Chương 8.
Cô Hà thở dài thườn thượt trước thái độ không giống ai kia của Hoàng, biết là khó mà có thể khuyên nhủ cậu học sinh này nên cô tiếp tục cho hai anh em làm thử nốt phần trắc nghiệm.
Sau khi làm xong, Tuệ Lâm dọn dẹp mấy thứ đem vào trong nhà thì Hoàng lại gần nói với nhỏ cô Hà:
- Cô không cần nghĩ quá nhiều về việc xảy ra vừa nãy! Có thế nào cũng là chuyện của em và bạn ấy!
- Em nói vậy mà được sao?
- Nếu cô còn thời gian thì để đó dưỡng sức đi, còn không thì phụ đạo riêng cho em!
- …
Lần thứ hai cô Hà chỉ biết im lặng trước cậu học sinh ngang ngạnh này, vẻ mặt bất lực của cô hiện rõ, nhưng Hoàng lại chẳng mảy may để ý mà thản nhiên hỏi một câu:
- Cô đã có bạn trai chưa?
Cô Hà định mắng cho Hoàng một trận vì hỏi câu không liên quan, nhưng đúng lúc này thì Tuệ Lâm đi ra nên cô giục hai anh em:
- Muộn rồi! Hai em về đi!
Tuệ Lâm gật đầu chào cô nhưng Hoàng thì lại nhăn nhở nói ý tứ:
- Em còn bài tập khó, lát về em nhắn tin hỏi cô nhé?
- Muộn rồi! Để buổi ôn tập sau tôi sẽ trả lời em!
- Mới có hơn 9h mà cô, mọi hôm cô vẫn giúp em mà!
- Nhưng nay tôi hơi mệt!
Cô Hà biết rõ ý định đùa cợt của Hoàng nên từ chối thẳng thừng, Tuệ Lâm không rõ nội dung câu chuyện nên khi nghe cô Hà nói vậy thì trách mắng anh họ:
- Anh vừa phải thôi, cô dạy cả ngày mà anh cứ làm phiền nhiều thế nhỉ?
Hoàng nhún vai rồi nổ máy nhắc Tuệ Lâm lên xe đi về. Cả đoạn đường dù cho Tuệ Lâm lảm nhảm nhắc nhở thì Hoàng cũng chỉ im lặng không lên tiếng. Lúc về tới nhà, Hoàng đi tắm luôn, canh giờ cô Hà nằm nghỉ ngơi liền lấy máy nhắn tin:
- Cô chưa trả lời câu hỏi khi nãy của em!
Tin nhắn gửi đi được vài phút mà chưa có phản hồi lại, không từ bỏ dễ dàng, Hoàng kiên trì nhắn tiếp:
- Nếu cô không trả lời em thì em sẽ làm phiền cả đêm đấy!
- Rốt cuộc là em muốn gì? Học không lo học bắt đầu lại dở tính khí ngang ngược ra à?
Cứ tưởng cô Hà không thèm nhắn lại cơ, nhưng mà cô đã phản hồi, kể ra cô cũng có nhược điểm đáng yêu đó! Hoàng nằm trên giường mỉm cười rồi tiếp tục soạn tin gửi đi:
- Em vẫn học tốt đấy chứ! Chỉ là muốn quan tâm cô giáo của mình chút thôi!
- Việc đó có quan trọng ư?
- Với ai em không biết, nhưng với em thì rất có thể!
- Hoàng! Tôi yêu cầu em bớt nói mấy lời linh tinh, để tâm vào việc học đi!
- Nếu cô trả lời em thật lòng, em hứa sẽ học tốt!
- Vậy em cứ thi tốt nghiệp xong đã, đạt điểm tối đa tôi sẽ có câu trả lời em cần!
- Cô không được nuốt lời!
- Em thấy tôi thất hứa bao giờ chưa?
- Vậy, em cũng không để cô thất vọng về điểm thi của mình!
- Làm tốt rồi hãy nói!
- Chúc cô ngủ ngon!
Cô Hà không trả lời mà chỉ gửi lại cái icon mặt cười, kết thúc cuộc đối thoại bằng tin nhắn, Hoàng đặt điện thoại lên bàn rồi đi ra khỏi phòng, đôi chân cứ hướng lên tầng ba quen thuộc.
Căn phòng này chín năm về trước thật ấm cúng, vui vẻ biết bao nhiêu, nhưng bây giờ thật lạnh lẽo, chỉ còn chút hơi tàn của nhang khói! Đứng trước tấm di ảnh của Minh Nguyệt, nhìn nụ cười hồn nhiên của chị gái mình mà bao kí ức lại ùa về…
Những năm còn học cấp 1 thì ba anh em nhà Hoàng thật sự đã rất vui, Minh Khánh đúng người anh cả chu toàn, chị gái Minh Nguyệt dịu dàng, ngoan hiền, học giỏi. Thế nhưng trước sự bận rộn, vô tâm của ông Nhân và những ép buộc, kỳ vọng vô lý của bà Hạnh đã khiến tâm hồn non trẻ của Minh Nguyệt dần bị hao mòn và trở lên gò bó. Từ một cô bé năng động mà Minh Nguyệt dần biến thành cô bé ít nói và trầm lặng, không còn những nụ cười tươi tắn, hồn nhiên.
Trước đấy mỗi khi đạt điểm giỏi thì Minh Nguyệt vẫn thường vui vẻ khoe với cả nhà, thế nhưng từ khi Nguyệt bước vào học cấp hai thì không còn thấy cảnh vui vẻ đó nữa, và dù cho Minh Nguyệt có đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện thì cô cũng không còn tỏ vẻ vui mừng hay hào hứng.
Bà Hạnh khi đó không để ý tới thái độ, tâm sinh lý của con gái mà chỉ biết thỏa mãn nguyện vọng của chính mình. Mặc dù thành tích của Minh Nguyệt lúc ấy rất xuất sắc nhưng cảm giác bà Hạnh vẫn chưa thực sự hài lòng.
Mục tiêu bà Hạnh đưa ra cho Nguyệt phãi thi được vào trường chuyên A, phãi đỗ kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố rồi, rồi còn nhiều mục tiêu khác nữa. Ông Nhân khi đó chỉ biết con gái học thật giỏi mới là điều ông quan tâm nên cũng không tham gia vào việc bà Hạnh bảo ban con gái ra sao.
Trong khi tuổi của Minh Nguyệt cần được nghỉ ngơi, vui chơi với bạn bè cùng trang lứa thì thời khóa biểu của Nguyệt khi đó chỉ có học, và học, thời gian xả stress, tâm sự không có. Bản thân bà Hạnh ngày nhỏ là người chủ động về việc học và quỹ thời gian của mình, bà thấy rất bình thường nên bà cũng áp đặt lên Minh Nguyệt phãi giống bà mà không cần hiểu sức lực và sự chịu đựng của mỗi người khác nhau, chính sự áp đặt vô lý đó đã khiến cho cô con gái học lớp 8 gần như không có chút tuổi thơ nào…
Minh Hoàng nhớ lại buổi tối thứ 6 của 9 năm về trước, tối đó Hoàng được chú Phúc cho quà nên hí hửng muốn lên khoe với chị gái, Hoàng chạy một mạch lên phòng của Nguyệt, giọng hồ hởi nói:
- Chị…Chị Nguyệt ơi, chú Phúc cho hai chị em mình quà này!
- …
Hoàng chìa tay đưa quà cho chị gái nhưng Nguyệt hôm đó lại dửng dưng về món quà của mình mà hỏi em trai:
- Em thích lắm hả?
- Vâng. Chị cũng từng nói thích có bộ sưu tập tranh này, chú Phúc tìm mua cho chị đó!
- Nhưng bây giờ chị không còn thích nữa, nếu Hoàng thích thì chị cho đấy!
- Cho em á?
- Ừ!
Hoàng thấy chị gái mặt buồn buồn thì bỏ hai món quà xuống bàn hỏi thăm tình cảm:
- Chị bị ốm à?
- Ừ! Chị muốn ngủ một giấc thật dài…
- Chị ốm thì nghỉ đi, đừng học nữa không đau đầu!
- Nếu chị ngủ không dậy Hoàng có nhớ chị không?
- Chị sao thế? Ngủ chán mắt thì sẽ tỉnh lại chứ, mà tỉnh lại thì chị em mình lại chơi đùa với nhau mà!
- Ừ!
Khi đó Hoàng mới là học sinh lớp 5 nên không hiểu hết những ý tứ sâu xa, với cũng không để ý hết được tâm sinh lý của chị gái mình, mà đơn giản Hoàng chỉ nghĩ chị gái bị ốm thôi. Thấy chị kêu mệt mà cứ ngồi thần người nhìn vô định ra cửa sổ thì Hoàng lại giục:
- Chị đi ngủ đi!
Tự nhiên sau câu nói đó của Hoàng thì Minh Nguyệt khóc òa lên:
- Hoàng ơi! Chị thấy mệt mỏi quá!
Thấy chị gái khóc to thì Hoàng chỉ nghĩ là chị bị ốm quá nên mới khó chịu như vậy, cậu vô tư lại gần chị mình an ủi:
- Nếu chị mệt quá thì ngủ một giấc đi, đừng có ngồi học nữa!
- Chị muốn ngủ, nhưng chị nhớ em và anh Khánh lắm!
- Ngày nào anh chị em mình chả gặp nhau! Mệt thì ngủ đi nhé! Em thương!
- Hic…hic…
- Hay là em gọi anh Khánh sang, ba anh em mình ngủ cùng cho chị khỏi nhớ nhé?
- Thôi…Không cần đâu!
- Thế thì chị nín đi! Nào, để em lau nước mắt cho! Lớn rồi còn khóc nhè!
Hoàng càng an ủi thì Minh Nguyệt càng khóc tu tu khiến cho Hoàng bối rối, dù gì Hoàng khi đó cũng chỉ là một cậu học sinh lớp 5, chỉ biết dỗ dành mấy câu đó nhưng chị gái vẫn cứ khóc mãi. Luống cuống một hồi Hoàng chạy xuống phòng gọi anh trai.
Sau khi Minh Khánh chạy lên thấy Nguyệt vẫn khóc thì đi lại hỏi han:
- Em sao vậy?
- À…Em chỉ mệt thôi!
- Thế thì nghỉ đi, không học nữa!
- Nhưng em chưa học xong, em sợ mẹ…
- Không sợ! Có anh rồi! Đi làm vệ sinh rồi ngủ đi!
Minh Nguyệt nhìn anh trai rồi lặng lẽ đi vào làm vệ sinh, thế nhưng khi Nguyệt vừa quay lại phòng chuẩn bị lên giường nằm thì bà Hạnh bước vào, thấy mới có hơn 8h mà Nguyệt đã thôi học thì bà quắc mắt nạt con gái:
- Con học hành kiểu gì thế? Mới có hơn 8h đã đòi đi ngủ là sao? Học thế này thì làm sao mà bằng con cái nhà người ta!
- Con hơi mệt mẹ ạ!
- Mệt thì uống thuốc! Mà xem nào…ba đứa tụ tập ở đây lại nói chuyện buôn dưa lê đúng không? Lại học nói dối mẹ hả?
- Con không…
Bà Hạnh lúc đó vô tình liếc ngang thì nhìn thấy hai món quà nằm trên bàn của Nguyệt, bà không nghe lời giải thích của con gái mà đi lại cầm lấy hai món quà:
- À…Thì ra là cả buổi tối mải chơi, giờ lại lý do mệt không học, đã vậy mẹ sẽ tịch thu hai món quà này lại!
- …
Nguyệt im lặng không nói nhưng Khánh thì bênh em gái, có điều anh mới chỉ nói được một từ thì bà Hạnh đã gạt phắt đi:
- Con im ngay! Mẹ đang dạy em của con!
- Mẹ! Mẹ đừng có quá đáng như thế! Học gì thì học cũng cần cho em nó nghỉ ngơi! Mà nó đang ốm đó!
- Ốm hay giả vờ? Cả ngày nay mẹ thấy nó học dấm dớ lắm đấy!
- Mẹ! Mẹ đừng có vô lý như thế được không? Tại sao mẹ không chịu nghe em nó giải thích chứ!
- …
Bà Hạnh không tranh cãi với Khánh nữa mà quay qua Nguyệt chỉ tay:
- Con nhìn gương của bạn ngồi bên cạnh lớp con mà học tập, hôm qua mẹ đi họp phụ huynh nghe cô giáo đọc bản thành tích của con nhà người ta mà ghen tị. Còn con nhà này thì hết nói dối, mặt thì lầm lì, hơi tí là khóc, không được tích sự gì!
- Mẹ! Mẹ muốn con phãi làm sao thì mới hài lòng?
- Tối nay mẹ cho nghỉ sớm nhưng từ mai học tử tế cho mẹ! Không hơn con nhà người ta thì liệu đấy!
Minh Khánh bức xúc với thái độ quá đáng của mẹ mình, anh không thể nhịn được mà nói thay em gái nhưng Minh Nguyệt lại ngước đôi mắt ướt nhìn lên anh lắc đầu tỏ ý ngăn lại. Bà Hạnh khi ấy cũng không nhận thấy mình quá đáng mà còn cố tình mang món quà chú Phúc tặng cho hai chị em đi ra ngoài.
Cánh cửa đóng cái rầm khiến cho cả ba anh em chỉ biết nhìn nhau, Khánh thương em gái rất nhiều, sợ em buồn rầu dẫn đến tiêu cực nên Khánh ngồi lại an ủi, phân tích nhưng mới nói được vài lời thì đột nhiên Minh Nguyệt đưa ra đề nghị:
- Đêm nay ba anh em mình ngủ cùng nhau được không?
Khánh tránh hỏi lại câu khiến em gái buồn, mà anh thay vào câu hỏi khác:
- Em sợ ma à?
- Vâng. Em sợ!
- Vậy đợi anh về thay đồ rồi anh sang!
- Vâng.
Khi chỉ còn lại Hoàng và Nguyệt thì Hoàng hỏi chị gái:
- Chị sợ ma thật hả?
- Ừ! Đêm nay Hoàng canh cho chị nhé?
- Vâng!
Cả Minh Hoàng và Minh Khánh không biết đó là đêm cuối cùng ba anh em được ở cùng nhau, bản thân Khánh thực sự không dám nghĩ sẽ có ngày em gái sẽ kết thúc cuộc đời của mình khi tuổi mới 14. Minh Khánh vẫn luôn bình tĩnh trước mọi việc là thế nhưng khi em gái qua đời anh phải mất mấy năm mới nguôi ngoai. Còn Hoàng khi chứng kiến Nguyệt ra đi nó đã khóc ròng cả tháng trời, sau đó trầm tính hẳn nhưng cả nhà không thể ngờ rằng khi Hoàng học hết lớp 6 thì tính khí bắt đầu ương bướng, khó bảo.
Những cuộc cãi vã với bố mẹ bắt đầu xảy ra liên tục, chống đối, bỏ học, tham gia đánh nhau, những lần bị cô giáo và nhà trường gọi phụ huynh lên làm việc còn nhiều hơn những bài thi, bài kiểm tra các môn nữa. Dù khi đó ông Nhân từ sau cái chết của con gái đã nhận ra sự thiếu sót của mình, ông đã quan tâm hai anh em rất nhiều nhưng cũng không làm cho Hoàng nguôi ngoai, bà Hạnh cũng bớt thói áp đặt, vô lý nhưng Hoàng cũng không quan tâm, một mình một kiểu. Và rồi cứ thế năm nọ qua năm kia, Hoàng vẫn lên lớp, tuy nhiên thành tích học tập thì dở tệ cho đến cuối năm lớp 12 năm đó thì Hoàng bỏ thi tốt nghiệp luôn…
Hốc mắt Hoàng đã đỏ hoe rồi mờ dần đi trước tấm di ảnh của chị gái, nỗi xót xa chất chứa bao lâu nay được dịp bùng phát, nhưng đúng lúc này có tiếng mở cửa khiến Hoàng giật mình nhìn ra. Thấy anh trai đi vào thì Hoàng tính tránh đi nhưng Khánh đã gọi lại:
- Ở lại nói chuyện đi!
- Em không có gì để nói!
- Cũng hơn 9 năm rồi, hôm nay ngồi lại cùng đi!
- Anh muốn nói gì?
- Từ đêm đó đến hôm nay ba anh em mình mới có dịp cùng nhau như này, dù Nguyệt không thể hiển diện như chúng ta nhưng em ấy vẫn ở quanh trong căn phòng!
- Anh muốn nói gì thì nói đi!
- Anh không có biện minh cho ai, bởi bản thân anh cũng có một phần trách nhiệm trong sự ra đi của Nguyệt. Nhưng chuyện cũng đã rồi, có oán trách mãi thì Nguyệt cũng không thể trở về bên chúng ta được, mà anh tin ở dưới đó Nguyệt cũng đã thông suốt rồi, không giận mọi người, cũng không giận bản thân mình nữa, vậy nên em cũng đừng bắt ép bản thân được không?
- Em không ép bản thân nhưng những ai vô trách nhiệm với chị ấy thì không đáng được tha thứ! Đừng vì mục đích của mình mà muốn người khác phải tuân theo, nhất là những người mang thân phận là cha là mẹ! Ngày đó em còn bé nên không hiểu hết, không biết chị ấy đã phải chịu đựng áp lực nhiều đến thế, em thực sự rất giận bản thân khi đó không giúp gì được cho chị ấy, để chị ấy ra đi cùng với nỗi oan ức không thể nói thành lời.
- Anh hiểu! Anh không dám hy vọng em tha thứ cho bố mẹ, cho anh ngay nhưng chỉ mong em đừng để lỡ tương lai của mình!
- Anh không có lỗi nên không cần nói nhiều, còn việc học hành của em tự em có tính toán!
- Minh Nguyệt ở dưới đó sẽ rất tự hào về em!
- Việc đó em tự cãm nhận được!
Minh Hoàng nói dứt lời liền ra ngoài trước, lúc này còn một mình Minh Khánh ở lại. Qua bao lâu rồi nhưng cứ mỗi lần đứng trước di ảnh của em gái Khánh lại không kiềm được xúc động, thương xót. Bàn tay này ngày trước vẫn hay vuốt mái tóc mềm mại, hay nhéo nhẹ đôi má phúng phính của em gái mình thì nay chỉ có thể sờ lên tấm ảnh này thôi.
Người đã ra đi nhưng nỗi đau xót vẫn còn nguyên vẹn…
Minh Khánh gục xuống trước bàn thờ của em mình, giọt nước mắt tran hòa vào không gian yên tĩnh…
- Giá như em bỏ học trốn đi đâu đó mà không phãi ở đây, giá như em được một nhà nghèo nào đó nhận về nuôi cũng được, giá như em chỉ là một cô bé ngốc nghếch…Giá như là mọi thứ…nhưng đừng có cách biệt âm dương…