngủ khá tốt, toàn ngủ một mạch đến sáng. Trước dì bị suy nhược thần kinh, có chút tiếng động là tỉnh rồi.”

Tôi: “Còn chú?”

Bà: “Ông ấy vẫn vậy, có sét đánh ngang tai cũng không tỉnh, toàn ngủ đến khi trời sáng... Gần đây ông ấy không dậy lúc nửa đêm để đọc sách nữa nên cũng không làm ồn đến dì như trước...Sách của ông ấy... mấy hôm này dì không tìm thấy, không biết có quên ở bệnh viện không. Bệnh viện...”

Tôi: “Chú có nói chuyện với dì không?”

Bà: “Có chứ, cứ chậm chậm thôi, ông ấy nói xong một câu là dì kịp đun sôi ấm nước rồi, ha ha ha... Đúng rồi, dì mang nước cho ông ấy đã, cháu đợi chút.”

Tôi: “Ừm, cháu có thể vào không?”

Bà đứng dậy: “Được chứ, đi, ông ấy quen ngồi ở cái ghế lớn trong phòng ngủ đằng kia.”

Tôi vào phòng cùng bà, cái ghế lớn bà nói đang trống không, trên ghế đặt một chiếc áo khoác, một cuốn sách. Bà hướng về cái ghế trống giới thiệu tôi, sau đó nhìn cái ghế bắt đầu nói các chuyện linh tinh, khung cảnh rất kỳ dị, tôi từ từ lùi ra ngoài.

Nhà đôi kiểu cũ chỉ có hai phòng và một sảnh nhỏ, tôi đành quay lại căn phòng kia. Tôi để ý thấy cạnh cái ghế bà lão vừa ngồi có một chồng thiệp dày, tiện tay tôi cầm lên xem, đều là thiệp ông bà tặng nhau suốt những năm qua: sinh nhật, năm mới, tết, kỷ niệm ngày cưới... Vừa định đặt chồng thiệp về chỗ cũ, tôi nhìn thấy một tấm thiệp nằm ngay trên đầu, theo ngày tháng ghi trên thiệp thì viết từ năm ngoái. Trên tấm thiệp là hàng chữ viết tay nắn nót, sạch đẹp, có vẻ là chữ của bệnh nhân. Xem xong, tôi cất tấm thiệp đi.

Khi bà lão từ trong phòng đi ra, tôi đổi ý, chỉ nói thêm vài câu rồi đứng lên xin phép đi về. Vài ngày sau, bác sĩ chủ trị cho bệnh nhân hẹn người nhà tới gặp, dặn họ cố gắng đến đông đủ. Sau khi khách quan đánh giá tình trạng và đưa ra phán đoán của mình, tôi chia sẻ với họ suy nghĩ của mình: Tôi hy vọng họ cân nhắc thêm về vấn đề nhập viện điều trị, cá nhân tôi đề nghị chỉ cần tĩnh dưỡng là chủ yếu. Sau đó tôi lấy tấm thiệp kia đưa cho họ xem. Mấy người truyền tay nhau đọc, sau đó tất cả trầm mặc, chỉ gật gật đầu.

Tối đó về nhà, tôi tìm sổ ghi chép, đọc lại lần nữa dòng chữ tôi chép từ tấm thiệp.

Từ khi đắm chìm trong những phân tích logic và phân biệt của lý trí, tôi chưa từng cảm thấy tình cảm lại quan trọng như vậy.

Tôi cảm thấy tình cảm rất nhỏ bé, không huy hoàng, cũng chẳng lẫm liệt, nhưng dù chỉ là một câu rất ngắn cũng khiến tôi rung động. Tôi biết đoạn văn này rất khô khan, bình thường, không có thế giới huyền mỹ hay những suy nghĩ đầy màu sắc, nhưng tôi vẫn muốn thử dùng văn chữ ngây ngô và tài nghệ yếu kém của mình, tuỳ hứng viết ra, vừa để kỷ niệm tình cảm chân thành của đôi vợ chồng già, vừa dùng câu viết trong tấm thiệp kia làm câu kết cho đoạn văn này.

Nhẫn trên ngón tay không còn lấp lánh

Váy cưới trong tủ sớm đã phủ bụi

Dung nhan chúng ta đều từ từ già đi

Nhưng tình cảm đó vẫn không thay đổi

Cảm ơn mỗi ngày anh mang đến cho em

Chính vì có anh

Em mới có dũng khí nói rằng

“Mãi mãi, mãi mãi.”